Berlin (EAST SEA) Chủ Nhật, Tháng Mười Hai 31st, 2017 / 18:35

Nhìn lại một năm 2017

Tháng Một

20.01. Donald Trump đăng quang trở thành Tổng thống Mỹ thứ 45. Với khẩu hiệu „Nước Mỹ trước tiên“ (America First) và „Hãy làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại“ (Make America Great again) của Trump đã bất ngờ tác động mạnh đến tâm lý người Mỹ và dẫn đến kết quả ngày 8.11.2016 gặt hái được 57,1% của đại cử tri trước Hillary Clinton.

ảnh thanhnien.vn

Tháng Hai

12.02. Frank-Walter Steinmeier được 1.260 đại biểu Hội nghị Quốc hội Liên bang Đức, gồm 630 đại biểu Quốc hội và 630 đại biểu đại diện cho các bang, bầu chọn làm Tổng thống Đức thứ 12. Nhiệm kỳ của Tổng thống Đức là 5 năm.

ảnh vietnamnet.vn

13.02. Người bị nghi là Kim Jong-nam anh cùng cha khác mẹ của lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, bị ám sát tại sân bay Kuala Lumpur Malaysia bởi chất độc gây tê liệt thần kinh VX.

Tháng Ba

15.03. Bầu cử ở Hà Lan. Đảng Nhân dân Tự do và Dân chủ (VVD) của Thủ tướng Mark Rutte thắng cử trước đảng dân tuý cực hữu PVV của ông Wilders chủ trương Nexit giống như Vương quốc Anh Brexit, châu Âu thở phào.

Tháng Tư

15.04. Xung đột ở Đồng Tâm, Mỹ Đức. Ông Lê Đình Kình, một vị cao niên ở Thôn Hoành, xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội bị bắt và bị thương tích trong xô xát vì tranh chấp đất hôm 15/4/2017 gây ra cuộc đối kháng giữa chính quyền và người dân diễn cho đến hết tháng Tư. Hàng chục cán bộ, công an đã bị người dân địa phương bắt giữ và một khu vực dân cư tự rào làng lập ấp để tự quản trong nhiều ngày.  Vụ việc chỉ chấm dứt sau can thiệp và cam kết của Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung và cuộc điều đình của nhiều luật sư cũng như phản ứng rộng khắp của mạng xã hội.

16.04. Thổ Nhĩ Kỳ trưng cầu dân ý về sửa đổi Hiến Pháp: Bãi bỏ chức vụ Thủ tướng thay vào đó là thể chế Tổng thống điều hành và như vậy quyền lực của Tổng thống tăng đáng kể. Giới quan sát nhận định, Tổng thống Recep Tayyip Erdogan đang hướng tới sự „độc tài“ trong cai trị. Kết quả khá „nghi ngờ“ với 51,4% phiếu thuận.

Tháng Năm

07.05. Bầu cử Tổng thống Pháp „Cuộc cách mạng nhung“ – Không đạp đổ tất cả để xây dựng lại từ đầu, không đoạn tuyệt với quá khứ để tìm một chỗ đứng trong tương lai, không khai thác công phẫn của cử tri hay lá bài dân tộc chủ nghĩa để kiếm phiếu, Emmanuel Macron với phong trào tập hợp tả-hữu En Marche ! (Tiến bước) đang tiến hành “nhiều cuộc cách mạng cùng một lúc”. Macron bước vào điện Elyseé trước khi mừng sinh nhật 40 tuổi và trở thành vị Tổng thống của nước Pháp trẻ nhất mọi thời đại.

Tháng Sáu

01.06. Báo East-Sea.de ra đời là Diễn đàn với chuyên đề chủ quyền Biển Đông và Biển đảo Việt Nam.

02.06. Mỹ tuyên bố rút khỏi Hiệp định Liên hiệp quốc về biến đổi khí hậu toàn cầu ký kết tại Paris ngày 12.12. 2015 và muốn thương lượng lại trong một thoả thuận mới. “Tôi không thể ủng hộ một thỏa thuận trừng phạt Mỹ trong khi nó không quy định nghĩa vụ có ý nghĩa nào đối với những nước gây ô nhiễm hàng đầu thế giới”, Trump nói như thế trước khi nêu cụ thể là Trung Quốc và Ấn Độ. Đức tuyên bố Mỹ “đang gây hại” cho toàn bộ hành tinh. Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker gọi quyết định của Trump là “sai lầm nghiêm trọng”. Pháp, Đức và Italy bảo vệ Hiệp định Paris, khẳng định không thể tái đàm phán thỏa thuận này. “Chúng tôi cho rằng động lực tạo ra ở Paris tháng 12.2015 là không thể đảo ngược. Chúng tôi tin chắc Hiệp định Paris không thể đàm phán lại vì nó là văn kiện quan trọng với hành tinh, các xã hội và nền kinh tế của chúng ta”, lãnh đạo ba nước trên cho biết trong một tuyên bố chung.

08.06. Tổng tuyển cử bầu Hạ viện Anh sớm trước thời hạn, theo đề nghị của bà Thủ tướng đương nhiệm Theresa May với hy vọng đạt số phiếu cao để vững tâm đến hội nghị đàm phán Brexit ngày 19.6.2017. Kết quả đảng Bảo thủ của bà May thiếu mất 8 phiếu để đạt đa số tuyệt đối để có thể tự mình thành lập chính phủ. Đảng Bảo thủ chỉ được 316 ghế trong khi cần 326 ghế để quá bán với tổng số ghế 650. Bà Theresa May sẽ cùng với đảng Liên minh Dân chủ (DUP) Bắc Ireland chiếm 10 ghế thành lập chính phủ mới.

16.06. Cựu Thủ tướng Helmut Kohl từ trần, thọ 87 tuổi. Nhà chính trị thuộc đảng CDU đã giữ chức vụ Thủ tướng Đức với kỷ lục 4 nhiệm kỳ liền 16 năm, từ 1982 – 1998 và 25 năm liên tục Chủ tịch đảng CDU toàn Liên bang. Ông được tặng danh hiệu „Thủ tướng của sự thống nhất“ và „Công dân danh dự của châu Âu“.

22.06. Trong tương lai, những đảng thù nghịch với Hiến pháp sẽ khó lòng nhận được tiền trợ cấp hoạt động. Với 2/3 số phiếu thuận Quốc hội Đức thông qua sử đổi điều luật 21 trong Luật cơ bản về „Cắt hỗ trợ tài chính của nhà nước và miễn giảm thuế đối với những đảng phái, hội đoàn thù nghịch Hiến pháp“.

30.06. Quốc hội Đức thông qua đạo luật „Hôn nhân cho mọi giới tính“. Với đa số phiếu thuận từ các đảng SPD, Linke, Grüne cũng như một phần của đảng CDU/CSU Quốc hội Đức đã phê chuẩn đạo luật „Hôn nhân cho mọi giới tính“, như vậy các đôi vợ chồng đồng tính cũng có quyền lợi như vợ chồng đa tính truyền thống và kèm theo đó họ được quyền nhận con nuôi.

Tháng Bẩy

25.07. Ba Lan thông qua cải cách Tư pháp gây tranh cãi. Sau khi Hạ viện và Thượng viện Ba Lan dưới sự lãnh đạo của chính phủ bảo thủ của “Prawo i Sprawiedliwość” (PiS, “Pháp luật và Công lý”) đã bỏ phiếu cho một cuộc cải cách tư pháp gây tranh cãi, Tổng thống Andrej Duda phủ quyết dự thảo luật. Trong tương lai Bộ trưởng Bộ Tư pháp có thể sẽ bãi nhiệm Chủ tịch các Tòa án không cần có lý do và bổ nhiệm mới mà không cần tham khảo với luật sư. Ủy ban châu Âu doạ sẽ dùng hình phạt nghiêm khắc. Bruxelles cho rằng dự luật cải tổ ngành tư pháp của Ba Lan đi ngược lại với những nguyên tắc cơ bản của hiệp ước chung châu Âu và Vacxava.

31.07. Ông Trịnh Xuân Thanh về đầu thú với cơ quan An ninh Việt Nam. Trong chương trình thời sự VTV,  ông Trịnh Xuân Thanh cho biết sau quá trình “trốn chạy do suy nghĩ không chín chắn, tôi thấy rằng cần phải quay về để đối diện với sự thật”. Trong đơn xin đầu thú của ông Thanh có đoạn: “Tôi thấy lo sợ trước kết luận vi phạm của tôi và phải chịu trách nhiệm là người đứng đầu do thua lỗ của PVC. Do lo sợ, suy nghĩ không hết tôi đã quyết định trốn tại Đức. Trong thời gian này, cuộc sống trốn tránh bấp bênh luôn lo sợ. Được sự động viên của gia đình, bạn bè tôi đã về Việt Nam và ra đầu thú tại Cơ quan An ninh điều tra để được hưởng sự khoan hồng của Đảng, Nhà nước và pháp luật”.

Tháng Tám

01.08. Khủng hoảng BOT tràn lan. Chủ phương tiện trả tiền lẻ gây ách tắc giao thông, an ninh trật tự trở nên phức tạp. Hàng loạt tồn tại, hạn chế lớn của BOT đã được Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán nhà nước… vào cuộc làm rõ.

15.08. Hãng hàng không Air Berlin tuyên bố phá sản.

21.8. Hoa Kỳ chứng kiến nhật thực toàn phần kể từ khi tuyên bố độc lập năm năm 1776. Trong kỳ nhật thực này, bóng của Mặt trăng đi qua 14 bang của Hoa Kỳ, kéo dài từ bờ biển phía Đông sang bờ biển phía Tây nước Mỹ trong 99 năm qua.

28.08. Sau những căng thẳng có nguy cơ xảy ra chiến tranh biên giới, Trung Quốc và Ân Độ đã nhất trí rút quân qua đàm phán ngoại giao.

Tháng Chín

03.09. Triều Tiên công bố thử thành công bom nhiệt hạch và có thể gắn tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) có sức mạnh ước tính gấp 5 lần quả bom năm ngoái.

24.09. Bầu cử Quốc hội Đức. Kết quả các đảng nhỏ “gặt hái”. CDU/CSU 32,9%, SPD 20,5%, Linke 9,2%, Grünen 8,9%, FDP 10,7%, AfD 12,6%. Ngay sau đó chủ tịch đảng SPD Schulz tuyên bố đứng về phe đối lập chứ không tham gia „Đại liên minh cầm quyền“ (GroKo). CDU/CSU cùng FDP và Grünen đàm phán thành lập Liên minh Jamaika nhưng đã thất bại khi Chủ tịch đảng FDP Lindner giận dữ rút lui với câu nói đi vào lịch sử „Chẳng thà không cầm quyền, còn hơn cầm sai quyền“. Hiện nay khả năng SPD quay lại với GroKo là rất cao. Bà Thủ tướng Merkel cương quyết từ chối giải pháp „Chính phủ thiểu số“, đồng thời sẵn sàng ra ứng cử nếu phải bầu lại. Tất cả sẽ rõ ràng trong Quí 1/2018.

Tháng Mười

01.10. Trưng cầu dân ý ở Catalonia. Dận Catalonia cho rằng họ bị chính quyền trung ương o ép bắt đóng nhiều thuế và tiền của họ đem nuôi đám người “vô công rồi nghề”, nên họ đấu tranh đòi độc lập. 90% số cử tri đi bỏ phiếu đồng ý ly khai khỏi Tây Ban Nha. Cảnh sát đã đàn áp thẳng tay 460 người bị thương. Chính quyền trung ương giải tán chính quyền địa phương. Thủ hiến Carles Puigdemont lưu vong bên Bỉ, một số quan chức bị bắt. Mới đây bầu cử tại Catalonia đảng của ông Puigdemont thắng đậm.

10.10. Toà Hiến pháp Đức công nhận “giới tính thứ 3”. Trong giấy khai sinh sẽ được ghi về giới tính như sau: Nam, Nữ và Đồng tính hay Lưỡng tính.

15.10. Bầu cử Quốc hội Áo. Đảng nhân dân Áo (ÖVP) giành thắng lợi với 31,5%. Sebastian Kurz, 31 tuổi, đăng quang là Thủ tướng của Cộng hoà Áo. Sebastian Kurz là sinh viên khoa Luật trường ĐH tổng hợp Wien, nhưng anh đã bỏ học đi theo con đường hoạt động chính trị, anh là Thủ tướng trẻ nhất mà không có bằng cấp của Liên minh châu Âu.

19.10. Đại hội đảng Cộng sản Trung Quốc, Tập Cận Bình tái khẳng định quyền lực tập trung của mình cho 5 năm tiếp theo và được tôn vinh ngang tầm với cố lãnh đạo Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình. Châu Âu cho đây là thách thức chính trị mới.

Tháng Mười một

05.11. “Paradise papers” công bố hồ sơ lách luật trốn thuế. Hơn 13 triệu hồ sơ tài liệu thu được từ 19 điểm thiên đường thuế đã phát giác những cách thức né tránh thuế đang rất phổ biến trên quy mô thế giới. Trong số các tài liệu mà báo chí vừa phát giác, người ta thấy có tên của 120 chính trị gia và lãnh đạo trên thế giới, trong đó có nữ hoàng Anh Elisabeth II hay một số người thân cận với tổng thống Donald Trump, như ngoại trưởng Rex Tillerson… Có hơn 200 đại gia Việt có tên trong hồ sơ Paradise papers. Hàng năm ước chừng có đến 600 tỷ Euro trốn thuế qua cách này, như vậy mỗi 1 phút họ rửa được 1,1 triệu Euro.

06.11. Khai mạc Hội nghị cấp cao APEC tại Đà Nẵng Việt Nam. Dưới sự chủ trì của Chủ tich nước Trần Đại Quang Hội nghị đã thành công rực rỡ. Tại lễ bế mạc, nước chủ nhà Năm APEC 2017 Việt Nam đã tiến hành chuyển giao vai trò Chủ tịch Năm APEC 2018 cho Papua New Guinea.

06. – 17.11. Tại thành phố Bonn-Đức, Hội nghị Liên hiệp quốc thảo luận lần thứ 23 về  Hiệp định Paris – Biến đổi khí hậu toàn cầu, không có sự tham gia của Mỹ.

09.11. Kỷ niệm một năm ra đời báo tuoitreonline.de

14.11. Đảo chính quân sự ở Simbabwe. Ngày 21.11.2017 Tổng thống 93 tuổi Robert Mugabe bị buộc từ chức, chấm dứt 37 năm dài cai trị.

15.11. Venezuela bị hãng Đánh giá-Xếp hạng tín dụng S&P Global Ratings tuyên bố vỡ nợ. Vụ việc là đỉnh điểm khủng hoảng âm ỉ tại Venezuela sau 4 năm Tổng thống Nicolas Maduro, xuất thân từ một tài xế taxi, lên lãnh đạo. Lạm phát năm 2017 tăng 800%, đẩy Venezuela vào tình trạng vỡ nợ. Thực phẩm, thuốc men khan hiếm, dịch vụ công đình trệ, tội phạm gia tăng. Chính quyền Tổng thống Maduro không tìm được giải pháp chấm dứt khủng hoảng. Ông bị phe đối lập tố cáo tiếm đoạt quyền của quốc hội và thay đổi hiến pháp để thâu tóm quyền lực.

26.11. Báo Vietnamnet.vn giới thiệu toàn bộ đề xuất cải cách tiếng Việt của PGS.TS. Bùi Hiền. Theo ông Hiền, để tránh “cụk cặk” trong ngành “záo zụk”, ông cải tiến chữ viết, thay vì với 38 ký tự chỉ còn 31 ký tự.

30.11. Tòa án Nhân dân tỉnh Khánh Hòa đã y án 10 năm tù trong vụ xử bà Như Quỳnh, tức blogger Mẹ Nấm hôm 30/11, một ngày trước khi có Đối thoại Nhân quyền hàng năm giữa Việt Nam và EU ở Hà Nội.

Tháng Mười hai

04.12. BOT Cai Lậy thành điểm nóng. Đến tháng 12, ở BOT Cai Lậy, Tiền Giang nổ ra phong trào trả tiền lẻ để làm ách tắc giao thông nhằm phản đối trạm thu phí trên tuyến huyết mạch đi TP HCM. Tối 4/12, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc quyết định tạm dừng thu phí một tháng ở trạm BOT Cai Lậy trong lúc tìm phương án giải quyết. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng thông báo: “Riêng với Cai Lậy, Thủ tướng quyết định tạm dừng thu phí một tháng và giao cho Bộ Giao thông Vận tải đánh giá toàn diện và đề xuất phương án xử lý, kết hợp với tỉnh Tiền Giang để xử lý cụ thể.”

06.12. Mỹ công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel, gây nhiều căng thẳng trong khu vực. Dư luận thế giới cho rằng đây là quyết định “điên rồ” của Trump.

08.12. Ông Đinh La Thăng bị bắt tạm giam chờ xét xử. Hôm 7/5, Bí thư Thành ủy TPHCM Đinh La Thăng nhận kỷ luật của Đảng với mức cảnh cáo và không còn trong Bộ Chính trị. Hôm 10/5, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân được Bộ Chính trị Đảng Cộng sản phân công thay ông Đinh La Thăng làm Bí thư Thành ủy TPHCM nhiệm kỳ 2016-2021. Sau khi được điều động ra Hà Nội làm Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương nhưng vẫn giữ chức đại biểu Quốc hội của Thanh Hoá, sang tháng 12, ông Thăng bị tước mọi chức vụ và bị bắt tạm giam hôm 8/12, và chờ ra toà xử ngày 8/1/2018.

29.12. Vũ Nhôm đã bị cảnh sát Singapore tạm giữ. Trước đó ông Vũ Nhôm đã bỏ trốn khỏi Việt Nam từ ngày 21/12. Được biết trước khi bỏ trốn sang SIngapore thì ông Vũ Nhôm đã nộp đơn xin tị nạn chính trị tại một nước phương Tây còn giấu tên. Các quy trình khởi động để nhằm yêu cầu Singapore cho phép dẫn độ Vũ Nhôm về Việt Nam đã được tiến hành khẩn trương. Trước đó, ngày 22/12, ông Vũ Nhôm đã bị cơ quan điều tra Việt Nam khởi tố và phát lệnh truy nã đặc biệt với tội danh tiết lộ bí mật nhà nước.

Lê Hoàng

Aufrufe: 37

Related Posts