Berlin (EAST SEA) Thứ Sáu, Tháng Tư 7th, 2023 / 12:08

Tổng thống Pháp thăm Trung Quốc: Qúa nhiều quan điểm khác biệt

 Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ngày 6/4 kêu gọi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thuyết phục đồng minh thân thiết là Nga và giúp chấm dứt chiến tranh ở Ukraine. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Trung Quốc chỉ đáp lại rằng ông hy vọng hai bên có thể tổ chức hòa đàm càng sớm càng tốt.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hội đàm với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen tại Bắc Kinh ngày 6/4/2022. Ảnh: AFP

Trong các cuộc hội đàm rất được quan tâm ở Bắc Kinh, có cả Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cùng tham gia, ông Macron nói rằng phương Tây phải bắt tay chặt chẽ phối hợp cùng Bắc Kinh để giúp chấm dứt cuộc khủng hoảng và ngăn chặn căng thẳng “bị cuốn vào vòng xoáy” có nguy cơ chia rẽ các cường quốc toàn cầu thành các khối xung đột với nhau. Bà von der Leyen được Tổng thống Pháp Macron mời cùng đến thăm Trung Quốc để thể hiện sự đoàn kết của châu Âu, nhưng sẽ không tham gia nhiều sự kiện giữa các nhà lãnh đạo Trung Quốc và Pháp.

Ông Macron nói với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên ngoài Đại lễ đường Nhân dân khi bắt đầu cuộc gặp song phương: “Cuộc xâm lược của Nga ở Ukraine đã giáng một đòn mạnh vào sự ổn định (quốc tế). Tôi biết tôi có thể tin tưởng vào ngài để đưa nước Nga trở lại những gì có lý có tình và đưa các bên quay lại bàn đàm phán”.

Tuy nhiên, theo trang mạng “Politico”, nhà lãnh đạo Trung Quốc không thể hiện dấu hiệu nào cho thấy ông sẽ thay đổi quan điểm của ông về cuộc chiến của Nga ở Ukraine sau cuộc hội đàm với Tổng thống Pháp Macron hôm 6/4. Đáp lại phát biểu của ông Macron, nhà lãnh đạo Trung Quốc chỉ nhắc lại những phát biểu lâu nay của ông về cuộc chiến của Nga ở Ukraine, nói rằng “tất cả các bên” đều có “những quan ngại chính đáng về an ninh” và không có dấu hiệu nào cho thấy ông sẽ sử dụng ảnh hưởng của mình để chấm dứt cuộc xung đột. 

Phát biểu  trong cuộc họp báo tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh, Tập Cận Bình nói: “Trung Quốc sẵn sàng cùng Pháp kêu gọi cộng đồng quốc tế duy trì lý trí và bình tĩnh”. Ông nói thêm: “Các cuộc đàm phán hòa bình cần phải được nối lại ngay khi có thể, cân nhắc tới những quan ngại an ninh chính đáng của tất cả các bên tham chiếu theo Hiến chương Liên hợp quốc (LHQ)… tìm kiếm giải pháp chính trị và xây dựng một khuôn khổ an ninh cân bằng, hiệu quả và bền vững cho châu Âu”.

Ông Macron cũng đề nghị ông Tập Cận Bình gây áp lực để Nga tuân thủ các quy định quốc tế về không phổ biến vũ khí hạt nhân. Tổng thống Nga Vladimir Putin gần đây đã tuyên bố sẽ bố trí vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Belarus, nước láng giềng của Ukraine. Dù vậy, nhà lãnh đạo Trung Quốc nói rằng tất cả các nước cần phải tôn trọng các cam kết không sử dụng vũ khí hạt nhân và “không được gây ra chiến tranh hạt nhân”, nhưng không đề cập đến Nga. Ông kêu gọi cộng đồng quốc tế “kiềm chế mọi hành động có thể khiến cuộc khủng hoảng trở nên trầm trọng hơn hoặc thậm chí vượt khỏi tầm kiểm soát”.

Theo quan sát của “Politico”, trong một động thái vi phạm quy ước về nghi thức ngoại giao, Tổng thống Macron đã nói với thời lượng gần gấp đôi chủ nhà trong cuộc họp báo. Sau khi đọc những phát biểu đã được chuẩn bị cẩn thận, Tập Cận Bình đôi khi tỏ ra thiếu kiên nhẫn và khó chịu khi Macron tiếp tục nói. Ông nhiều lần thở dài và tỏ ra không thoải mái khi nhà lãnh đạo Pháp dường như đang nói một cách tùy hứng về cuộc chiến ở Ukraine và trách nhiệm chung của họ trong việc duy trì hòa bình.

“Vai trò quan trọng” của Trung Quốc

Trong cuộc gặp riêng giữa Chủ tịch Ủy ban châu Âu von der Leyen và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, nhà lãnh đạo EU cảnh báo rằng việc vận chuyển vũ khí tới Nga sẽ “làm tổn hại nghiêm trọng” đến quan hệ giữa Trung Quốc và EU. Bà nói: “Là một thành viên của Hội đồng Bảo an LHQ, đó là một trách nhiệm lớn và chúng tôi mong rằng Trung Quốc sẽ thể hiện vai trò của mình, thúc đẩy một nền hòa bình công bằng, một nền hòa bình tôn trọng chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine, vốn là một trong những nền tảng của Hiến chương LHQ”.

Tuy nhiên, Mosvka đã “dội một gáo nước lạnh” vào triển vọng hai bên sẽ hòa giải khi ngày 6/4 tuyên bố rằng họ “không có lựa chọn nào khác” ngoài việc tiếp tục cuộc tấn công ở Ukraine. Phát ngôn viên của Điện Kremlin Dmitry Peskov nói: “Chắc chắn, Trung Quốc có khả năng hòa giải vượt trội và rất hiệu quả. Nhưng tình hình với Ukraine rất phức tạp và cho đến nay không có triển vọng cho một giải pháp chính trị”.

Chuyến thăm  Trung Quốc lần này của ông Macron là chuyến thăm Trung Quốc đầu tiên của ông kể từ năm 2019, diễn ra trong bối cảnh phương Tây đang gây áp lực để Bắc Kinh hỗ trợ thúc đẩy hòa bình ở Ukraine. Về mặt chính thức, Bắc Kinh tỏ ra trung lập và ông Tập Cận Bình chưa bao giờ lên án cuộc xâm lược của Nga. Tổng thống Pháp Macron cho biết ông muốn “trở thành tiếng nói có thể đoàn kết châu Âu” về vấn đề Ukraine và việc bà von der Leyen đến Trung Quốc là để “nhấn mạnh tính nhất quán của cách tiếp cận này”.

“Kết nối chặt chẽ”

Chuyến công du Trung Quốc của ông Macron cũng có một yếu tố quan trọng khác là kinh tế, với việc nhà lãnh đạo Pháp mong muốn củng cố quan hệ đối tác thương mại với Bắc Kinh.

Phát biểu với báo giới sau khi đến Trung Quốc ngày 5/4, ông Macron cho rằng châu Âu phải tránh việc giảm quan hệ thương mại và ngoại giao với Trung Quốc, ông cũng bác bỏ quan điểm của một số người cho rằng giữa Trung Quốc và phương Tây có một “vòng xoáy căng thẳng không thể thoát ra được”.

Ông Macron, đi cùng phái đoàn gồm 50 doanh nghiệp bao gồm cả tập đoàn Airbus, đại công ty sản xuất đồ thời trang xa xỉ LVMH và nhà sản xuất năng lượng hạt nhân EDF, cũng thăm Trung Quốc để tìm kiếm những mối lợi kinh tế.

Airbus đã ký các thỏa thuận ngày 6/4 để mở một dây chuyền lắp ráp mới tại Trung Quốc, tăng gấp đôi công suất tại thị trường hàng không lớn thứ hai thế giới và chốt một số đơn đặt hàng máy bay phản lực đã công bố trước đây.

Vấn đề Đài Loan 

Chuyến thăm của ông Macron và bà von der Leyen diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc đang gia tăng áp lực lên Đài Loan sau khi Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn gặp Chủ tịch Hạ viện Mỹ Kevin McCarthy tại California hôm 5/4.

Bắc Kinh phản đối bất kỳ liên hệ chính thức nào giữa Đài Bắc và phần còn lại của thế giới, khẳng định chỉ có “một Trung Quốc”. Trung Quốc đã nhiều lần cảnh báo cả hai bên rằng cuộc gặp không nên diễn ra và đã cho triển khai một tàu sân bay tới gần Đài Loan vài giờ trước cuộc gặp.

BND

Aufrufe: 204

Related Posts