Berlin (EAST SEA) Thứ Sáu, Tháng Ba 9th, 2018 / 09:23

Châu Á – Thái Bình Dương: Kinh tế nóng, an ninh lạnh

  Nhiều học giả cho rằng dường như đang có hai châu Á: Về kinh tế, đây là khu vực phát triển năng động bậc nhất thế giới, có xu hướng trở thành trung tâm quyền lực của thế giới trong thế kỷ XXI; liên kết, hợp tác kinh tế được thúc đẩy mạnh mẽ. Nhưng về an ninh, châu Á là nơi hội tụ nhiều điểm nóng tranh chấp lãnh thổ, biển đảo, là địa bàn cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn và là nơi chủ nghĩa khu vực và các thể chế hợp tác an ninh đa phương phát triển khó khăn.

Đặc biệt, bốn điểm nóng ở Đông Á là bán đảo Triều Tiên, biển Hoa Đông, Đài Loan và Biển Đông đều tiềm ẩn nguy cơ xung đột kéo theo sự can dự trực tiếp của hai cường quốc hàng đầu thế giới là Mỹ và Trung Quốc (TQ). Đây là đặc điểm nổi bật của khu vực châu Á – Thái Bình Dương từ nhiều năm qua, nhưng trong năm 2018, xu thế này sẽ rõ ràng hơn.

Nếu như năm 2017, quan hệ Trung – Mỹ cơ bản ổn định do hai bên vẫn đang thăm dò, thử các giới hạn của nhau và đều có nhu cầu tạm tập trung vào các vấn đề nội bộ thì sang năm 2018, mặt cạnh tranh, cọ xát chiến lược sẽ bộc lộ rõ hơn. Sau 1 năm, chính quyền Trump dường như đã nhận ra rằng TQ sẽ không bao giờ đánh đổi điều gì lấy vùng đệm chiến lược ở Triều Tiên. Cũng như các chính quyền trước, chính quyền Trump cũng đã bắt đầu thất vọng về sự hợp tác của TQ. Trong Chiến lược An ninh quốc gia công bố ngày 18/12/2017, Mỹ đã xác định đích danh TQ là đối thủ chiến lược. Trong năm 2018, chắc chắn các mâu thuẫn lợi ích mang tính bản chất giữa Mỹ và TQ về các vấn đề an ninh khu vực sẽ bộc lộ rõ hơn, đi liền theo đó là sự gia tăng cọ xát về kinh tế – thương mại. Ít có khả năng xảy ra chiến tranh thương mại Mỹ – Trung, nhưng chắc chắn sức ép bảo hộ từ chính quyền Trump đối với TQ sẽ tăng hơn so với năm 2017. Những động thái ép thuế phá giá đối với thép xuất xứ từ TQ và phản đối WTO công nhận quy chế kinh tế thị trường cho thấy trong năm 2018, chính quyền Trump sẽ mạnh tay hơn với TQ trong chính sách kinh tế thương mại.

Về phần mình, sau Đại hội 19, TQ sẽ bộc lộ tham vọng lớn trong việc khẳng định vai trò “cường quốc trung tâm” ở khu vực, quyết liệt hơn trong việc cạnh tranh ảnh hưởng với Mỹ để tạo đà vươn lên trở thành cường quốc thế giới. Không phải ngẫu nhiên mà Báo cáo chính trị Đại hội 19 khẳng định “TQ đã tiến gần hơn bao giờ hết tới vũ đài trung tâm thế giới”. Trong năm 2017, để bảo đảm môi trường ổn định nhằm tập trung tổ chức Đại hội 19, TQ tạm ứng xử hòa hoãn với Mỹ. Nhưng sang năm 2018, một Tập Cận Bình đầy quyền lực và tham vọng sẽ không dễ gì xuống nước trước một nước Mỹ “đang trên đà đi xuống” và sắp hết thời theo cách nhìn của người TQ.

Bên cạnh đó, việc Mỹ – Nhật – Ấn – Australia tăng cường hợp tác lực lượng thông qua Chiến lược Ấn Độ – Thái Bình Dương tự do và rộng mở” chắc chắn sẽ dẫn tới các phản ứng quyết liệt hơn của TQ. TQ sẽ tiếp tục củng cố, tăng cường quan hệ Trung – Nga để tạo thành một trục đối trọng với hệ thống đồng minh và đối tác an ninh chủ chốt của Mỹ ở khu vực, đồng thời gia tăng chính sách “cây gậy và củ cà rốt” với các nước láng giềng, khu vực để lôi kéo các nước này về phía TQ. Cạnh tranh chiến lược Trung – Mỹ, Trung – Nhật, Trung – Ấn sẽ gay gắt hơn trước. Các điểm nóng tiềm tàng như bán đảo Triều Tiên, Biển Đông và biển Hoa Đông sẽ tiếp tục là đấu trường để các nước lớn kiềm chế lẫn nhau. Môi trường chiến lược khu vực do vậy sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường hơn năm 2017./.

(Minh Khuê)

Aufrufe: 103

Related Posts