Berlin (EAST SEA) Thứ Năm, Tháng Hai 4th, 2021 / 21:17

Biden và Trung Quốc: bạn hay thù?

Giáo sư Lương Văn Lý khi giới thiệu về bài phân tích này có bình luận rằng: „Đối với người Việt chúng ta, những ý kiến này thật đáng suy nghĩ, nhất là đối với những ai đang bị chính sách cưỡng bức bá quyền của TQ làm cho tầm nhìn bị che khuất mà không thấy được bức tranh toàn cảnh của thế giới. Chuyện hợp tác giữa Mỹ và TQ là điều có lợi cho Mỹ, cho TQ và cho cả thế giới, chính vì thế mà sớm muộn cũng sẽ diễn ra. Tình huống này sẽ không diễn ra nếu một trong hai nước có đủ sức mạnh để tiêu diệt sức mạnh nước kia. Điều này xét trên thực tế hiện nay và trong tương lai là có thể dự báo được rằng sẽ không khả thi. Cậy vào Mỹ để chống TQ chăng? Hay là phải tính giải pháp căn cơ hơn, dài hơi hơn để bảo vệ lợi ích của dân tộc và an ninh của đất nước dù cho tình hình thế giới biến thiên như thế nào đi nữa.“

Chúng ta đang sống trong giai đoạn ‘giải quyết hậu quả’ của cuộc bầu cử ở Mỹ đã gây phân cực nặng nề. Nay cũng phải kỳ vọng vào thời kỳ mới với thay đổi mới. Nhưng việc Biden vào Nhà Trắng sẽ đem lại điều gì mới cho quan hệ Mỹ Trung và cho các nước ở châu Á? Một trong những dấu ấn của Trump là đã mạnh tay điểm huyệt người Tàu. Ông mở trận chơi nhau bằng cuộc chiến thương mại, rồi từ đó ngọn lửa nóng cứ thế lan sang hết tất cả các lĩnh vực khác thể hiện rõ ràng bằng bài diễn văn luận tội TQ của Phó TT Mỹ Pence đọc ngày 24/10/2019:

‘Tất cả những gì Bắc Kinh đang làm – từ lập tường lửa do đảng cộng sản chỉ đạo trên không gian mạng, tới việc tới tấp xây ‘trường thành trên biển’ bằng cách đổ cát xây đảo ở biển Đông – từ cách phản bội lòng tin của Hồng Kông tới việc đàn áp dã man những người có đạo – cho thấy chính Đảng Cộng sản TQ đã tách mình khỏi thế giới cả mấy chục năm rồi’.

Bây giờ là nước Mỹ dưới thời Biden – có thay đổi hay chăng? Câu trả lời là ‘tất cả mọi sự sẽ thay đổi’. Câu trả lời cũng có thể là ‘chẳng có gì thay đổi đâu’. Cả hai câu này vậy mà đúng cả. Tất cả sẽ thay đổi – bởi vì chính thể Biden sẽ không dùng lời lẽ lăng nhục TQ như Trump đã làm. Tuy rằng Biden cũng đã từng gọi Tập là ‘tên lưu manh’ trong thời gian tranh cử, nhưng TQ sẽ thông cảm rằng vận động bầu cử kiểu Mỹ là phải nói gì mà dân Mỹ muốn nghe! Thì đến ngay Bill Clinton cũng từng có lời hứa tranh cử là ‘tôi sẽ không bắt tay với tên đồ tể Bắc Kinh’ thế nhưng khi ở Nhà Trắng lại dày công xây dựng quan hệ hữu hảo với TQ. Biden vốn là người bản tính hiền hòa, ông chẳng dại gì mà nay ở vị trí nguyên thủ lại thiếu sự tao nhã lịch lãm khi đàm đạo với đối tác TQ. Biden có bộ sậu thấu hiểu người Tàu để cố vấn cho sếp không làm điều gì để mất mặt người ta, chắc chắn là ông không lên mạng xã hội viết linh tinh, và chửi Tàu ầm ỹ như người tiền nhiệm. Có thể là lời lẽ ông nói sẽ nghe êm tai hơn, nhưng bản chất của quan hệ này có thể đoán trước là sẽ dựa trên nền tảng vẫn vậy. Bởi vì đó không phải là vấn đề tính cách cá nhân, mà là ba vấn đề này:

Một là chân lý lịch sử: Từ ngàn đời nay thế lực nào là hùng mạnh nhất (ngày nay là Mỹ) vẫn luôn muốn bóp nát thế lực cạnh tranh (ngày nay là TQ) để không để cho nó soán ngôi mình. Những hành động của Mỹ ngăn chặn TQ vươn lên là cuộc đấu đá vĩnh cửu trong địa chính trị thế giới.

Hai là vấn đề ám ảnh tự kỷ: Đáng buồn là Mỹ đương đầu với TQ cũng có cả động lực mạnh là do cách người ta cảm nhận về TQ. Nhiều thế kỷ nay, tâm lý phương Tây vẫn ngại cái ‘thảm hoạ màu vàng’ đến từ phương Đông nói chung và TQ nói riêng, chẳng hạn như cách Trump điềm nhiên gọi Covid-1 là con vi rút Tàu (Chinese virus).

Ba là vấn đề sang chấn tâm lý: Quan trọng nhất vẫn thái độ của cả hai bên Dân chủ và bên Cộng hoà cay đắng rằng TQ đã phản bội Mỹ vì TQ đã không chuyển thành quốc gia dân chủ. Kể từ thời hai bên xích lại gần nhau thời Nixon trong những năm 70 tới thời Obama vẫn nhất quán thực hiện chiến lược độc nhất là thông qua phát triển quan hệ chính trị, ngoại giao, kinh tế văn hoá và thương mại là để thúc đẩy cải cách trong nước để TQ tiến tới trở thành quốc gia dân chủ. Chiến lược này qua sáu đời TT Mỹ đã thất bại. Vấn đề bị phản bội khó mà tha thứ.

Vì những động lực sâu xa nhường ấy nên cuộc tranh giành thế lực quyết liệt giữa Mỹ và TQ sẽ còn tiếp diễn. Châu Á phải làm sao, châu Á muốn gì trong hoàn cảnh này? Mỹ và TQ nên bắt tay nhau thay vì hạ nhau. Bởi vì nhân loại đang phải trải qua thời kỳ nghèo đói mới do Covid-19 gây ra do hàng tỷ người bị ảnh hưởng bởi suy thoái kinh tế toàn cầu gây ra. Cả người Mỹ và người TQ cũng trong cảnh ấy. Chỉ có một cách duy nhất có cơ may khởi động được nền kinh tế thế giới là hai nền kinh tế mạnh nhất phải hợp tác với nhau. Chỉ cần một tuyên bố của Mỹ đình chiến cuộc chiến tranh thương mại sẽ tạo được hiệu ứng vực dậy kinh tế toàn cầu và việc làm sẽ trở lại.

Thử thách đặt ra cho nhân loại hiện nay là vấn đề trái đất ấm lên. May là Biden cùng chung quan điểm này nên sẽ coi đây là vấn đề ưu tiên. Rõ ràng đây là vấn đề cần nỗ lực chung, một mình Mỹ không gánh được, một mình TQ cũng không xong. Hai kẻ mạnh này phải bắt tay nhau mới tới được giải pháp gì khả dĩ. Nếu điều này không xảy ra, thì chúng ta là những người đành phải ngậm ngùi chứng kiến hai con King Kong đầu đàn của hai bộ lạc đánh nhau trong khi khu rừng xung quanh vẫn cháy.

Đó chính là viễn cảnh mà thế hệ sau sẽ nhìn TQ và Mỹ và những gì đang diễn ra, nếu hai kẻ này cứ nhất định chỉ tập trung vào những mâu thuẫn để đối đầu để cạnh tranh nhau trong khi ngôi nhà chung là trái đất đang phải đối mặt với thời khắc nguy hiểm khôn lường.

Chiến tranh thương mại Mỹ Trung không chỉ làm hại đời sống của người Mỹ và người Tàu mà nó còn làm cho người dân ở tất cả các nước khác cũng điêu đứng theo. Nếu biết lắng nghe, Mỹ sẽ nhận được tín hiệu rằng chẳng có quốc gia nào bây giờ muốn chọn đồng minh theo kiểu dựa vào bên này chống bên kia. Nước nào bây giờ cũng muốn được cả hai kẻ mạnh kia tử tế với mình.

Châu Á ở tình thế là chẳng ai muốn tỏ ra là chỉ nhất định chơi với TQ mà không chơi với Mỹ hoặc nhất định chỉ chơi với Mỹ mà không chơi với TQ. Tất cả các nước châu Á đều chung một ý chí là muốn bắt tay với cả hai cường quốc thế giới. Nghe có vẻ như nghịch lý thật, nhưng nhân loại đang phải đối phó với hiểm nguy, nhưng việc Biden trở thành TT Mỹ cũng lại là thời cơ mới. Nếu bộ máy mới của Mỹ vẫn chạy theo đà của tình thế cũ thì thế giới sẽ còn thảm hơn.

Nếu các nước khác ngoài Mỹ và TQ kêu lên được thật lớn và thật rõ về nguyện vọng của họ muốn hai cường quốc và hai nền kinh tế mạnh nhất này sát cánh với nhau để phối hợp giải quyết vấn đề toàn cầu là Covid-19, trái đất ấm lên thì hai kẻ đó nhất định phải lắng nghe. Các nước ở diễn đàn ASEAN nên dùng tiếng nói chung bằng tất cả mọi kênh để chuyển được thông điệp rõ ràng đó tới Washington DC và Bắc Kinh.

***

Kim Chi biên dịch

(Trên đây Kim Chi xin lược dịch bài phân tích của giáo sư Kishore Mahbubani, nhà ngoại giao lâu năm của Singapore, nhà nghiên cứu về chính trị quốc tế danh tiếng trên thế giới)

Tác giả: Giáo sư Kishore Mahbubani (sinh ngày 24 tháng 10 năm 1948 tại Singapore) là một nhà khoa học chính trị và ngoại giao Singapore. Từ năm 1971 đến năm 2004 Mahbubani phục vụ cho Bộ Ngoại giao Singapore. Ông đã từng là đại sứ tại Campuchia, Malaysia, Hoa Kỳ và Liên Hợp Quốc. Ông hiện là Giáo sư về Khoa học Chính trị tại Trường Chính sách Công Lý Quang Diệu thuộc Đại học Quốc gia Singapore.

Nguồn:

https://www.nus.edu.sg/alumnet/thealumnus/issue-124/perspectives/panorama/biden-and-china-friends-or-foes?fbclid=IwAR0I2DU1qbj0Vw5M_fBwvrb9PinGCk3IHIxU4jXxeeAPzjSwJWiNIFGiFDA

 

Aufrufe: 30

Related Posts