Berlin (EAST SEA) Chủ Nhật, Tháng Sáu 4th, 2017 / 11:10

G7 phản đối gây căng thẳng ở Biển Đông

29 Tháng Năm 2017
Trung Quốc lớn tiếng phản đối sau khi các lãnh đạo G7 ra tuyên bố chung bày tỏ quan ngại về tình hình Biển Đông và biển Hoa Đông.

Theo tuyên bố chung sau hội nghị cấp cao vừa kết thúc tại Ý, lãnh đạo các nước G7 phản đối “bất kỳ hành động đơn phương làm leo thang căng thẳng” ở Biển Đông và biển Hoa Đông, đồng thời kêu gọi phi quân sự hóa những thực thể tranh chấp.

 “Chúng tôi hối thúc tất cả các bên phi quân sự hoá thực thể tranh chấp”, lãnh đạo các nước G7 hôm qua phát tuyên bố chung sau khi nhóm họp tại Italy, thể hiện sự quan ngại với tình hình Biển Đông và Hoa Đông, phản đối mạnh mẽ mọi hoạt động đơn phương có thể làm gia tăng căng thẳng.

Các nước cũng tái khẳng định cam kết duy trì trật tự dựa trên luật định trên biển, theo các nguyên tắc của luật quốc tế, bao gồm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) và giải quyết tranh chấp hàng hải thông qua ngoại giao cũng như phương tiện pháp lý, bao gồm toà trọng tài.

Reuters dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng ngang nhiên tuyên bố G7 cần “chấm dứt đưa ra bình luận vô trách nhiệm”. Ông này còn nói Bắc Kinh “đảm bảo cam kết giải quyết tranh chấp lãnh thổ với tất cả các bên có liên quan thông qua đối thoại nhằm duy trì hòa bình và ổn định”. Trong khi đó, thời gian qua Trung Quốc bất chấp quan ngại của cộng đồng quốc tế, liên tục cải tạo, xây dựng các bãi đá bị chiếm đóng phi pháp trong quần đảo Trường Sa của VN với ý đồ quân sự hóa, đưa thêm vũ khí đến quần đảo Hoàng Sa, cũng thuộc chủ quyền VN, đồng thời có nhiều hành động phô trương sức mạnh trong khu vực.

Điển hình là chỉ vài ngày trước tuyên bố của G7 đã xảy ra vụ chạm trán giữa máy bay Trung Quốc và Mỹ trên Biển Đông. Lầu Năm Góc cáo buộc 2 chiến đấu cơ J-10 của Trung Quốc bay chặn máy bay tuần tra săn ngầm P-3 của hải quân Mỹ một cách “thiếu chuyên nghiệp và không an toàn” trong không phận quốc tế ở Biển Đông hôm 25.5. Đáp lại, Bộ Quốc phòng Trung Quốc ngày 28.5 tuyên bố: “Máy bay tuần tra Mỹ tiến hành hoạt động trinh sát trong không phận phía đông nam Hồng Kông của Trung Quốc. Máy bay quân sự Trung Quốc tiến hành hoạt động nhận dạng máy bay nước ngoài theo đúng luật pháp, chuyên nghiệp và an toàn”. Trong khi đó, AFP dẫn lời giới chuyên gia cảnh báo những vụ bay chặn tương tự nếu thường xuyên xảy ra có nguy cơ đe dọa an toàn hàng không dân dụng trong khu vực.

Một ngày sau vụ chạm trán, hải quân Mỹ triển khai tàu khu trục USS Dewey tiến hành tuần tra đảm bảo tự do hàng hải, áp sát đá Vành Khăn bị Trung Quốc chiếm đóng phi pháp và cải tạo thành đảo nhân tạo. Bộ Quốc phòng Trung Quốc tuyên bố tàu chiến nước này đã “nhận diện, theo dõi và cảnh báo” tàu Mỹ rời khỏi khu vực mà Bắc Kinh mạo nhận là “lãnh hải” ở Biển Đông.

(Đá Subi, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, bị Trung Quốc bồi đắp phi pháp thành đảo nhân tạo và xây đường băng trên đó. Hình ảnh được máy bay không quân Philippines chụp hồi tháng 4. Ảnh: AP) 

Việt Nam nhiều lần khẳng định mọi hành động xây dựng, mở rộng của nước ngoài trên các đảo đá, bãi ở quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà không được phép của chính phủ Việt Nam đều phi pháp và vô giá trị./.

(BBT)

Aufrufe: 68

Related Posts