Berlin (EAST SEA) Chủ Nhật, Tháng Một 28th, 2018 / 10:24

Chính sách của các nước lớn và khu vực trong năm 2018

Nếu các cuộc đàm phán tiến tới bế tắc, Mỹ nhiều khả năng sẽ từ bỏ thỏa thuận thương mại với Hàn Quốc hơn là các thỏa thuận khác đang được bàn thảo. Mối quan hệ ràng buộc nền kinh tế Mỹ với nền kinh tế Hàn Quốc yếu hơn so với mối quan hệ kết nối nước này với các nước như Mexico.

Mỹ đặt trọng tâm vào thương mại

Theo nhận định của giới chuyên gia, để phù hợp với quyết định của Nhà Trắng nhắm mục tiêu vào các quốc gia mà Mỹ có thâm hụt thương mại lớn, Trung Quốc, Mexico, Hàn Quốc và Nhật Bản sẽ vẫn nằm trong trọng tâm của Washington trong năm 2018.

Nếu các cuộc đàm phán tiến tới bế tắc, Mỹ nhiều khả năng sẽ từ bỏ thỏa thuận thương mại với Hàn Quốc hơn là các thỏa thuận khác đang được bàn thảo. Mối quan hệ ràng buộc nền kinh tế Mỹ với nền kinh tế Hàn Quốc yếu hơn so với mối quan hệ kết nối nước này với các nước như Mexico.

Về quan hệ với Trung Quốc, Mỹ có thể sẽ áp dụng các biện pháp trừng phạt về thương mại, đầu tư và thực thi quyền sở hữu trí tuệ mà nước này có thể lập luận nằm trong hoặc ngoài thẩm quyền của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), tùy thuộc vào việc lựa chọn nào phù hợp nhất với các nhu cầu của Mỹ.

Washington cũng sẽ tiếp tục vận động EU từ chối cấp cho Trung Quốc địa vị nền kinh tế thị trường ở WTO – danh hiệu khiến việc áp đặt các biện pháp chống bán phá giá đối với Trung Quốc sẽ khó khăn hơn.

Ngoài ra, mặc dù Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể lựa chọn rút khỏi Hiệp định mậu dịch Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) vào năm 2018, nhưng các nhà đề xướng của khối này – bao gồm cả các nhà lập pháp Mỹ – sẽ tìm cách ngăn chặn một cách hợp pháp các hành động của tổng thống nhằm ngăn hiệp định thương mại này bị phá vỡ.

Nhìn chung, vai trò của Quốc hội Mỹ trong việc điều tiết các tranh chấp thương mại và pháp lý nước ngoài sẽ tiếp tục hạn chế hành động hành pháp trong thương mại trong năm nay.

Trung Quốc tập trung vào kinh tế-xã hội

Năm 2018, Trung Quốc sẽ tập trung vào các vấn đề kinh tế-xã hội gây thách thức. Tăng trưởng của nền kinh tế đang giảm tốc, làm phức tạp thêm tình trạng bất bình đẳng khu vực và xã hội, các hệ thống tài chính bị xáo trộn và sự xuống cấp nghiêm trọng của môi trường nước này.

Với mục tiêu hướng tới việc phân phối lại của cải, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ đẩy nhanh các cải cách tài khóa trong năm 2018, tập trung nhiều hơn vào các khu vực kém phát triển và thúc đẩy cơ sở tài chính của chính quyền địa phương.

Trung Quốc sẽ tiếp tục có những bước đi nhằm cải thiện phúc lợi xã hội khi các cải cách trong chính sách đất đai và hệ thống đăng ký hộ gia đình theo hộ khẩu định hình. Giới phân tích dự báo các đề xuất về tài khóa sẽ tập trung vào các vấn đề như việc thực thi các loại thuế môi trường, việc tăng thuế tài nguyên và giảm thuế cho các doanh nghiệp nhỏ và các cá nhân.

(Getty Images)

Mặc dù Trung Quốc cũng có thể có những bước đi hướng tới việc áp đặt thuế bất động sản, nhưng thị trường bất động sản có tính đòn bẩy cao của nước này có thể trì hoãn bất kỳ nỗ lực nào nhằm thực thi biện pháp này trên toàn quốc. Mặc dù vậy, các kỳ vọng của công chúng về tính hiệu quả của chính phủ sẽ gia tăng cùng với nỗ lực của chính phủ nhằm kiềm chế giá bất động sản đang tăng vọt, đặc biệt là ở các thành phố lớn.

Trung Quốc sẽ giữ nguyên những sự cắt giảm về sản lượng trong các ngành công nghiệp nặng như than đá và thép trong khi tìm cách giảm nợ cho các ngành này.

Nước này cũng sẽ thực thi chặt chẽ hơn nữa các quy định về môi trường. Nỗ lực của Bắc Kinh khắc phục sự thiếu hiệu quả trong các ngành công nghiệp nặng có thể gây sức ép đẩy giá các mặt hàng như than đá và thép lên cao, bù đắp cho đầu tư đang chậm lại.

Châu Á làm thay đổi trật tự kinh tế thế giới

Theo nhận định của tờ Le Monde (Pháp), trên bàn cờ kinh tế thế giới, châu Á sẽ càng khẳng định vị trí của mình. Sự năng động của khu vực châu Á-Thái Bình Dương tiếp tục thể hiện trong năm 2018 với tỷ lệ tăng trưởng có thể lên tới 5,4%, cao hơn mức tăng trưởng chung của nền kinh tế thế giới (3,7%) cũng như tất cả các khu vực kinh tế khác.

Có nhiều yếu tố giải thích về sự phát triển của kinh tế châu Á, đó là: các nền tảng vĩ mô kinh tế vững chắc, hội nhập thương mại mạnh mẽ, dân số tăng nhanh, tỷ lệ đô thị hóa tương đối cao thúc đẩy ngành công nghiệp, dịch vụ và mức tiêu dùng.

Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Kinh doanh của Anh (CEBR) dự báo, trong năm 2018, Ấn Độ sẽ đứng thứ năm trong số các cường quốc kinh tế hàng đầu, vượt qua Pháp và Anh. Nếu tính Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) theo USD, đến năm 2030, Trung Quốc sẽ vượt lên trên Mỹ. Bất kể tính theo tiêu chí này, châu Á đều có xu hướng gia tăng tỷ trọng kinh tế.

Trong khi đó, theo điều tra của Công ty tư vấn Anh PwC, đến năm 2030, trong số 5 nền kinh tế hàng đầu thế giới có tới 4 nước châu Á, đó là Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản và Indonesia. Các chuyên gia kinh tế nhận định “các trung tâm quyền lực kinh tế có xu hướng di chuyển rõ nét về châu Á còn trọng lượng kinh tế các nước phát triển sẽ giảm dần.”

Châu Âu lo cho tương lai

Những cuộc thảo luận về hình thức cấu trúc và quản trị của Liên minh châu Âu (EU) sẽ thu hút nhiều sự chú ý ở châu Âu trong năm 2018. Trong số các mục trong nghị trình của khối này có cách thức để tăng cường hội nhập tài chính, cơ chế đối phó với các cuộc khủng hoảng trong tương lai và chiến lược để gia tăng hợp tác an ninh và quốc phòng. Nhưng sẽ không dễ để tìm ra một con đường tiến về phía trước.

Trong khi phần lớn các nước thành viên EU đồng ý rằng cần có cải cách chính trị, thể chế và kinh tế, thì họ lại không đồng ý về việc những cải cách đó trông thế nào và tiến hành chúng ra sao. Theo thời gian, các vấn đề này sẽ một lần nữa phơi bày những chia rẽ từ lâu giữa phía Bắc và phía Nam cũng như phía Tây và phía Đông châu Âu.

 

Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. (Nguồn: Reuters)

Trung tâm của cuộc tranh luận này sẽ là Pháp và Đức. Dù hai cường quốc này sẵn sàng bảo vệ liên minh của họ, song họ có tầm nhìn khác nhau về liên minh châu Âu. Chính phủ Pháp, vốn vận động tranh cử dựa trên lời hứa thay đổi EU, đã đưa ra các cải cách kinh tế trong nước.

Pháp hy vọng thiết lập những cấu trúc mới mà sẽ cho phép chi tiêu công lớn hơn và chia sẻ rủi ro tài chính nhiều hơn bên trong khối này – một mục tiêu mà nhiều nước ở Nam Âu, trong đó có Italy và Tây Ban Nha, chia sẻ. Các nước này cũng tán thành việc đưa ra một loại bảo hiểm thất nghiệp chung cho người lao động EU và một loại bảo hiểm tiền gửi chung cho các ngân hàng EU.

Trong khi đó, Đức không nhất thiết phản đối những ý tưởng này. Tuy nhiên, nước này thực sự muốn đảm bảo rằng kèm theo chúng là sự giám sát hiệu quả hơn đối với các chính sách tài khóa và lĩnh vực tài chính của các nước thành viên. Berlin tin rằng các nước thường bẻ cong các nguyên tắc tài khóa của khối và những thể chế có nhiệm vụ thực hiện quy định đã bị chính trị hóa quá mức. Một số nước ở phía Bắc châu Âu, như Áo và Hà Lan, có cùng quan điểm này.

Giới quan sát cho rằng Pháp và Đức sẽ quan tâm đến hợp tác nhiều hơn là đối đầu. Nhưng chưa rõ liệu sự sẵn sàng làm việc cùng nhau của họ có đủ để đoàn kết châu Âu hay không.

Nam Mỹ hợp tác về kinh tế

Brazil sẽ tìm cách thông qua các biện pháp cải cách hệ thống lương hưu và tư hữu hóa tài sản nhà nước trong khi Argentina cũng sẽ thúc đẩy ban hành cải cách thuế cũng như các luật lao động mới nhằm mục đích ưu ái các nhà đầu tư.

Bên cạnh đó, Argentina cùng với Brazil và các thành viên còn lại của Khối Thị trường chung Nam Mỹ (Mercosur) sẽ tìm cách duy trì động lực trong các cuộc đàm phán thương mại với các đối tác ngoài khối trong năm 2018.

Các nhà lãnh đạo khối Mercosur. (Nguồn: Reuters)

Mercosur có truyền thống theo chủ nghĩa bảo hộ có một cơ hội nhỏ để mở rộng phạm vi thương mại của khối này trước khi các chính quyền ủng hộ kinh doanh ở Brazil và Argentina mãn nhiệm vào năm 2018 và 2019.

Để đạt được mục tiêu đó, các thành viên của khối này sẽ bắt đầu đàm phán nhiều hiệp định thương mại nhất có thể trong năm 2018, bao gồm các thỏa thuận với Liên minh châu Âu, Mexico, Canada và Hiệp hội thương mại tự do châu Âu.

Các cuộc đàm phán sẽ không phải lúc nào cũng đạt được các thỏa thuận cuối cùng, nhưng các nhà hoạch định chính sách càng tiến xa trong các cuộc đàm phán, thì càng có khả năng các chính quyền sắp tới ở các nước Mercosur sẽ tiếp tục thực hiện chúng.

(Vietnamplus)

Aufrufe: 93

Related Posts