Berlin (EAST SEA) Thứ Sáu, Tháng Tư 7th, 2023 / 12:31

Trung Quốc tăng cường năng lực hạt nhân ở Biển Đông

Các tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân (SSBN) của Trung Quốc hiện đang lảng vảng suốt ngày đêm ở Biển Đông, đảm bảo năng lực tấn công đáp trả các lực lượng của Mỹ và đồng minh trong trường hợp xảy ra sự cố bất ngờ ở Đài Loan.

Chiến hạm Trung Quốc trong một cuộc tập trận ở Biển Đông. Ảnh: Chinamil.com.cn

Hãng tin Reuters tuần qua đưa tin rằng Trung Quốc hiện đang duy trì ít nhất 1 SSBN trên biển mọi lúc, có khả năng khiến hệ thống phòng thủ của Mỹ quá tải, đẩy nhiều mục tiêu vào tình thế rủi ro hơn, qua đó hối thúc Mỹ và các đồng minh phát triển các năng lực mới để chống lại mối đe dọa này.

Sáu SSBN Type 094 của Trung Quốc hiện đang thực hiện các cuộc tuần tra gần như liên tục từ Hải Nam đến Biển Đông và được cho là được trang bị một tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM) tầm xa mới có thể tấn công lục địa Mỹ.

Bài báo của Reuters lưu ý rằng tên lửa mới này được đoán là JL-3, với tầm bắn được cho là lên đến 10.000 km và cho phép Trung Quốc tấn công lục địa Mỹ từ các pháo đài được bảo vệ ở Biển Đông.

Trước đây, các SSBN Type 094 của Trung Quốc, được trang bị tên lửa SLBM JL-2, cần phóng từ Tây Thái Bình Dương và phía Đông Hawaii thì mới tấn công được lục địa Mỹ. Điều đó đòi hỏi phải đi qua các nút thắt trên biển như Eo biển Miyako, Kênh Bashi và Biển Sulu, khiến các SSBN dễ bị lực lượng hải quân Mỹ và đồng minh đánh chặn.

Reuters đề cập rằng diễn biến mới này cho thấy sự cải thiện nhanh chóng của Trung Quốc trong lĩnh vực hậu cần, chỉ huy và kiểm soát cũng như vũ khí để duy trì khả năng răn đe hạt nhân trên biển. Bài viết cũng cho biết Trung Quốc đang bắt đầu triển khai SSBN tương tự như cách các cường quốc hạt nhân như Mỹ, Anh, Pháp và Nga đã làm. Theo Reuters, sự tiến triển này sẽ buộc các tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân (SSN) của Mỹ phải liên tục theo dõi các SSBN của Trung Quốc, khiến kho tàu ngầm vốn đã hạn chế và năng lực đóng tàu đang chịu sức ép lại càng quá tải, đồng thời cũng làm gia tăng nguy cơ leo thang hạt nhân.

Quốc đều có công suất lớn hơn tất cả 7 nhà máy đóng tàu hải quân của Mỹ cộng lại, khiến Mỹ cảm thấy lúng túng trước năng lực đóng tàu đang lên của Trung Quốc. Việc cắt giảm ngân sách và các vấn đề khác gần đây đã khiến các xưởng đóng tàu của hải quân Mỹ sa thải công nhân lành nghề, khiến các tàu chiến của Mỹ đang được sữa chữa phải nán lại xưởng đóng tàu lâu hơn.

“Asia Times” đã lưu ý vào tháng 11 năm ngoái rằng SSBN của Trung Quốc rất cần thiết cho khả năng tấn công đáp trả bằng hạt nhân của nước này, với việc nâng cấp hạm đội cho phép Trung Quốc tự tin hơn về chính sách hạt nhân “không sử dụng trước”. Điều này liên quan đến cấu trúc lực lượng hạt nhân của Trung Quốc, được thiết kế để chống lại cuộc tấn công trước của kẻ thù và trả đũa các mục tiêu chiến lược hơn là răn đe một cách đáng tin cậy việc sử dụng vũ khí hạt nhân phủ đầu.

Với tư cách là những thiết bị mang lại năng lực tấn công đáp trả, SSBN của Trung Quốc đảm bảo rằng kẻ thù không thể chiến thắng với một cuộc tấn công phủ đầu bằng hạt nhân, khiến nó trở thành một lựa chọn chính sách chắc chắn là tự hủy diệt lẫn nhau.

Sự ra đời của JL-3 có thể cho phép Trung Quốc thực hiện thành công “chiến lược pháo đài” ở Biển Đông, loại bỏ sự cần thiết phải đưa các SSBN của họ di chuyển vào Tây Thái Bình Dương để phóng SLBM.
Thay vào đó, trong chiến lược pháo đài, Trung Quốc sẽ sử dụng Biển Đông như một khu bảo tồn SSBN được bảo vệ bởi tên lửa đặt trên đất liền, máy bay, lực lượng hải quân và các đảo cũng như thực thể kiên cố của nó.

Cấu hình nửa kín của Biển Đông khiến nó trở thành một khu vực lý tưởng cho chiến lược pháo đài. Từ góc độ hậu cần, Trung Quốc có thể dễ dàng duy trì các cuộc tuần tra SSBN tầm ngắn trên các vùng nước mở với các cơ sở chỉ huy và kiểm soát tương đối gần đó. Hơn nữa, do Biển Đông nằm giữa các tuyến liên lạc trên biển (SLOC), môi trường tiếng ồn dưới nước có thể khiến các SSBN của Trung Quốc khó bị phát hiện hơn. Tiếng ồn có thể được khai thác cùng với các tính năng âm thanh và nhiệt độc đáo của khu vực để có thể duy trì sự ẩn nấp cho tàu.

Sự phát triển năng lực của SSBN có thể gắn liền với việc Trung Quốc liên tục mở rộng kho vũ khí hạt nhân của mình. “Asia Times” đã lưu ý vào tháng trước rằng Trung Quốc có kế hoạch mở rộng kho vũ khí hạt nhân từ khoảng 400 đầu đạn hiện nay lên 1.500 đầu đạn vào năm 2035, với kho vũ khí lớn hơn và đa dạng hơn giúp tăng khả năng tấn công đáp trả của Trung Quốc và đặt nước này vào vị thế tốt hơn để đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân.

Các nhà quan sát lưu ý rằng 700 đầu đạn hạt nhân có khả năng đủ để Trung Quốc duy trì năng lực tấn công đáp trả, với các lựa chọn cho các cuộc tấn công hạt nhân ở cấp độ hạn chế. Hơn nữa, kho vũ khí hạt nhân lớn hơn và đa dạng hơn làm tăng số lượng và thể loại mục tiêu mà Trung Quốc có thể gây nguy hiểm, trong đó có thể bao gồm các nhóm tác chiến tàu sân bay và căn cứ đảo của Mỹ nằm rải rác trên Thái Bình Dương, bao gồm Hawaii và Guam.

Tuy nhiên, ngay cả khi các SSBN của Trung Quốc lảng vảng trên Biển Đông suốt ngày đêm, chúng có thể không an toàn trước các máy lén dưới nước và những con mắt theo dõi trên bầu trời. Trong một bài báo vào tháng 11/2020 viết cho trang nationalinterest.org, Kris Osborne đã đề cập đến “tuyến phòng thủ dưới biển hình móc câu của Hải quân Mỹ”, một mạng lưới liền mạch gồm các ống nghe dưới nước, cảm biến và thiết bị được đặt ở vị trí chiến lược trải rộng từ bờ biển phía Bắc Trung Quốc và chạy đến Đài Loan, Philippines và Indonesia. Hệ thống đó đảm bảo rằng các SSBN của Trung Quốc không thể rời khỏi Biển Đông mà không bị phát hiện, loại bỏ lợi thế về không gian và khoảng cách mà đại dương mang lại cho việc che giấu các SSBN.

Mặc dù các SSBN của Trung Quốc có thể không cần phải ra khỏi Biển Đông để phóng tên lửa và đe dọa đất liền Mỹ, nhưng chúng vẫn bị bao quanh bởi những vùng nước, cho phép việc theo dõi chúng dễ dàng hơn thông qua các phương tiện khác.

Tờ “Asia Times” tháng trước lưu ý rằng Mỹ và các đồng minh có thể sử dụng mạng lưới vệ tinh theo kế hoạch của Australia để theo dõi tàu ngầm Trung Quốc. Mạng lưới này sở hữu những tiến bộ trong công nghệ cảm biến như hình ảnh vệ tinh có độ phân giải cao và radar khẩu độ tổng hợp, kết hợp với giám sát thủy âm và thông tin tình báo nguồn mở, tất cả sẽ khiến các đại dương trở nên “trong suốt” từ nay đến năm 2050, qua đó loại bỏ mọi lợi thế tàng hình mà tàu ngầm hiện có./.

BND

Aufrufe: 292

Related Posts