Berlin (EAST SEA) Thứ Tư, Tháng Chín 8th, 2021 / 20:37

Phần Lan – Việt Nam: Những cơ hội hợp tác đang mở rộng

Ngày 9/9, Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam do Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dẫn đầu sẽ bắt đầu chuyến thăm chính thức Phần Lan. Đây là chuyến thăm Phần Lan đầu tiên của một vị Chủ tịch Quốc hội Việt Nam kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao, đồng thời cũng là chuyến thăm đầu tiên của ông Vương Đình Huệ sau khi được bầu làm Chủ tịch Quốc hội. Chuyến thăm hứa hẹn sẽ tạo ra những cơ hội phát triển mới cho quan hệ hợp tác Phần Lan – Việt Nam.

Phần Lan và Việt Nam chính thức thiết lập quan hệ vào ngày 25 tháng 1 năm 1973, chỉ hai ngày trước khi Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết. Khi Việt Nam đang phải vật lộn với những khó khăn do chiến tranh để lại, Phần Lan là một trong những quốc gia triển khai nhiều hoạt động viện trợ nhất cho Việt Nam với tổng giá trị khoảng 340 triệu USD. Nhiều dự án xóa đói giảm nghèo và phát triển kinh tế xã hội ở Việt Nam mang dấu ấn của Phần Lan như nhà máy sửa chữa tàu Phà Rừng ở Hải Phòng, các chương trình cải tạo hệ thống cấp thoát nước ở Hà Nội, khôi phục rừng ở Bắc Kạn và phát triển vùng nông thôn ở Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế… Việt Nam cũng là một trong 8 đối tác hợp tác phát triển lâu dài của Phần Lan.

Trường quốc tế Việt Nam – Phần Lan ở TP Hồ Chí Minh

Trong những năm gần đây, quan hệ hợp tác giữa hai nước ngày càng phát triển, trong đó kinh tế – thương mại, khoa học – công nghệ, giáo dục – đào tạo là những lĩnh vực được ưu tiên hàng đầu. Kim ngạch thương mại hai chiều tăng khoảng 3,5 lần trong 15 năm qua, đạt 337,5 triệu USD vào năm 2020. Đáng chú ý, chỉ trong 6 tháng đầu năm 2021, kim ngạch thương mại song phương đạt 285 triệu USD, tăng 61,2% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó giá trị xuất khẩu của Phần Lan sang Việt Nam tăng khoảng 20%. Hiện Phần Lan có hơn 100 doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam và 28 dự án đầu tư còn hiệu lực trị giá 23,86 triệu USD. Về khoa học – công nghệ, hai nước đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong việc triển khai “Chương trình Đối tác Đổi mới Sáng tạo Việt Nam – Phần Lan” (IPP) (2009 – 2019), Phần Lan hiện đang tập trung hỗ trợ các hoạt động nghiên cứu và phát triển của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, giúp Việt Nam đào tạo nguồn nhân lực khoa học – công nghệ, hỗ trợ một số địa phương (Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng) xây dựng mô hình “thành phố thông minh”. Về giáo dục – đào tạo, hai nước đã ký 18 biên bản ghi nhớ, tập trung chuyển giao sách giáo khoa và chương trình đào tạo trực tuyến, mở thêm trường học Phần Lan tại Việt Nam cũng như hợp tác giáo dục đại học… Việt Nam cũng là một trong những quốc gia có nhiều sinh viên theo học nhất tại Phần Lan với khoảng 2.300 du học sinh.

Tuy nhiên, thành tựu hợp tác giữa hai nước vẫn chưa tương xứng với quan hệ truyền thống tốt đẹp cũng như tiềm năng, thế mạnh của hai bên. Kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam – Phần Lan chỉ chiếm 0,67% tổng kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và EU, vốn đầu tư của Phần Lan cũng chỉ chiếm 0,33% tổng vốn đầu tư của EU vào Việt Nam. Nhiều lĩnh vực hợp tác chưa được hai nước khai thác triệt để như công nghệ kỹ thuật số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế biển, xây dựng thành phố thông minh, phát triển năng lượng sạch, thích ứng với biến đổi khí hậu, hợp tác an ninh – quốc phòng … Trong bối cảnh Hiệp định Thương mại Việt Nam – EU (EVFTA) đã có hiệu lực, Chính phủ Phần Lan và các doanh nghiệp cần nhận thức rõ những tiềm năng và cơ hội mà Việt Nam có thể mang lại, nhằm tối đa hóa lợi ích trong quan hệ với nước này.

Châu Á – Thái Bình Dương đang trở thành khu vực phát triển năng động nhất trên thế giới, trong đó Việt Nam là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh và bền vững. Với vị trí địa lý gần với Trung Quốc và các tuyến vận tải biển nhộn nhịp của thế giới, nguồn nhân lực dồi dào, thị trường rộng lớn gần 100 triệu dân, tầng lớp trung lưu nở rộ, Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế nhanh chóng. Sau 35 năm thực hiện chính sách Đổi mới, GDP Việt Nam đã tăng gấp 18 lần, thu nhập bình quân đầu người gấp 22 lần; tốc độ tăng trưởng kinh tế luôn duy trì ở mức 6 – 7%/năm. Nền kinh tế Việt Nam có độ mở rất lớn, đến năm 2020, Việt Nam đã ký 15 hiệp định thương mại tự do (FTA), bao gồm EVFTA, Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP)… Nước này đặt mục tiêu trở thành nước có mức trung bình cao trong 15 năm tới.

Với sự phát triển nhanh chóng của Việt Nam trong thời gian gần đây và tiềm năng chưa được khai thác của hai nước, nhiều cơ hội hợp tác trong quan hệ Phần Lan – Việt Nam hứa hẹn sẽ được mở ra trong thời gian tới, đặc biệt sau chuyến thăm Phần Lan của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ./.

 

THÔNG TIN TÓM TẮT VỀ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI VIỆT NAM VƯƠNG ĐÌNH HUỆ

Ông Vương Đình Huệ tuyên thệ nhậm chức CT Quốc hội

Ông Vương Đình Huệ sinh năm 1957, quê quán: Nghệ An; Giáo sư – Tiến sĩ Kinh tế, Ủy viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam, Đại biểu Quốc hội Việt Nam các khóa XIII, XIV, XV.

Ông từng là Bộ trưởng Bộ Tài chính, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Phó Thủ tướng Chính phủ Việt Nam.

Tháng 2/2020, ông Vương Đình Huệ được Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam phân công giữ chức Bí thư Thành ủy Hà Nội. Tháng 3 năm 2021, ông được Quốc hội Việt Nam tín nhiệm bầu giữ chức vụ Chủ tịch Quốc hội khóa XIV, Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia. Ngày 20/7/2021, ông Vương Đình Huệ được Quốc hội khóa XV bầu giữ chức vụ Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XV, nhiệm kỳ 2021-2026.

east-sea.de

Aufrufe: 76

Related Posts