Berlin (EAST SEA) Thứ Hai, Tháng Tư 3rd, 2023 / 09:23

Nhật Bản tăng cường hợp tác quốc phòng với Australia

Sau nhiều thập kỷ chứng kiến sự tăng cường năng lực quân sự từng bước của Trung Quốc, sự tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc và Nga, mối lo ngại ngày càng tăng về nguy cơ tấn công tên lửa của Triều Tiên, Nhật Bản đang một lần nữa làm mới chính mình và nhanh chóng thay đổi lập trường hòa bình mà Tokyo theo đuổi kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai. 

Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida và Thủ tướng Australia Anthony Albanese, cùng lãnh đạo các nước cùng trong Bộ Tứ – Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi – tại Tokyo hồi tháng 5/2022. (Nguồn: Reuters/japantimes.co.jp)

Chính sự bất ổn địa chiến lược thời gian gần đây cũng thúc đẩy sự thay đổi này của Nhật Bản. Trọng tâm trong các kế hoạch của Mỹ ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương là duy trì lợi thế chiến lược bằng cách đưa Nhật Bản và Australia vào mối quan hệ ba bên có thể tương tác sâu sắc hơn, đóng vai trò mỏ neo ở phía Bắc và phía Nam cho một Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở.


Nhật Bản đã chấp nhận điều này và tỏ ra thẳng thắn một cách bất thường về mong muốn nâng cấp hợp tác quân sự với Australia lên mức chưa từng có trong những năm tới. Ngoài ra, Nhật Bản còn có mối quan tâm ngày càng tăng trong việc bổ sung các “lớp mới” cho quan hệ quốc phòng và an ninh, bao gồm cả hợp tác công nghiệp quốc phòng; nghiên cứu và phát triển các công nghệ quan trọng và mới nổi; hợp tác trong lĩnh vực an ninh mạng, an ninh năng lượng và năng lượng tái tạo.


Lực lượng Quốc phòng Australia (ADF) và Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (JSDF) đã phối hợp triển khai hàng loạt cuộc tập trận ấn tượng, hiện chỉ đứng sau các cuộc tập trận của Australia với Mỹ về tần suất và mức độ sâu rộng. Điều này là rất đáng khích lệ và quan trọng cho việc xây dựng khả năng tương tác, lòng tin và kết nối người dân hai nước. Một nhóm nhỏ “những nhà quan sát Nhật Bản” thường xuyên theo dõi các chương trình quốc phòng và an ninh của Australia có một quan niệm chung rằng chỉ cách đây 1 thập kỷ, mức độ hợp tác và phối hợp này là không thể tưởng tượng.


Tuy nhiên, hợp tác đang đi đúng hướng, các nền tảng chính sách và kỹ thuật được thiết lập, trong đó gần đây nhất là việc hai bên ký Thỏa thuận tiếp cận đối ứng (RAA). Thỏa thuận này là rất quan trọng để JSDF và ADF tăng cường huấn luyện, tập trận, cho phép JSDF tiến hành huấn luyện độc lập tại Australia. RAA bổ sung cho các thỏa thuận khác giữa hai nước, như chia sẻ thông tin mật và cung cấp trang thiết bị kỹ thuật cho các cuộc tập trận và huấn luyện; các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc; hỗ trợ nhân đạo và các hoạt động cứu trợ thiên tai; vận chuyển công dân và những người khác trong các trường hợp khẩn cấp ở nước ngoài.


Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, với bản hiến pháp hòa bình, JSDF đã không tham chiến thực sự trong gần 80 năm. Đó là một quãng thời gian dài không trải qua thực chiến để quân đội tích lũy kỹ-chiến thuật và quy trình chiến đấu; để sĩ quan trau dồi kinh nghiệm trận mạc và khả năng lãnh đạo; để binh sĩ rèn luyện kỹ năng, kỹ thuật tác chiến, kiểm tra trang bị; và cũng để chính phủ quản lý phản ứng của công chúng đối với việc tham gia vào một cuộc xung đột.


JSDF đã tham gia nhiều nhiệm vụ gìn giữ hòa bình, tái thiết và nhân đạo, bao gồm với ADF ở Iraq trong giai đoạn 2004-2006. Tuy nhiên, điều này không giống như vậy và JSDF hiện cần khẩn trương tăng cường huấn luyện hỗn hợp. Huấn luyện và kinh nghiệm đa quốc gia là bắt buộc để thành công trong một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đang xói mòn nhanh chóng.


Vùng Lãnh thổ phía Bắc của Australia được cho là địa điểm tốt nhất trong khu vực để đáp ứng nhu cầu huấn luyện của JSDF. Tại Mỹ cũng có các địa điểm thay thế, nhưng hầu hết các chuyên gia cho rằng chúng không có các đặc điểm độc đáo như tại Lãnh thổ phía Bắc. Ngoài ra, không có địa điểm nào khác có sẵn các điều kiện thuận lợi cho các chương trình huấn luyện đa nhiệm trên không, trên đất liền, trên biển, trong không gian và mô phỏng thực tế ảo,… như ở Vùng Lãnh thổ phía Bắc.


Vùng Lãnh thổ này có 4 khu vực huấn luyện chính đã được sử dụng cho hàng loạt đợt huấn luyện mỗi năm giữa ADF và quân đội Mỹ, chủ yếu là không quân và thủy quân lục chiến Mỹ. Cơ sở hạ tầng cứng của khu vực huấn luyện này là các trung tâm huấn luyện Bradshaw và Delamere, cùng nhau tạo thành một trong những khu vực huấn luyện lớn nhất trên thế giới. Ví dụ, Bradshaw có quy mô gần gấp ba lần Trung tâm Huấn luyện Quốc gia của Quân đội Mỹ và lớn hơn 3,5 lần so với Trung tâm tác chiến trên không-trên mặt đất của Thủy quân lục chiến Mỹ. Các khu vực huấn luyện này nằm trong khu vực có dân cư thưa thớt, gần châu Á và các khu vực chiến sự tiềm năng trong tương lai, đồng thời không có đường bay thương mại nên không có giới hạn độ cao đối với máy bay và tên lửa tầm xa. Các khu vực này cũng có ít hoặc không có nhiễu điện từ, giúp thử nghiệm các cảm biến, khả năng tác chiến điện tử và các nền tảng thế hệ tiếp theo.


Ngoài việc hỗ trợ các yêu cầu huấn luyện của JSDF, khu vực này còn có tiềm năng lớn góp phần làm sâu sắc thêm mối quan hệ Australia-Nhật-Mỹ và phát triển thành một đơn vị đổ bộ đa quốc gia có trụ sở tại Vùng Lãnh thổ phía Bắc. Cùng với sự hiện diện của thủy quân lục chiến Mỹ tại đây, việc thành lập một đơn vị như vậy là bước phát triển tự nhiên tiếp theo. Điều này cũng sẽ hữu ích cho việc phối hợp với các đối tác và đồng minh khác trong khu vực để huấn luyện đổ bộ và trong các hoạt động như hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thiên tai.


Quan trọng là Australia tận dụng động lực mà RAA mang lại cho quan hệ với Nhật Bản bằng cách phát triển các chương trình huấn luyện chung với JSDF. Australia nên và có thể đã cung cấp cho Nhật Bản các đề xuất cụ thể để có thể cử các đơn vị JSDF luân phiên đến Australia và trong tương lai sẽ hiện diện thường trực ở mức độ nhất định với ADF (như với Thủy quân lục chiến Mỹ ở Darwin).


Với tầm quan trọng và sự phát triển của quan hệ quốc phòng như hiện nay, trước mắt, hai bên có thể thành lập văn phòng liên lạc JSDF tại Khu huấn luyện Robertson ở Darwin và tăng cường biệt phái viên của JSDF tại các đơn vị và tại trụ sở của ADF ở Canberra. Về lâu dài (nhưng không quá xa), Australia nên phát triển sáng kiến huấn luyện quân sự Nhật Bản-Australia ở Vùng Lãnh thổ phía Bắc theo các đường lối tương tự như sáng kiến huấn luyện Australia-Singapore lâu đời có trụ sở tại miền Trung và miền Bắc bang Queensland.


Các khu vực huấn luyện ở Queensland do chính phủ Australia sở hữu và quản lý, được Singapore đầu tư đáng kể vào việc phát triển và nâng cấp để đáp ứng nhu cầu tương lai của ADF và để tăng cường huấn luyện binh sĩ Singapore tại Australia. Khi sáng kiến này được hoàn thành, 14.000 binh sĩ Singapore sẽ được huấn luyện tại Queensland trong 18 tuần, chia thành hai giai đoạn 9 tuần/năm. Mô hình tương tự có thể dễ dàng được xây dựng ở Lãnh thổ phía Bắc.


Sẽ có những rào cản về chính trị và về thái độ của người dân mà cả hai bên phải vượt qua, nhưng bây giờ là thời điểm cho những suy nghĩ táo bạo./.

Theo trang aspistrategist.org.au

Aufrufe: 207

Related Posts