Berlin (EAST SEA) Thứ Sáu, Tháng Sáu 9th, 2017 / 05:08

Một cuộc chạy đua vũ trang mới ở Đông Nam Á? (Phần 1)

9.6.2017

Đông Nam Á (ĐNA) đã tăng cường vũ trang đáng kể thời gian qua. Theo số liệu năm 2015 của Viện nghiên cứu hòa bình Stockholm (SIPRI), chi tiêu quân sự ở khu vực đã tăng trung bình trên 5%. Nếu nhìn vào thời gian 10 năm, xu hướng này còn rõ rệt hơn khi từ 2006-2015, chi tiêu quân sự ở ĐNA đã tăng tới 57%.

Xét theo con số tuyệt đối (USD), chi tiêu quốc phòng của Việt Nam, Indonesia và Campuchia đã tăng gấp đôi từ 2005-2015. Chi tiêu của Thái Lan và Philippines cũng tăng mạnh. Tính từ 2011-2016, Việt Nam thậm chí nằm trong số 10 quốc gia nhập khẩu vũ khí lớn nhất thế giới (xếp thứ 8 với tổng giá trị 4,1 tỷ USD), tăng gấp 7 lần mức chi của giai đoạn 2006-2011. Con số của Thái Lan giai đoạn 2011-2016 gấp 5 lần giai đoạn 2006-2011, còn Indonesia tăng gấp đôi.

(Số liệu của Viện SIPRI)

Sự gia tăng mạnh mẽ chi tiêu quốc phòng ở ĐNA và những xung lực mới về chính trị – an ninh ở khu vực cho thấy giai đoạn “ổn định và an ninh tương đối” ở khu vực ĐNA (ASEAN), tính từ năm 1979 sau chiến tranh biên giới Việt – Trung, đã dần kết thúc. Những biểu hiện chính cho nhận định này bao gồm, một là xung đột lãnh thổ giữa một số quốc gia ở khu vực chưa được giải quyết triệt để, hai là chủ nghĩa dân tộc ngày càng gia tăng, ba là sự thiếu hụt lòng tin chiến lược đối với các nước láng giềng (được hiểu là với Trung Quốc/TQ) và bốn là sự đối đầu giữa Mỹ và TQ. Trước các diễn biến mới này, mẫu số chung của các nước ĐNA đều là đẩy mạnh tiềm lực quân sự nhằm đối phó với các “mối đe dọa tiềm tàng”. Hệ quả là sự ổn định của khu vực bị suy giảm, ví dụ như sự căng thẳng giữa các nước liên quan tranh chấp trên Biển Đông có thể dẫn tới nhưng nguy cơ mất an ninh chưa lường trước được, và nếu xảy ra sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới kinh tế thế giới bởi Biển Đông có thểm xem là nơi có một trong những tuyến hàng hải quan trọng nhất thế giới hiện nay đi qua.

Hai nguyên nhân chính dẫn đến sự gia tăng vũ trang hóa ở khu vực hiện nay đó là sự hiếu chiến của TQ ở ĐNA, đặc biệt là những yêu sách phi lý của TQ đối với chủ quyền Biển Đông, trong khi đó sự can dự của Mỹ có dấu hiệu đi xuống dưới thời ông D.Trump. Ngoài hai nhân tố bên ngoài này, các yếu tố bên trong cũng có ảnh hưởng đáng kể tới xu hướng gia tăng chi tiêu quốc phòng ở ĐNA, gồm một là các phong trào nổi dậy có vũ trang ở một số nước khu vực và hai là ảnh hưởng của phái quân sự trong chính phủ các nước ngày càng lớn, ở một số nước thậm chí là vai trò chi phối (như Thái Lan).

Đáng chú ý, cuộc chạy đua vũ trang mới ở ĐNA thời điểm hiện nay cũng không phải là một cuộc chạy đua vũ trang theo nghĩa truyền thống, tức là chạy đua nhằm hình thành cục diện “Hành động-Phản ứng-Chiến tranh” hay nhằm cân bằng lực lượng vũ trang mà chủ yếu là nhằm gia tăng năng lực quân sự phi đối xứng với mục tiêu chủ yếu là để hạn chế sự tự do di chuyển và chọn lựa chiến lược của đối phương. Một đặc điểm nữa của cuộc chạy đua lần này là việc quân sự hóa tập trung mạnh mẽ ở hai lực lượng hải quân và không quân.

Điều nghịch lý là chạy đua vũ trang ở ĐNA hiện nay tuy không dẫn tới nguy cơ xung đột chiến tranh giữa các nước, nhưng nó cũng không bảo đảm được sự ổn định cho khu vực, trong bối cảnh các nước ở khu vực hiện vừa thiếu lòng tin chiến lược với một số nước bên ngoài (TQ), bản thân các bên vừa không có sự rõ ràng về chính sách và chi tiêu quốc phòng, lại thiếu một cơ chế kiểm soát vũ trang lẫn nhau./.

 

Aufrufe: 109

Related Posts