Berlin (EAST SEA) Thứ Tư, Tháng Một 26th, 2022 / 12:35

Những phát hiện mới về chủ quyền quần đảo Hoàng Sa

Cách đây 48 năm, ngày 19/01/1974, Trung Quốc đã dùng vũ lực tấn công đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa khi đó đang do chính quyền Việt Nam Cộng hòa ở miền Nam, Việt Nam quản lý theo Hiệp định Geneve năm 1954.

Trong 48 năm qua, Trung Quốc đã tiến hành bồi đắp, mở rộng các cấu trúc thuộc quần đảo Hoàng Sa; xây dựng những sân bay chiến đấu, cầu cảng cho tàu chiến và bố trí nhiều thiết bị trên các cấu trúc này, biến chúng thành những đồn điền quân sự trên Biển Đông.

Tuy nhiên, theo quy định của luật thụ đắc lãnh thổ việc Trung Quốc đánh chiếm Hoàng Sa bằng vũ lực cũng như những hoạt động bất hợp pháp của Bắc Kinh thời gian qua không thể tạo ra chủ quyền hay danh nghĩa chủ quyền của họ đối với quần đảo Hoàng Sa bởi trước đó hàng trăm năm, các nhà nước phong kiến Việt Nam đã xác lập và thực thi chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa hàng trăm năm. Các tài liệu lịch sử có giá trị pháp lý đều chứng minh rằng quần đảo Hoàng Sa không thuộc Trung Quốc. Chúng ta cùng nhìn lại một số tài liệu được công bố gần đây để làm sáng tỏ vấn đề này.

Tại Hội thảo Khoa học quốc tế về Biển Đông lần thứ 13 được tổ chức tại Hà Nội tháng 11/2021, từ góc độ lịch sử, các chuyên gia Anh, Pháp, Việt Nam và Trung Quốc đã tranh luận thẳng thắn và thực chất về các sự kiện và bằng chứng lịch sử liên quan đến tranh chấp Biển Đông, cũng như ý nghĩa của các tư liệu lịch sử đối với chủ quyền quần đảo Hoàng Sa.

Một số tài liệu lịch sử mới được công bố qua quá trình nghiên cứu tài liệu lưu trữ cho thấy cho tới năm 1899, triều đình phong kiến Trung Quốc vẫn khẳng định Hoàng Sa không thuộc phạm vi quản lý của nước này. Ghi chép có giá trị chứng minh rất cao của thiền sư nổi tiếng Trung Quốc Xu Shillun được các học giả trao đổi, khẳng định Hoàng Sa thuộc quyền quản lý của triều đình nhà Nguyễn Việt Nam.

Cũng tại Hội thảo, ông Bill Hayton, một nhà nghiên cứu từng là nhà báo, đã cung cấp một tài liệu được sưu tầm tại Cơ quan Lưu trữ quốc gia Anh thể hiện bằng chứng cho thấy cho đến tận cuối thời nhà Thanh, chính quyền nhà nước Trung Quốc vẫn không xem quần đảo Hoàng Sa là một phần lãnh thổ của nước này.

Tài liệu là bản dịch một bức thư năm 1899, trong đó Tổng lý Nha môn của nhà Thanh (tương đương Bộ Ngoại giao) gửi ông Henry Bax-Ironside thuộc Cơ quan đại diện Anh ở Bắc Kinh, thông báo rằng chính quyền Trung Quốc không thể nhận trách nhiệm đối với việc cướp phá hàng hóa của một chiếc tàu xảy ra vào cuối những năm 1890 tại khu vực quần đảo Hoàng Sa.

Bức thư đề cập tới sự kiện được gọi là “Vụ tàu chở đồng Bellona” – một vụ việc liên quan tới tàu Bellona của Đức bị đắm ở khu vực quần đảo Hoàng Sa một vài năm trước đó và khối lượng đồng hàng hóa mà con tàu này vận chuyển đã bị các ngư dân Trung Quốc đánh cắp. Theo bức thư này, Chính quyền nhà Thanh Trung Quốc “từ chối bồi thường” cho khối lượng mặt hàng đồng đã được Anh quốc bảo hiểm bởi vì quần đảo này là thuộc “biển cả” và không thuộc lãnh thổ của Trung Quốc.

Bức thư gốc viết bằng tiếng Trung vẫn chưa được tìm thấy và có nhiều khả năng là nó đã bị thất lạc hoặc bị tiêu hủy. Vì vậy, cho đến nay, bản dịch này được coi là tài liệu bán chính thức bởi đây chính là bản sao đầu tiên và cùng thời với tài liệu bản gốc của Trung Quốc (tiếng Trung).

Trong quá trình tìm kiếm ở các trung tâm lưu trữ, ông Bill Hayton còn tìm thấy một bản phiên âm một bức thư khác của Tổng đốc Lưỡng Quảng gửi tới ông Byron Brenan, lãnh sự Anh quốc tại Quảng Châu vào ngày 14/4/1898 về cùng vụ việc. Tổng đốc Đàm Chung Lân viết rằng chính quyền Trung Quốc không thể bảo vệ các con tàu đắm bởi chúng ở tận nơi “biển xanh sâu thẳm” và vì vậy, Trung Quốc không thể chấp thuận các yêu cầu bồi thường.

Vụ tàu chở đồng Bellona cũng được nhắc tới trong một bức thư của Toàn quyền Đông Dương gửi tới Bộ trưởng phụ trách thuộc địa của Pháp vào năm 1930. Trong bức thư, Phó vương Quảng Đông được trích lời nói rằng quần đảo Hoàng Sa là “những đảo hoang” và “không thuộc về Trung Quốc hay Việt Nam” và “không cơ quan đặc biệt nào chịu trách nhiệm kiểm soát các đảo này”.

Phát hiện của ông Bill Hayton đã thu hút sự chú ý của giới nghiên cứu về Biển Đông, khơi dậy cuộc tranh luận lâu nay xung quanh các tư liệu lịch sử về chủ quyền Hoàng Sa. Ông Stein Tonnesson – nhà sử học Na Uy đồng thời là nhà nghiên cứu Biển Đông nói rằng bức thư “có thể giúp khẳng định các nguồn tin khác cho rằng nhà Thanh khi đó không xem Hoàng Sa là lãnh thổ của Trung Quốc”.

Bức thư mà ông Bill Hayton phát hiện ra trùng khớp với các bản đồ do Trung Quốc phát hành cho đến đầu thế kỷ 20, trong đó lãnh thổ Trung Quốc kết thúc ở đảo Hải Nam. Đây là những bằng chứng khẳng định nhà nước Trung Quốc cho đến đời Thanh không quản lý hay thực thi chủ quyền đối với các quần đảo ở Biển Đông, bao gồm quần đảo Hoàng Sa.

Ông Nguyễn Nhã, một nhà sử học nổi tiếng của Việt Nam, người đã có nhiều năm nghiên cứu các văn bản chính thức của nhà nước phong kiến Việt Nam liên quan đến Hoàng Sa nhìn nhận rằng bức thư mới được ông Bill Hayton phát hiện là văn bản có giá trị khẳng định chủ quyền Hoàng Sa không phải của Trung Quốc. Mặt khác, ông Nguyễn Nhã khẳng định các Châu bản triều Nguyễn (văn bản chính thức của nhà nước phong kiến Việt Nam) đã khẳng định nhà nước Việt Nam đã thực thi chủ quyền trên quần đào Hoàng Sa ít nhất từ thế kỷ 17.

Theo đó, các Châu bản triều Nguyễn có bút phê của nhà vua đã đề cập đến nhiều khía cạnh liên quan đến các hoạt động của đội Hoàng Sa đi thực thi chủ quyền tại quần đảo Hoàng Sa. Các Châu bản này hiện đang được lưu giữ tại Trung tâm lưu trữ quốc gia tại Việt Nam. Điều này cho thấy nhà nước phong kiến Việt Nam đã xác lập và thực thi chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa một cách liên tục, hòa bình thông qua các hoạt động của nhà nước với sự chỉ đạo trực tiếp của nhà vua.

Chẳng hạn như Châu bản ngày 27 tháng 6 năm Minh Mệnh thứ 11 (tức năm 1830) có nội dung dâng trình cứu nạn tàu nước ngoài bị nạn ở quần đảo Hoàng Sa, nội dung đó như sau:

“Thần Nguyễn Văn Ngữ chức Thủ ngự cửa biển Đà Nẵng chắp tay dập đầu trăm lạy kính cẩn tâu việc: Ngày 27 tháng này tiếp nhận được viên Tài phó người nước Pháp và 11 viên Phái viên, thủy thủ lái, lái thuyền cùng đi trên một chiếc thuyền ván nhỏ vào đậu tại bản tấn mà viên Tài phó thưa rằng nguyên thuyền (tức của họ) ngày 20 tháng này rời cảng này ra biển, đến giờ Tuất ngày 21 tháng này mới đến được các xứ sở Hoàng Sa, thì bị sóng cát, thuyền đắm, nước xô vào, viên thuyền trưởng Đô – ô – chi – ly cùng bọn phái viên đem 2 hòm bạc công cùng 15 viên thủy thủ, lái thuyền xuống chiếc thuyền đó đi sau, hiện nay chưa thấy về, vả lại nước ngọt trên chiếc thuyền đó đã hết.

Thần lập tức điều động và sức cho thuyền tuần tiễu ở tấn mang nước ngọt ra biển tìm kiếm bọn Phái viên, bảo vệ và đưa họ về tấn, còn bọn Tài phó cho ở lại tấn. Thần xin soạn tập tâu đầy đủ, kính cẩn tâu trình. Thần khôn xiết run sợ. Kính tâu.”

Có thể khẳng định một điều là trong khi chính quyền triều đại nhà Thanh Trung Quốc vào năm 1898 từ chối nghĩa vụ và trách nhiệm đối với các vụ việc xảy ra ở Hoàng Sa thì Châu bản đã cho thấy hơn 60 năm trước đó, chính quyền triều đình nhà Nguyễn Việt Nam đã rất quan tâm tới công tác cứu hộ, cứu nạn trên biển, bao gồm các tàu nước ngoài bị nạn ở Hoàng Sa. Ngoài ra, hiện còn rất nhiều Châu bản triều đình nhà Nguyễn đang còn được lưu giữ tại các trung tâm lưu trữ Việt Nam viết về các hoạt động của Đội Hoàng Sa do triều đình nhà Nguyễn cử ra thực thi chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa từ thế kỷ 17.

Nội dung các Châu bản cho thấy nhà Nguyễn không chỉ chú trọng đến công tác quản lý, khai thác các sản vật ở Hoàng Sa mà còn quan tâm tới việc thực hiện công tác cứu hộ cứu nạn trên biển đối với các tàu tuyền nước ngoài qua lại vùng biển quần đảo Hoàng Sa. Tiếp nối các hoạt động của triều đình nhà Nguyễn, sau khi đô hộ Đông Dương, chính quyền bảo hộ Pháp đã thay mặt nhà nước Việt Nam tiến hành các hoạt động khai thác, quản lý và thực thi chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa. Nhiều tư liệu liên quan đến các hoạt động của chính quyền bảo hộ Pháp đối với Hoàng Sa vẫn đang được lưu giữ tại các trung tâm lưu trữ của Pháp và Việt Nam.

Đề cập tới những tư liệu lịch sử mới phát hiện cùng với việc nhắc lại một số tư liệu và sự kiện liên quan đến quần đảo Hoàng Sa vào những ngày tháng 1 này để khẳng định lại một điều rằng chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa chưa bao giờ thuộc về Trung Quốc. Việc chính quyền Bắc Kinh dùng vũ lực đánh chiếm Hoàng Sa và tiến hành nhiều hoạt động ở quần đảo này trong những năm qua là bất hợp pháp, trái với các quy định của luật pháp quốc tế, bao gồm Hiến chương Liên hợp quốc và các nguyên tắc về thụ đắc lãnh thổ.

BDN

Aufrufe: 100

Related Posts