Berlin (EAST SEA) Chủ Nhật, Tháng Bảy 11th, 2021 / 17:28

Chuyên gia Đức: Phán quyết của Tòa Trọng tài PCA có giá trị sâu rộng

Ngày 9/7, Viện Á – Phi thuộc Đại học Hamburg (Đức) đã tổ chức hội thảo lần thứ tư về Biển Đông nhân kỷ niệm 5 năm Tòa trọng tài Thường trực (PCA) ra phán quyết về Biển Đông. 

Phát biểu tại hội thảo, Giáo sư, Tiến sỹ Suzette Suarez- Đại học Khoa học ứng dụng Bremen cho biết, 5 năm sau phán quyết của Tòa Trọng tài ngày 12/7/2016, Trung Quốc tiếp tục đặt câu hỏi về tính hợp pháp của thủ tục trọng tài cũng như tính hợp lệ của phán quyết PCA. Cùng với đó, Trung Quốc tiếp tục mở rộng và củng cố quyền kiểm soát tại các khu vực trọng yếu trên Biển Đông. Hành vi của Trung Quốc đã vi phạm luật pháp quốc tế và phán quyết của Tòa Trọng tài, bị thế giới lên án mạnh mẽ.

Trái ngược với quan điểm của Trung Quốc, phán quyết của Tòa Trọng tài hoàn toàn hợp pháp và có giá trị quốc tế sâu rộng cả trong lĩnh vực pháp lý và chính trị bên trong cũng như bên ngoài hệ thống Công ước quốc tế về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS). Theo Giáo sư, Tiến sỹ Suzette Suarez, phán quyết của Tòa Trọng tài đã khẳng định “đường 9 đoạn” do Trung Quốc tự tạo ra hoàn toàn không dựa trên cơ sở pháp lý nào; cơ sở pháp lý hợp pháp của các quyền hàng hải ở Biển Đông phải là UNCLOS.

Giáo sư, Tiến sỹ Suzette Suarez cho rằng phán quyết của Tòa Trọng tài năm 2016 có vai trò hết sức quan trọng trong việc phân định các giới hạn bên ngoài của thềm lục địa ở Biển Đông. Việc phân định các giới hạn của thềm lục địa là một thủ tục ràng buộc và bắt buộc trong UNCLOS. Hiện đã có 4 đệ trình từ Malaysia và Việt Nam cho các khu vực thềm lục địa mở rộng ở Biển Đông. Trung Quốc đã phản đối tất cả các đệ trình này. Đối với 2 đệ trình đưa ra trước khi phán quyết của Tòa Trọng tài được ban hành, Bắc Kinh đã phản đối và lấy dẫn chứng “đường 9 đoạn” để chứng minh, thậm chí nước này còn đính kèm bản đồ “đường 9 đoạn”. Tuy nhiên, năm 2019 khi phản đối Malaysia đệ trình hồ sơ các khu vực thềm lục địa mở rộng ở Biển Đông, Trung Quốc đã không còn đề cập đến “đường 9 đoạn” và bản đồ mô tả đường này. Việc Trung Quốc không còn đề cập đến “đường 9 đoạn” chỉ có thể giải thích là do tác động từ phán quyết của Tòa Trọng tài PCA.

Đồng quan điểm với chuyên gia Suzette Suarez, Giáo sư, Tiến sỹ Thomas Engelbert cho rằng phán quyết PCA dựa trên các quy định của UNCLOS, có hiệu lực pháp lý rộng rãi. Phán quyết này bác bỏ các tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc đối với hầu như toàn bộ Biển Đông. Trung Quốc bác bỏ phán quyết nhưng đề xuất tiến hành các cuộc đàm phán mới với ASEAN về bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).

Đến nay, các cuộc đàm phán này hầu như không đạt tiến triển nào do các bên không thống nhất được quan điểm. Mặc dù vậy, Bắc Kinh đã áp đặt ý chí và cách giải thích của mình trên thực địa. Năm 2020, Trung Quốc đã thành lập hai quận mới là Tây Sa và Nam Sa thuộc tỉnh Hải Nam. Hành động này vi phạm nghiêm trọng phán quyết PCA năm 2016 và đi ngược lại tinh thần của Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông. Nó cho thấy Trung Quốc vẫn luôn nỗ lực để giành chiến thắng tuyệt đối trong cuộc xung đột với các bên liên quan nhằm thực hiện mưu đồ độc chiếm Biển Đông.

Theo Giáo sư, Tiến sỹ Thomas Engelbert, thế giới cần lên án mạnh mẽ hơn nữa hành động vi phạm luật pháp quốc tế của Trung Quốc.

east-sea.de

 

Aufrufe: 85

Related Posts