Berlin (EAST SEA) Thứ Hai, Tháng Bảy 10th, 2017 / 11:28

Cục diện Biển Đông 1 năm sau phán quyết của Tòa án Trọng tài thường trực (PCA)

  1. Các phán quyết của PCA ngày 12/6/2016 có giá trị pháp lý về lâu dài, không thể bác bỏ

Lần lượt ngày 24/5/2017 và 2/7/2017, tàu khu trục Mỹ USS Dewey và tàu USS Stethem đã vào tuần tra ở bên trong vùng 12 hải lý của bãi Vành Khăn và đảo Tri Tôn mà không cần giải thích; chiến hạm Mỹ cũng không áp dụng thủ tục về quyền “qua lại vô hại”[1] khi đi qua vùng biển này, thậm chí còn thực hiện một cuộc diễn tập cứu “người bị rơi xuống biển”. Các động thái trên của tàu khu trục USS Dewey được đánh giá là có ý nghĩa vì nếu hai tàu này tuân theo quy định trong thủ tục “qua lại vô hại” điều đó đồng nghĩa Mỹ ngầm công nhận Đá Vành Khăn là một hòn đảo đích thực có quyền có lãnh hải. Giới chuyên gia đánh giá, với động thái đó, chiến dịch tự do hàng hải của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Biển Đông đã phù hợp với phán quyết của PCA về Biển Đông vào tháng 7/2016: Đá Vành Khăn nguyên là một thực thể nửa chìm, nửa nổi nên không thể có hải phận hay “Vùng đặc quyền kinh tế” (EEZ) cho dù Trung Quốc (TQ) đã bồi đắp đá này thành đảo nhân tạo.

Do không có cơ chế nào để thực thi phán quyết của PCA, các chiến dịch tự do hàng hải phù hợp với quy chế các thực thể ở quần đảo Trường Sa là một cách hậu thuẫn gián tiếp cho phán quyết của PCA. Việc thực hiện thường xuyên các chiến dịch này, phù hợp với luật quốc tế, sẽ giúp ngăn chặn nỗ lực của TQ hiện thực hóa trên thực tế việc kiểm soát Biển Đông.

Đá Vành Khăn nằm trong EEZ của Philippines. Do đó, hành động ngày 24/5/2017 của Mỹ được đánh giá là gián tiếp ủng hộ và tranh thủ lôi kéo Philippines. Ngoài ra, tại Đối thoại Shangri-La, ngày 04/6/2017, Bộ trưởng Quốc phòng của Mỹ James Mattis, của Nhật Bản Tomomi Inada và của Úc Marise Payne đều phát biểu khẳng định ủng hộ phán quyết của PCA. Ông James Mattis tuyên bố: “Phán quyết ngày 12/6/2016 của PCA trong vụ kiện của Philippines về Biển Đông là mang tính ràng buộc”. Các nhà phân tích đánh giá, Mỹ và các đồng minh đang tìm cách phá vỡ bế tắc tại Biển Đông theo những cách thức phù hợp luật pháp quốc tế, trong đó có phán quyết của PCA.

  1. Trung Quốc cố gắng hình thành cục diện mới trên Biển Đông

Từ năm 2013, TQ chủ động bồi đắp các đảo nhân tạo, đến cuối năm 2015, Bắc Kinh cơ bản đã hình thành 7 đảo nhân tạo với các cơ sở quân sự và hậu cần, xác lập được chỗ đứng vững chắc tại trung tâm Biển Đông, đưa biên giới biển của TQ tiến hơn 1.500 km về phía Nam Biển Đông. Đây là thực tế và trạng thái mới chưa từng có trong lịch sử bành trướng lãnh thổ của TQ cũng như lịch sử Biển Đông. Từ đây đã hình thành thực trạng mới ở Biển Đông giúp TQ có thể khống chế các con đường hàng hải chiến lược ngang qua Biển Đông trong trường hợp xảy ra xung đột.

Hải quân TQ có động cơ chiến lược mạnh mẽ trong tranh chấp Biển Đông. Các căn cứ quân sự trên các đảo nhân tạo mở rộng phạm vi phòng thủ và tấn công của quân đội TQ bao quát Đông Nam Á hải đảo. Biển Đông, ở khu vực sâu nhất 5.000 m, là nơi hoạt động của tàu ngầm TQ có căn cứ ở Tam Á (Hải Nam), bao gồm cả tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa vượt đại dương có tầm bắn tới Mỹ và đây được đánh giá là một trong các nguyên nhân chủ yếu của tranh chấp Mỹ – Trung tại Biển Đông thời gian gần đây. Cùng với đó, TQ cũng tăng cường kiểm soát đáy Biển Đông thông qua hệ thống cảm ứng cáp quang ở đáy Biển Đông. Mục tiêu của TQ là tăng cường giám sát, kiểm soát hoạt động của tàu ngầm Mỹ, Việt Nam và các nước khác ở Biển Đông.

Nhờ có các hải cảng và cơ sở hạ tầng đi kèm, số lượng tàu TQ tăng lên đáng kể tại khu vực nửa phía Nam của “đường 9 đoạn”. Trong khi đội quân tiên phong này liên tục gây áp lực đối với vùng biển của các nước láng giềng, TQ tăng cường khả năng can thiệp, cản trở các nước Đông Nam Á sử dụng vùng biển và đáy đại dương mà luật pháp quốc tế bảo đảm cho các nước ven bờ Biển Đông.

Một động thái quan trọng khác là việc TQ đang mở rộng sự kiểm soát tới khu vực Nam Biển Đông nhằm hoàn thành “gọng kìm” bao vây Việt Nam trên biển, tăng cường khả năng tiếp cận khu vực phía Nam Biển Đông thông qua việc thuê cảng Koh Kong của Campuchia dưới hình thức tô nhượng 99 năm. Các chuyên gia quân sự đánh giá, với việc TQ có cố vấn quân sự trong Hải quân Campuchia, Bắc Kinh nhiều khả năng sẽ xây dựng cảng Koh Kong trở thành cảng lưỡng dụng, là căn cứ quân sự trá hình, cứ điểm tiền tiêu của TQ ở khu vực phía Nam Biển Đông. Đồng thời, thông qua các nỗ lực lôi kéo Philippines và Malaysia, TQ tìm cách thu hẹp sự hiện diện của Mỹ tại Biển Đông. Nhiều ý kiến đánh giá, TQ đã cố gắng “làm chìm” phán quyết của PCA và thông qua hòa hoãn, lôi kéo Philippines, Bắc Kinh đã tìm cách vô hiệu hóa phán quyết của PCA vì khi Philippines không đề cập đến phán quyết của PCA, các nước khác cũng khó có thể nêu ra để đấu tranh với TQ tại các diễn đàn quốc tế.

TQ ít công khai phản đối phán quyết của PCA, ít đề cập đến “đường 9 đoạn”, nhưng đã tìm cách “làm chìm” phán quyết. Việc TQ tích cực thúc đẩy đàm phán bộ khung của “Bộ Quy tắc ứng xử Biển Đông” (COC) với nội dung không có tính ràng buộc nhằm làm loãng phán quyết của PCA, “tung hỏa mù và câu giờ ngoại giao”, phục vụ cho việc ổn định tình hình Biển Đông và Đông Nam Á trong năm diễn ra Đại hội 19 của Đảng Cộng sản TQ.

  1. Về chính sách của Mỹ đối với khu vực châu Á – Thái Bình Dương và Biển Đông

Chính quyền Tổng thống Trump trong 6 tháng cầm quyền đầu tiên khá lúng túng trong việc hoạch định chính sách và xử lý các vấn đề liên quan đến châu Á, trước hết là tại hai khu vực Đông Bắc Á và Đông Nam Á, trong đó chính sách với TQ là trọng tâm. Biển Đông không phải là vấn đề thuộc lợi ích cốt lõi của Mỹ nên Washington cần hành động trong khuôn khổ chính sách với TQ theo hướng vừa kiềm chế, vừa hợp tác phù hợp với lợi ích kinh tế trong quan hệ song phương Mỹ – TQ, cũng như tranh thủ TQ hợp tác giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên. Tuy nhiên, chính quyền Mỹ cũng nhận thức được, nếu muốn duy trì ảnh hưởng chiến lược rộng lớn của mình trong khu vực, Mỹ không thể không kiềm chế hoạt động của TQ tại Biển Đông. Đồng thời, theo bản chất thực dụng của chính quyền Tổng thống Trump, không loại trừ khả năng Mỹ sẽ chủ động sử dụng vấn đề Biển Đông như một trong các đòn bẩy trong quan hệ tổng thể với TQ.

Những động thái gần đây cho thấy, Mỹ đã định hình một chiến lược với châu Á, kế thừa những nội dung hợp lý của chính sách “tái cân bằng” của chính quyền cựu Tổng thống Mỹ B. Obama. Phát biểu tại Đối thoại Shangri-La năm 2017, ông Mattis cam kết: “Mỹ sẽ không dùng đồng minh và đối tác hoặc quan hệ của Mỹ với các nước hoặc những gì liên quan đến an ninh của các nước ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương để đổi chác”. Kurt Campbell, cựu Trợ lý Bộ Ngoại giao Mỹ về Đông Á và Thái Bình Dương dưới thời ông Obama đánh giá: Phát biểu của ông Mattis tại Đối thoại Shangri-La năm 2017 đã mô tả tốt tính liên tục về quan điểm của Mỹ đối với khu vực châu Á – Thái Bình Dương, là phát biểu rất mạnh mẽ và có tác dụng trấn an đối với các đồng minh và các nước ở khu vực.

Cuộc tuần tra của tàu khu trục USS Dewey thuộc Hạm đội 3 của Mỹ ở khu vực Đá Vành Khăn ngày 24/5/2017 và của tàu khu trục USS Stethem ở khu vực đảo Tri Tôn ngày 2/7/2017 đã truyền tải một tín hiệu cứng rắn hơn với TQ so với thời cựu Tổng thống Mỹ B. Obama. Việc tiến hành các hoạt động “bảo vệ tự do hàng hải” (FONOP) là dấu hiệu cho thấy quyết tâm của Mỹ trong việc bảo vệ luật quốc tế, đặc biệt là những quyền về hàng hải được quy định trong Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS 1982). Tự do hàng hải đối với phần đông các quốc gia trong cộng đồng quốc tế còn bao hàm quyền thao diễn quân sự, hoạt động do thám.

Giới chuyên gia đánh giá, theo dõi các hoạt động của tàu ngầm TQ tại Biển Đông thuộc lợi ích an ninh của Mỹ, trong đó hải quân là động lực thúc đẩy các hoạt động của Mỹ. Mỹ cũng tìm cách lôi kéo Việt Nam, Philippines, Thái Lan để hạn chế ảnh hưởng của TQ. Trong khi chưa có một chính sách hoàn chỉnh đối với khu vực châu Á – Thái Bình Dương và Biển Đông, Mỹ đang cố gắng kiểm soát, không để cho tình hình ở khu vực này diễn biến phức tạp hơn.

[1] Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982 quy định về quyền “qua lại vô hại” như sau: “… tàu thuyền của tất cả các quốc gia, có biển hay không có biển, đều được hưởng quyền đi qua không gây hại trong lãnh hải của quốc gia ven biển”. Theo đó, với điều kiện không gây ra các hành động gây hại, đe doạ hòa bình, an ninh trật tự của quốc gia ven biển, các loại tàu thuyền nước ngoài (kể cả tàu quân sự) được quyền đi qua vô hại trong lãnh hải của quốc gia ven biển mà không cần phải xin phép, không bị cản trở, không bị thu lệ phí và không bị phân biệt đối xử. Quốc gia ven biển được phép đề ra các luật và quy định liên quan đến việc đi qua không gây hại và có thể thi hành các biện pháp cần thiết để ngăn cản mọi việc đi qua có gây hại (điều 25).

(TN)

Aufrufe: 51

Related Posts