Berlin (EAST SEA) Thứ Hai, Tháng Mười 9th, 2017 / 22:13

Chiến lược của Mỹ và Trung Quốc ở Biển Đông

Trang mạng National Interest mới đây đăng bài viết về chiến thắng của Trung Quốc và sự thất bại của Mỹ tại Biển Đông trong một năm vừa qua. Theo bài viết, cuối mùa Hè năm 2016, nhiều người đã kỳ vọng rằng phán quyết có lợi cho Philippines mà Tòa Trọng tài quốc tế ở La Hay đưa ra hồi tháng 7 trong vụ kiện Trung Quốc liên quan đến các tranh chấp ở Bãi cạn Scarborough và quần đảo Trường Sa có thể sẽ khiến Bắc Kinh chấm dứt các hoạt động của mình ở Biển Đông. Tuy nhiên, trên thực tế phần lớn giới quan sát đều đánh giá sự việc này một cách rất khác, và những diễn biến trong mùa Hè vừa qua dường như còn dự báo một viễn cảnh tiêu cực hơn nhiều.

Trong bối cảnh chính quyền Mỹ và cả thế giới đang tập trung vào Triều Tiên và sự căng thẳng leo thang ở khu vực Đông Bắc Á, trong những tháng giữa năm 2017, Trung Quốc đã có những bước đi nguy hiểm trong việc củng cố thêm sự kiểm soát đối với hầu hết Biển Đông. Còn về phía Mỹ, ngoài phát biểu có phần cứng rắn của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis hồi tháng 6/2017 trong khuôn khổ Hội nghị Shangri-La tại Singapore và sự gia tăng các chiến dịch tự do hàng hải của Hải quân Mỹ ở Biển Đông, thì chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump dường như không mấy quan tâm đến việc củng cố  luật pháp quốc tế và vị thế lâu đời của Mỹ để tất cả các bên tranh chấp phải thận trọng trong các bước đi của mình theo đúng luật lệ nhằm đi đến giải quyết các tranh chấp một cách hòa bình.

Chuyên gia Bonnie Glaser thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế đã phân tích tại hội nghị Biển Đông thường niên vào tháng 7/2016 của trung tâm này rằng, Mỹ có vẻ bất ngờ và bị động trước phán quyết năm 2016 của Tòa trọng tài La Hay và vẫn chưa tìm ra được một chiến lược hay chính sách toàn diện về Biển Đông. Trong khi đó, Trung Quốc đã có được những “lợi thế” quan trọng trong tranh chấp ở Biển Đông như việc 10 nước ASEAN đã ký vào một văn bản khung thỏa thuận cho bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông vào ngày 8/8 vừa qua.

Trong và sau hội nghị bộ trưởng ASEAN ở Manila, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson dường như đã nói về mọi vấn đề, trừ Biển Đông – một sự tương phản rõ rệt không chỉ với bài phát biểu hồi tháng 6 của ông Mattis, mà với cả bài phát biểu về Biển Đông của chính ông tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN hồi tháng 5. Ông Tillerson còn tán dương người đồng cấp Trung Quốc sau khi nước này đã bỏ phiếu ủng hộ một nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc để áp đặt thêm các lệnh trừng phạt với Triều Tiên sau vụ thử tên lửa đạn đạo hồi cuối tháng 7 của Bình Nhưỡng.

Điều này là dấu hiệu rõ ràng cho thấy, Trung Quốc đang chiếm ưu thế trước Mỹ về lập trường ở Biển Đông, về Đài Loan hay bất kỳ vấn đề nào khác đều có thể là cái giá mặc cả tiềm năng cho sự hợp tác của Trung Quốc trong vấn đề Triều Tiên. Trung Quốc có lẽ thừa hiểu rằng việc phi hạt nhân hóa Triều Tiên bằng cách gây áp lực kinh tế hay ngoại giao mà không khiến nhà nước này bị sụp đổ là điều không thể, nhưng nếu họ có thể thúc đẩy các lợi ích khác bằng cách cho Mỹ thấy rằng họ đang sẵn sàng “xử lý” Triều Tiên, thì đó là điều quá tốt. Mỹ lẽ ra cần khôn ngoan hơn để không bị rơi vào cái bẫy này, nhưng có lẽ họ đang cố tin rằng Trung Quốc sẽ đảm nhận một cách vô điều kiện những trách nhiệm về an ninh quốc tế với tư cách một thành viên thường trực của HĐBA LHQ.

Sau những chiến thắng gần đây của Trung Quốc ở Biển Đông, có lẽ Bắc Kinh đang được dọn đường để thực hiện những động thái lớn hơn nhằm củng cố thực tế họ đang kiểm soát được Đường chín đoạn bành trướng của mình. Các động thái này có thể được thực hiện dưới nhiều hình thức, như là tuyên bố một vùng nhận dạng phòng không (ADIZ), hoặc chỉ đơn thuần là khởi động các chiến dịch quân sự thông thường từ các rạn san hô mà họ chiếm đóng.

Thách thức mà Trung Quốc đặt ra cho Hải quân Mỹ đang ngày càng lớn. Mỗi năm, Hải quân Trung Quốc đều gia tăng về cả quy mô, năng lực và kỹ thuật. Các chiến dịch tự do hàng hải của Mỹ trong tương lai sẽ ngày càng rủi ro, bởi chi phí để duy trì có thể sẽ vượt quá ngân sách. Nhà báo Ely Ratner đã nhấn mạnh trong bài viết mới đây trên tờ Foreign Affairs, Mỹ chưa sử dụng nhiều công cụ để xử lý vấn đề này, và họ thiếu một chiến lược toàn diện để nhìn rõ xem cách tiếp cận của họ trong một thập kỷ qua đã mâu thuẫn và lộn xộn như thế nào.

Năm 2016, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc, Tướng Thường Vạn Toàn đã kêu gọi đất nước sẵn sàng cho một cuộc “chiến tranh nhân dân” trên biển. Mục đích của chiến dịch này là “bảo vệ chủ quyền” sau phán quyết của Tòa Trọng tài rằng tuyên bố của Bắc Kinh về “chủ quyền không thể tranh cãi” đối với 80-90% Biển Đông là không có cơ sở. Theo nhận định của ông James Holmes, Giáo sư chiến lược thuộc trường Cao đẳng Chiến tranh Hải quân, Mỹ, một cường quốc không thể đơn giản chiếm đoạt vùng biển của các nước láng giềng yếu hơn mà sẽ tìm cách biến vùng biển đó thành của họ. Do đó, các nước Đông Nam Á và liên minh bên ngoài khu vực của các nước này cần phải xem xét kỹ những tuyên bố của Trung Quốc, trong đó điều trước tiên phải tính đến một viễn cảnh có chiến tranh trên Biển Đông.

Thực tế, người ta rất nghi ngờ về khả năng Trung Quốc tuân thủ phán quyết của Tòa Trọng tài quốc tế ngay cả khi giới lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc muốn làm như vậy, vì điều này có thể gây ra phản ứng bất lợi trong nước. Trong hai thập kỷ qua, Bắc Kinh đã đầu tư rất lớn cho Hải quân, tăng cường trang bị cho lực lượng này pháo, máy bay chiến đấu, bệ phóng tên lửa chống tàu, tàu chiến phạm vi ngắn như tàu ngầm chạy diesel và tàu tuần tra tốc độ cao.

Bắc Kinh đã gắn danh dự và chủ quyền quốc gia vào các tuyên bố chủ quyền đối với các hòn đảo và vùng biển. Bằng những lời nói, giới lãnh đạo nước này dần dần tạo nên quan điểm dân tộc chủ nghĩa, làm dấy lên kỳ vọng trong suy nghĩ của người dân. Phá vỡ những kỳ vọng này gần như là không thể. Nếu bây giờ Bắc Kinh giảm bớt những đòi hỏi chủ quyền thì người dân sẽ phán xét giới lãnh đạo bởi chính những tiêu chuẩn họ đặt ra.

Bên cạnh đó, từ những lời lẽ của ông Thường Vạn Toàn, có thể thấy chính sách ngoại giao “cây gậy nhỏ” có thể được Trung Quốc thực hiện – triển khai Hải cảnh Trung Quốc và các lực lượng khác để bảo vệ vùng biển mà Bắc Kinh tuyên bố có chủ quyền. Phán quyết của Tòa Trọng tài quốc tế theo UNCLOS đã đánh một vố vào chính sách của Trung Quốc, làm sụp đổ những luận điệu nghe có vẻ hợp pháp đằng sau chính sách “cây gậy nhỏ” của Trung Quốc. Nếu Bắc Kinh không thể đạt được mục đích thông qua các tàu Hải cảnh thì họ sẽ dùng lực lượng quân sự.

Ông Thường Vạn Toàn đã từng nói rằng các quốc gia có chủ quyền triển khai các phương tiện hành pháp để bảo vệ cái gì thuộc chủ quyền của họ và triển khai lực lượng quân sự để chiến đấu nếu có xung đột. Lời nói của ông Toàn ngụ ý rằng Bắc Kinh từ bỏ phương pháp mềm mỏng và thừa nhận Đông Nam Á là khu vực có xung đột. Ngoài ra, về biệt ngữ mà ông Toàn sử dụng, “chiến tranh nhân dân” là cụm từ thuộc chủ nghĩa Mao, sử dụng để truyền đạt những ý tưởng quân sự. Ngay cả khi có xung đột, Bắc Kinh sẽ không rút lực lượng Hải cảnh, lực lượng chấp pháp trên biển hay các tàu đánh cá – lực lượng dân quân không chính thức – ra khỏi các vùng biển tranh chấp. Đội ngũ này sẽ đóng vai trò như một bộ phận trong hạm đội của Chính phủ, tuy nhiên, Hải quân và Không quân thuộc quân đội Trung Quốc vẫn đóng vai trò nòng cốt.

Trung Quốc có thể đoán rằng bất cứ xung đột nào trên Biển Đông có thể là một cuộc chiến tranh đối với Mỹ mà Mỹ sẽ quyết định quy mô của lực lượng được phái đi để hỗ trợ cho các quốc gia đồng minh và chỉ dẫn các tướng lĩnh thực hiện tốt nhất nhiệm vụ với nguồn lực mà họ có. Những chiến lược như vậy là hoàn hảo cho các hoạt động can thiệp gây rối nhưng ít khi mang tính quyết định. Ví dụ vào năm 1807, tướng Wellington đã dẫn đầu một đạo quân đổ bộ vào Iberia. Đạo quân viễn chinh này buộc Napoleon phải bước vào một mặt trận mới dai dẳng ở Tây Ban Nha. Tuy nhiên, tướng Wellington chưa bao giờ tự lừa dối mình rằng ông sẽ thắng một cuộc chiến tranh trải dài trên khắp lục địa chỉ với một đội quân viễn chinh khiêm tốn được tăng cường bởi lực lượng du kích và Hải quân Hoàng gia Anh.

Tương tự như vậy, chiến lược “chiến tranh nhân dân” của Trung Quốc cũng sẽ không đem đến chiến thắng cho Washington. Mỹ sẽ phải bước vào một cuộc chiến không có hồi kết ở một khu vực xa xôi, ngoài khơi của đối thủ mà không có hy vọng chiến thắng. Trong những trường hợp như thế, “chiến tranh nhân dân” là lựa chọn tối ưu do sự bền bỉ của nó. Nếu Trung Quốc là bên yếu hơn nhưng có nguồn sức mạnh cứng đáng kể thì đối thủ của họ sẽ phải mất thời gian. Lực lượng vũ trang Trung Quốc sẽ có cơ hội vừa câu giờ vừa tập hợp nhiều sức mạnh hơn, đồng thời bào mòn sức chiến đấu của kẻ thù.

Tóm lại, Trung Quốc có thể thắng ngay cả khi họ yếu hơn Mỹ về toàn diện. Quân đội Trung Quốc có thể thu hẹp hoặc đảo ngược cán cân lực lượng tại chiến trường, chế ngự đội quân của Mỹ và thời gian sẽ làm Mỹ nản lòng. Lãnh đạo Mỹ có thể thất vọng với việc duy trì nhiệm vụ mà không biết tới khi nào mới kết thúc. Trung Quốc có thể tồn tại lâu hơn Mỹ, gây ra cho Mỹ những tổn thất về lâu dài và khiến cái giá phải trả cho việc duy trì tự do trên biển cao hơn mức mà lãnh đạo Mỹ sẵn sàng chi trả. Nếu Mỹ rút quân về nước tức là Trung Quốc đã chiến thắng.

Bằng cách nào mà quân đội Trung Quốc có thể làm được điều đó? Tuân thủ triệt để những phương pháp chiến tranh từ lâu đời, Trung Quốc có thể dự đoán được về chính trị và chiến lược vì giới lãnh đạo Đảng luôn muốn lấy lòng người dân nhưng không thể dự đoán được về chiến thuật vì đó là cách mà lực lượng vũ trang Trung Quốc đã chiến đấu từ thời Mao Trạch Đông tới giờ.

“Phòng thủ tích cực” là khái niệm mà Mao hệ thống hóa các ý tưởng của ông về “chiến tranh nhân dân” và tới giờ vẫn là trọng tâm của chiến lược quân sự của Trung Quốc. Ý đồ của “phòng thủ tích cực” là một nước Trung Quốc yếu hơn có thể nhử mồi một nước mạnh hơn đến chỗ triển khai quân đội quá mức và tự làm mệt mỏi mình trước khi Trung Quốc có đòn phản pháo lại. Nếu cách tiếp cận làm tiêu hao sinh lực địch như vậy có thể thực hiện ở phạm vi rộng lớn, lực lượng vũ trang Trung Quốc có thể gây ra những thất bại chiến thuật làm suy yếu kẻ thù qua thời gian. Như vậy, “phòng thủ tích cực” là việc tiết chế tấn công chiến thuật để dành sức cho các chiến dịch phòng thủ chiến lược.

Trung Quốc hiện là một cường quốc về kinh tế và quân sự. Quân đội Trung Quốc hiện nay có nhiều sự lựa chọn hơn rất nhiều so với Hồng quân của Mao Trạch Đông. Không chỉ theo đuổi học thuyết “chiến tranh nhân dân” đơn thuần theo chủ nghĩa Mao mà quân đội Trung Quốc còn theo đuổi một sự phối hợp giữa các đơn vị tham chiến lớn và nhỏ để chống lại liên minh do Mỹ đứng đầu.

Giáo sư Holmes kết luận rằng việc Trung Quốc áp dụng học thuyết của Mao Trạch Đông trong các đấu trường ngoài khơi như thế nào và làm sao để đội quân liên minh có thể chiến thắng được chiến lược của Trung Quốc là các câu hỏi đặt ra cho những người ủng hộ tự do hàng hải ở Biển Đông.

 

Lê Hoàng

Aufrufe: 11

Related Posts