Berlin (EAST SEA) Thứ Ba, Tháng Tư 6th, 2021 / 22:15

Tàu hộ vệ tên lửa tàng hình Karakurt cực mạnh “Made in Vietnam”: Ba Son sẽ lập kỳ tích mới?

Các chuyên gia đánh giá rất cao tàu hộ vệ tên lửa Karakurt của Nga mà Hải quân Việt Nam đang quan tâm vì chúng được trang bị hỏa lực vô cùng mạnh mẽ cùng hệ thống điện tử tối tân.

Tàu hộ vệ tên lửa Karakurt: Uy lực vượt trội, là ứng viên sáng giá cho HQVN

Như đã phân tích trong bài trước, việc Hải quân Việt Nam quan tâm tới tàu hộ vệ tên lửa Karakurt thuộc Dự án 22800 mới nhất của Nga không gây ngạc nhiên lớn với giới quan sát bởi lẽ lớp chiến hạm này có nhiều ưu điểm vượt trội và phù hợp với nghệ thuật quân sự và điều kiện ngân sách cũng như khả năng làm chủ vũ khí mới của bộ đội hải quân.

Trước khi Đoàn Bộ Quốc phòng Việt Nam thăm đích danh và nghe giới thiệu sâu về các đặc tính kỹ chiến thuật của tàu hộ vệ tên lửa Karakurt (ở Nga) thì từ năm 2016 đã có thông tin cho thấy đây là một trong những ứng viên sáng giá rất tiềm năng có thể được Hải quân Việt Nam lựa chọn đóng mới.

Karakurt hội tụ đủ các yếu tố cần và đủ để xứng đáng có mặt trong biên chế Hải quân Việt Nam nhờ tính năng tàng hình tốt, hệ thống điện tử hiện đại đi kèm hỏa lực cực kỳ mạnh mẽ cả trong tấn công lẫn trong phòng thủ, nhất là có khả năng tác chiến xa bờ phù hợp với một quốc gia có đường bờ biển dài, quanh năm có sóng to, bão lớn như nước ta.

Bệ phóng thẳng đứng đa năng UKSK đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ “n trong 1” là cho phép lựa chọn cấu hình vũ khí mang tùy theo từng nhiệm vụ cụ thể.

Nhờ vậy, nếu lựa chọn lớp tàu này, Hải quân Việt Nam không nhất thiết phải trang bị thêm các lớp tàu cỡ nhỏ khác mà ưu tiên cho những tàu lớn hơn, có khả năng phòng không hạm đội, đồng thời đáp ứng tiêu chí ít nhưng tinh, tập trung vào một số lớp tàu sẽ giúp công tác bảo đảm hậu cần kỹ thuật dễ dàng hơn, tiết kiệm tối đa.

Và quan trọng hơn cả là lớp tàu Karakurt thế hệ mới này của Nga còn sở hữu một điểm vượt trội nữa là vận hành đơn giản nhưng ổn định và tin cậy theo kiểu “ăn chắc mặc bền”, đồng thời có giá thành được cho là phải chăng, phù hợp với điều kiện ngân sách quốc phòng còn khiêm tốn của nước ta.

“Sẵn nong sẵn né”: Ba Son sẽ lập kỳ tích mới?

Những dấu hiệu tích cực cho thấy tàu hộ vệ tên lửa Karakurt của Nga có thể sẽ được Việt Nam lựa chọn đóng mới.

Nếu quyết định được chính thức đưa ra thì đúng là một tin rất vui, nhưng còn tuyệt vời hơn nữa khi những con tàu hiện đại này được chính bàn tay, khối óc của những người thợ tài hoa của ngành đóng tàu quân sự Việt Nam kiến tạo.

Điều này hoàn toàn có thể xảy ra bởi lẽ với quan hệ truyền thống ngày càng tốt đẹp, nếu Việt Nam đề nghị thì phía Nga sẽ tạo điều kiện chuyển giao công nghệ để chúng ta tự đóng lớp tàu “nhỏ nhưng có võ” này ở ngay trong nước.

Tất nhiên, trước khi bắt tay vào đóng nhưng con tàu “Made in Vietnam”, có lẽ cặp tàu đầu tiên sẽ được thi công đóng mới ở Nga, qua đó các cán bộ kỹ sư, công nhân Việt Nam có thể tiếp cận quy trình công nghệ để khi về nước có thể chủ động triển khai.

Chúng ta hoàn toàn tin tưởng vào năng lực của ngành đóng tàu quân sự Việt Nam với đầu tàu chính là Tổng công ty Ba Son, đơn vị đã xuất sắc hoàn thành nhiệm vụ đóng mới 6 tàu tên lửa tấn công nhanh Molniya thuộc Dự án 1241.8 trang bị cho các đơn vị Hải quân làm nhiệm vụ bảo vệ biển đảo.

Theo Đại tá Phạm Ngọc Thiện, nguyên Tổng giám đốc Tổng công ty Ba Son: “Việc triển khai đóng loạt tàu tên lửa 12418 là dự án trọng điểm của Bộ Quốc phòng. Đây là loại tàu chiến đấu hiện đại có các tính năng vượt trội, độ phức tạp cao về kỹ thuật, công nghệ”.

Qua thực tế thi công đóng mới các tàu Molniya, đội ngũ kỹ sư, thợ kỹ thuật của Ba Son đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm và có nhiều sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, tiết kiệm cho ngân sách nhà nước tới 300 tỷ đồng.

Quan trọng là Ba Son đã làm chủ được công nghệ, nhất là công nghệ đóng tổng đoạn và tự động hóa công nghệ hàn ti-tan, những công đoạn khó nhất, góp phần rút ngắn thời gian thi công và đảm bảo chất lượng cao nhất cho từng con tàu.

Như vậy, về kinh nghiệm và đội ngũ cán bộ, công nhân kỹ thuật chúng ta đã có, tạo tiền đề rất tốt để vươn tới tiếp cận một lớp tàu tên lửa thế hệ mới, đóng mới theo chuyển giao công nghệ.

Bên cạnh đó, cơ sở vật chất hiện đại như trong mơ của Ba Son về cơ bản đã hoàn thiện sau khi tiến hành một cuộc tổng di chuyển lịch sử từ ngã ba sông Thị Nghè, tiến về Thị Vải, Bà Rịa – Vũng Tàu. Từ nay, theo thiết kế, cơ sở mới của Nhà máy đóng tàu Ba Son có thể cho ra đời những tàu tên lửa hiện đại có lượng choán nước đến 2.000 tấn.

Đại tá Phan Văn Bình, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Tổng công ty Ba Son cho biết thời gian tới đây, Ba Son sẽ tiếp tục hướng đến sản phẩm trụ điện gió, chào hàng các tàu dầu cho nước ngoài. Đặc biệt, Ba Son sẽ kết hợp với Hải quân, để xây dựng những gam tàu mới,…

Vượt qua nhiều sóng gió, với những thành tích đã đạt được, nếu được tin tưởng giao nhiệm vụ đóng mới tàu hộ vệ tên lửa Karakurt thế hệ mới, chắc chắn Ba Son sẽ tiếp nối những kỳ tích, góp phần quan trọng đưa Quân chủng Hải quân tiến thẳng lên hiện đại bằng những chiến hạm tối tân thực sự “Made in Vietnam”.

BDN

Aufrufe: 8

Related Posts