Berlin (EAST SEA) Thứ Ba, Tháng Năm 24th, 2022 / 16:47

Sáng kiến mới của “Bộ tứ”

Tại hội nghị thượng đỉnh diễn ra ở Tokyo ngày 24/5, các nhà lãnh đạo “Bộ tứ” dự kiến đưa ra sáng kiến đối phó với tình trạng đánh bắt trái phép ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Sáng kiến khiến Trung Quốc như đang bị chạm nọc.

Ảnh vệ tinh về tàu Trung Quốc dày đặc tại bãi Đá Ba Đầu trong vùng Biển Đông có tranh chấp, ngày 23/03/2021.

“Bộ tứ”, còn gọi là “bộ tứ kim cương” QUAD, gồm 4 cường quốc Ấn Độ, Mỹ, Úc và Nhật Bản. Dù nội bộ cũng có những khác biệt, nhưng nhìn chung, “Bộ tứ” thảy đều cố nín nhịn những điều có thể, để dung hòa, không gây ảnh hưởng đến lợi ích chung.

Những cuộc họp, gặp, đối thoại của các cấp lãnh đạo ngay cả thời gian quá bấn bíu với chống dịch Covid hai năm vừa qua, thể hiện sự nỗ lực của nhóm, nhất là Mỹ, quốc gia dù không có danh nghĩa, nhưng trong thực tế có vai trò như “anh Cả”.

Dù không, hoặc ít khi lộ ra, nhưng với những gì thể hiện, cộng đồng quốc tế, nhất là giới nghiên cứu không thể không mường tượng rằng một trong những đối tượng của QUAD là Trung Quốc.

Ngược chút ít thời gian, trong Tuyên bố chung của QUAD đưa ra ngày 11/2 năm nay của ngoại trưởng 4 nước, sau cuộc họp tại Melbourne, Úc, gồm Antony Blinken (Mỹ), Marise Payne (Úc), Subrahmanyam Jaishankar (Ấn Độ) và Yoshimasa Hayashi (Nhật Bản), có đoạn: “Chúng tôi một lần nữa nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tuân thủ luật pháp quốc tế, đặc biệt được phản ánh trong Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982, nhằm đối phó các thách thức về trật tự hàng hải dựa trên luật pháp, bao gồm cả ở Biển Đông và Biển Hoa Đông”.

Biển Đông và biển Hoa Đông, tại hai vùng biển này, ai là thủ phạm gây ra “các thách thức về trật tự hàng hải dựa trên luật pháp” để đến nỗi QUAD bận tâm đối phó, nếu không phải là Trung Quốc?

Trước thềm Hội nghị thượng đỉnh lần này, với sự hiện diện của tổng thống Mỹ Biden và các nguyên thủ ba thành viên còn lại, mới biết, hóa ra, QUAD thâm mưu, đã dọn đường cho “Sáng kiến đối phó với tình trạng đánh bắt trái phép ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương” từ đầu năm, trong cuộc họp cấp bộ trưởng ngoại giao nêu trên. Đó là chưa kể, tới đầu tháng 5 này, ông Kurt Campbell – Điều phối viên khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Mỹ – cũng nói: Washington sẽ sớm công bố kế hoạch đối phó với tình trạng đánh bắt trái phép.

Thế là đã rõ, công tác chuẩn bị cho Sáng kiến ra đời (đối phó với đánh bắt hải sản tùy tiện của Trung Quốc) của QUAD là bài bản theo quy trình.

Tờ Finacial Times, ngày 22/5, dẫn lời một quan chức Mỹ úp mở rằng, sáng kiến mới sẽ sử dụng công nghệ vệ tinh để tạo nên một hệ thống theo dõi hoạt động đánh bắt trái phép từ Ấn Độ Dương đến Nam Thái Bình Dương, bằng cách kết nối với các trung tâm giám sát ở Singapore và Ấn Độ…Cũng Finacial Times cho biết: Sáng kiến hàng hải mới sẽ cho phép các nước thành viên giám sát hoạt động đánh bắt hải sản trái phép ngay cả khi tàu tắt thiết bị phát đáp radar.

Chết Trung Quốc rồi. Theo dõi, giám sát đến thế thì “con kiến” cũng không lọt, đừng nói đội tàu cá Trung Quốc đông, nhiều như lá tre. Nói cách khác, còn đâu hy vọng để Trung Quốc lặng lẽ cho cả đàn tàu cá xâm nhập trái phép vùng biển thuộc chủ quyền các nước láng giềng, nhất là trên Biển Đông, mà không hoặc lâu lâu sau mới bị phát hiện. Và lộ ra thì sự đã rồi. Khi ấy, Trung Quốc, nếu viện cớ tránh bão thì là may, bởi sau đó, trước sự làm căng của bên đang quản lý và phản đối của dư luận, họ còn rút đi (như trong vụ gần 300 tàu cá, nghi là tàu dân quân biển trá hình, tại vùng biển Đá Ba Đầu, tháng 3/2021, khiến cả Philippines và Việt Nam phải to tiếng với Trung Quốc); tình huống xấu hơn, là Bắc Kinh giở bài cùn, cho tàu ở lỳ tại đó, cậy thế thách thức tất cả.

Các quốc gia khu vực châu Á – Thái Bình Dương, nhất là các nước duyên hải Biển Đông quá biết Trung Quốc có số lượng tàu cá lớn nhất thế giới. Họ cũng thường xuyên bị các tàu cá Trung Quốc xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và khai thác hải sản kiểu tận diệt…

Với một kẻ rắn mặt như Trung Quốc, đấu lực tay đôi thì khi cần vẫn phải đấu, nhưng các nước tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông với Trung Quốc, xét về cơ bắp, quá lép vế. Đấu tranh ngoại giao vẫn cần, nhưng hiệu quả cũng quá hạn chế, vì Bắc Kinh là kẻ cùn số một.

Vì thế, dù nói ra hay không, các nước có yêu sách chủ quyền Biển Đông thảy đều hoan hỷ với sáng kiến nêu trên của “Bộ tứ”. Họ ngầm coi đó như một động thái “quốc tế hóa” vấn đề do “Bộ tứ” chủ động, đồng thời mong sáng kiến sớm được triển khai.

BDN

Aufrufe: 110

Related Posts