Berlin (EAST SEA) Thứ Sáu, Tháng Chín 1st, 2017 / 05:07

THẬN TRỌNG VỚI THỎA THUẬN MỚI VỀ BIỂN ĐÔNG GIỮA TRUNG QUỐC VÀ PHILIPPINES

Ngày 14/8, Ngoại trưởng Philippines Delfin Lorenzana đã thu hút sự chú ý của truyền thông khi tuyên bố rằng Trung Quốc và Philippines đã đạt được một kiểu “tạm ước” ở biển Nam Trung Hoa (Biển Đông), theo đó Bắc Kinh đã đồng ý không chiếm đóng bất cứ cấu trúc mới nào. Tuyên bố của ông Lorenzana, giống như các tuyên bố tương tự của các quan chức Philippines khác kể từ khi Tổng thống Rodrigo Duterte lên nắm quyền vào tháng 6/2016, là một sự nhắc nhở nữa về quyết tâm của Manila theo đuổi một thỏa thuận với Bắc Kinh bất chấp những nguy cơ đáng kể trong đó. 

Ý tưởng về một kiểu thỏa thuận nào đó giữa Trung Quốc và Philippines ở biển Nam Trung Hoa – dù đó là thỏa thuận không chính thức để tạm thời xuống thang căng thẳng hay một đề xuất để cùng nhau thăm dò và khai thác các tài nguyên – không phải là điều mới và trên thực tế đã được thảo luận theo hình thức này hay hình thức khác kể từ những năm 1980. Và không có gì đáng ngạc nhiên khi 2 chính phủ có thể coi một thỏa thuận như vậy là có lợi cho họ vì các cơ hội nó chứa đựng – cho dù đó là mong muốn của Manila có thêm đầu tư của Trung Quốc hay mong muốn của Bắc Kinh duy trì lập trường không thỏa hiệp của mình về vấn đề chủ quyền trong khi có thể loan báo về một thời kỳ hạ nhiệt căng thẳng nào đó trên biển Nam Trung Hoa, bất chấp bằng chứng cho điều ngược lại.
Tuy nhiên, vấn đề nằm ở việc chính quyền Duterte vẫn chưa chứng minh được rằng các cơ hội mà “những thỏa thuận” như vậy với Bắc Kinh đem lại có tầm quan trọng lớn hơn so với những nguy cơ đáng kể mà chúng chứa đựng. Sau đây, chúng ta hãy lần lượt xem xét từng khía cạnh đã được nêu.

          

Ngoại trưởng Philippines Delfin Lorenzana

          Liệu có thỏa thuận nào có thể tồn tại lâu dài? 

Nguy cơ đầu tiên là Trung Quốc sẽ không thực hiện các nghĩa vụ của mình theo thỏa thuận, vào lúc này hay một thời điểm nào đó trong tương lai. Đây không phải là một câu hỏi vô lý khi xét tới thành tích tồi tệ của Trung Quốc trong việc thực hiện nghĩa vụ của nước này trong các cam kết hay thỏa thuận về biển Nam Trung Hoa. Trong 25 năm qua, kể từ khi các quốc gia Đông Nam Á và Trung Quốc đàm phán trực tiếp về vấn đề biển Nam Trung Hoa, Bắc Kinh đã trắng trợn coi thường các cam kết của chính mình, dù đó là Tuyên bố về ứng xử của các bên trên biển Nam Trung Hoa (DOC) năm 2002 hay cam kết của Chủ tịch Tập Cận Bình không quân sự hóa quần đảo Trường Sa.

Thành tích của Trung Quốc không khiến người ta yên lòng hơn, nhất là khi xem xét cùng với Philippines. Khi một thỏa thuận phát triển chung đạt được vào năm 2005, được gọi là thỏa thuận Hợp tác thăm dò địa chấn (JMSU), bắt đầu hết hiệu lực vài năm sau, Bắc Kinh đã nhanh chóng quay lại cách hành xử quyết đoán đơn phương của mình, gây áp lực về ngoại giao đối với Philippines và thậm chí còn ngăn chặn các tàu khảo sát để ngăn cản Manila thuyết phục được các công ty nước ngoài khác hỗ trợ Philippines thăm dò và khai thác các tài nguyên. Trong phán quyết của Tòa trọng tài về vụ kiện của Philipines chống lại Trung Quốc trên biển Nam Trung Hoa vào năm ngoái, Trung Quốc bị cho là đã vi phạm chủ quyền của Philippines khi cản trở hoạt động khai thác tài nguyên tại Reed Bank (bãi Cỏ Rong).

Khi xét tới ví dụ rõ ràng này của việc Trung Quốc không đếm xỉa tới các cam kết của nước này trên biển Nam Trung Hoa, người ta không rõ tại sao Chính quyền Duterte lại chắc chắn rằng lần này Bắc Kinh sẽ cư xử khác với những lần trước, và tại sao người dân Philippines và những người chỉ trích tại nước này phải có chung quan điểm đó. Quả thực, không có gì đáng ngạc nhiên khi sau các buổi điều trần của cơ quan lập pháp về một thỏa thuận hợp tác thăm dò nữa với Trung Quốc trên biển Nam Trung Hoa vào tháng 8, Chính quyền Duterte đã hứng chịu nhiều chỉ trích.

          Vậy chính xác đây là một thỏa thuận như thế nào? 

Nguy cơ thứ hai là khi theo đuổi một thỏa thuận, Philippines cuối cùng có thể phải từ bỏ nhiều thứ hơn là có thể nhận được. Quan ngại này đã được bày tỏ trong năm đầu tiên Duterte nắm quyền, và không khó để hiểu được lý do cho quan ngại này. Tuy người ta đã công khai đề cập tới một số lợi ích tạm thời, chẳng hạn như khả năng tiếp cận bãi cạn Scarborough của ngư dân và một cam kết của Trung Quốc không cải tạo bãi cạn này, thực tế là những lợi ích này tương đối nhỏ khi so sánh với những nhượng bộ lớn mà Philippines đã đưa ra, bao gồm gác lại một phán quyết quốc tế có tính ràng buộc có lợi cho nước này và làm suy yếu sự đồng thuận của khu vực về vấn đề biển Nam Trung Hoa với tư cách Chủ tịch ASEAN.
Gần đây, các nhà hoạch định chính sách đã bày tỏ những quan ngại rằng Chính quyền Duterte, nôn nóng muốn đi đến một thỏa thuận với Trung Quốc, có thể sẽ không đưa ra một lập trường cứng rắn về sự quyết đoán liên tục của Bắc Kinh, cho dù đó là sự quấy rối của các tàu thương mại và tàu chính phủ hay sự triển khai gần đây các tài sản gần đảo Pag-asa (đảo Thị Tứ). Mặc dù người ta không phải suy tính để đưa ra các lý lẽ biện minh cho mức độ tồi tệ của một thỏa thuận mà Manila thực sự đang tiến đến, nhưng những bình luận dối trá như vậy đơn giản là không thể bác bỏ bởi thực tế rằng thỏa thuận cuối cùng với Bắc Kinh, JMSU, đã chấm dứt bằng việc bị lôi kéo vào một trong những vụ bê bối tham nhũng lớn nhất trong lịch sử Philippines.
          Thỏa thuận của “quỷ”? 

Rủi ro thứ ba và cuối cùng là chính quyền Duterte, trong khi tham gia tiến hành một thỏa thuận như vậy với Trung Quốc, có thể sẽ củng cố những xu hướng đang tồn tại giữa các nước yêu sách ở Đông Nam Á và các bên quan tâm nhằm đầu tư nhiều hơn nữa vào một cách tiếp cận đơn thương độc mã ở biển Nam Trung Hoa thay vì một cách tiếp cận mang tính hợp tác hơn, thậm chí cho dù cách tiếp cận đơn thương độc mã trên thực tế có lợi hơn cho cách tiếp cận chia rẽ và xâm chiếm của Bắc Kinh.

Chắc chắn Philippines không phải là nước yêu sách duy nhất ở Đông Nam Á đã nỗ lực đạt đến một thỏa thuận theo kiểu nào đó với Trung Quốc. Và, như các nhà ngoại giao Philippines sẽ nhanh chóng tuyên bố rằng, các nước ASEAN khác đã có lỗi là không ủng hộ Philipines một cách thỏa đáng khi nước này thúc đẩy một cách tiếp cận mang tính hợp tác hơn trong các giai đoạn trước đó, dù là ở phạm vi khu vực trong nội bộ ASEAN hay trên phạm vi quốc tế với việc khởi tố vụ kiện mang tính lịch sử chống lại Bắc Kinh. Chính quyền Duterte đang làm xói mòn những nỗ lực đã có trước đó nhằm thúc đẩy một cách tiếp cận mang tính hợp tác hơn và đầu tư quá nhiều vào một cách tiếp cận đơn phương.

Cho dù là các nước Đông Nam Á khác đã đưa ra đường lối mềm mỏng hơn về vấn đề biển Nam Trung Hoa kể từ khi Chính quyền Duterte lên nắm quyền hay có sự cắt giảm những nỗ lực toàn cầu nhằm chống lại sự quyết đoán của Bắc Kinh, thì những phí tổn trước mắt của sự thụ động của Manila đều đã khá rõ. Nhưng có lẽ hệ quả đáng lo ngại nhất của điều này không đơn giản chỉ là sự thiếu vắng một chiến dịch tự do hàng hải chung giữa Mỹ và Philippines (FONOP) hay một tuyên bố mạnh mẽ hơn của ASEAN, mà là cái mà điều này nói với Bắc Kinh. Sự trở mặt của Philippines trên biển Nam Trung Hoa chỉ khẳng định điều mà một số tiếng nói theo tư tưởng cứng rắn ở Trung Quốc đã nghi ngờ: rằng trong khi sự quyết đoán của Bắc Kinh có thể dẫn đến việc họ phải gánh chịu một số phí tổn trong ngắn hạn, sức mạnh quân sự và kinh tế ngày một gia tăng của họ có nghĩa là họ có thể đơn giản chấp nhận những phí tổn này trong một thời gian và sau đó tìm cách bù đắp những tổn thất của mình bằng cách lấy lòng những nước mà họ đã ép buộc trước đó.
Những thỏa thuận theo kiểu này củng cố niềm tin nguy hiểm đó trong một số người ở Bắc Kinh, thay vì khiến họ dẹp bỏ nó. Và điều đó có những ảnh hưởng đáng lo ngại không chỉ đối với Philippines mà cả các nước châu Á khác và cộng đồng quốc tế nói chung vốn lo ngại về cách cư xử của Trung Quốc với vai trò là một cường quốc đang trỗi dậy trong hệ thống quốc tế./.

(Theo The Diplomat)

 

Aufrufe: 91

Related Posts