Berlin (EAST SEA) Thứ Ba, Tháng Hai 13th, 2018 / 21:43

Tổng thống Philippines bị lên án vì im lặng khi Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông

Phe đối lập tại Philippines đã phê phán gay gắt chính quyền của Tổng thống Rodrigo Duterte khi báo chí đưa tin Trung Quốc gần như đã hoàn tất việc quân sự hóa các hòn đảo ở Biển Đông, theo tờ Philstar.

Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường cùng Tổng thống Philippines trong lễ đón tiếp tại Malacañang, Philippines hôm 4/2 (Ảnh: AP)

Hôm 6/2, Thượng nghị sĩ Paolo Benigno “Bam” Aquino đã tự hỏi phải chăng Philippine đã bị bán, và thúc giục chính phủ phải tiết lộ bất kỳ thỏa thuận nào mà họ đã ký kết với Trung Quốc.

“Trong khi tàu chiến của họ đang ở trên biển của chúng ta, chúng ta vẫn tiếp tục cho họ ra vào tùy thích, và trong suốt thời gian đó, chúng ta vẫn mù mờ, không biết gì về những thỏa thuận của chính phủ với Trung Quốc”, Thượng nghị sĩ Aquino bức xúc.

“Đã đến lúc chính quyền phải tiết lộ những đề nghị của họ cho Trung Quốc, và tiết lộ những gì mà Philippines đã dâng nộp cho họ”, ông Aquino yêu cầu trong một tuyên bố khi thúc giục Thượng viện hành động theo một nghị quyết mà ông đã đưa ra vào tháng 9/2016, kêu gọi cơ quan điều tra chính sách đối ngoại của chính phủ.

Thượng nghị sĩ phe đối lập Paolo Benigno “Bam” Aquino (Ảnh: Getty)
Thượng nghị sĩ phe đối lập Paolo Benigno “Bam” Aquino (Ảnh: Getty)

Hạ nghị sỹ Gary Alejano cũng chỉ trích “sự im lặng và không hành động” của chính quyền Tổng thống Duterte, trước những báo cáo rằng việc quân sự hoá các công trình nhân tạo của Trung Quốc ở Biển Đông [mà Philippines gọi là biển Tây Phi] đã gần như hoàn tất.

Trong một tuyên bố với giới báo chí, ông Alejano cho rằng: “Chính quyền này không làm gì cả vì các khoản đầu tư và khoản vay từ Trung Quốc, mà cuối cùng chúng ta vẫn phải trả. Dựa vào những kinh nghiệm của các nước khác, đã từng thỏa thuận với Trung Quốc, khi họ không trả được các khoản vay mà họ đã ký kết, Trung Quốc đã yêu cầu thanh toán nợ dưới các hình thức khác, như quyền khai thác khoáng sản, quyền sử dụng đất nông nghiệp, và quyền đánh bắt cá. Cuối cùng, những khoản vay này sẽ ‘bóp nghẹt’ chúng ta”.

Hạ nghĩ sĩ phe đối lập Gary Alejano (Magdalo) (Ảnh: Getty)
Hạ nghĩ sĩ phe đối lập Gary Alejano (Magdalo) (Ảnh: Getty)

Nhận thấy thái độ của chính quyền ông Duterte đã khuyến khích Trung Quốc tiếp tục hoạt động quân sự và các hoạt động khác trong khu vực, ông Alejano bức xúc nói: “Ở một mức độ nào đó, không gì ngăn cản được Trung Quốc nếu như Philippines vẫn tiếp tục không can thiệp, vẫn khúm núm, quỵ lụy, hoặc tệ hơn dựa vào chính sách của Trung Quốc. Do đó, các mối quan hệ hữu nghị với Trung Quốc sẽ không ngăn cản được Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông”.

Cảnh báo về mục tiêu của Trung Quốc là kiểm soát các hòn đảo tranh chấp trong vùng biển dựa trên cái gọi là quyền lịch sử, ông Alejano nói thêm rằng các hòn đảo nhân tạo sẽ cung cấp nơi ẩn náu và hậu cần, về cơ bản phục vụ như những căn cứ hỗ trợ cho sự hiện diện của Trung Quốc tại vùng biển.

Từng là sĩ quan thủy quân lục chiến, ông Alejano cho rằng Trung Quốc đang buộc các nước có yêu sách chủ quyền khác, phải chấp nhận hành động của Trung Quốc, theo các tiêu chuẩn thách thức, cố gắng thiết lập những tiêu chuẩn mới mà không tuân theo Công ước của LHQ về Luật Biển và các luật pháp quốc tế khác.

Ông Alejano quan ngại Trung Quốc sẽ hút cạn kiệt nguồn tài nguyên, phá hủy môi trường biển trong khu vực, khiến nó trở nên cốt yếu một khi nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên ở đảo Malampaya bị khô cạn.

Một khi các nguồn tài nguyên ở biển Tây Phi bị cạn kiệt, Trung Quốc sẽ chuyển sang vùng biển ngoài khơi, bờ biển phía đông đảo Luzon, một nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, nhất là khu vực bãi đá Benham Rise.

“Bây giờ, chúng ta đang chứng kiến sự việc này dưới hình thức nghiên cứu khoa học biển, và tự do hàng hải. Nếu chúng ta không thúc đẩy các chính sách để bảo vệ lãnh thổ của chúng ta, bờ biển phía Đông của chúng ta cũng có thể bị số phận tương tự như biển Tây Phi”, ông Alejano nhận định.

Thúc giục công chúng phải thận trọng về hành động của chính quyền, và những hệ lụy của nó trong tương lai, nhà lập pháp phe đối lập Alejano cảnh báo rằng các quyết định của ông Duterte có thể gây ra những hậu quả lâu dài.

Đáp lại trước những chỉ trích của phe đối lập, chính quyền của Tổng thống Duterte giải thích hôm 6/2 rằng họ đã ‘đặt cược’ vào lời hứa của Trung Quốc không cải tạo khu vực mới khi mà hai nước tiếp tục tạo ra các mối quan hệ chính trị và kinh tế chặt chẽ hơn.

Trong một cuộc họp báo được truyền hình trực tiếp, ông Harry Roque, phát ngôn viên của Tổng thống Duterte ‘biện giải’: “Các bạn muốn chúng tôi nói gì đây? Tất cả những gì chúng tôi có thể làm, là [tin tưởng] vào lời hứa từ Trung Quốc rằng họ không cải tạo thêm bất kỳ một hòn đảo nhân tạo mới nào”.

Thêm vào đó, ông Roque cho rằng các công trình của Trung Quốc là đã được xây dựng và lắp đặt trong thời gian của chính quyền Philippines trước đây.

Phạm Duy

Tổng thống Philippines bị lên án vì im lặng khi Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông

 

Aufrufe: 196

Related Posts