Berlin (EAST SEA) Thứ Tư, Tháng Tư 5th, 2023 / 10:12

Châu Á-Thái Bình Dương: Nguy cơ chạy đua vũ trang mới từ những điểm nóng

Quân sự hóa toàn cầu đã phát triển nhanh chóng trong suốt thế kỷ XXI, với sự điều chỉnh rõ rệt hướng về khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Từ năm 2000-2021, chi tiêu quốc phòng hàng năm đã tăng từ 1.120 tỷ USD lên 2.110 tỷ USD. Theo số liệu của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm, trong giai đoạn này, chi tiêu quốc phòng toàn cầu ở châu Á và châu Đại Dương đã tăng từ 18% lên 28%. 

Đảo An Bang thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ảnh: TTXVN

Những lo ngại ngày càng tăng đối với Trung Quốc, quốc gia có chi tiêu quốc phòng tăng đều đặn trong gần 3 thập kỷ, đã thúc đẩy một cuộc chạy đua vũ trang ở khu vực, phá hoại các công ước khu vực đã tồn tại hàng thập kỷ và phơi bày một số điểm nóng tiềm tàng.

Đài Loan
Mối lo ngại lớn nhất về sự bành trướng quân sự của Trung Quốc liên quan kế hoạch thôn tính Đài Loan. Nguy cơ Trung Quốc xâm lược Đài Loan đang ở mức cao nhất trong nhiều thập kỷ, nhưng các dự đoán về thời điểm nó có thể xảy ra lại khác nhau. Gần đây, một số nhà lãnh đạo quân sự cấp cao của Mỹ đã đưa ra những dự báo đáng báo động, đó là các thời điểm năm 2023, 2025 và 2027. Các đánh giá của Mỹ là rất quan trọng, vì có thể quân đội Mỹ sẽ giúp bảo vệ Đài Loan trước các cuộc tấn công của Trung Quốc. Tuy nhiên, một số nhà phân tích cảnh báo rằng những dự báo này có khả năng bị phóng đại nhằm mục đích vận động hành lang để có thêm kinh phí. Các nguồn tin cho biết những dự đoán công khai đó đã khiến Tổng thống Đài Loan thất vọng, vì bà đang cố gắng đảm bảo rằng dư luận đủ quan tâm về mối đe dọa Trung Quốc có thể gây ra cho Đài Loan.

Tuy nhiên, quy mô mở rộng quân sự của Trung Quốc cung cấp cho các nhà phân tích một số manh mối về tham vọng của Bắc Kinh nước này đối với Đài Loan.

Mặc dù vẫn dành một phần GDP nhỏ hơn cho quốc phòng so với Mỹ, ngân sách quốc phòng của Trung Quốc dự báo sẽ tăng 7,2% trong năm nay, đạt mức cao nhất từ trước đến nay. Bộ Quốc phòng Mỹ ước tính chi tiêu quốc phòng thực tế của Trung Quốc có thể gấp đôi so với con số được báo cáo chính thức. Đáp lại, ngân sách quốc phòng mới nhất của Mỹ đã ưu tiên tăng cường sự hiện diện quân sự ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Trong tháng này, Mỹ đã phê duyệt thương vụ bán vũ khí mới trị giá 619 triệu USD cho Đài Loan.

Việc tăng chi tiêu quốc phòng rõ ràng đã ảnh hưởng đến sự cân bằng lực lượng quân sự trong khu vực. Năm 2000, Trung Quốc là nước chi tiêu quốc phòng lớn thứ hai ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Năm 2021, ngân sách quốc phòng của nước này lớn hơn cả tổng ngân sách quốc phòng của 13 quốc gia khu vực xếp sau Trung Quốc trong danh sách cộng lại.

Triều Tiên

Sau khi đã phóng khoảng 90 tên lửa đạn đạo và các loại vũ khí khác trong năm 2022, nhiều nhất từ trước đến giờ, Triều Tiên dường như có ý định lập kỷ lục mới trong năm nay. Từ đầu năm đến nay, Bình Nhưỡng đã tiến hành 11 vụ thử tên lửa, bao gồm 2 tên lửa đạn đạo xuyên lục địa và thậm chí cả, theo truyền thông nhà nước đưa tin, tên lửa hành trình chiến lược có khả năng mang đầu đạn hạt nhân.

Trong một dấu hiệu cho thấy Bình Nhưỡng không có ý định từ bỏ vũ khí hủy diệt hàng loạt, gần đây họ đã công khai các đầu đạn hạt nhân mới, nhỏ hơn và tuyên bố sẽ sản xuất nhiều vật liệu hạt nhân cấp vũ khí hơn. Cuối năm 2022, Kim Jong-un đã kêu gọi “tăng theo cấp số nhân” kho vũ khí hạt nhân của nước này. Những hành động khiêu khích của Triều Tiên nhằm vào kẻ thù của họ là Mỹ và Hàn Quốc. Triều Tiên lên án các cuộc tập trận chung Mỹ-Hàn (có sự tham gia của tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân USS Nimitz) là cuộc diễn tập cho một cuộc xâm lược, mặc dù các đồng minh khẳng định cuộc tập trận hoàn toàn mang tính chất phòng thủ.

Căng thẳng gia tăng trên Bán đảo Triều Tiên đã khiến Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol có phản ứng cứng rắn, cảnh báo rằng Seoul sẽ không cung cấp “một xu” cho Triều Tiên chừng nào nước này vẫn tiếp tục phát triển vũ khí hạt nhân. Đáng lo ngại hơn, tại Hàn Quốc bắt đầu xuất hiện cuộc tranh luận nghiêm túc về việc nước này có nên sở hữu khả năng răn đe hạt nhân của riêng mình hay không. Theo các cuộc thăm dò dư luận, đa số người dân Hàn Quốc ủng hộ động thái này. 

Tại Nhật Bản, mối lo ngại về Triều Tiên và một Trung Quốc ngày càng quyết đoán đã thúc đẩy nước này rời bỏ “chủ nghĩa hòa bình”. Cuối năm ngoái, chính phủ của Thủ tướng Fumio Kishida tuyên bố Nhật Bản sẽ tăng gấp đôi chi tiêu quốc phòng lên 2% GDP vào năm 2027.

Môi trường an ninh ngày càng bất ổn ở châu Á-Thái Bình Dương là chất xúc tác cho sự tan băng được chờ đợi lâu nay trong quan hệ Nhật-Hàn. Tháng 3 vừa qua, Tổng thống Yoon Suk-yeol và Thủ tướng Kishida đã trở thành nhà lãnh đạo Hàn Quốc và Nhật Bản đầu tiên tổ chức hội đàm song phương sau 12 năm. Hội nghị thượng đỉnh giữa hai nhà lãnh đạo ở Tokyo đã dẫn đến một thỏa thuận nối lại các chuyến thăm lẫn nhau và đối thoại an ninh sau 5 năm gián đoạn.

Biển Đông

Biển Đông là một trong những tuyến đường thủy quan trọng nhất về mặt chiến lược và kinh tế, có nhiều sinh vật biển sinh sống và được cho là có trữ lượng dầu mỏ và khí đốt tự nhiên đáng kể, đồng thời là nơi xảy ra tranh chấp trong suốt nhiều thập kỷ. Trung Quốc tuyên bố chủ quyền gần như toàn bộ Biển Đông, với cái gọi là “Đường 9 đoạn” do họ tự vạch ra để đánh dấu giới hạn yêu sách chủ quyền – mặc dù Tòa trọng tài quốc tế ở The Hague đã bác bỏ điều này. Philippines, Việt Nam, Malaysia, Brunei và Đài Loan cũng có các tuyên bố chủ quyền chồng chéo. Mỹ, mặc dù không phải là một bên tranh chấp, cũng coi vùng biển này là vô cùng quan trọng đối với lợi ích quốc gia của họ.

Dưới thời Tổng thống Ferdinand Marcos, Philippines đã có lập trường cứng rắn hơn về những tranh chấp ở Biển Đông. Manila mới đây cáo buộc các tàu Trung Quốc có “các hành động gây hấn” ở Biển Đông. Manila đã cam kết Philippines “sẽ không để mất một tấc” lãnh thổ, và đã có sự thay đổi lớn trong chính sách đối ngoại, tăng cường quan hệ quốc phòng với Mỹ và các đồng minh của Mỹ. Tháng 3 vừa qua, Philippines đã mở rộng quyền tiếp cận của Mỹ đối với các căn cứ quân sự của nước này, tăng cường dấu ấn của Washington trong khu vực và cho phép Mỹ dễ dàng giám sát hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông gần Đài Loan. Manila cũng tăng cường hợp tác quân sự với Nhật Bản và Australia, hai đồng minh của Mỹ ở châu Á-Thái Bình Dương.

Khác với các quốc gia láng giềng từng bày tỏ lo ngại về AUKUS, cho rằng nó có thể châm ngòi cho một cuộc chạy đua vũ trang gây bất ổn cho khu vực, Philippines đã ủng hộ liên minh quân sự này. Cách tiếp cận của Marcos, người lên nắm quyền vào năm ngoái, hoàn toàn trái ngược với cách tiếp cận của người tiền nhiệm Rodrigo Duterte – người đã tìm kiếm mối quan hệ kinh tế chặt chẽ hơn với Bắc Kinh và phớt lờ các động thái gây hấn của Bắc Kinh ở Biển Đông, ngay cả khi Trung Quốc xây dựng căn cứ quân sự trên các đảo nhân tạo và tàu Trung Quốc quấy rối hoặc đâm tàu của Philippines.

Các đảo quốc Thái Bình Dương

Các nhà lãnh đạo Thái Bình Dương đã nhiều lần nhấn mạnh rằng họ không muốn bị lôi kéo vào một cuộc cạnh tranh địa chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc cũng như từ chối việc phải chọn bên. Họ đã nhiều lần nói rằng khủng hoảng khí hậu mới là mối đe dọa an ninh hàng đầu. Tuy nhiên, Trung Quốc đang ngày càng tích cực tìm kiếm ảnh hưởng ở các đảo quốc Thái Bình Dương, đặc biệt trong lĩnh vực an ninh và chính trị. Những nỗ lực này đã khiến Australia, New Zealand và Mỹ đẩy mạnh các nỗ lực ngoại giao của họ.

Những bước tiến của Bắc Kinh trong khu vực được minh họa rõ nhất qua việc ký kết thỏa thuận an ninh với Quần đảo Solomon gần một năm trước. Một văn kiện dự thảo rò rỉ cho thấy thỏa thuận này có thể mở đường cho sự hiện diện của hải quân Trung Quốc trong tương lai, chỉ cách bờ biển của Australia khoảng 1.700 km, bất chấp Thủ tướng Solomon Manasseh Sogavare đã nhiều lần khẳng định với Australia và các quốc gia khác rằng sẽ không bao giờ cho phép thiết lập một căn cứ quân sự nước ngoài trên lãnh thổ quần đảo này.

Năm ngoái, Trung Quốc cũng đã nỗ lực tìm kiếm một thỏa thuận an ninh khu vực sâu rộng với 10 đảo quốc Thái Bình Dương, nhưng đã bị các nhà lãnh đạo Thái Bình Dương từ chối vì lo ngại Bắc Kinh đang cố gắng phá vỡ các cấu trúc đã được thiết lập như Diễn đàn Quần đảo Thái Bình Dương (PIF). Các quốc gia khác nhanh chóng đáp trả các động thái ngoại giao này của Trung Quốc.  Chính phủ của Công đảng Australia đã ưu tiên khôi phục lòng tin với các nhà lãnh đạo Thái Bình Dương. Ngoại trưởng Penny Wong và các quan chức khác đã thực hiện một loạt chuyến thăm cấp cao, nhấn mạnh an ninh phải là trách nhiệm trực tiếp của khu vực (chứ không phải của Trung Quốc). Australia đặt mục tiêu hoàn tất đàm phán hiệp định an ninh song phương với Papua New Guinea vào cuối tháng 4, sau khi đã ký một hiệp định tương tự với Vanuatu hồi tháng 12/2022.

Mỹ đã nhận thấy sự cần thiết cần phải tăng cường can dự vào khu vực và họ đã mở lại đại sứ quán ở Quần đảo Solomon hồi tháng 2 vừa qua. Tuy nhiên, các quan chức phương Tây không ảo tưởng về xu hướng này. Bất chấp sự nhẹ nhõm ban đầu trước quyết định của các đảo quốc Thái Bình Dương trong việc trì hoãn các đề xuất an ninh sâu rộng của Trung Quốc, Chính phủ Australia cho rằng đây có thể chỉ là một sự trì hoãn tạm thời. Một quan chức cấp cao của chính phủ đã thừa nhận: “Mọi thứ sẽ không trở lại như cũ”./.

Theo theguardian.com

Aufrufe: 172

Related Posts