Berlin (EAST SEA) Thứ Sáu, Tháng Tư 7th, 2023 / 12:18

Nhóm Bộ tứ và những kinh nghiệm từ AUKUS

Theo bài viết của Viện chính sách Lowy, Nhóm Bộ tứ chưa thể hiện được vai trò với tư cách một tổ chức gắn kết trong khi liên minh ba bên AUKUS đang hướng tới việc cân bằng quyền lực trong khu vực bằng hành động thực tế. Tác giả nhấn mạnh sự thiếu vắng những nỗ lực và động thái thiết thực thậm chí có thể đem tới những thông điệp và tác dụng ngược. 

Lãnh đạo nhóm Bộ Tứ. Ảnh: CNN

Trong tuyên bố chung của các nhà lãnh đạo AUKUS hôm 14/3, liên minh khẳng định chương trình trang bị tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân AUKUS sẽ mang lại cho Australia năng lực đẳng cấp thế giới, đưa quốc gia này trở thành một trong 7 quốc gia duy nhất vận hành tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân. Tuyên bố được đăng tải trên trang mạng của Bộ Quốc phòng Australia có đoạn: “Lộ trình này mang lại những lợi ích chiến lược dài hạn đáng kể cho Australia, Anh và Mỹ. Qua đó giúp tăng cường năng lực công nghiệp của ba đối tác, nâng cao năng lực hợp tác để thúc đẩy chuỗi cung ứng ba bên trở nên mạnh mẽ và linh hoạt hơn”.

Tuyên bố này đã gây ra một cuộc tranh luận gay gắt. Vấn đề đặt ra là Australia sẽ cân nhắc những rủi ro và lợi ích của kế hoạch mua tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân như thế nào? Các nhà phê bình, từ các cựu thủ tướng cho đến các nhà phân tích hoài nghi, băn khoăn về hiệu quả chiến lược của kế hoạch, chi phí cơ hội, tính khả thi và tác động có thể có đối với chủ quyền của Australia. Những cuộc tranh luận này có thể tiếp tục, song điều có thể khẳng định hiện nay chính là AUKUS mang mục đích rõ ràng trong việc thay đổi cán cân quyền lực quân sự khu vực.

Xét ở góc độ này, AUKUS hoàn toàn trái ngược với một tập hợp nổi bật khác trong khu vực là Bộ tứ, gồm Australia, Ấn Độ, Nhật Bản và Mỹ. Có lẽ đã đến lúc Bộ tứ rút ra một số bài học từ AUKUS.

Về mục đích và thành phần, AUKUS và các mối quan hệ đối tác song phương khó có thể so sánh được với Bộ tứ. Liên minh Australia-Mỹ là một hiệp ước an ninh ràng buộc dựa trên nhiều thập kỷ tin cậy và kết nối thể chế. Bộ tứ không có nhiệm vụ chính thức, không có vai trò quân sự và là tập hợp của các cường quốc mới chỉ bắt đầu tham vấn về các vấn đề khu vực. Do đó, Bộ tứ khó có thể hoạt động như một liên minh. Dù vậy, nếu các thành viên Bộ tứ muốn đảm nhận vai trò an ninh khu vực, họ có thể học ít nhiều từ liên minh Australia-Mỹ. 

Điểm đáng chú ý của liên minh Australia-Mỹ trong những năm gần đây là nỗ lực thay đổi cán cân quyền lực thực tế trong khu vực. Kể từ khi lực lượng lính thủy đánh bộ Mỹ bắt đầu triển khai luân phiên tới căn cứ Darwin cách đây một thập kỷ, giới chức đã triển khai sáng kiến về lực lượng với kế hoạch bố trí máy bay chiến đấu, máy bay ném bom, tàu và binh lính ở Australia. Có thể có nhiều tranh cãi về giá trị của những bước đi này, song không thể phủ nhận đây là những yếu tố đang góp phần thay đổi hiện trạng thực tế, và cùng với sự hình thành của AUKUS, là những điều chỉnh trên môi trường biển khu vực. 

Những thay đổi quan trọng về sức mạnh quân sự này là hành động cần thiết để ngăn chặn hành động gây hấn tiềm năng của đối thủ. Thể hiện quyết tâm là phần không thể thiếu của các biện pháp ngăn chặn hiệu quả, song như vậy là không đủ. Thiếu hành động thực tế sẽ làm giảm độ tin cậy cần thiết. 

Nếu Bộ tứ chọn thực hiện sứ mệnh răn đe, họ có thể lấy cảm hứng từ liên minh Australia-Mỹ. Về lâu dài, một trong những tham vọng lớn nhất là thay đổi cán cân quyền lực sẽ liên quan đến việc các thành viên xây dựng năng lực quân sự mới. AUKUS đặt ra một tiêu chuẩn cao, nhưng Đánh giá Chiến lược Quốc phòng gần đây của Australia được cho là có khả năng đề xuất một loạt các sáng kiến hiện đại hóa khác, khả thi hơn.

Các thành viên Bộ tứ cũng có thể thay đổi cán cân quyền lực một cách nhanh chóng và không mất nhiều chi phí bằng cách tái bố trí các lực lượng quân sự hiện có. Các thành viên Bộ tứ sở hữu các vị trí có giá trị, và với các bố trí lực lượng cũng như xây dựng căn cứ mới, họ có thể phá vỡ đáng kể kế hoạch quân sự của Trung Quốc. Lấy ví dụ, đảo Cocos của Australia và quần đảo Andaman và Nicobar thuộc Ấn Độ, đều nằm gần các địa điểm quan trọng và các cơ sở quân sự của Trung Quốc ở Biển Hoa Nam (Biển Đông).

Đây là một việc làm mang tính rủi ro. Việc Bộ tứ đảm nhận vai trò quân sự mới sẽ gây ra những nhạy cảm chính trị giữa các thành viên và đặc biệt là trong khu vực. Vì vậy, thông điệp tinh tế sẽ là điều vô cùng quan trọng. Về cơ bản các hoạt động quân sự mới của các thành viên có thể không nhất thiết phải được gắn mác là sáng kiến của Bộ tứ. Các nhà quan sát cũng lo ngại rằng những lựa chọn hoặc các tương tác mới trong khu vực có thể hạn chế nhiều lựa chọn chính trị trong tương lai của Australia. Tuy nhiên, việc thiếu những năng lực này hoặc hội nhập sẽ còn đem lại nhiều rào cản hơn bởi thực tế việc thiếu các phương tiện quân sự cũng sẽ khiến Australia ngay từ đầu mất đi cơ hội lựa chọn cho dù giới lãnh đạo nước này mong muốn. 

Sự chuẩn bị quân sự của Bộ tứ cũng có thể mang lại cơ hội cho Trung Quốc. Việc Bắc Kinh muốn giành quyền kiểm soát Đài Loan bằng vũ lực nếu cần thiết là tham vọng rõ ràng, lâu dài và không thay đổi. Bắc Kinh hoàn toàn có thể lợi dụng nỗ lực chuẩn bị quân sự của những nước khác như một cái cớ để gia tăng lực lượng. Đây là những rủi ro nghiêm trọng cần được tính đến, song nếu không có rủi ro, người ta khó có thể thúc đẩy những chiến lược răn đe hiệu quả./.

Theo trang mạng defence.gov.au

 

Aufrufe: 211

Related Posts