Berlin (EAST SEA) Thứ Hai, Tháng Năm 21st, 2018 / 23:29

Bill Hayton: „Đông Nam Á muốn kiểm soát hành vi của Trung Quốc“

LTS: Bản dịch tiếng Việt bài Bill Hayton: “Die Südostasiaten wollen Chinas Verhalten kontrollieren” của báo Deutsche Welle

ASEAN và Trung Quốc công bố vào tháng 3 năm 2018 bắt đầu các cuộc đàm phán về Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC). DW phỏng vấn chuyên gia về châu Á Bill Hayton: Tại sao các cuộc đàm phán không thể tiến triển?

Trong Hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 31 tại Manila, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á thông báo rằng họ sẽ bắt đầu đàm phán về “bản sơ thảo” của Bộ quy tắc ứng xử cho Biển Đông vào đầu tháng 3 năm 2018. Các nhà quan sát đã lạc quan một cách thận trọng, vì câu chuyện về Bộ qui tắc này là cả quá trình lịch sử về sự trì hoãn. Các cuộc đàm phán đầu tiên bắt đầu cách đây 23 năm. Và ngay cả cuộc đàm phán trong tháng 3.2018 vừa rồi các bên có xung đột cũng không đi đến đồng thuận.

Deutsche Welle: Tình hình hiện nay ở Biển Đông như thế nào?

Bill Hayton: Tình hình hiện tại ở Biển Nam Trung Hoa (Biển Đông) là tương đối ổn định, có thể hiểu theo nghĩa là: Một loạt các đảo, rạn san hô và bãi đá do các bên có xung đột chiếm giữ mà không có bên nào tìm cách xua đuổi để đòi lại. Nói một câu cho gọn: Hiện không có sự cọ sát nào đáng kể.

Xung đột hiện nay chỉ tập trung ở những nơi được cho là có trữ lượng dầu mỏ và khí đốt. Trung Quốc tìm cách kiểm soát những khu vực này,  ngăn chặn các nước Đông Nam Á không cho họ khai thác các nguồn tài nguyên, không được khoan thăm dò, khảo sát, không được đánh bắt cá.

Trung Quốc đã bồi đắp thành các đảo nhân tạo và xây dựng căn cứ quân sự trên quần đảo Trường Sa và tuyên bố quyền kiểm soát quanh khu vực. Tầu bè, trực thăng và có khi cả máy bay tiếp cận vùng này đề có thể bị kiểm tra. Như tôi đã nói, tại thời điểm này chưa có vụ đụng độ nóng nào, tuy nhiên Trung Quốc vẫn tăng cường sự hiện diện và tỏ rõ ý đồ độc chiếm.

Nếu tình hình ít nhiều ổn định, thì câu hỏi đặt ra là: Người ta cần Bộ qui tắc ứng xử để làm gì?

Các nước Đông Nam Á tin rằng, Trung Quốc đang suy tính lâu dài. Những nỗ lực đầu tiên để thiết lập một Quy tắc ứng xử này ngay từ năm 1995. Hồi đó, 23 năm trước, Trung Quốc chiếm đóng rạn đá san hô Vành Khăn, một rạn san hô tương đối gần với Philippines. Lúc đầu, họ chỉ xây dựng một vài túp lều tre ở đó. Ngày nay, rạn san hô Vành Khăn là một hòn đảo nhân tạo với đường băng dài ba cây số, hầm trú ẩn, tháp radar,.. v.v. Điều này cho thấy Trung Quốc đang có kế hoạch rất dài hạn. Mối quan tâm của Đông Nam Á là Trung Quốc sẽ không dừng lại ở đó cho đến khi họ kiểm soát mọi tảng đá ở Biển Nam Trung Hoa, để độc quyền tiếp cận các nguồn tài nguyên trong vùng. Cho nên, các nước trong khu vực đang cố gắng tìm cách kiểm soát hành vi của Trung Quốc thông qua một bộ Qui tắc ứng xử, buộc Trung Quốc chấp nhận nguyên trạng và không tiếp tục vi phạm. Nhưng tất nhiên, Trung Quốc không muốn bị trói buộc và đó chính là lý do, tại sao các cuộc đàm phán về một bộ Qui tắc ứng xử đã kéo dài quá lâu.

Từ quan điểm của người quan sát: Bộ Qui tắc ứng xử thực tế sẽ như thế nào?

Chìa khóa trong quan điểm của tôi là, tất cả các bên phải cam kết bảo đảm chắc chắn rằng: Sẽ không tiếp tục lấn chiếm các đảo, bãi đá và bãi cát hoang nữa. Nổi tiếng nhất có lẽ là Scarborough Shoal (bãi Hoàng Nham) ngoài khơi Philippines, người ta đang nghi ngờ rằng Trung Quốc muốn xây dựng một căn cứ quân sự nữa ở đây, qua đó cho phép họ mở rộng kiểm soát toàn bộ phần phía Đông của Biển Đông.

Vâng, điều đầu tiên sẽ là: không có thêm lấn chiếm và ai cũng phải chấp nhận hiện trạng.

Điểm thứ hai sẽ là sự công nhận Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS) và áp dụng nó đối với toàn bộ Biển Đông. Điều này cũng có nghĩa: các quốc gia Đông Nam Á có quyền khai thác dầu, khí và cá ngoài khơi bờ biển của họ. Tuy nhiên, Trung Quốc sẽ phản đối.

Như ông vừa mới đề cập, thì làm thế nào họ có thể tin tưởng nhau để triển khai trong bối cảnh này?

Có những điều chắc chắn người ta có thể làm. Ví dụ, người ta có thể vẽ một đường xung quanh các khu vực cụ thể của biển và thống nhất về hợp tác trong các khu vực đó. Có thể tóm tắt nhóm quần đảo Trường Sa theo cách như vậy và đồng ý với nhau rằng nguồn cá ở đây bị đe doạ cao cho nên phải được bảo vệ. Tất cả các bên có thể thống nhất về lệnh cấm đánh bắt cá trong mùa cá đẻ. Điều này không ảnh hưởng đến các câu hỏi về quyền đối với trữ lượng dầu khí. Bạn có thể thảo luận tách riêng về điều đó. Hợp tác tốt trên cơ sở này, thì các lĩnh vực hợp tác khác cũng có thể được phát triển.

Tất nhiên, vấn đề thỏa thuận về bảo vệ nguồn cá là tương đối dễ dàng, vì nó sẽ phục hồi theo thời gian. Nhưng khi chúng ta nói về dầu mỏ và khí đốt thì lại khác, mỗi quốc gia chỉ có thể khai thác các nguồn tài nguyên này một lần và sau đó chúng biến mất.

Trung Quốc chắc chắn là „cầu thủ“ mạnh nhất trong khu vực. Vậy điều gì có thể là động lực, để Trung Quốc hạn chế yêu sách quyền lực của mình?

Điều đó dẫn chúng ta đến các câu hỏi về trật tự toàn cầu. Người ta có thể ám chỉ sự hiện diện của Hoa Kỳ và Nhật Bản. Vị thế của họ là: Chúng ta để yên cho Trung Quốc, nếu họ chấp nhận các quy tắc, còn nếu Trung Quốc không chấp nhận các quy tắc, thì chúng ta sẽ không để yên. Khi Tổng thống Donald Trump lên nắm quyền, có vẻ như cách tiếp cận của Mỹ đối với Trung Quốc cho thấy, Mỹ sẽ thực sự gây rắc rối cho Trung Quốc, nếu họ không tôn trọng hiện trạng ở Biển Đông. Tôi không biết liệu những cuộc thảo luận này có thực sự được thực hiện trong chính quyền của Trump hay không, nhưng đó là những tín hiệu mà họ đã phát ra.

Nếu Trung Quốc không để nổ ra xung đột lãnh thổ với các nước láng giềng Đông Nam Á, thì sẽ có rất ít lý do để Mỹ can thiệp vào khu vực này. Nguyên nhân được viện dẫn sẽ là: Các mối đe dọa đối với quyền tự do hàng hải và các quy tắc trật tự thế giới đã được giảm đi. Có lẽ Hoa Kỳ sẽ giảm sự hiện diện của mình trong khu vực và sẽ đáp ứng lại nhu cầu an ninh của Trung Quốc.

Câu hỏi có tính quyết định là, liệu chính phủ Trung Quốc có nhận ra rằng, từ việc chấp nhận các quy tắc hiện tại sẽ mang lại lợi ích lâu dài cho họ hay không? Liệu Trung Quốc có hiểu: Làm giảm căng thẳng và báo hiệu cho các nước láng giềng rằng, họ không phải là mối đe dọa? Theo tôi, điều đó sẽ đem lại lợi ích thực sự cho Trung Quốc. Nhưng cách nhìn nhận của lãnh đạo Trung Quốc lại khác. Họ tin rằng: Biển Nam Trung Hoa là lãnh thổ của họ và không ai được phép lấy đi. Trung Quốc nghĩ về “các dạng lãnh thổ”. Đó mới là thực chất của vấn đề.

 

Cuộc phỏng vấn được tiến hành bởi Rodion Ebbighausen.

Bill Hayton là một chuyên gia về châu Á của Viện nghiên cứu Chatham House của Anh. Vào năm 2014, ông đã xuất bản một cuốn sách về xung đột lãnh thổ ở Biển Đông.

Bill Hayton: Biển Đông. Cuộc đấu tranh giành quyền lực ở châu Á.

 

Lê Hoàng chuyển ngữ

 

Nguồn: http://www.dw.com/de/bill-hayton-die-südostasiaten-wollen-chinas-verhalten-kontrollieren/a-42952498

 

Aufrufe: 57

Related Posts