Berlin (EAST SEA) Thứ Tư, Tháng Mười Hai 6th, 2017 / 22:36

Bế mạc Hội thảo quốc tế lần thứ 9 về Biển Đông

Qua 2 ngày với 7 phiên làm việc, 30 bài tham luận chính được trình bày và gần 300 câu hỏi thảo luận và bình luận, hội thảo đã thành công tốt đẹp.

TP. HCM. Sau 2 ngày làm việc, chiều 28/11, Hội thảo quốc tế lần thứ 9 về Biển Đông với chủ đề “Biển Đông: Hợp tác vì an ninh và phát triển khu vực” do Học viện Ngoại giao (DAV), Quỹ Hỗ trợ Nghiên cứu Biển Đông (FESS) và Hội Luật gia Việt Nam (VLA) tổ chức đã kết thúc tốt đẹp.

Diễn ra trong không khí cởi mở, thẳng thắn và thực chất, Hội thảo đã thảo luận sâu sắc và có giá trị về nhiều khía cạnh ở Biển Đông, góp phần đạt được những nhận thức chung về mục tiêu hướng tới một vùng biển “thông minh”.

Trong phiên thảo luận cuối cùng về “Bộ Quy tắc ứng xử (COC): Nội dung và tiến trình”, các học giả đã có những tranh luận sôi nổi xung quanh tương lai đạt được COC. Thành tố và tiến triển của Bộ Quy tắc vẫn đang là vấn đề gây tranh cãi, nhưng các học giả nhất trí rằng quá trình này phụ thuộc phần lớn vào ý chí chính trị của các bên liên quan. Quá trình đàm phán COC sẽ phải giải quyết những khó khăn liên quan đến việc xác định phạm vi địa lý, hiệu lực, điều khoản về tranh chấp của COC.

Như vậy, qua 2 ngày với 7 phiên làm việc, 30 bài tham luận chính được trình bày và gần 300 câu hỏi thảo luận và bình luận, hội thảo đã thành công tốt đẹp.

Các học giả cơ bản cho rằng năm 2017 tình hình Biển Đông yên ả trên bề mặt, song vẫn tiềm ẩn nguy cơ sóng ngầm phức tạp. Khác biệt trong lập trường và nhận thức của các nước về lịch sử và các diễn biến trên thực địa cùng việc luật pháp quốc tế không được tuân thủ triệt để là nguyên nhân khiến tranh chấp trên Biển Đông có thể trở nên căng thẳng hơn.

Ngoài các tranh chấp truyền thống, tình hình Biển Đông còn phức tạp hơn do sự xuất hiện và phát triển của những thách thức phi truyền thống trong khu vực như tình trạng biến đổi khí hậu, khai thác quá mức dẫn đến cạn kiệt nguồn tài nguyên, cướp biển, khủng  bố và tội phạm trên biển. “Học thuyết Trump”, với việc chú trọng đến thương mại và theo đuổi chính sách “Nước Mỹ trước tiên” và sự điều chỉnh cách tiếp cận của Philippines đối với vấn đề Biển Đông dưới chính quyền của Tổng thống Duterte đã tạo ra những điều kiện tương đối thuận lợi với Trung Quốc ở Biển Đông.

Các học giả cơ bản cho rằng, năm 2017 tình hình Biển Đông yên ả trên bề mặt, song vẫn tiềm ẩn nguy cơ sóng ngầm phức tạp.

Hiện nay luật pháp quốc tế có thể chưa hoàn thiện hoặc bị diễn giải theo nhiều cách khác nhau tùy lợi ích của từng nước, song đó vẫn là nền tảng quan trọng để duy trì trật tự thế giới vì thịnh vượng chung.

Các học giả cho rằng, các nước thay vì tìm cách khai thác các lỗ hổng của luật pháp quốc tế cần tập trung xây dựng, hoàn thiện và thống nhất cách diễn giải để thúc đẩy hòa bình và hợp tác trên biển; tránh “tiêu chuẩn kép” trong diễn giải và thực thi luật pháp quốc tế.

Điều chỉnh các hoạt động trên biển theo hướng biến những thách thức nảy sinh từ các hoạt động trên biển thành các cơ hội để các quốc gia tăng cường hợp tác, thúc đẩy phát triển bền vững là chủ đề nhận được nhiều đồng thuận của các học giả trong hội thảo. Theo đó, các quốc gia có thể thiết lập cơ chế hợp tác với lĩnh vực ít nhạy cảm như bảo vệ môi trường, cướp biển, huấn luyện, đào tạo năng lực cho các lực lượng thực thi pháp luật trên biển.

Phát biểu bế mạc, Phó Giáo sư – Tiến sỹ Nguyễn Vũ Tùng, Giám đốc Học viện Ngoại giao Việt Nam nhận định, hội thảo đã thảo luận sâu sắc và có giá trị về nhiều khía cạnh ở Biển Đông, góp phần đạt được những nhận thức chung về mục tiêu hướng tới một vùng biển “thông minh”. Vấn đề Biển Đông còn nhiều diễn biến khó lường, vì vậy, cần ý chí chính trị chung, lòng tin, cơ chế hiện hành dựa trên luật pháp quốc tế và một cách tiếp cận dung hoà, sáng tạo để vượt qua những thách thức, khó khăn và thúc đẩy hợp tác, hoà bình và ổn định của khu vực.

Theo Phó Giáo sư – Tiến sỹ Nguyễn Vũ Tùng: “Vấn đề không mới nhưng phụ thuộc vào hai điều mà các học giả thường nhấn mạnh. Thứ nhất là ý chí chính trị và thứ hai là lòng tin. Nếu có ý chí chính trị và lòng tin thì các hợp tác trở thành dự án cụ thể và các dự án cụ thể này quay lại làm cho ý chí chính trị mạnh hơn, niềm tin nhiều hơn và nó như quá trình tương tác hữu cơ và làm cho tình hình ít nhất là quản lý được”./.

vov.vn

Aufrufe: 24

Related Posts