Berlin (EAST SEA) Thứ Tư, Tháng Sáu 2nd, 2021 / 11:44

Một số hoạt động bảo vệ biển đảo miền Bắc dưới triều Nguyễn: thời kỳ 1802 – 1885

Vị thế biển đảo miền Bắc trong con mắt vua Nguyễn
Triều Nguyễn không chọn miền Bắc là nơi đóng đô, nhưng miền Bắc là nơi đóng đô của rất nhiều triều đại phong kiến nước ta trước kia. Biển đảo miền Bắc không phải làm phên giậu trực tiếp bảo vệ kinh thành Huế, nhưng không vì thế mà nó mất đi ý nghĩa về vị thế quan trọng quốc phòng dưới triều Nguyễn.

Là một nước nông nghiệp, nhưng ý thức về biển đã có từ rất sớm trong con người Việt. Rất nhiều nền văn hóa cổ đã được phát hiện và chứng minh rằng con người Việt biết đến biển từ rất sớm như các nền văn hóa Quỳnh Văn, Bàu Tró, Sa Huỳnh… Trong một bài viết, tác giả Nguyễn Văn Kim có viết “từ khởi nguyên, biển đã là môi trường sống, là bộ phận hợp thành, góp phần tạo dựng, định diện bản sắc văn hóa và tư duy của người Việt”([1]). Trong cuốn Biển với người Việt cổ, các tác giả nhấn mạnh về vai trò của biển đối với người Việt chúng ta rằng: “Biển giữ vai trò rất quan trọng từ thời kỳ đã qua đến thời hiện tại đối với sự tồn tại và phát triển của dân tộc ta“([2]).Điều đó càng cho thấy người Việt chúng ta rất quan tâm đến biển đảo. Biển đảo là nơi cung cấp bao nguồn lợi cho con người, các loại thực phẩm tôm, cá, mực và các loại hải sản khác. Đồng thời, trong quá trình phát triển đi lên biển đảo còn là một con đường giao thông quan trọng cho các nước trên thế giới giao lưu với nhau thông qua con đường thương nghiệp trên biển. Hơn thế nữa, biển đảo cũng chính là nơi án ngự con đường biên giới quốc gia trên biển, nên ý nghĩa lại càng được đề cao trong quá trình bảo vệ xây dựng đất nước, vương triều. Triều Nguyễn cũng không nằm ngoài ngoại lệ đó, những vị vua đầu triều Nguyễn rất quan tâm tới biển đảo cả nước nói chung và biển đảo miền Bắc nói riêng. Ở trong từng thời kỳ trị vị của mình, những người đứng đầu triều Nguyễn đều có cách ứng xử hợp lý với biển và luôn xem trọng  biển đảo “thời Gia Long – Minh Mạng đã xây dựng cơ cấu tổ chức và hoạt động của các cơ quan tuần kiểm (tuần tra kiểm soát), dọc bờ biển và ngoài khơi, các đội Hoàng Sa, Trường Sa, Bắc Hải… được nhà nước giao nhiệm vụ khai thác quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa ở giữa biển Đông thuộc lãnh thổ Việt Nam”([3]). Biển đảo miền Bắc có những giao lưu sớm với bên ngoài, hơn nữa biển đảo miền Bắc là một vị thế rất quan trọng, một trong những nơi có vịnh, cảng thuộc vào loại quan trọng nhất nước ta. “Trên lãnh thổ của Tổ quốc ta, ở hai khu vực Đông Bắc và Tây Nam có hai vịnh biển giữ vị thế địa – kinh tế, địa – chiến lược hết sức quan trọng. Nếu như vịnh Bắc Bộ sớm có nhiều mối quan hệ gắn bó mật thiết với diễn tiến lịch sử, văn hóa, kinh tế của các quốc gia khu vực Đông Bắc Á”([4]). Các vị vua đầu triều Nguyễn luôn đề cao, ý thức về những vùng đất xa xôi của đất nước. Biển đảo là một phần tất yếu trong đó “Minh Mệnh đã tăng cường xác lập chủ quyền Việt Nam ở các hải đảo, vùng biển và miền biên giới xa xôi([5]). Biển đảo miền Bắc là nơi án ngữ con đường biên giới trên biển với thế lực phong kiến phương Bắc, nên ý nghĩa của nó lại càng được xem trọng trong bảo vệ vương triều Nguyễn. Đồng thời, lúc này với những thay đổi của thế giới, các nước tư bản phương Tây đang tìm kiếm thị trường và thuộc địa đối với các nước phương Đông trong đó có Việt Nam

Hoạt động bảo vệ biển đảo miền Bắc là bảo vệ vững chắc một phần lãnh thổ của cả nước. Các vị vua đầu triều Nguyễn ý thức rất cao về bảo vệ vẹn toàn lãnh thổ. Biển đảo lại là nơi rất được chú ý, với ý thức về biển đảo rất rõ ràng và đúng đắn của các vị vua đầu triều Nguyễn.

Tuần tra kiểm soát biển đảo

Tuần tra kiểm soát biển đảo là một hoạt động được tiến hành thường xuyên dưới triều Nguyễn. Triều Nguyễn đã đưa ra nhiều biện pháp, chính sách và tiến hành những hoạt động tuần phòng, kiểm soát trên biển đảo cả nước nói chung và vùng biển miền Bắc nói riêng, vua Minh Mệnh năm thứ 18 [1837] Dụ bộ Binh rằng“Bờ biển nước ta rất dài, việc tuần phòng biển rất là quan trọng”([6]).

Từ khi vua Gia Long lên ngôi, ông đã cho tổ chức việc tuần tra, nhằm giúp tăng cường phòng chống hải tặc, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ trên biển đảo. Trong cuốn Việt Nam sử lược, khi nhận xét về việc tuần tra biển đảo của vua Gia Long, tác giả Trần Trọng Kim viết: “Nước Việt Nam ta có nhiều bể cần phải giữ gìn, bởi vậy vua Thế tổ lưu tâm về việc chỉnh đốn binh quyền([7]) và tác giả viết tiếp “Nhà vua lại làm ra một thứ thuyền lớn ngoài bọc đồng, để đi lại tuần phòng ở miền bể([8]). Tuần tra kiểm soát biển đảo là một hoạt động rất quan trọng, biển đảo là cửa ngõ duy nhất ở thời kỳ này mà có thể giao lưu với các nước phương Tây. Và đồng thời đây cũng là cửa ngõ cần phải quan tâm chốt giữ chống lại các mối đe dọa từ biển vào. Dưới thời các vua Gia Long và Minh Mệnh, chủ quyền biển đảo là việc được hai vua hết sức coi trọng không riêng gì biển đảo miền Trung mà biển đảo miền Bắc cũng được triều Nguyễn cho thấy sự quan tâm đúng mức. “Vua Gia Long và Minh Mạng đã nhận thức rất rõ về vị thế của biển và mối lo ngại hải tặc tấn công, nên ngoài việc bố phòng cẩn mật tại bờ biển thì công tác tuần tra và kiểm soát vùng biển được các vua Nguyễn cũng ban hành nhiều chính sách cụ thể. Tuần tra là hoạt động quan trọng trong việc bảo vệ, thực thi chủ quyền vùng biển. Cái lợi của tuần tra mặt biển được vua Minh Mạng chỉ rõ đi tuần phòng ven biển một là để thao luyện cách lái thuyền cho quen thuộc dòng nước, hai là để tập đánh dưới nước, biết rõ đường biển, khiến cho bọn giặc biển nghe tin không dám gây sự. Đó là một việc được ba điều lợi. Một trong những cái lợi trực tiếp của tuần tra chính là bảo vệ an toàn việc vận chuyển sản vật và vật liệu ở các địa phương về kinh đô bằng đường biển”([9]). Nhằm tăng cường hiệu quả cho công tác tuần phòng thì phải am hiểu về vùng biển đảo bao gồm cả sức gió, con nước và những chỗ nông cạn của vùng biển… nhằm trang bị những kiến thức tốt nhất cho những người làm công tác tuần phòng biển đảo. Vua Gia Long đã “lệnh cho Bộ Công biên tập cuốn “Hải trình tập nghiệm sách” trên cơ sở tra tập các sách. Nội dung bao gồm bốn mục là “Tóm tắt về mưa gió”, “Những điều kiêng kỵ khi chạy tàu thuyền”, “những điều kiêng kỵ khi đóng tàu thuyền”, và Tập nghiệm những việc đã qua, tập trung những tai nạn tàu thuyền lại và lệnh cho các nơi ven biển vẽ bản đồ của biển trong vùng hải phận của mình, cùng phát cho thủy quân và những người có liên quan học tập”([10]). Ngoài ra, triều Nguyễn cho đo đạc các cửa bể ven biển cũng như tìm hiểu hết những chỗ nào có đá ngầm, bãi cát ngầm… Triều Nguyễn còn cho vẽ bản đồ để cho việc tàu thuyền qua lại tránh va phải, dễ dàng cho việc đi lại. “Vậy truyền chỉ cho các quan địa phương ra lệnh cho các viên coi đồn cửa bể trong hạt, bắt đầu từ năm nay phàm những cửa biển sở tại, rộng, hẹp, nông sâu thế nào phải xem xét đo đạc cho tường tận hơn những cửa ven biển gần bờ, nếu có đống đá, ghềnh đá, bãi cát nông, bãi cát ngầm, mà thuyền bè cần phải tránh, đều phải chua rõ là cách với bờ bao nhiêu trượng, thước; nếu cách bờ xa, khó xem xét đo đạc, cũng phải ước lược xem xa gần mấy dặm, đi bộ mấy giờ mấy khắc thì vào đến bờ, và ở chỗ ấy trông lên núi trên bờ xem hình nó lớn hay nhỏ, hình giống cái gì, nhất nhất phải biên kê hết cả ra, để cho dễ nhận. Hằng năm cứ vào khoảng tháng 6 tháng 7 tiếp giáp nhau, sở tại gửi bản biên kê đó đến Bộ Công để lục giao cho thuỷ quân và các thành trấn lưu chiểu. Việc đó cốt để cho sự đi biển được thuận lợi; nếu làm sai thì những viên đóng giữ các đồn cửa bể tức thì bị chiểu luật nặng trị tội. Rồi lại chuẩn cho Bộ Công tư đi các địa phương chiếu theo hải phận trong hạt, vẽ thành bản đồ nộp bộ để căn cứ xét dùng([11]).

Bản đồ Việt Nam thời Nguyễn vẽ khoảng năm 1838, đã vẽ Hoàng Sa, Vạn lý Trường Sa thuộc lãnh thổ Việt Nam, phía ngoài các đảo ven bờ miền Trung Việt Nam

Các vua đầu Nguyễn không quên nhiệm vụ tuần phòng biển đảo và luôn đề cao xem trọng việc này. Minh Mệnh vị vua thứ hai của triều Nguyễn, ông rất quan tâm đến việc bảo vệ an ninh lãnh thổ biển đảo, ông đã tổ chức nhiều đội tuần tra kiểm soát nhằm bảo vệ an ninh biển đảo. Đây cũng là việc làm bảo đảm an toàn cho các thuyền buôn yên tâm đi lại trên biển. Việc làm này nhằm phát triển hàng hải trên biển “21 năm trị vì của vua Minh Mệnh cũng có thể coi là đỉnh cao của nền hàng hải thuyền buồm và công cuộc xây dựng hải quân thời cổ đại Việt Nam. Ông ra sức đẩy mạnh sự nghiệp hàng hải của chính phủ Việt Nam, khuyến khích đóng các loại tàu thuyền bền chắc, xây dựng thủy quân vững mạnh, hết sức quan tâm nền an ninh cõi biển và phòng thủ biển. Ông đã ban bố các quy chế như “tuần dương chương trình”, “tuần thuyền quy thức”, v.v… nhằm mục đích chống cướp biển, trạm dương và giữ gìn an ninh cho các loại tàu thuyền hoạt động ven biển”([12]).

Biển đảo miền Bắc tuy không phải trực tiếp làm cửa chắn cho kinh đô Huế, song đây cũng là vùng biển đảo hết sức quan trọng. Ở đây bao gồm rất nhiều đầu mối giao thông cùng với ý nghĩa chính trị của nó không kém so với biển đảo ở những nơi khác trong nước. Hơn nữa, ở đây có địa hình tương đối phức tạp, hiểm trở với hàng trăm đảo lớn nhỏ khác nhau nên việc kiểm soát không phải là một vấn đề đơn giản “sự phân bố các đảo ở biển Việt Nam không đều, ven bờ vịnh Bắc Bộ có số lượng hơn 2.300 đảo với diện tích khoảng 800km2, ven bờ miền Trung có khoảng 250 đảo, với diện tích khoảng 170km2, ven bờ biển Nam Bộ có số lượng hơn 200 đảo với diện tích 679km2”([13]). Để cho thấy được tầm quan trọng không kém của biển đảo miền Bắc, vua triều Nguyễn luôn chỉ dụ ngoài những quan sở tại miền Bắc thực hiện tuần phòng, bảo vệ biển đảo phải hết mình ra thì còn chỉ thị cho những biền binh nơi khác phải thường xuyên đến Bắc Thành để đồn trú. Năm Minh Mệnh thứ 4 [1823] “Sai hơn 270 biền binh cơ Ngũ thủy của Thủy quân ngồi 42 chiếc thuyền hiệu Ô Lê, theo chưởng cơ Nguyễn Văn Hạnh đi Bắc Thành thay nhau đồn trú”([14]). Hơn nữa biển đảo miền Bắc là cửa ngăn các thế lực bành trướng và quấy rối từ phương Bắc, nên việc tuần phòng, bảo vệ lại càng không được lơ là. Năm Minh Mệnh thứ 10 [1829], ban Dụ rằng: “Từ Quảng Trị trở ra Bắc, từ Quảng Nam trở vào Nam, đều nhanh chóng phái 3, 4 thuyền binh, theo hạt đi tuần xét. Mỗi khi gặp thuyền dị dạng nước Thanh, hoặc trong thuyền hiện có súng ống, khí giới cho đến đồ vật hàng năm bị cướp bóc, và tình hình đáng ngờ, nguyên do phức tạp, thì lập tức giải về thành trấn ấy. Một mặt tâu lên, một mặt xét rõ, xử tội nặng thêm bực, tâu lên”([15]). Ngoài ra trong Dụ còn chỉ rõ rằng, những người làm việc tuần tra thì phải nghiêm minh, không được viện cớ mà hạch sách, quấy rối  thuyền buôn “Những thuyền binh được phái đi, cũng nên hết lòng dạy bảo nghiêm ngặt, không được nhân việc mượn cớ quấy rối thuyền buôn. Khi việc bị phát giác, thì quan địa phương ấy cũng khó lòng chối được lỗi nặng ấy”([16]). Bên cạnh đó, những người làm tuần tra lỡ có tai nạn như gió bão đánh chìm tàu thuyền thì họ cũng được triều đình quan tâm cấp tiền tuất và một số đặc ân cho gia đình của những người bị nạn “Định lệ cấp tuất cho quan và binh lính  bị nạn bão. Phàm người bị bão không kể còn mất, cai đội được cấp tiền 30 quan,  phó đội 20 quan, đội trưởng 15 quan, binh lính 10 quan, đều cấp cho gia đình”([17]). Đây là một việc làm rất cần thiết vừa làm bớt đi những đau buồn cho người thân của quan quân, vừa là để triều đình ghi nhớ công ơn của họ đóng góp cũng vừa là để khích lệ những người tiếp tục công việc bảo vệ đất nước gắng sức. Năm Minh Mệnh thứ 11 [1830], ban Dụ rằng “Các địa phương bờ biển từ Quảng Bình trở ra Bắc, từ nay về sau hàng năm từ tháng 3 bắt đầu, đến tháng 7 thì thôi, hai lần liệu phái thuyền binh tới những hạt nơi có các đảo mà thuyền giặc có thể neo đậu được, kiểm soát hết thảy. Nếu có thuyền dị dạng của người Thanh ngầm đậu, tình trạng đáng ngờ, thì lập tức bắt giải về quan địa phương ấy để tra xét tâu lên”([18]). Việc tuần tra kiểm soát biển đảo cả nước nói chung và miền Bắc nói riêng dưới triều Nguyễn thường giao cho quân đội chính quy, ở những địa phương gần biển thì lại cho quyền chủ động. Năm Minh Mệnh thứ 15 [1834], ban Dụ rằng: “Các Tổng đốc, Tuần phủ, Bố chánh, Án sát ở các địa phương ven biển, đều nên xét các đảo ở hải phận trong hạt hiện có dân cư, thì điều sức cho dân ở đấy đem thuyền đánh cá nhanh chóng sửa chữa, cho được nhanh nhẹn. Nơi dân số nhiều thì làm 3 chiếc, dân số ít thì làm 2 chiếc. Mỗi chiếc có thể ngồi được trên, dưới 20 người. Về phí tổn sửa chữa hết bao nhiêu, thì Nhà nước cấp tiền. Lại liệu cấp cho giáo dài, súng trường, thuốc đạn, giao cho dân nơi ấy nhận lĩnh, để dùng đi tuần thám. Khi gặp giặc biển, thì một mặt cùng nhau chống đánh, một mặt chạy báo, cho khỏi bị chậm trễ, không kịp việc([19]). Do đặc thù vùng biển rộng nên việc quan sát bằng mắt thường không thể nhìn xa và chính xác được vì vậy để trang bị cho việc tuần phòng được hiệu quả và thuận lợi hơn, các thuyền binh tuần tiễn đều được cấp kính thiên lý. Năm Minh Mệnh thứ 10 [1829], ban Chỉ dụ rằng: “vùng biển mông mênh, chỉ có kính thiên lý có thể trông xa được, vậy cho trích ra 3 chiếc, giao cho một tên thị vệ, do đường trạm chạy từ Nghệ An trở ra Bắc, chuyển tới các thuyền binh ấy chia cấp, để phòng khi nhìn xem tình hình giặc biển, khi việc xong lại đem về nộp”([20]).

Tuần phòng nhằm giúp cho việc trừ bọn cướp biển và những thế lực chống đối khác, tạo điều kiện cho việc giao thương đi lại trên biển của thương lái và người dân cũng như việc quan binh được thuận lợi hơn. Ngoài những tháng quy định phải đi tuần tiễu định kỳ thì triều Nguyễn còn cho tổ chức tuần tra vào những tháng trong năm mà việc đi lại của thương lái cũng như người dân nhiều hơn, nhằm ngăn chặn được nạn cướp biển diễn ra. Năm Minh Mệnh thứ 16 [1835], ban Dụ rằng: “cho từ nay về sau, mỗi khi mùa hè đến kỳ vận tải, thì do đề đốc Thừa Thiên liệu đem thuyền binh thuộc phủ và đôn đốc biền binh ở đồn biển cùng ra biển, căn cứ theo hải phận qua lại tuần thám bảo vệ. Nếu kỳ nào đoàn thuyền đi vận tải nhiều, thì cho tư bộ trích thêm thuyền binh, cùng đi do thám”([21]). Công việc tuần tra kiểm soát  biển đảo trước hết là để giữ vững biên giới quốc gia, khẳng định được vị thế của mình. Hơn nữa kiểm soát biển đảo đem lại sự an tâm cho người dân để họ có thể ra khơi đánh cá, buôn bán, tạo sự an ninh ổn định thu hút thương lái các nước đến với nước ta.

Bản đồ Việt Nam trong cuốn Từ điển La tinh – Việt Nam của giám mục Jean Louis Taberd xuất bản năm 1838 vẽ một phần của Paracel hay Cát Vàng (Paracel seu Cát Vàng) vào khu vực quần đảo Hoàng Sa hiện nay

Triều Nguyễn đã tổ chức tuần tra biển đảo không chỉ dựa vào sức mạnh của quân đội triều đình, mà triều Nguyễn còn biết huy động sức mạnh từ nhân dân, Minh Mệnh năm thứ 16 [1835], Dụ rằng: “các tỉnh có hải phận, đều đóng 2, 3 chiếc thuyền nhanh nhẹ và sai nhân dân các đảo sửa chữa thuyền đánh cá, liệu cấp khí giới để đi tuần thám”, “các quan địa phương ở ven biển liệu trích lính ở tỉnh, chia ngồi vào thuyền nhanh ra biển đi tuần thám và thông sức cho nhân dân sở tại hết lòng đề phòng do thám. Nếu gặp thuyền giặc, thì lập tức hợp sức đánh dẹp([22]). Những vị vua đầu triều Nguyễn đã tổ chức, kết hợp được việc tuần thám giữa quân đội và nhân dân. Điều này, không những mang lại hiệu quả cao mà ngoài ra còn giúp giáo dục cho nhân dân thấy được tầm quan trọng của biển đảo đối với cuộc sống con người Việt như thế nào. Hơn nữa giáo dục cho họ thấy ý nghĩa địa chiến lược vùng biển đảo đối với an ninh quốc gia. Từ sự nhận thức đó mọi người sẽ cùng nhau ra khơi và cùng với triều đình kiểm soát biển đảo của mình.

Minh Mệnh là ông vua có ý thức rất rõ ràng về tầm quan trọng của biển đảo và ông đã cho tổ chức tuần phòng biển đảo tương đối hiệu quả. Luôn luôn đốc thúc việc tuần tra vùng biển đảo miền Bắc vì đây thường xuyên có cướp biển và các thế lực nổi lên làm thiệt hại không nhỏ cho triều đình cũng như người dân. Minh Mệnh năm thứ 7 [1826] “Vua sai bắt thêm 70 chiếc thuyền và 200 thủy thủ ở Hoài Đức và Quảng Yên theo quan quân chia phái đi tuần phòng mặt biển([23]). Nhằm tránh sự nhầm lẫn trong việc nhận dạng địch và ta trong quá trình tuần phòng, bên cạnh trang bị kính thiên lý để nhìn xa hơn. Việc phát hiện mục tiêu vào ban đêm được triều Nguyễn quy định đặt lòng đèn các màu khác nhau cho các thuyền tuần thám và thuyền buôn, thuyền ngư dân, để từ đó dễ dàng nhận ra những tàu địch, đồng thời quy định việc khi phát hiện thuyền địch vào ban đêm thì phát tín hiệu để tổ chức vây bắt “lòng đèn ở thuyền ô đều viết to 2 chữ tên đồn biển, ban đêm treo lên làm hiệu. Ở hải phận đồn biển nào trong khi du tuần gặp giặc biển, hoặc quả là thuyền dị dạng, cần phải vây bắt, thì bắn 3 tiếng đại bác, ban đêm thì đốt 5 chiếc pháo thăng thiên làm hiệu. Thuyền ô liền tiến lên chặn bắt, thuyền nhanh nhẹ lập theo sự thuận tiện, tới báo cho quan địa phương làm bằng. Một mặt phái binh đuổi bắt, một mặt chuyển báo cho các đồn biển giáp giới điều lập tức khẩn cấp hội lại cùng đánh”([24]). Ở những vùng đảo hẻo lánh nơi ít người qua lại nhưng lại xung yếu thì triều Nguyễn vẫn tổ chức kiểm soát để vừa bảo vệ được chủ quyền biển đảo vừa là để làm căn cứ thuận tiện cho việc tiễu trừ giặc cướp và các lực lượng chống đối. Minh Mệnh năm thứ 17 [1836], tỉnh thần Quảng Yên tâu nói “Châu Vân Đồn trong tỉnh hạt thuộc phủ nha Hải Ninh kiêm lý, dân châu ấy dẫu chỉ có 2 xã, mà ở hẻo lánh trên hải đảo, giáp giới biển Trung Quốc, cách xa phủ lỵ hàng 2 ngày đường. Nay thổ lại mục có khuyết thì nên coi một loạt như các châu huyện khác trong thuộc hạt, không nên điều bổ, mà tên châu cũng không nên bỏ. Xin đặt là tổng Vân Hải, châu Vân Đồn, đặt 1 Cai tổng, khiến cho có sự thống thuộc chặt chẽ”([25]). Vua chuẩn y lời tâu.

Với việc chú trọng biển đảo cả nước nói chung và biển đảo miền Bắc nói riêng nên việc tuần phòng biển đảo ở những vua đầu triều Nguyễn luôn được tiến hành. Ngay khi năm đầu tiên lên ngôi vua, Thiệu Trị đã cho ban Dụ về công tác tuần tra biển đảo “một khoản đi tuần biển, trước đã Dụ cho tấn thủ các sở phía nam, phía bắc và các tỉnh phái cho thuyền binh qua lại tuần thám rồi”([26]). Những năm tiếp theo, dưới sự trị vì của mình, vua Thiệu Trị đều rất chú ý và quan tâm đến công tác tuần phòng vùng biển đảo. Thiệu Trị năm thứ hai [1842], nhà vua ban Dụ rằng “truyền chỉ cho từ Thừa Thiên đến Bình Thuận, và phía Bắc đến tỉnh Quảng Yên, cũng theo chương trình đó, nghiêm sức, cho các tấn thủ trong hạt, đều phái thuyền binh đi tuần biển, chiếu theo hải phận, làm việc cho đúng đắn, không được nói suông theo lối cũ, đợi đến thời tiết mưa lụt đều sẽ rút về”([27]). Những chính sách đưa ra cho việc tuần tra kiểm soát của các vị vua triều Nguyễn không chỉ là riêng cho một vùng biển đảo riêng lẻ nào cả, mà đó chính là chính sách cho tất cả vùng biển đảo nước ta, điều đó khẳng định rằng ở vùng biển đảo trong cả nước triều Nguyễn đều rất xem trọng như nhau. Biển đảo miền Bắc ở vị thế xa xôi so với kinh đô nên công tác tuần phòng lại càng được chú ý. Vì rằng kẻ thù sẽ lợi dụng sự xa cách của triều đình với vùng biển đảo này để tổ chức những hoạt động quấy phá và đánh cướp nhưng với công tác tuần tra kiểm soát của mình, triều Nguyễn đã hạn chế thấp nhất những thiệt hại xảy ra và kiểm soát tốt vùng biển đảo của mình. Các vua nối tiếp đều chú ý quan tâm đúng mức việc tuần tra kiểm soát vùng biển đảo, luôn xem đây là một bộ phận không thể tách rời khỏi lãnh thổ Việt.

Tự Đức là vị vua thứ tư lên nối ngôi của triều Nguyễn, ông cũng không nằm ngoài ngoại lệ đó. Với việc quan tâm đến vùng biển đảo cả nước nói chung và biển đảo miền Bắc nói riêng của cha ông trước để lại. Trước là để tạo sự bình an cho biển đảo, đưa lại sự giao thương thuận tiện, sau là khẳng định địa giới của mình hay nói đúng hơn là khẳng định chủ quyền biển đảo của mình. Ngay khi vừa mới lên ngôi năm đầu tiên [1848] vua Tự Đức đã ban Dụ về việc tuần phòng vùng biển đảo “nay khí trời quang tạnh, đường biển thuận tiện, chính là thời tiết thuyền buôn qua lại. Nên phái thuyền binh đi tuần thám, cho nghiêm vùng biển. Vậy cho phái 1 viên quản vệ quân thần cơ, 2 viên suất đội bộ binh, 80 tên biền binh, 2 viên biên suất đội thủy sư, 80 tên biền binh, 25 tên pháo thủ quân thần cơ, chia ngồi vào một chiếc thuyền Điền dương, 2 chiếc thuyền ô, chạy từ Thừa Thiên về đến phía nam đến Bình Thuận. Lại phái một viên quản vệ, một viên suất đội, 55 tên biền binh thủy sư, 2 viên suất đội, 55 tên biền binh của bộ binh, 18 tên pháo thủ quân thần cơ, chia vào ngồi 2 chiếc thuyền Thanh hải, một chiếc thuyền ô, chạy từ Thừa Thiên về phía bắc đến Quảng Yên. Tất cả đều nên sửa sang thuyền binh, nhận lĩnh khí giới, thuốc đạn, ống phun lửa, dụng cụ chiến đấu và kính thiên lý, đầy đủ. Cho đến tuần đầu tháng 2, từ cửa biển Thuận An nhân thuận gió, ra khơi. Phàm tất cả công việc tuần tra như thoi dệt, cốt môn cho giặc biển yên lặng”([28]). Ngay cả khi bị thực dân Pháp chiếm các tỉnh miền Nam, quan quân triều đình phải lo đối phó với thực dân Pháp thì triều Nguyễn vẫn chú ý đến công tác tuần thám kiểm soát vùng biển đảo, năm Tự Đức thứ 24 [1871], vua bảo rằng: “Hai hạt Hải Dương, Quảng Yên, vùng cửa biển sâu rộng, đường song tàu bè đi lại như mắc cửi, việc phòng giữ là rất sung yếu. Đã từng chuẩn cho lập đồn đặt súng, để cho nơi cửa ngõ của hai hạt ấy được nghiêm mật”([29])

Do đặc thù biển đảo xa xôi cùng với sự nguy hiểm khôn lường của người làm công tác tuần khám nên các vua luôn chú ý và quan tâm nhằm động viên kịp thời những người làm công tác tuần khám. Việc làm này sẽ tạo sự hưng phấn và chuyên tâm làm tốt công việc, Minh Mệnh năm thứ 17 [1836], ban Chỉ rằng: “các khoản bàn trong tập tâu, là do từ ý kiến muốn cho tuần phòng chu đáo. Nhưng theo lời bàn thì ngày đêm luôn luôn đi lại như dệt cửi trên mặt biển xông pha sóng gió, thật là đòi hỏi người ta làm điều rất khó, lòng trẫm thực là không nỡ. Nhưng bờ biển là nơi quan trọng, không thể không chú ý”([30]). Với việc hiểu những khó khăn mà người làm việc tuần thám, nhằm để động viên họ các vua Nguyễn đã cấp thêm lương bổng cho quan quân làm công tác tuần thám vùng biển đảo: “Những quan binh được phái đi đều được thưởng cho nửa tháng tiền lương. Còn như dự chi tiền lương lĩnh tiếp, đều cho theo lệ trước mà làm”([31]). Bên cạnh việc thưởng và rất quan tâm đến những người đi tuần thám thì triều Nguyễn còn thực hiện việc phạt rất phân minh nếu ai không làm tròn trách nhiệm của mình thì sẽ bị phạt đích đáng “nếu tuần thám bất lực, đến nỗi giặc biển lại được nhân sơ hở lén lút nổi lên thì phép nước rất nghiêm, dứt khoát không rộng tha được. Lại truyền Chỉ cho các địa phương từ Thừa Thiên trở về nam đến Bình Thuận, trở về phía bắc đến Quảng Yên, cũng chiếu theo chương trình, nghiêm sức cho các tấn thủ thuộc hạt và thuyền binh phái đi tuần biển, chiếu theo hải phận đi tuần thám. Không được nói suông cho xong việc, kẻo can lỗi không nhỏ([32]).

Triều Nguyễn không còn tồn tại với thể chế chính trị ngày nay nữa, nhưng những bài học, những kinh nghiệm quý mà triều Nguyễn để lại thì còn tồn tại mãi. Hoạt động bảo vệ biển đảo miền Bắc nói riêng và hoạt động bảo vệ cả nước nói chung dưới triều Nguyễn là một bài học lớn cả những thành công cũng như thất bại mà chúng ta cần phải nghiên cứu thêm, rút ra những kinh nghiệm quý cho việc bảo vệ đất nước ngày nay.

ĐOÀN ANH THÁI 

 

[1] Nguyễn Văn Kim (2011), “Từ huyền thoại về biển đến cơ tầng văn hóa biển nhận thức về biển, đảo trong nghiên cứu lịch sử văn hóa dân tộc”, NCLS, (9), Tr. 3.
[2] Viện Đông Nam Á (1996), Biển với người Việt cổ, Nxb Văn hóa – Thông tin, Tr. 3.
[3] Viện Đông Nam Á (1996), Biển với người Việt cổ,  Sđd, Tr. 34.
[4] Nguyễn Văn Kim (2009), “Tính hệ thống và quy mô của Vân Đồn nhận thức về vai trò và vị thế của một thương cảng”, NCLS,(9), Tr. 3.
[5] Nguyễn Minh Tường (2007), “Vua Minh Mạng với tư tưởng củng cố nền thống nhất quốc gia”, Xưa nay, (286), Tr. 15.
[6] Quốc sử quán triều Nguyễn (2007), Đại Nam thực lục, Tập 5, bản dịch của viện sử học, tái bản lần thứ nhất, Nxb Giáo dục, Tr. 37.
[7] Trần Trọng Kim (2006), Việt Nam sử lược, Nxb Thuận Hóa, Huế, Tr. 440.
[8] Trần Trọng Kim (2006), Việt Nam sử lược, Sđd. Tr. 440.
[9] Nguyễn Phương Chi, Trần Hưu Hạnh (2011), “Chính sách bảo vệ vùng biển Đông Bắc Việt Nam của vua Gia Long và Minh Mạng”, NCLS, (9), Tr. 42 – 43.
[10] Nguyễn Phương Chi, Trần Hưu Hạnh (2011), “Chính sách bảo vệ vùng biển Đông Bắc Việt Nam của vua Gia Long và Minh Mạng”, Sđd, Tr. 42 – 43.
[11] Quốc sử quán triều Nguyễn (2007), Đại Nam thực lục, Tập 3, bản dịch của viện sử học, tái bản lần thứ nhất, Nxb Giáo dục, Tr. 165.
[12] Vu Hướng Đông (2008), “Ý thức về biển của vua Minh Mạng”,  Xưa nay, (317), Tr. 55.
[13] Tìm hiểu về biển, đảo Việt Nam (2009), Nxb Quân đội nhân dân, Tr. 61.
[14] Quốc sử quán triều Nguyễn (2007), Đại Nam thực lục, Tập 2, bản dịch của viện sử học, tái bản lần thứ nhất, Nxb Giáo dục, Tr. 298.
[15] Nội các triều Nguyễn (2004), Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, Tập 5, Trần Huy Hàn – Nguyễn Thế Đạt dịch, Nxb Thuận Hóa, Huế, Tr. 425.
[16] Nội các triều Nguyễn (2004), Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, Tập 5,  Sđd, Tr. 425.
[17] Quốc sử quán triều Nguyễn (2007), Đại Nam thực lục, Tập 1, bản dịch của viện sử học, tái bản lần thứ nhất, Nxb Giáo dục, Tr. 912.
[18] Nội các triều Nguyễn (2004), Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, Tập 5, Trần Huy Hàn – Nguyễn Thế Đạt dịch, Nxb Thuận Hóa, Huế, Tr. 426.
[19] Nội các triều Nguyễn (2004), Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, Tập 5, Sđd, Tr. 426.
[20] Nội các triều Nguyễn (2004), Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, Tập 5, Sđd, Tr. 425.
[21] Nội các triều Nguyễn (2004), Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, Tập 5, Sđd, Tr. 427.
[22] Nội các triều Nguyễn (2004), Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, Tập 5, Sđd. Tr. 427.
[23] Quốc sử quán triều Nguyễn (2007), Đại Nam thực lục, Tập 2, bản dịch của viện sử học, tái bản lần thứ nhất, Nxb Giáo dục, Tr. 494.
[24] Nội các triều Nguyễn (2004), Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, Tập 5, Trần Huy Hàn – Nguyễn Thế Đạt dịch, Nxb Thuận Hóa, Huế, Tr. 428.
[25] Quốc sử quán triều Nguyễn (2007), Đại Nam thực lục, Tập 4, bản dịch của viện sử học, tái bản lần thứ nhất,  Nxb Giáo dục, Tr. 1065.
[26] Nội các triều Nguyễn (2004), Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, Tập 5, Trần Huy Hàn – Nguyễn Thế Đạt dịch, Nxb Thuận Hóa, Huế, Tr. 435.
[27] Nội các triều Nguyễn (2004), Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, Tập 5, Sđd, Tr. 436.
[28] Nội các triều Nguyễn (2004), Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, Tập 5, Sđd, Tr. 437- 438.
[29] Quốc sử quán triều Nguyễn (2007), Đại Nam thực lục, Tập 7, bản dịch của viện sử học, tái bản lần thứ nhất, Nxb Giáo dục, Tr. 1307.
[30] Nội các triều Nguyễn (2004), Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, Tập 5, Trần Huy Hàn – Nguyễn Thế Đạt dịch, Nxb Thuận Hóa, Huế, Tr. 429.
[31] Nội các triều Nguyễn (2004), Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, Tập 5, Sđd, Tr. 436.
[32] Nội các triều Nguyễn (2004), Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, Tập 5, Sđd, Tr. 438.

 

Aufrufe: 470

Related Posts