Berlin (EAST SEA) Thứ Năm, Tháng Mười 17th, 2024 / 12:22

“Nỗi sợ hãi” trên các thị trường năng lượng do cuộc xung đột Iran-Israel

 

Từ sau khi Iran tấn công Israel bằng một loạt tên lửa vào ngày 1/10, một cuộc xung đột tiềm tàng giữa hai quốc gia này đã gây ra nỗi sợ hãi trên các thị trường năng lượng.

Bản đồ các mỏ dầu và khí tại Iran


Kịch bản tồi tệ nhất có thể hình dung được là việc Israel tấn công trả đũa vào các cơ sở hạt nhân hoặc cơ sở hạ tầng dầu mỏ của Iran. Một cuộc tấn công nhằm vào cơ sở hạ tầng dầu mỏ Iran sẽ đánh sập các hoạt động xuất khẩu dầu mỏ của nước này, một nguồn tài chính quan trọng đối với Tehran. Cuộc tấn công trả đũa tiềm tàng của Iran có thể ảnh hưởng nghiêm trọng tới sản lượng dầu khí tại các nước láng giềng, giáng một đòn nghiêm trọng hơn nhiều vào thị trường năng lượng toàn cầu. Xuất khẩu dầu mỏ của Saudi Arabia, Kuwait và Iraq được vận chuyển từ các cảng Vịnh Persia và đi qua Eo biển Hormuz dễ bị ngăn chặn. Qatar, cũng là bên trung gian trong cuộc xung đột ở Gaza, nằm hoàn toàn trong Vịnh Persia và là một trong những quốc gia xuất khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng lớn nhất thế giới.


Tình hình leo thang nghiêm trọng sẽ đặt tất cả vào tình thế rủi ro. Giá dầu và khí đốt cao hơn ảnh hưởng đến người tiêu dùng trên toàn thế giới, không chỉ những người nhập khẩu dầu từ khu vực xung đột. Đã xuất hiện nhiều lo lắng khi phản ứng mạnh mẽ của Israel lên đến đỉnh điểm trong ngày 7/10 – thời điểm kỷ niệm 1 năm Hamas tấn công Israel, khi giá dầu thô tăng vọt hơn 10%, lên hơn 80 USD/thùng. Giá dầu cũng đã giảm phần nào kể từ thời điểm đó. Trong trường hợp xấu nhất, giá dầu sẽ tăng vọt lên hơn 100 USD/thùng và gây ra một cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Những lo ngại này đã khiến Mỹ – đồng minh thân cận nhất của Israel – kêu gọi một “phản ứng hợp lý”, tức là không nhằm vào cơ sở hạ tầng năng lượng hoặc hạt nhân của Iran. Những lời kêu gọi này có thể một phần xuất phát từ mong muốn duy trì giá xăng ở mức thấp ngay trước thềm cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào ngày 5/11 tới.


Hiện nay, Tehran dường như đã hành động một cách thận trọng. Iran tuyên bố đã nhắm vào 3 căn cứ quân sự, còn Israel khẳng định có thể ngăn chặn hầu hết các tên lửa mà hầu như không gây ra thương vong. Trong bối cảnh nền kinh tế Iran tiếp tục hỗn loạn, nước này đã xoay xở để gia tăng sản lượng và xuất khẩu dầu. Sản lượng dầu trong năm 2022 của Iran là 2,5 triệu thùng/ngày, và đã tăng lên 3,2 triệu thùng/ngày vào tháng 8/2024. Sản lượng gia tăng này đang được bán cho Trung Quốc thông qua Malaysia để tránh các lệnh trừng phạt. Malaysia sản xuất chưa đầy 350.000 thùng dầu/ngày, nhưng xuất khẩu tới 1,5 triệu thùng dầu/ngày sang Trung Quốc. Đó chính là dầu của Iran, được vận chuyển lén lút đến Malaysia để các thương nhân tái xuất dầu cho các nhà máy lọc dầu Trung Quốc.


Việc phục hồi xuất khẩu dầu có thể là lý do khiến Iran tương đối kiềm chế. Một đòn giáng vào nguồn tài chính trọng yếu này có thể dồn Iran vào thế bí, buộc nước này phải ngăn chặn hoạt động sản xuất và buôn bán dầu ở Vịnh Persia.


Tình hình leo thang như vậy cũng đặt ra vấn đề đối với Ấn Độ, quốc gia nhập khẩu hơn 80% nhu cầu dầu của mình. Ấn Độ là quốc gia có mức độ tiêu dùng lớn, và giá dầu cao hơn có nghĩa là mức chi tiêu trong nước sẽ bị ít đi. Mức tăng 25 USD/thùng đồng nghĩa với mức tăng thêm 35 tỷ USD, hoặc 1% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) mà Ấn Độ phải trả cho năng lượng. Phần lớn cơ sở hạ tầng giao thông của nước này chạy bằng dầu diesel và giá dầu cao hơn sẽ dẫn đến lạm phát toàn diện cao hơn. Giá lương thực chịu ảnh hưởng bởi giá năng lượng cao vì khí đốt tự nhiên là đầu vào trong sản xuất phân đạm ure. Một cuộc xung đột lớn ở Vịnh Persia sẽ có tác động thậm chí còn lớn hơn cả xung đột Ukraine năm 2022, vốn đã ảnh hưởng nặng nề đến nhiều quốc gia đang phát triển.

Một rắc rối khác đặt ra đối với Ấn Độ chính là các quốc gia láng giềng Nam Á của nước này – Bangladesh, Pakistan, Sri Lanka và Maldives – đều đang phải đối mặt với khủng hoảng kinh tế. Các quốc gia trên dễ bị tổn thương hơn Ấn Độ trước tình trạng giá năng lượng và lương thực gia tăng đột biến, và xung đột ở Tây Á sẽ ảnh hưởng đến những nước này sớm hơn và nặng nề hơn so với Ấn Độ. Ấn Độ đã can thiệp với sự hỗ trợ khẩn cấp cho Sri Lanka và Maldives lần lượt trong các năm 2022 và 2024. Liệu Bangladesh sẽ là nước tiếp theo? Khó khăn kinh tế là một trong những động lực thúc đẩy những thay đổi chế độ gần đây và tình trạng bạo lực sau đó, và tình hình tài chính của Dhaka thậm chí còn tệ hơn trước. Một cuộc khủng hoảng tài chính có thể trở thành một cuộc khủng hoảng nhân đạo. Nếu Bangladesh trông chờ vào sự cứu trợ của Ấn Độ, trong bối cảnh một cuộc khủng hoảng Tây Á toàn diện, thì đây có thể là một thảm họa./.

BND tổng hợp

Aufrufe: 206

Related Posts