Berlin (EAST SEA) Thứ Tư, Tháng Mười 4th, 2017 / 23:00

Liệu có thỏa hiệp giữa Mỹ và Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông và Triều Tiên?

Gần đây, có những đồn đoán trên các phương tiện truyền thông rằng, Mỹ có thể sẽ thỏa hiệp với Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông để đổi lại việc Bắc Kinh cứng rắn với Bình Nhưỡng trong vấn đề hạt nhân. Tuy nhiên, nhận định này đã bị một số nhà nghiên cứu và ngoại giao bác bỏ, và cho rằng lo ngại đó đã bị thổi phồng quá mức.

Cuối tháng 9, truyền thông chính thức của nhà nước Trung Quốc cho biết nước này đã ra lệnh cho “toàn bộ” các nhà máy, công ty của Triều Tiên hoạt động tại Trung Quốc phải đóng cửa, và thời hạn chót là vào là ngày 9/1/2018. Có nguồn tin còn cho biết các doanh nghiệp liên doanh Trung-Triều cũng bị buộc đóng cửa và chỉ có một số ít ngoại lệ là các dự án phi lợi nhuận, phi thương mại.

Tiến sỹ Lê Hồng Hiệp – Viện ISEAS-Yusof Ishak (một viện nghiên cứu có bề dày 50 năm kinh nghiệm trong các vấn đề Đông Nam Á) trao đổi với phóng viên VOA rằng, việc Bắc Kinh cứng rắn hơn với Bình Nhưỡng tuy xuất phát trên cơ sở nghị quyết của Liên hợp quốc song cũng là vì lợi ích trực tiếp và của chính Trung Quốc. Dù lâu nay Trung Quốc là nước bảo trợ cho Triều Tiên, nhưng đất nước Đông Bắc Á nhỏ bé đã có những hành động đi ngược lại lợi ích của Trung Quốc, nhất là trong thời gian gần đây. Không chỉ vậy, việc Triều Tiên nắm trong tay vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo đã khiến một số nhà phân tích phải cảnh báo rằng nước này có thể là kẻ thù tiềm tàng của Trung Quốc.

Ông Lê Hồng Hiệp cho biết, nhiều nhà phân tích nhận định rằng các vũ khí mà Triều Tiên sở hữu không chỉ nhắm đến Mỹ, Hàn Quốc, hay Nhật Bản, mà còn có thể dùng để gây sức ép hoặc đe dọa Trung Quốc, trong trường hợp mâu thuẫn xảy ra giữa hai nước láng giềng này. Dễ thấy hơn, an ninh của Trung Quốc đang bị ảnh hưởng khi chương trình tên lửa-hạt nhân của Triều Tiên tạo cớ để Mỹ cùng các đồng minh là Nhật Bản và Hàn Quốc gia tăng hoạt động quân sự tại các khu vực lân cận Trung Quốc. Bên cạnh đó, các nhà phân tích không loại trừ nguy cơ một số nước khu vực, nhất là Nhật Bản – đối thủ địa chiến lược của Trung Quốc, cũng sẽ tìm cách phát triển vũ khí hạt nhân và điều này lại càng gia tăng các lo ngại của Bắc Kinh.

Với những lý do này, nhà nghiên cứu của Viện ISEAS-Yusof Ishak cho rằng lo lắng về nguy cơ Mỹ hy sinh lợi ích ở Biển Đông để “chiều ý” Trung Quốc là quá cường điệu, bởi dù không có những nhượng bộ này, Bắc Kinh vẫn có động lực tìm kiếm hợp tác với Mỹ để kiềm chế tham vọng hạt nhân của Triều Tiên. Ông nhấn mạnh: “Mỹ không gắn vấn đề Triều Tiên với vấn đề Biển Đông. Điều này đã được các học giả và các quan chức Mỹ khẳng định ở Đối thoại Shangri-La hồi tháng 6 vừa qua”. Ông cũng cho rằng Mỹ có những lợi ích chiến lược rất lớn và quan trọng ở Biển Đông, đến mức họ không dễ dàng từ bỏ để theo đuổi sự hợp tác với Trung Quốc trong xử lý vấn đề Triều Tiên.

Cựu Thứ trưởng Ngoại giao thường trực Mỹ John Negroponte cũng đồng quan điểm với ông Lê Hồng Hiệp. Ông nói về lập trường Mỹ đối với Biển Đông: “Mỹ vẫn luôn nhất quán về Luật Biển, tự do hàng hải, về phân định khu vực có quyền tài phán tuân theo Luật Biển. Quan điểm của chúng tôi  đã được xác lập trong rất nhiều năm”.

Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa công bố kế hoạch thăm châu Á, với hai điểm đến là Trung Quốc và Việt Nam để tham dự Hội nghị APEC. Nội dung dự kiến trong các chuyến công du này là mục tiêu phi hạt nhân hoá Bán đảo Triều Tiên, tự do ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, và các vấn đề kinh tế khác.

Theo ông Lê Hồng Hiệp chuyến công du của ông Trump và việc Bắc Kinh yêu cầu các doanh nghiệp Triều Tiên đóng cửa không có bất kỳ mối liên hệ nào. Ông lập luận: “Theo tôi, thái độ của Trung Quốc chủ yếu bắt nguồn từ các hành vi, các diễn biến trên Bán đảo Triều Tiên, đặc biệt là từ phía Chính quyền Bình Nhưỡng. Cho dù có chuyến đi của ông Trump hay không, tôi tin rằng với sự hung hăng của Chính quyền Bình Nhưỡng cũng như mối đe dọa ngày càng tăng từ chương trình hạt nhân, Trung Quốc cũng vẫn sẽ có những động thái như vừa qua”.

Nguồn: VOA

Aufrufe: 29

Related Posts