Châu Á-Thái Bình Dương từ lâu đã là khu vực chiến lược quan trọng đối với Mỹ, là ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của nước này. Vào năm 2011, Chính quyền Obama đã công bố chiến lược Xoay trục (Tái cân bằng) sang châu Á-Thái Bình Dương với nhiều điểm mới, thể hiện sự can dự sâu hơn vào khu vực Thái Bình Dương nói chung và Đông Nam Á – Biển Đông nói riêng.

Kiên trì với khẩu hiểu “Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại” (MAGA) từ lúc tranh cử cho đến khi trở thành chủ nhân Nhà Trắng nhiệm kỳ trước, đối với Donald Trump, việc giúp Mỹ trở lại vinh quang vốn có được coi là trách nhiệm cá nhân của ông. Khác với thời Obama, tập trung vào chủ nghĩa quốc tế và can dự vào nhiều điểm nóng trên thế giới để đảm bảo cái gọi là “tự do và dân chủ” mà Mỹ bảo vệ. Trump đã dần chuyển sang chủ nghĩa cô lập, ủng hộ “Nước Mỹ trên hết”, ưu tiên các lợi ích của Mỹ hơn so với lợi ích của các đồng minh và thậm chí là toàn bộ khu vực. Do đó, quan điểm của Trump trong giai đoạn này nhấn mạnh việc đảm bảo tự do hàng hải, duy trì lợi ích an ninh kinh tế của Mỹ ở khu vực, đồng thời không có quốc gia nào có quyền xâm phạm lợi ích của các quốc gia trong khu vực vượt luật pháp quốc tế. Nếu điều đó xảy ra, Mỹ có thể tiếp cận và can thiệp ở khu vực ngay lập tức.
Chúng ta có thể nhận ra vài điều về cách tiếp cận của Donald Trump đối với Biển Đông. Thứ nhất, cựu Tổng thống theo đuổi một Biển Đông hòa bình và ổn định, mục tiêu xuất phát từ mong muốn có được các lợi ích kinh tế hơn là xung đột quân sự trên biển. Thứ hai, lập trường của Trump về Biển Đông và các quốc gia khu vực, bao gồm cả Trung Quốc, có thể được nhìn nhận theo hai cách. Khi mới nhậm chức, Trump đã mềm mỏng với các vấn đề ở Biển Đông và ủng hộ một khu vực hòa bình bằng cách sẵn sàng đóng vai trọng tài. Trong giai đoạn quan hệ Mỹ-Trung đối đầu căng thẳng, Biển Đông trở nên hỗn loạn hơn với sự xuất hiện của các tàu chiến Mỹ và các tuyên bố cứng rắn của Mỹ về khu vực. Trong trường hợp Trump thắng cử nhiệm kỳ thứ hai trong bối cảnh thế giới vô cùng bất ổn như hiện nay, Trump có thể đưa ra chiến lược Biển Đông theo hai hướng, kế thừa nó từ chính quyền Biden theo hướng ổn định và kiềm chế tình hình khu vực hoặc “làm nóng” bằng cách đối đầu quyết liệt với Trung Quốc về vấn đề Đài Loan.
Cả Trung Quốc và Mỹ đều có tham vọng riêng. Đối với Trung Quốc, lợi ích của nước này ở Biển Đông được coi là lợi ích quốc gia quan trọng. Mặc dù không ảnh hưởng đến sự tồn vong của quốc gia, song nó đóng vai trò quan trọng trong ba phương diện kinh tế, quân sự và là hậu phương của sức mạnh hải quân của nước này. Trong bốn năm cầm quyền, Trump và nội các của ông chưa bao giờ ngừng chỉ trích hành động “bắt nạt” các nước khác của Bắc Kinh. Trong chiến lược quốc phòng mới, tư tưởng bao vây trên biển của Washington coi Biển Đông là trung tâm của Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương trong hệ thống bao vây và kiềm chế Trung Quốc. Điều này đã được tiếp nối từ nhiệm kỳ của Trump sang Biden, với mỗi chính quyền có cách thực thi khác nhau nhưng mục tiêu dài hạn vẫn giữ nguyên.
Do đó, nếu Trump tái đắc cử vào năm 2024, cạnh tranh Mỹ-Trung vẫn sẽ là tình hình chính ở Biển Đông. Tầm quan trọng của bản chất cạnh tranh sẽ không giảm nhưng chiến lược được áp dụng ở đây sẽ khác. Mỹ sẽ đặt nhiều trách nhiệm lên các đối tác khu vực hơn, sẽ có cách tiếp cận khuyến khích từ xa thay vì can dự quân sự trực tiếp dựa trên các cơ chế hiện có như Bộ tứ, liên minh ba bên Australia-Anh-Mỹ (AUKUS), v.v…
Vấn đề Đài Loan từ lâu đã được coi là trở ngại lớn nhất trong mối quan hệ giữa hai cường quốc hàng đầu là Mỹ và Trung Quốc do vị thế địa chính trị và kinh tế của hòn đảo này liên quan đến chiến lược của Bắc Kinh. Đài Loan không được công nhận là một quốc gia và trong quá khứ, dưới thời Mao Trạch Đông, Mỹ đã cắt đứt quan hệ với Đài Loan để công nhận Trung Quốc. Tuy nhiên, Đài Loan có giá trị quan trọng đối với Mỹ khi là một vùng lãnh thổ chiến lược, chặn Trung Quốc có thể đi ra ngoài biển. Ngược lại, việc giành lại và thống nhất Đài Loan vào đại lục đã trở thành mong muốn của bất kỳ nhà lãnh đạo Trung Quốc nào.
Lợi dụng căng thẳng Eo biển Đài Loan năm 2022, Trump đã đưa ra nhiều tuyên bố trên Twitter chỉ trích các chính sách của đương kim Tổng thống Joe Biden. Ngoài ra, Trump cũng đưa ra các tuyên bố về cách nhanh chóng giải quyết các điểm nóng mà Mỹ quan tâm như xung đột Ukraine-Nga, Israel-Hamas và Eo biển Đài Loan.
Trong năm 2024, vấn đề Đài Loan cũng sẽ thay đổi với vai trò của tân lãnh đạo Đảng Dân chủ Tiến bộ, ông Lại Thanh Đức. Viễn cảnh trong tương lai của Đài Bắc có thể sẽ bao gồm việc chung sống hòa bình với Đại lục hoặc nếu trong trường hợp hòn đảo này chọn đối đầu, không bao giờ có “một Trung Quốc”, từ đây mở ra một viễn cảnh tương đối mờ nhạt cho khu vực Biển Đông nếu Trump tái đắc cử Tổng thống Mỹ vì quan điểm của ông về Trung Quốc. Trung Quốc sẽ vẫn là đối thủ cạnh tranh chính và lớn nhất của Mỹ, trong khi Đài Loan khó có thể thoát khỏi thế tiến thoái lưỡng nan mà theo bà Rorry Daniels của ‘Business Insider’, “kịch bản ác mộng thật sự đối với Bắc Kinh không nhất thiết là thấy Lại Thanh Đức được bầu làm Tổng thống Đài Loan, mà là sự kết hợp của Lại Thanh Đức và có lẽ là Donald Turmp trở lại Nhà Trắng”, bao gồm cả nội các cũ của ông Trump.
Một tương lai khó lường đến từ cả Donald Trump và tình hình thế giới, nhưng Biển Đông vẫn có thể ổn định trước vấn đề Đài Loan vì cả Trung Quốc và Mỹ đều nhìn thấy lợi ích từ việc mở cửa khu vực, vai trò thương mại quan trọng của tuyến đường Biển Đông với Bắc Kinh. Đầu năm 2024, trong thông điệp mừng năm mới, Tập Cận Bình đã khẳng định rằng “Thống nhất đất nước là điều tất yếu lịch sử, đồng bào hai bên chung tay, chung lòng, cùng nhau chia sẻ vinh quang vĩ đại của sự phục hưng vĩ đại của dân tộc Trung Hoa” cho thấy Trung Quốc hiện đã đủ tỉnh táo trong vấn đề giành lại Đài Loan một cách hòa bình. Tuy nhiên, căng thẳng ở Hoàng Hải giữa Hàn Quốc và Triều Tiên đã nhen nhóm trở lại. Rất có thể vấn đề phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên sẽ là ưu tiên hàng đầu nếu Trump đắc cử. Điều này cũng có nghĩa là các quan ngại ở Biển Đông sẽ giảm bớt hoặc Mỹ sẽ đẩy trách nhiệm và tăng vai trò của các đối tác đồng minh của họ về các vấn đề ở Biển Đông./.
Nguồn: moderndiplomacy.com
Aufrufe: 240