Berlin (EAST SEA) Thứ Sáu, Tháng Ba 1st, 2024 / 21:39

Xâm nhập Bãi ngầm Tư Chính, TQ toan tính giải cơn khát năng lượng

Gần ba tháng qua Trung Quốc đã đưa tàu hải cảnh vào khu vực Bãi ngầm Tư Chính trên Biển Đông, thuộc chủ quyền của Việt Nam. Thế nhưng mãi tới hôm 29/2, Bộ Ngoại giao Việt Nam mới chính thức lên tiếng.

Dư luận trong nước và thế giới đều tỏ ra sốt ruột, bất bình với hành động tái đi tái lại nhiều lần của Bắc Kinh. Bản Tuyên bố “cùng chia sẻ tương lai” giữa hai nước Trung-Việt còn nóng hổi, vậy mà Trung Quốc nỡ nào tiếp tục đưa lực lượng hải cảnh quấy rối trong khu vực thuộc chủ quyền Việt Nam!

Chậm còn hơn không, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam, bà Phạm Thu Hằng tuyên bố rành rẽ: “Bãi ngầm Tư Chính là một phần thềm lục địa của Việt Nam và được xác lập hoàn toàn phù hợp với Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982”- bà Hằng nói trong cuộc họp báo, khi các nhà báo hỏi về thông tin Trung Quốc gần đây điều tàu hải cảnh hoạt động trong khu vực này.

Theo đó, lập trường của Việt Nam với bãi ngầm Tư Chính là nhất quán và đã được khẳng định nhiều lần. Việt Nam kiên quyết phản đối mọi hành động vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán đối với các vùng biển của Việt Nam được xác lập hoàn toàn hợp pháp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS 1982.

Đã bị dằn mặt thì đối phương chỉ có cách tốt nhất là đưa tàu ra khỏi khu vực Bãi ngầm Tư Chính. Để xem người “bạn bè tốt, đồng chí tốt” xử lý ra sao.

Nói có sách mách có chứng, chúng tôi xin nói cụ thể thêm. Theo thông tin từ Atlas News BNN: Tàu hải cảnh Trung Quốc số hiệu 5901 đã ngang ngược thâm nhập vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam từ hôm 21/2 để “tuần tra” gần Bãi Tư Chính.

Con tàu khổng lồ thuộc lớp Triệu Đà, có lượng choán nước gần 11.000 tấn và là tàu hải cảnh lớn nhất thế giới hiện nay. Con “khủng long” sắt đã đi tuần quanh các lô dầu khí gần Bãi Tư Chính, nơi có các nhà giàn và giàn khoan dầu khí của Việt Nam.

Tàu 5901 trang bị 1 pháo lớn 76 ly, 2 pháo 30 ly và 2 súng máy phòng không hạng nặng. Nó có tầm hoạt động trong khoảng giữa 10.000 và 15.000 hải lý (18.500 và 27.700 km), với tốc độ tối đa lên đến 25 hải lý/h (46 km/h). Đặc biệt trên tàu có bãi đáp trực thăng.

Không bỏ sót mục tiêu, tàu kiểm ngư 261 của Việt Nam đã bám sát tàu hải cảnh của Trung Quốc. Việc tàu của Việt Nam bám theo tàu hải cảnh Trung Quốc thể hiện tư thế đối phó của các nước nhỏ hơn, ở vào thế khó – phải cân bằng giữa một bên là chủ quyền còn bên kia là ngoại giao.

Có lẽ cảm thấy hành động vô lối của mình, tàu Trung Quốc lượn lờ vài giờ rồi rời đi. Hồi đầu tháng 12/2023, chính con tàu này của Trung Quốc đã hoạt động trong cùng khu vực thuộc vùng EEZ của Việt Nam, sau đó quay về “cố hương”.

Không phải ngẫu nhiên Trung Quốc tiến hành các cuộc tuần tra có tính xâm phạm vào các vùng EEZ của Philippines, Việt Nam, Indonesia, Malaysia. Đây là động thái có tính toán để thể hiện yêu sách của Bắc Kinh về lãnh hải. Đây là tuyên bố không lời rằng, họ sẵn sàng bảo vệ ranh giới mà họ đặt ra, thậm chí sẽ mở rộng thêm nữa.

Hành động ngang ngược này nhằm xác định quyền kiểm soát trên thực tế đối với các tuyến hàng hải chiến lược. Trung Quốc cố gắng “bình thường hóa” sự hiện diện liên tục của mình trong khu vực “Đường lưỡi bò”. Nếu láng giềng không lên tiếng phản đối vô hình trung đã công nhận chủ quyền của họ.

Các tranh chấp trong khu vực tiếp tục thu hút các cường quốc bên ngoài và làm phức tạp thêm nỗ lực mang lại ổn định và an ninh ở đây. Mỹ và một số nước đã chống đối các yêu sách chủ quyền, các hành động ngang ngược của Trung Quốc ở Biển Đông, đồng thời giúp đỡ các đối tác ở Đông Nam Á củng cố các năng lực an ninh hàng hải.

Việc đưa tàu lớn nhất từ trước đến nay vào Bãi ngầm Tư Chính là một trong những hành động thể hiện tham vọng độc chiếm Biển Đông của Bắc Kinh. Tham vọng này đã được “lập trình” từ rất lâu, được phôi thai ngay từ khi thành lập Nhà nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa vào năm 1949 – tham vọng vươn lên làm bá chủ thế giới.

Muốn vậy nhất định phải trở thành cường quốc biển, phải chiếm bằng được Biển Đông – kho báu tài nguyên thiên nhiên và tuyến hàng hải quan trọng nhất của thế giới. Vào năm 1958, khi ban hành Luật về Lãnh hải, Trung Quốc đã ngang nhiên tuyên bố “Trung Quốc có chủ quyền đối với Tây Sa và Nam Sa” (Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam).

Đến năm 1992, Trung Quốc bất ngờ ký hợp đồng thăm dò dầu khí trên bãi Tư Chính của Việt Nam với một công ty tư nhân của Mỹ – Công ty Crestone. Việt Nam đã kiên quyết phản đối. Năm 2009, Trung Quốc chính thức đệ trình lên Liên hợp quốc yêu sách “đường lưỡi bò” phi pháp, chiếm gần trọn Biển Đông. Tay trái kí vào Công ước Luật Biển năm 1982 của Liên hợp quốc, tay phải Bắc Kinh kéo lực lượng hải quân trá hình, tàu bè, súng ống vào khu vực này.

Không còn nghi ngờ gì nữa, việc Trung Quốc quần thảo nhiều năm nay ở khu vực Bãi ngầm Tư Chính và một số đảo đá khác là nhằm cạnh tranh, muốn cho Việt Nam chấp thuận hợp tác cùng khai thác dầu khí. Bởi, hiện tại, Trung Quốc đang nhập khẩu tới gần 60% dầu mỏ, đến năm 2030, con số này sẽ tăng lên 66,6% và đến năm 2040 sẽ là 75%.

Các lô dầu khí khu vực Bãi ngầm Tư Chính mà Việt Nam đang hợp tác thăm dò với các đối tác chính là miếng mồi béo bở đối với Trung Quốc, song cũng là cái gai chọc vào mắt họ. Vì thế dù họ có nói bao nhiêu lời ngon ngọt cũng chỉ là để dễ bề thực hiện âm mưu thôn tính Biển Đông, trước mắt là giải “cơn khát năng lượng”.

BDN

Aufrufe: 46

Related Posts