Berlin (EAST SEA) Thứ Hai, Tháng Hai 5th, 2018 / 21:53

Tham vọng bành trướng của TQ trên biển Đông

Trong khung đỏ là những đảo do TQ chiếm đóng và xây dựng trái phép

Trang mạng inquirer.com vừa đưa tin các bức ảnh chụp từ trên không cho thấy Trung Quốc đã gần hoàn tất việc biến 7 rạn san hô tại quần đảo Trường Sa thành các cứ điểm, một nỗ lực nhằm thao túng vùng Biển Đông nhiều tranh chấp.

Hầu hết các bức ảnh được chụp từ độ cao khoảng 1.500m, trong giai đoạn từ tháng 6-12/2017, cho thấy các rạn san hô này đã đều trở thành những hòn đảo nhân tạo và đang trong giai đoạn hoàn thiện cuối cùng với nhiều căn cứ hải quân và không quân. Với việc được “tự do” tiến hành các hoạt động xây dựng, Trung Quốc sẽ sớm có các pháo đài quân sự tại Đá Chữ thập, đá Châu Viên, đá Gaven, đá Gạc Ma, đá Vành Khăn, đá Subi, và đá Kennan.

Trong một báo cáo về hoạt động quân sự hóa của Trung Quốc tại Biển Đông hồi tháng 12/2017, viện nghiên cứu chính sách Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á (AMTI) của Mỹ cho biết các cơ sở trên đá Chữ thập ở thời điểm đó là hoàn thiện nhất, với tổng diện tích xây dựng lên tới 11.000 mét vuông. Các đường băng trên đá Chữ thập, đá Vành Khăn và đá Subi đều đã hoàn thiện hoặc sắp hoàn thiện để sẵn sàng đi vào hoạt động.

Các hạ tầng khác như hải đăng, mái che rađa, các hạ tầng thông tin liên lạc, nhà chứa máy bay và các tòa nhà cao tầng đều đã được xây dựng trên các hòn đảo nhân tạo này. AMTI, gọi năm 2017 là “năm Trung Quốc đạt bước tiến lớn trong các hoạt động xây dựng căn cứ” ở Biển Đông, cũng lưu ý rằng trên các hòn đảo nhân tạo này còn có nhiều đường hầm, các nhà chứa tên lửa và trạm rađa được xây dựng ngầm.
Các bức ảnh mà Inquirer có được cho thấy sự hiện diện thường xuyên của các tàu chở hàng, những phương tiện được cho là đang vận chuyển các nguyên vật liệu phục vụ xây dựng trên đảo nhân tạo. Một bức ảnh chụp ngày 30/12 cho thấy 3 tàu quân sự có khả năng vận chuyển binh sỹ và vũ khí đã neo tại cảng biển ở đá Vành Khăn. Hai trong số này là tàu vận tải và chiếc còn lại là tàu đổ bộ.
Một tàu khu trục có trang bị tên lửa lớp Giang Vệ II kiểu 053H3, được nhìn thấy ở khu vực chỉ cách đá Subi khoảng 1 km vào ngày 15/11/2017. Tàu chiến này có 8 bệ phóng tên lửa và một khẩu súng máy nòng 100mm loại 79A, có khả năng bắn được 18 loạt đạn 15kg mỗi phút, với tầm bắn vào khoảng 22km.

Ngày 16/6/2017, tàu  khu trục Lữ Châu lớp Giang Đảo 056, đã được nhìn thấy tại đá Vành Khăn. Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết tàu này đã tham gia các cuộc tập trận bắn đạn thật ở Biển Đông hồi tháng 12 năm ngoái.

Tại các rạn san hô nhỏ hơn, nhiều bức ảnh chụp cho thấy sự hiện diện của các bãi đỗ trực thăng, tuabin gió, trạm quan sát, mái che rađa và các ngọn tháp thông tin liên lạc. Ảnh chụp hôm 28/11/2017 cho thấy một khẩu súng nòng 100mm đã được triển khai ở Đá Kennan.

Tân Hoa Xã ngày 2/2 cho biết Hải quân Trung Quốc và ba tập đoàn viễn thông lớn nhất Trung Quốc đã ký thỏa thuận “hiện đại hoá toàn bộ” hệ thống viễn thông dân sự tại Biển Đông. Dự án được ký kết sẽ tăng số lượng các trạm viễn thông trên các đảo hiện bị Bắc Kinh chiếm đóng ở Hoàng Sa và Trường Sa, gồm đảo Phú Lâm, đá Chữ Thập và đá Vành Khăn. Trong khi đó, nhiều nguồn tin khác nhau cho biết gần đây Trung Quốc đang liên tục tiến hành thử nghiệm và triển khai một số công nghệ mới nhằm “bảo vệ an toàn hàng hải”.

Báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng ngày 3/2 dẫn Nhật báo Trung Quốc, thân Quân Giải phóng Nhân dân (PLA) nói rằng canô không người lái Huster-68 đã được thử nghiệm lần đầu tiên vào ngày 2/3, phỏng theo một cuộc tuần tra hàng hải cùng với nhiều tàu khác ở thành phố Đông Quản, tỉnh Quảng Đông.

Trang mạng của Đại học Khoa học-Kỹ thuật Hoa Trung cho biết canô dài 6,8 mét do họ chế tạo đạt được vận tốc 92,6 km/giờ, là một thiết bị quan trọng trong việc “bảo vệ lợi ích hàng hải của Trung Quốc, quản lý việc sử dụng nguồn tài nguyên biển và có tham vọng hoạt động trên quy mô quốc tế”.

Trong khi đó, tờ Business Insider đăng lại nhiều bức ảnh chụp tại xưởng đóng tầu Vũ Xương ở tỉnh Hồ Bắc, nơi thường được Hải Quân Trung Quốc tiến hành nhiều vụ thử vũ khí, cho thấy một tàu đổ bộ lớp 072III đang được trang bị một súng điện từ có kích thước và hình dạng khá giống với nguyên mẫu được Hải Quân Mỹ sử dụng. Loại vũ khí này có thể bắn đạn mà không cần thuốc súng nhờ năng lượng từ và đạn bắn ra có thể đạt đến vận tốc âm thanh. Tuy nhiên, Mỹ đang giảm dần đầu tư vào chương trình phát triển loại vũ khí này, với chi phí đã lên đến khoảng 500 triệu USD.
Inquirer dẫn lời người phát ngôn của Tổng thống Philippines Harry Roque phát biểu trong một cuộc họp báo hồi đầu tháng trước rằng hoạt động quân sự hóa Biển Đông của Trung Quốc không còn là điều gì mới mẻ song Philippines sẽ không có những biện pháp phản đối gay gắt chừng nào Trung Quốc “giữ đúng các cam kết” về việc không tuyên bố chủ quyền đối với bất kỳ thực thể nào trong vùng biển này.
Thẩm phán Tòa án Tối cao Antonio Carpio, thành viên ủy ban pháp lý trong vụ kiện của Philippines tại Tòa Trọng tài, phản đối lập trường của ông Roque, so sánh điều đó chẳng khác nào việc “tin vào một kẻ trộm”. Ông nhấn mạnh trong một cuộc phỏng vấn gần đây với Inquirer: “Vấn đề an ninh lớn nhất là Trung Quốc. Nếu chúng ta để mất (chủ quyền lãnh hải ở Biển Tây Philippines), chúng ta sẽ để mất nó mãi mãi”. Ông cho rằng Trung Quốc sẽ không bao giờ trả lại vùng lãnh thổ mà họ đã chiếm được trong khi Philippines khó có thể đưa Trung Quốc ra trước Tòa án Công lý Quốc tế bởi Trung Quốc sẽ không bao giờ chấp nhận điều này.

Nhà phân tích an ninh Jose Antonio Custodio phản đối việc Manila “nhắm mắt làm ngơ” trước việc Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông để đổi lấy những hỗ trợ về kinh tế. Ông nói: “Chúng ta đang nói tới hàng nghìn tỷ USD tài nguyên thiên nhiên và chúng ta lại đang nhượng bộ tuyên bố chủ quyền lãnh thổ của mình. Cuối cùng đó sẽ là những khoản nợ lớn chứ không phải là những món quà mà Trung Quốc đem tới,… Philippines đang tự đẩy mình vào thế bất lợi”.

Jay Batongbacal, Giám đốc Viện nghiên cứu Hàng hải và Luật Biển thuộc Đại học Philippines, nói rằng Philippines đã bỏ lỡ thời điểm có thể phản đối hành vi quân sự hóa của Trung Quốc. Tình hình càng trở nên tồi tệ hơn khi quốc gia này không nêu lên phán quyết theo hướng có lợi cho mình của Tòa Trọng tài tại hội nghị cấp cao ASEAN năm ngoái. Ông nói: “Điều này cho phép Trung Quốc tự tung tự tác làm những gì họ thích…. Khi nhận ra rằng các máy bay quân sự (của Trung Quốc) đã hiện diện trong khu vực, họ (Philippines) chẳng thể đổ lỗi cho ai ngoại trừ chính họ, những người không hành động khi thời cơ đến”.

Aufrufe: 47

Related Posts