Berlin (EAST SEA) Thứ Ba, Tháng Bảy 4th, 2023 / 09:24

Mục đích chuyến công du châu Âu của Tổng thống Mỹ Biden

Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ tới châu Âu trong một tuần để thực hiện chuyến công du 3 quốc gia, bao gồm cả tham dự hội nghị thượng đỉnh NATO. Chuyến đi tập trung vào việc củng cố liên minh quốc tế để ủng hộ Ukraine khi nước này tiến hành cuộc phản công chống lại Nga.

Thủ tướng Đức Scholz (trái) và Tổng thống Mỹ Biden trong cuộc gặp tại Nhà Trắng hồi tháng 3/2023. Ảnh: Anadolu.

Theo thông báo của Nhà trắng, ông Biden dự kiến khởi hành vào ngày 9/7 tới Anh, sau đó tới thủ đô Vilnius của Litva để tham dự Hội nghị thượng đỉnh NATO và cuối cùng là đến Helsinki (Phần Lan) để hội đàm với những người đồng cấp Bắc Âu.


Các nhà lãnh đạo quân sự Ukraine cho biết cuộc họp của NATO diễn ra vào thời điểm quan trọng nhất trong cuộc chiến. Tổng thống Ukraine Zelensky cho biết các hành động phản công và phòng thủ chống lại các lực lượng Nga đang được tiến hành khi quân đội Ukraine bắt đầu chiếm lại lãnh thổ ở phía Đông Nam của đất nước.


Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã đến thăm Nhà Trắng hôm 13/6, nơi ông và Biden nói rõ rằng liên minh phương Tây đã thống nhất trong việc bảo vệ Ukraine. Biden cho biết trong cuộc họp đó rằng ông và các nhà lãnh đạo NATO khác sẽ làm việc để đảm bảo rằng mỗi quốc gia thành viên dành 2% GDP cho quốc phòng. Biden nói khi ngồi cạnh Stoltenberg, người dự kiến sẽ gia hạn nhiệm kỳ thêm một năm nữa: “Các đồng minh NATO chưa bao giờ đoàn kết hơn thế. Cả hai chúng tôi đều làm việc cật lực để đảm bảo điều đó. Và cho đến nay, rất tốt. Chúng tôi thấy sức mạnh chung của chúng tôi trong việc hiện đại hóa mối quan hệ trong NATO, cũng như hỗ trợ khả năng phòng thủ cho Ukraine”.


Tìm cách kết nạp Thụy Điển


Hội nghị thượng đỉnh NATO diễn ra khi liên minh quân sự phương Tây tìm cách kết nạp Thụy Điển – quốc gia đã bị Thổ Nhĩ Kỳ và Hungary ngăn cản tham gia làm thành viên – và khi Ukraine tăng cường chiến dịch gia nhập khối này trong bối cảnh Nga xâm lược.


Phần Lan đã trở thành thành viên đầy đủ của NATO vào đầu năm nay. Khi Phần Lan gia nhập NATO vào tháng 4, nước này đã nhân đôi biên giới của Nga với liên minh an ninh lớn nhất thế giới. Biden đã nhấn mạnh việc củng cố liên minh NATO như một tín hiệu cho thấy ảnh hưởng của Moskva đang suy giảm.
Thụy Điển cũng đang tìm cách gia nhập NATO, mặc dù các thành viên liên minh là Thổ Nhĩ Kỳ và Hungary vẫn chưa tán thành động thái này. Trước khi đến châu Âu, Biden sẽ tiếp Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson tại Nhà Trắng vào ngày 8/7 để thảo luận về tham vọng gia nhập NATO của Stockholm.
Thụy Điển đã yêu cầu tham gia liên minh quân sự này vào tháng 5/2022, ba tháng sau khi Nga xâm lược Ukraine. Các nhà ngoại giao hàng đầu của Thổ Nhĩ Kỳ và Thụy Điển sẽ gặp nhau vào 9/7 – một ngày sau chuyến thăm Nhà Trắng của Thủ tướng Kristersson – tại trụ sở NATO ở Brussels.


Thổ Nhĩ Kỳ cuối cùng đã rút lại việc phản đối Phần Lan gia nhập hồi đầu năm. Nhưng Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tuần trước đã tố cáo Stockholm vì đã cho phép một cuộc biểu tình trong đó một người đàn ông đốt các trang trong kinh Koran. Tổng thống Erdogan đã nói rằng Thụy Điển “quá lỏng lẻo” đối với các nhóm khủng bố và các mối đe dọa an ninh. Tuy nhiên, ông Stoltenberg cho biết Thụy Điển đã đáp ứng các nghĩa vụ của mình đối với tư cách thành viên thông qua việc thắt chặt luật chống khủng bố và các biện pháp khác.


Lý do Hungary phản đối Thụy Điển ít được xác định hơn, phàn nàn về những lời chỉ trích của Thụy Điển về sự thụt lùi dân chủ và xói mòn về pháp quyền của nước này. Hungary, trong khi cung cấp viện trợ nhân đạo cho Ukraine, cũng đã tìm cách cân bằng mối quan hệ giữa NATO và Nga. Budapest phụ thuộc rất nhiều vào Nga về nhu cầu năng lượng. Các đồng minh phương Tây và Stockholm khẳng định rằng Thụy Điển đã đáp ứng các điều khoản của thỏa thuận gia nhập liên minh vốn đã nhất trí với Ankara hồi năm ngoái.


Hối thúc NATO mời Ukraine gia nhập


Chuyến công du của Tổng thống Biden từ ngày 9-13/7 diễn ra trong bối cảnh căng thẳng gia tăng ở Nga sau cuộc nổi dậy ngắn ngủi do thủ lĩnh tập đoàn lính đánh thuê Wagner Yevgeny Prigozhin lãnh đạo đã làm lung lay chính quyền của Tổng thống Vladimir Putin. Đấu đá nội bộ đang lan rộng trong bộ máy an ninh của Moskva khi tổng thống Nga nghi ngờ một số nhân vật cấp cao được cho là đã hỗ trợ cuộc binh biến.


Trong khi đó, các chiến binh từ nhóm lính đánh thuê Wagner có thể sắp tập hợp lại hàng loạt ở Belarus, nơi họ đã được Tổng thống Alexander Lukashenko, một đồng minh của Putin, hứa hẹn sẽ chào đón nồng nhiệt.


Có những dấu hiệu cho thấy Washington cảm nhận được cơ hội, ngay cả khi họ khẳng định rằng họ không can thiệp vào các vấn đề nội bộ của Nga. William Burns, Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương, cho biết hôm 1/7 rằng sự bất mãn với cuộc chiến “sẽ tiếp tục gặm nhấm giới lãnh đạo Nga”, đồng thời nhận định rằng đây là “cơ hội nghìn năm có một” và “chúng tôi sẽ không để nó bị lãng phí”.


Tại Vilnius, trọng tâm sẽ là Ukraine và liệu các thành viên của liên minh quân sự có vạch ra con đường rõ ràng để quốc gia bị tàn phá này cuối cùng gia nhập NATO hay không, như Tổng thống Zelensky đã thúc giục. Tổng thống Ukraine Zelensky cuối tuần trước cho biết ông muốn đất nước của mình nhận được “lời mời” tại hội nghị thượng đỉnh Vilnius để gia nhập NATO sau khi cuộc chiến với Moskva kết thúc.


Sau cuộc hội đàm với Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez, ông Zelensky nói với các phóng viên ở Kiev: “Chúng tôi cần một tín hiệu rõ ràng và dễ hiểu tại hội nghị thượng đỉnh Vilnius rằng Ukraine có thể trở thành một thành viên bình đẳng của NATO sau khi chiến tranh kết thúc. Lời mời tham gia liên minh này là bước đầu tiên, rất thiết thực, nó sẽ rất quan trọng đối với chúng tôi”.


Tổng thống Zelensky ký đơn xin gia nhập NATO tháng 9/2022 và yêu cầu liên minh nhanh chóng kết nạp Ukraine. Ông Zelensky hồi tháng 5 thừa nhận Ukraine không thể gia nhập NATO khi chưa chấm dứt xung đột với Nga.


Nga nhiều lần tuyên bố ngăn Ukraine gia nhập NATO là mục tiêu chính của nước này. Nga coi tiến trình hướng Đông của NATO là một trong những mối đe dọa an ninh nghiêm trọng. Trong khi đó, một số nước như Mỹ và Đức bày tỏ thận trọng trước việc kết nạp Ukraine vào NATO, lo ngại điều này đẩy liên minh đến gần xung đột với Nga./.

BND

Aufrufe: 236

Related Posts