Berlin (EAST SEA) Thứ Tư, Tháng Mười 23rd, 2019 / 02:52

Nhìn lại quá trình 50 năm Trung Quốc xâm chiếm Biển Đông

Năm 1974, các tay súng Trung Quốc đã tấn công và đánh bại một tiền đồn nhỏ của quân đội Nam Việt Nam tại Hoàng Sa – một quần đảo gồm các rạn san hô, đảo san hô và đảo nhỏ ở Biển Đông – đặt nhóm đảo này nằm dưới sự kiểm soát của Trung Quốc. Sự kiện này gần như hoàn toàn không được chú ý trong thế giới rộng lớn lúc đó, khi mà “bộ phim” Chiến tranh Việt Nam vừa mới kết thúc. Đây là bước đầu tiên Trung Quốc kiểm soát Biển Đông.

Cho đến năm 1987, Trung Quốc chưa hề có mặt trên bất cứ cấu trúc nào tại Trường Sa, và họ nhận thấy đây là một bất lợi. Tranh thủ tình hình quốc tế có lợi và Việt Nam đang ở những năm đầu đổi mới, kinh tế xã hội đang ở thế sức cùng lực kiệt, từ đầu năm 1988, Trung Quốc đã ráo riết cho quân lên chiếm một số cấu trúc địa lý thuộc Trường Sa, bao gồm: Chữ Thập, Châu Viên, Tư Nghĩa, Ga Ven. Ngày 14/3/1988, Trung Quốc xua quân tấn công các chiến sĩ của Việt Nam tại khu vực đảo Gạc Ma, Trường Sa, ngăn cản các tàu của lực lượng chữ thập đỏ ra cứu các nạn nhân. Dư luận quốc tế cực kì thờ ơ về sự kiện này, các nước ASEAN bàng quan cho rằng đây là chuyện riêng giữa Việt Nam và Trung Quốc, kể cả Malaysia và Philippines là những quốc gia trực tiếp có lợi ích tại Trường Sa. Liên Xô đang đêm trước của tan rã còn Mỹ lúc đó cũng không có phản ứng đáng kể.

Năm 1989, Quân đội Giải phóng Nhân dân tiến vào Quảng trường Thiên An Môn và chấm dứt các cuộc biểu tình dân chủ do sinh viên lãnh đạo và hàng trăm người chết. Thông điệp địa chính trị là không thể nhầm lẫn: kỳ vọng của phương Tây rằng Trung Quốc đang chuyển sang chế độ đổi mới chính trị là hoàn toàn ảo tưởng.

Năm 1995, Philippines phát hiện ra rằng Trung Quốc đã chiếm đóng và quân sự hóa một đảo san hô là Vành Khăn (Mischief Reef) trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines và trong lãnh hải do Manila tuyên bố chủ quyền. Chiếm thêm bãi Vành Khăn từ tay Phillipines, đến cuối năm 1995, Trung Quốc đã có tổng cộng bảy cấu trúc ở Trường Sa: Gạc Ma, Chữ Thập, Châu Viên, Tư Nghĩa, Ga Ven, Xu Bi và Vành Khăn. Những hành vi này đặt trong bối cảnh Trung Quốc đã xuất bản các bản đồ chính thức từ lâu cho thấy một ranh giới bao trùm gần như toàn bộ Biển Đông – đường chín đoạn.

Đảo Gạc Ma

Kể từ năm 2014 đến nay, lợi dụng thế giới đang tập trung vào sự kiện giàn khoan Hải Dương 981, Trung Quốc đã âm thầm tiến hành bồi lấp các cấu trúc tại Trường Sa, tổng diện tích bồi lấp lên tới hàng nghìn ha. Đến nay, tất cả các cấu trúc này đều đã được xây dựng và trang bị các phương tiện quân sự hiện đại, đóng vai trò như các “chiến hạm nổi”, “cứ điểm quân sự” tại khu vực biển này. Thực tế là không có một quốc gia nào có thể ngăn cản được việc Trung Quốc bồi lấp các cấu trúc tại Biển Đông, trong đó có Trường Sa. Và cùng với việc bồi lấp này, Trung Quốc đã biến bảy cấu trúc thành các căn cứ quân sự quan trọng để nắm quyền chi phối, kiểm soát khu vực Biển Đông bằng sức mạnh vũ lực.

Từ tháng 7/2019, Trung Quốc cử đội tàu khảo sát Hải Dương 8 và hàng trăm lượt tàu hộ tống khác xâm phạm nghiêm trọng vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam ở bãi Tư Chính và suốt dọc bờ biển từ Bình Định xuống Khánh Hòa bất chấp mọi phản ứng của Việt Nam và quốc tế.

Có thể nói, ý đồ và dã tâm của Trung Quốc là quá rõ ràng. Quá trình xâm chiếm Biển Đông từ những năm 1970 đến nay có tính xuyên suốt, nhất quán, không ngừng nghỉ. Chỉ cần điều kiện quốc tế, trong nước và tình hình Việt Nam có lợi cho Trung Quốc là Trung Quốc lấn tới, sử dụng các biện pháp khác nhau chiếm Biển Đông, kể cả bằng vũ lực quân sự. Trong tương lai gần, Trung Quốc càng ngày càng mạnh và “nhe nanh múa vuốt”, hoàn toàn có thể lặp lại kịch bản một khi điều kiện có lợi, Trung Quốc có thể phát động tấn công Trường Sa và chiếm các cấu trúc mà Việt Nam đang kiểm soát./.

BBT

 

Aufrufe: 95

Related Posts