Berlin (EAST SEA) Thứ Hai, Tháng Mười 11th, 2021 / 13:03

Lạ cho “vật thể lạ”

Dư luận đang quan tâm một sự cố vừa xảy ra: Hải Quân Mỹ vào hôm 07/10/2021 đã xác nhận, ngày 02/10, một chiếc tàu ngầm tấn công hạt nhân của họ đã va phải một “vật thể lạ” khi đang tuần tra dưới Biển Đông.

Tàu ngầm hạt nhân USS Connecticut (SSN-22) của Mỹ

Va chạm với “vật thể lạ” là tàu ngầm hạt nhân USS Connecticut (SSN-22) của Mỹ. Không mấy khó khăn, các chuyên gia đọc vanh vách thông tin về tàu ngầm này. USS Connecticut là một trong 3 tàu ngầm lớp Seawolf của Hải quân Mỹ. Với giá khoảng 3 tỷ USD mỗi chiếc, nó chắc chắn là một trong những tàu ngầm tối tân nhờ liên tục được nâng cấp công nghệ, cập nhật phần mềm điều khiển mới nhất, dù hạ thủy, biên chế hải quân Mỹ từ năm 1998.

Tàu nặng 9.300 tấn, dài 107,6 m và rộng 12 m, có thủy thủ đoàn gồm 140 thành viên, được cung cấp năng lượng nhờ một lò phản ứng hạt nhân duy nhất. Sức mạnh hỏa lực của USS Connecticut thật đáng sợ. Với kích thước còn lớn hơn cả tàu ngầm tấn công lớp Virginia mới nhất, USS Connecticut có thể mang theo nhiều vũ khí hơn các tàu ngầm tấn công khác của Mỹ, trong đó có khoảng 50 ngư lôi và các tên lửa hành trình Tomahawk.

Mượn miệng một quan chức giấu tên, chỉ sau gần 1 tuần, khi USS Connecticut nổi lên mặt nước, công khai treo cờ Mỹ và “lết” về căn cứ hải quân ở đảo Guam, Washington mới tiết lộ hậu quả sự cố một cách dè sẻn. Theo đó, có 15 người bị thương nhẹ, như bị bầm tím và có vết rách; trong đó có hai  thương tích được xếp vào loại “trung bình”.

Đoán biết điều dư luận quan tâm nhất với một tàu ngầm hạt nhân gặp sự cố, phía Mỹ trấn an: “Tàu ngầm vẫn ở trong trạng thái an toàn và ổn định”; “Thiết bị lò phản ứng hạt nhân của USS Connecticut không bị ảnh hưởng, vẫn đang hoạt động bình thường”.

Nghĩa là, sẽ không có một vụ rò rỉ phỏng xạ nguy hiểm xảy ra.

Kiểu lấp lửng của Mỹ càng làm dư luận thêm sốt ruột. Điều họ muốn biết, “vật thể lạ” là gì? Của ai? Tại sao một tàu ngầm tấn công tối tân của một siêu cường như Mỹ mà không phát hiện được? Cái gọi là “vật thể lạ” thật sự do chưa xác minh được, hay có ẩn ý gì ở đây?

Địa điểm không cụ thể, nhưng một trang mạng tiếng Trung, có tên Hoa ngữ Đa Chiều, ngày 9/10 đưa tin, hôm 3/10, vệ tinh Planet đã phát hiện một tàu ngầm, nghi là chiếc USS Connecticut, ở trạng thái đang tự di chuyển trên mặt biển ở cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 48,7 hải lý về phía đông nam.

Lại Hoàng Sa – một vị trí quá ư nhạy cảm, vì đây là vùng biển “nóng”. Quần đảo Hoàng Sa vốn thuộc Việt Nam, nhưng bị Trung Quốc cưỡng chiếm năm 1974.  Khu vực này, Trung Quốc không chỉ khai thác hải sản mà còn thường xuyên có các hoạt động khảo sát, thăm dò địa chấn và theo dõi hoạt động quân sự của các quốc gia, nhất là các cường quốc phương Tây bấy nay cứ “nhảy” vào thách thức các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc, khiến Bắc Kinh vô cùng khó chịu.

Để thực hiện các mục tiêu đó, rất có thể Trung Quốc từng “thả” những thiết bị do thám đặc biệt. Chính thế, không ít người cho rằng, nhiều khả năng, cái gọi là “vật thể lạ” mà USS Connecticut va phải, là một thiết bị thủy âm, dùng do thám tàu ngầm mà Trung Quốc rất quan tâm phát triển và ứng dụng trong những năm gần đây.

Như có tật giật mình, mới nói gần, nói xa, Trung Quốc đã nhảy dựng lên. Tại cuộc họp báo quốc tế thường kỳ ngày 8/10, ông Triệu Lập Kiên – người phát ngôn Ngoại giao Trung Quốc khó chịu: “Trung Quốc bày tỏ quan ngại nghiêm trọng về sự cố”; và rằng: “Mỹ, với tư cách là bên liên quan, nên làm rõ các chi tiết của sự cố, bao gồm cả vị trí cụ thể xảy ra, ý đồ di chuyển của tàu Mỹ và tình tiết của vụ đâm va…”

Đặc biệt, như một phát ngôn ngoại giao cáo già, ông Triệu Lập Kiên muốn chĩa mũi nhọn dư luận vào Mỹ bằng cách cảnh báo về một khả năng “gây ra rò rỉ hạt nhân”, hoặc chí ít, “gây hại cho môi trường biển thực địa”; đồng thời quả quyết việc “Mỹ đã cố tình trì hoãn và che giấu chi tiết vụ va đập, thiếu minh bạch và vô trách nhiệm.”

Xưa nay, trong các cuộc đấu khẩu ngoại giao, với tư cách là siêu cường số 1, Washington ít khi chịu lép Bắc Kinh. Vậy mà lần này, trước những cáo buộc om sòm của đối thủ, Mỹ vẫn nín nhịn, chỉ dùng ngôn từ “vật thể lạ” – như kiểu Việt Nam gọi “tàu lạ” trước kia, dù biết mười mươi đó là tàu nước nào.

Washington thật sự thận trọng? Hay đằng sau động thái đáng ngờ trên, họ đang nuôi dưỡng một ý tứ nào khác?

BDN

Aufrufe: 24

Related Posts