Berlin (EAST SEA) Thứ Hai, Tháng Tư 24th, 2023 / 11:12

Mỹ dồn lực duy trì ưu thế quân sự trước TQ

Đà phát triển quân sự nhanh chóng của Trung Quốc đang khiến giới chức quốc phòng Mỹ lo ngại, khiến họ hối thúc quốc hội tăng ngân sách để duy trì ưu thế.

Khi các chỉ huy quân sự và quan chức quốc phòng Mỹ tuần qua họp với các ủy ban phân bổ ngân sách của quốc hội để tìm kiếm nguồn tài chính cho năm tài khóa 2024, quốc gia được họ nhắc đến nhiều nhất là Trung Quốc.

Trong cuộc họp, Bộ trưởng Không quân Mỹ Frank Kendall nêu quan ngại về việc Trung Quốc mở rộng kho vũ khí hạt nhân, trong khi Bộ trưởng Hải quân Carlos Del Toro đề cập đến hoạt động của hạm đội tàu cá Trung Quốc tại các vùng biển trong khu vực.

Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mark Milley cho biết mục tiêu quan trọng nhất của Mỹ lúc này là phải giành ưu thế trước Trung Quốc trên mọi lĩnh vực quân sự, nhằm duy trì hòa bình, ổn định giữa các cường quốc.

Chi tiêu quốc phòng ngày càng tăng và quá trình hiện đại hóa quân sự nhanh chóng của Trung Quốc đã tạo ra một mối lo chung, khiến lưỡng đảng Mỹ cũng đồng thuận rằng họ cần làm nhiều hơn nữa để không bị Bắc Kinh vượt mặt. Đây là sự đồng thuận rất hiếm hoi tại quốc hội Mỹ, vốn luôn phân cực chính trị gay gắt, giúp các yêu cầu tăng ngân sách quân sự dễ được thông qua hơn.

Các yêu cầu về ngân sách quân sự “được lưỡng đảng tại quốc hội Mỹ đón nhận hơn, bởi chính quyền đang rất tập trung vào Trung Quốc”, Mark Cancian, cố vấn chương trình an ninh quốc tế tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), trụ sở tại Washington, bình luận.

Trong chiến dịch tranh cử, ông Joe Biden đã nhấn mạnh yêu cầu kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc. Sau khi nhậm chức, Tổng thống Biden đã bổ sung các biện pháp trừng phạt, vốn đã được áp dụng dưới thời Donald Trump, nhắm vào các tập đoàn công nghiệp quân sự Trung Quốc.

Theo Cancian, Sáng kiến Răn đe Thái Bình Dương, quỹ trị giá 9,1 tỷ USD được lập ra để ứng phó với Trung Quốc ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương dành cho năm tài khóa 2024, là bằng chứng rõ nét nhất về quyết tâm của lưỡng đảng Mỹ trong nỗ lực kiềm chế Trung Quốc.

“Quá trình hiện đại hóa quân sự của Trung Quốc tiếp tục diễn ra với tốc độ rất nhanh”, Aaron Lin, chuyên gia theo dõi và dự báo ngân sách quốc phòng của Mỹ tại công ty tình báo quốc phòng Janes, trụ sở ở Washington, cho hay. “Điều này cũng góp phần giúp việc tăng ngân sách quân sự dễ dàng hơn đôi chút”.

Chính quyền Tổng thống Biden ngày 10/3 yêu cầu quốc hội phê duyệt ngân sách quốc phòng trị giá 886 tỷ USD, tăng 3% so với năm trước, trong đó 842 tỷ USD dành riêng cho Lầu Năm Góc. Ngân sách quốc phòng này cũng chiếm hơn một nửa so với tổng yêu cầu ngân sách 1.695 tỷ USD cho cả năm 2023 của Mỹ.

Đây là “yêu cầu mang tính chiến lược nhất” của Lầu Năm Góc nhắm vào Trung Quốc, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cho biết trong một tuyên bố trước quốc hội khi ngân sách quốc phòng được công bố. Bộ Quốc phòng Mỹ coi Trung Quốc là “đối thủ cạnh tranh chiến lược quan trọng nhất” vì khả năng Bắc Kinh vượt mặt Washington trên nhiều lĩnh vực, trong đó có cả quân sự, ông nhấn mạnh.

“Ngân sách trên nhằm giải quyết thách thức nổi bật ở hiện tại và trong tương lai bằng cách cung cấp nguồn lực để tiếp tục thực hiện Chiến lược Phòng thủ Quốc gia và giữ cho nước Mỹ an toàn, đồng thời duy trì lực lượng tác chiến liên quân đáng tin cậy”, Bộ trưởng Austin nói.

Trong Chiến lược Phòng thủ Quốc gia năm 2022, chính quyền Tổng thống Biden đã gọi Trung Quốc là “thách thức ngày càng tăng”. Chiến lược này được công bố 4 năm một lần, vạch ra kế hoạch của Lầu Năm Góc nhằm duy trì an ninh toàn cầu.

Trung Quốc đang bám đuổi Mỹ về tốc độ phát triển quân sự, thường bằng cách nghiên cứu và áp dụng các học thuyết quân sự, công nghệ cũng như cách chính phủ Mỹ phối hợp với ngành công nghiệp quốc phòng nội địa. Trong một số lĩnh vực, như vũ khí siêu vượt âm, Washington tin rằng Bắc Kinh đã đạt năng lực ngang ngửa, thậm chí vượt trội.

Theo Lin, Lầu Năm Góc đã nhận ra điều này và đã cấp nhiều ngân sách hơn cho các chương trình cạnh tranh tiềm tàng với Trung Quốc trong lĩnh vực tên lửa hành trình tầm xa và tên lửa siêu vượt âm. Các khoản tiền này được chuyển hướng từ ngân sách từng dành cho chương trình chống nổi dậy ở Trung Đông, nơi Mỹ đang giảm hiện diện sau nhiều thập kỷ.

“Quân đội Mỹ đột nhiên nhận ra rằng họ đã không đầu tư cho tên lửa tầm xa suốt 20 năm, trong lúc Trung Quốc, Nga hay Iran đều dốc toàn lực cho lĩnh vực này. Vì vậy Mỹ giờ đây phải bắt kịp họ”, ông nói.

Nhưng quyết tâm của lưỡng đảng Mỹ nhằm ứng phó Trung Quốc đã vấp phải trở ngại bởi những tiếng nói phản đối xu hướng tăng ngân sách của chính phủ.

Nỗi lo ngại về tình trạng lạm phát do gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu và hệ lụy từ cuộc xung đột Nga – Ukraine đang khiến nhiều nghị sĩ cảm thấy bất an về đề xuất ngân sách quốc phòng lớn nhất trong thời bình của Mỹ.

“Quốc hội Mỹ có nhiều quan điểm khác nhau”, Cancian cho hay. “Một số người mang quan điểm cứng rắn về quốc phòng, nhưng cũng có những người cấp tiến không muốn tăng chi tiêu quân sự và có cả những người hoài nghi về tất cả các khoản ngân sách. Năm nào cũng có các cuộc tranh luận giữa những nhóm đó”.

Lầu Năm Góc đã yêu cầu tăng ngân sách cho năm tài khóa 2024 để mua các loại tên lửa hành trình tầm xa như tên lửa không đối đất liên quân AGM-158B hay tên lửa chống hạm AGM-158C.

Cancian đánh giá việc mua sắm những loại tên lửa này không chỉ là phản ứng trước xung đột ở Ukraine, mà còn là bước đề phòng cho nguy cơ căng thẳng gia tăng ở eo biển Đài Loan. Quân đội Trung Quốc gần đây liên tục tổ chức các cuộc tập trận quy mô lớn quanh đảo Đài Loan, trong đó có hoạt động mô phỏng tập kích tên lửa vào hòn đảo.

Dù các cuộc thảo luận trong tiểu ban phân bổ quốc phòng của quốc hội Mỹ thể hiện quan điểm cứng rắn về Trung Quốc, Lin lưu ý rằng rất khó để phân biệt giữa những giọng điệu mang tính “diều hâu” với các lo ngại thực tế về mặt quân sự.

“Các lãnh đạo quân đội có mục tiêu rất rõ ràng”, ông nói. “Họ phải lên kế hoạch ứng phó với mối đe dọa lớn nhất mà họ cho là cần chuẩn bị, dù nó có xảy ra trong 5, 10 năm tới hay không”.

“Quân đội giống như một chính sách bảo hiểm. Khi rủi ro xảy ra, họ cần lên kế hoạch ứng phó mối đe dọa lớn nhất. Các nhà hoạch định chiến lược của quân đội Trung Quốc cũng đang làm điều tương tự”, Lin nhấn mạnh.

Trong khi đó, Global Times, tờ báo thuộc People’s Daily, cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc, đăng bình luận của cựu tổng biên tập Hồ Tích Tiến, cho rằng việc Mỹ không ngừng tăng ngân sách quân sự là động thái nhằm tăng áp lực với Trung Quốc.

Theo ông Hồ Tích Tiến, ngân sách quốc phòng của Mỹ hiện chiếm khoảng 40% tổng chi tiêu quân sự toàn cầu và tương đương 3,5% GDP của nước này. “Rất ít nước trên thế giới có tỷ lệ ngân sách quốc phòng cao như vậy, còn tỷ lệ của Trung Quốc là chưa đầy 1,5% GDP”, ông viết.

Theo ông, điều này không chỉ tạo tiền lệ xấu, mà còn ảnh hưởng tiêu cực tới quan hệ quốc tế. “Mỹ đã biến cạnh tranh quân sự thành vấn đề nổi bật trong quan hệ nước lớn, gửi thông điệp đến thế giới rằng sức mạnh quân sự là lá bài tẩy trong trò chơi giữa các cường quốc”, Hồ Tích Tiến nhận định.

BDN

Aufrufe: 84

Related Posts