Berlin (EAST SEA) Thứ Năm, Tháng Hai 4th, 2021 / 12:48

Chủ nghĩ bành trướng Bắc Kinh làm Mỹ muốn lập ‘dàn hợp xướng’ ở Biển Đông

“Ông Biden cảnh báo Bắc Kinh về chủ nghĩa bành trướng” – trang The Asean Post chạy dòng tít đáng chú ý ngày 30-1. Những động thái của chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden trong 10 ngày qua đã cho thấy quyết tâm này.

Phát biểu tại Viện Hòa bình Mỹ hôm 29-1 (giờ địa phương), cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan cho biết ông Biden sẽ chung tay với các đồng minh cùng chí hướng để hình thành một “dàn hợp xướng” gồm nhiều tiếng nói có thể đẩy lùi Trung Quốc trong cuộc cạnh tranh nước lớn.

Các đồng minh của Mỹ lên tiếng

Ông Jake Sullivan đề xuất 4 bước mà Mỹ cần thực hiện để đối phó những thách thức do Trung Quốc đặt ra. Trước hết là đối phó với quan điểm được Trung Quốc truyền đạt cho rằng mô hình Trung Quốc tốt hơn mô hình Mỹ. Thứ hai, Mỹ cần “nhận ra chúng ta sẽ rất hiệu quả trong việc thúc đẩy tầm nhìn của mình” bằng cách hợp tác chặt với các đồng minh và đối tác.

Ba là, Mỹ đầu tư vào các công nghệ tiên tiến quan trọng trong tương lai như trí tuệ nhân tạo (AI), máy tính lượng tử, năng lượng sạch… Và cuối cùng là nước Mỹ “phát biểu với sự rõ ràng và kiên định” về các vấn đề liên quan Trung Quốc như Tân Cương, Hong Kong, Đài Loan và “sẵn sàng áp đặt những cái giá phải trả”.

Cũng tại sự kiện trên, người tiền nhiệm của ông Sullivan – ông Robert O’Brien – đánh giá “bộ tứ kim cương” (hay nhóm QUAD gồm Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Úc) có thể là “mối quan hệ quan trọng nhất mà chúng ta từng thiết lập kể từ NATO”.

Sau phát biểu này của ông Robert O’Brien, ông Sullivan cho biết chính quyền Tổng thống Biden “thật sự muốn đẩy mạnh” công việc đã được chính quyền tổng thống Trump khởi động liên quan nhóm này.

Trong khi đó, các đồng minh và đối tác của Mỹ cũng cất lên tiếng nói cho thấy sự ủng hộ dành cho Mỹ trong các hoạt động đối phó Trung Quốc.

Báo Guardian hôm 29-1 cho biết Úc khẳng định sẽ tiếp tục tuần tra tại Biển Đông.

“Tàu thuyền và máy bay Úc sẽ tiếp tục thực hiện các quyền theo luật quốc tế về tự do hàng hải và hàng không, bao gồm ở Biển Đông, và chúng tôi ủng hộ các nước khác làm như thế” – một người phát ngôn Bộ Quốc phòng Úc cho biết.

Hồi tháng 12-2020, ông Greg Moriarty – một quan chức quốc phòng cấp cao Úc – đánh giá Trung Quốc đã hành xử theo lối “đáng lo ngại” và gây phức tạp môi trường an ninh khi xây dựng các đảo nhân tạo trái phép và quân sự hóa các thực thể này ở Biển Đông.

Trong khi đó, phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) hôm 29-1, Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga cho biết hợp tác với Ấn Độ, Úc và Mỹ nhằm thúc đẩy một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở.

Trung Quốc: đó là “nhiệm vụ bất khả thi”

Trong một bài viết về quan hệ Mỹ – Trung hôm 29-1, tờ Thời báo Hoàn Cầu của Trung Quốc dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên: “Chưa bao giờ quá muộn để làm điều đúng đắn”.

Tờ báo Trung Quốc cũng nhắc đến chuyến thăm Mỹ lịch sử dài 9 ngày của ông Đặng Tiểu Bình vào năm 1979, nhằm kêu gọi xây dựng quan hệ Mỹ – Trung ổn định giữa bối cảnh có nhiều bất đồng hiện tại.

Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Ngô Khiêm tuần này đã gửi thông điệp mạnh mẽ tới Mỹ: Nỗ lực kiềm chế Trung Quốc là “nhiệm vụ bất khả thi”. Ông Ngô nói rằng “quan hệ quân sự Trung Quốc – Mỹ hiện ở điểm khởi đầu lịch sử mới với chính quyền ông Biden” và Washington cần đón nhận “tâm lý không đối đầu, cùng có lợi”.

Cảnh báo của Trung Quốc được đưa ra sau khi tàu sân bay của hải quân Mỹ – USS Theodore Roosevelt – lần đầu tiên tiến vào Biển Đông dưới thời ông Biden hôm 23-1 nhằm thúc đẩy “quyền tự do trên biển”.

Khoảng một tuần sau vụ triển khai này, báo Financial Times dẫn thông tin tình báo từ Mỹ và các đồng minh của Washington tiết lộ trong lúc hoạt động gần Đài Loan, các máy bay ném bom và tiêm kích Trung Quốc đã mô phỏng tấn công tên lửa nhắm vào tàu sân bay USS Theodore Roosevelt khi tàu này đi vào khu vực cuối tuần trước.

Tuy nhiên, phía quân đội Mỹ cho biết nhóm tác chiến tàu sân bay USS Theodore Roosevelt đã giám sát chặt mọi hoạt động của hải quân và không quân Trung Quốc, và phía Trung Quốc “không hề” đặt ra mối đe dọa cho tàu Mỹ trong tuần qua.

Ông Biden cam kết với châu Á

Trong nhiều cuộc điện đàm và tuyên bố trong 10 ngày qua, Tổng thống Biden cùng các quan chức an ninh hàng đầu của ông đã nhấn mạnh sự ủng hộ dành cho các đồng minh và đối tác như Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines và đảo Đài Loan, đồng thời bắn tín hiệu sẽ bác bỏ các yêu sách vô lý của Trung Quốc ở những vùng biển tranh chấp.

Đơn cử trong cuộc điện đàm với Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga, Tổng thống Biden nói rằng chính quyền của ông cam kết bảo vệ Nhật Bản, gồm cả quần đảo Senkaku/Điếu Ngư mà Trung Quốc và Nhật Bản đang có tranh chấp.

BDN

Aufrufe: 28

Related Posts