Berlin (EAST SEA) Thứ Hai, Tháng Năm 28th, 2018 / 08:58

Cường quốc hàng hải – Chính sách “Ngoại Giao Cảnh Sát Biển”

Tàu sân bay John C. Stennis (trái) và tàu Ronald Reagan phải hoạt động ở biển Philippines ngày 18/6. Ảnh: US Navy

Cường quốc hàng hải

Lâu nay chúng ta đọc báo và nghe tin nói Trung Quốc hạ thủy chiếc hàng không mẫu hạm đầu tiên, rồi chiếc thứ hai đang chạy thử nghiệm và chuẩn bị đóng thêm chiếc thứ ba. Chiếc hàng không mẫu hạm đầu tiên của Trung Quốc vốn được đóng cho hải quân Xô Viết, sau khi Liên Xô giải tán thì nó thuộc về Ukraine rồi được đem đi ra bán đấu giá và Trung Quốc mua lại từ đó. Nó vốn chỉ còn có cái vỏ tàu không có động cơ, bánh lái, các hệ thống điều khiển nên Trung Quốc phải cải chỉnh sửa lại và trang bị hoàn toàn mọi thiết bị để hoạt động chạy được rồi đặt tên mới là Liêu Ninh. Chiếc thứ hai được đóng là cây nhà lá vườn do Trung Quốc tự thiết kế tuy nhiên vẫn theo mô hình của chiếc hàng không mẫu hạm đầu tiên.

Tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc được mua lại từ vỏ tàu Varyag lớp Kuznetsov của Hải Quân Liên Xô cũ
Tại sao Trung Quốc tại sao lại muốn chế tạo hàng không mẫu hạm? Những hành động quân sự Trung Quốc đang làm là mong được công nhận là một cường quốc về đại dương, một cuộc chạy đua trực diện với Hoa Kỳ và hy vọng có một sự chuyển giao quyền lực đại dương về các vùng biển vốn nằm dưới quyền kiểm soát của Hoa Kỳ, Trung Quốc đang tìm cách lấn sân và hy vọng đặc biệt vùng biển Đông, vùng Trung Quốc tự cho là sân sau của mình sẽ lọt vào tay mình khi Hoa Kỳ tính toán sai hay bị khủng hoảng trong tương lai.
Tại sao Trung có vẻ thắng thế hiện nay? Hoa Kỳ là siêu cường toàn cầu nên phải phân bố lực lượng ở Âu Châu, Trung Cận Đông, Bắc Phi và Á Châu. Trong khi thực tế cho đến lúc này dù đang có trong tay 2 chiếc hàng không mẫu hạm thì Trung Quốc vẫn chỉ là cường quốc biển cấp khu vực (vùng biển cận duyên – littoral zone) chứ chưa hề được công nhận là cường quốc vùng biển đại dương xanh (abyssal zone hay hadal zone) như Hoa Kỳ. Và lực lượng phân bổ của họ vẫn chính là khu vực biển Đông, khu vực ngay sát sân nhà của họ. Mỹ là siêu cường toàn cầu nên chỉ có lợi thế hơn Trung Quốc khi cạnh tranh ở quy mô toàn cầu. Khi mà khoảng cách giữa sức mạnh của Mỹ và Trung bị thu hẹp trong một phạm vi mà vị trí địa chính là sân sau của Trung Quốc và bị lủng đoạn bởi Trung Quốc qua chính sách “Ngoại giao bẫy nợ”, thì Trung Quốc rõ ràng chiếm ưu thế hơn khi hai bên tranh giành nhau ảnh hưởng của nhau.
Không ai có thể phủ nhận Hoa Kỳ hiện nay là một quốc gia cường quốc biển mạnh nhất trên thế giới. Các hạm đội Hải Quân Mỹ có tổng cộng 19 chiếc Mẫu Hạm có thể chở máy bay nhưng chỉ có 11 chiếc được công nhận và gọi là hàng không mẫu hạm. Đó là có tính thêm chiếc USS John F. Kennedy thuộc lớp Gerald R. Ford đang đóng chuẩn bị xuất xưởng vào năm 2020, còn 10 chiếc HKMH hiện đang tung hoành và kiểm soát mọi vùng biển từ Á sang Âu, Trung Đông đến Phi Châu.

Hàng Không Mẫu Hạm USS John S. Stennis của Hoa Kỳ
Có rất nhiều nhận định và nhiều bài báo viết về sự lớn mạnh kinh tế và trổi dậy quân sự của Trung Quốc. Sự thật có rất nhiều nước có khả năng kỷ thuật, sức mạnh quân sự làm được như Trung Quốc tại Châu Á như Nga, Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc…tuy nhiên các nước này không có nhu cầu và mục đích làm bá chủ đại dương và không muốn tốn cho một ngân sách quốc phòng lớn lao với danh vọng hão là bành trướng ảnh hưởng của mình ra thế giới. Sự thật vẫn còn rất lâu Trung Quốc mới có thể làm bá chủ trên đại dương và bắt kịp Hoa Kỳ, một quốc gia có kinh nghiệm hàng hải và sức mạnh cả 100 năm nay.
Tuy nhiên chúng ta đừng quên ở Á Châu từng có một nước Nhật vốn là một cường quốc về biển từ rất lâu, trước cả Trung Quốc cả trăm năm, cho đến khi bại trận ở Đệ Nhị Thế Chiến. Trong lúc Trung Quốc thất bại trong cuộc chiến tranh Nha Phiến với Anh và các cường quốc Tây phương (1840 – 1843 và 1856 – 1860), bị áp đặt ký một hiệp ước Nam Kinh bất bình đẳng phải mở cửa nhiều hải cảng cho liên quân 8 nước Tây Phương và Nhật Bản vào giao thương. Còn Hong Kong thì bị cắt làm nhượng địa cho đế quốc Anh. Hải quân Nhật từng đánh thắng hạm đội của Nga thời Sa Hoàng (1905) làm nên một trong những chiến thắng về hải chiến hủy diệt lớn nhất trong suốt bề dày lịch sử chiến tranh trên biển. Nhật Bản cũng từng xâm chiếm và cai trị Đài Loan và Triều Tiên trong nhiều thế kỷ. Có nhiều trận đụng độ và hải chiến với hải quân Hoa Kỳ trong Đệ Nhị Thế chiến cho đến khi bại trận vào năm 1945.
Nhưng không phải sau khi thắng hải quân Nga thì Nhật Bản mới trở thành một cường quốc hàng hải. Tầm quan trọng của sức mạnh về hàng hải đối với Nhật Bản đã từ lâu được công nhận.
Năm 1853 (July 8, 1853), Hải quân Mỹ dưới quyền của Phó đề đốc Matthew Calbraith Perry cùng 4 chiến tàu của mình đã đi vào vịnh Edo (Edo Bay), đe dọa chủ quyền Nhật Bản từ phía biển và buộc Nhật Bản mở các cảng giao thương với các nước Tây Phương. Kinh nghiệm này dạy Nhật Bản một bài học quan trọng, mà họ đã học được ngay lập tức là cần phải có một Hải Quân hùng mạnh. Là một quốc đảo với nguồn tài nguyên khan hiếm, việc bảo vệ tuyến đường hàng hải giao thương của Nhật Bản là phần quan trọng nhất trong lợi ích quốc gia của nó. Các vùng biển của Biển Nam Trung Hoa phục vụ như một lối đi thương mại kinh tế nối Nhật Bản không chỉ đến Đông Nam Á, mà còn là Tây Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương.
Hải quân đế quốc Nhật Bản vào đầu thế kỷ 19 đã bị ảnh hưởng rất nhiều bởi những lời dạy của Alfred Thayer Mahan. Họ nhận ra tầm quan trọng của một hải quân mạnh mẽ như một con át chủ bài trong việc đàm phán với các nước khác điều mà Trung Quốc giờ đây học lại bài học xa xưa của Nhật Bản. Người Nhật bắt chước chiến lược của Mỹ về “Ngoại giao súng” trong thời kỳ Tokugawa, và sử dụng nó thành công trong việc xâm lược bán đảo Triều Tiên và Đài Loan.

Chính sách “Ngoại giao Cảnh Sát Biển”

Sau khi Nhật Bản bại trận và đầu hàng ở Đệ Nhị Thế chiến, Hoa Kỳ thay mặt quân đội Đồng minh tiếp quản và giải giới quân đội Nhật. Tướng Douglas MacArthur, tư lệnh quân đội đồng minh tại Nhật Bản lúc đó đã cho soạn thảo bản Hiến pháp của Nhật Bản theo 3 nguyên tắc, trong đó có nguyên tắc thứ 2 nêu rõ một số điểm chính yếu: “Nhật Bản phải từ bỏ việc phát động chiến tranh, từ bỏ cả quyền sử dụng chiến tranh nhằm mục đích giải quyết tranh chấp. Không được sử dụng chiến tranh làm mục đích bảo vệ ngay cả để bảo vệ sự an toàn của nước mình. Trong hiện tại và cả tương lai, Nhật Bản sẽ không có quyền có quân đội gồm hải, lục, không quân. Nhật Bản không có quyền giao chiến”.
Theo hiệp ước và hiến pháp ký kết sau chiến tranh, nền an ninh lãnh thổ quốc gia Nhật Bản đặt hoàn toàn dưới sự bảo hộ của quân đội Mỹ, tuy nhiên hiệp ước liên minh giữa Hoa Kỳ-Nhật Bản chỉ giới hạn trong việc bảo vệ lãnh thổ Nhật Bản. Do vậy Nhật Bản không có quân đội chính thức mà chỉ có Lực lượng Phòng vệ bao gồm ba lực lượng chính là Lực lượng Phòng vệ mặt đất, Lực lượng Phòng vệ hàng hải và Lực lượng Phòng vệ hàng không.
Theo thời gian, dưới sự bành trướng và sức ép của Trung Quốc, một phần chủ quyền biển đảo bị uy hiếp như quần đảo Điếu Ngư (Sensaku) dù đang dưới quyền quản lý của Nhật Bản nhưng bị Trung Quốc tranh chấp đòi chủ quyền. Vấn đề của phần còn lại là vùng biển Đông vốn là con đường giao thương huyết mạch trên biển của Nhật Bản bị Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đến 80-90% và có nhiều hành động quân sự, gây cản trở sự tự do trong hàng hải giao thương. Điều khẩn thiết nhất đối với nước Nhật là biển Đông lại là một tuyến đường vận chuyển hàng hải quan trọng cho 80% đến 90% nguồn cung cấp năng lượng của nước Nhật.
Chính vì những quan ngại trên, ngày 18 tháng 12 năm 2017, Thủ tướng Shinzo Abe đã kêu gọi một cuộc họp Hội đồng Bộ trưởng để thảo luận về các kế hoạch của ông trong việc mở rộng chiến lược nhằm tăng cường hệ thống an ninh hàng hải của Nhật Bản. Đặc biệt, ông nhấn mạnh sự cần thiết của Cảnh Sát Biển Nhật Bản (JCG) cần phát triển và nâng vai trò, tầm hoạt động và quy mô lên một bước cao hơn nữa vì nó có vai trò quan trọng trong việc đạt được các mục tiêu của mình, quan trọng nhất là thúc đẩy hợp tác quốc tế bằng cách chia sẻ các giá trị của Nhật Bản, quy định của pháp luật hàng hải với các quốc gia liên quan để thực hiện vùng chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và cởi mở trong giao thương trên biển.

Tàu khu trục trực thăng của Lực lượng Phòng vệ Hàng Hải lớp Izumo. Có khả năng cải biến để dùng cho máy bay F35A
Lực lượng Phòng vệ Hàng hải Nhật Bản (JMSDF) cũng có khả năng thực hiện những vai trò này một cách hiệu quả. Vậy tại sao họ không được giao nhiệm vụ đóng vai trò chủ đạo trong việc tăng cường hệ thống an ninh hàng hải của Nhật Bản? Lực lượng Phòng vệ Hàng hải Nhật Bản có đủ thẩm quyền và sức mạnh hải quân để bảo vệ các con đường truyền thống hàng hải của Nhật Bản. Trong khi Cảnh Sát Biển Nhật Bản được công nhận là cơ quan Cảnh Sát bảo vệ bờ biển đầu tiên ở châu Á. Nó vốn được thành lập vào năm 1948, mặc dù ban đầu chức năng chỉ là là Cơ quan an toàn hàng hải. JCG đã được tổ chức lại nhiều lần kể từ khi thành lập, và vai trò được xác định của nó, các nhiệm vụ cụ thể, và thẩm quyền hàng hải đã mở rộng đáng kể trong suốt những năm qua. Việc Cảnh Sát Biển Nhật Bản (JCG) chiếm vị trí ghế trước trong chiến lược hàng hải của quốc đảo này khá là khó hiểu nhưng có lý do của nó sẽ được trình bày dưới đây.

Tàu tuần duyên của Cảnh Sát Biển Nhật Bản
Biển Đông trong những thập kỷ qua đã là mối quan tâm hàng đầu, nó đe dọa tuyến đường hàng hải truyền thống và các thương thuyền của Nhật Bản. Chúng bao gồm các mối đe dọa vi phạm tự do lưu thông, cướp biển, các vấn đề an toàn hàng hải và các tranh chấp giữa bốn quốc gia ASEAN với Trung Quốc. Những mối đe dọa an ninh phi truyền thống hiện ra nhập nhằng trong vùng biển Đông Nam Á đòi hỏi các cơ quan thực thi pháp luật hàng hải đủ mạnh mẽ mới có thể đảm bảo sự an toàn của tàu thuyền lưu thông trên vùng biển này. Điều này cũng đòi hỏi cần một cơ quan chuyên nghiệp am tường luật pháp hàng hải quốc tế để ngăn chặn các sự cố hàng hải, cải thiện khả năng tìm kiếm và cứu nạn, phòng ngừa ô nhiễm hàng hải và chữa cháy… Cân nhắc các mối đe dọa và sự yếu kém phức tạp của các quốc gia ven biển Đông Nam Á trong việc ứng phó với những vấn đề này ở Biển Đông, và những hạn chế cùng sự nhạy cảm về quá khứ lịch sử của các quốc gia trong vùng đối với Nhật Bản, Nhật Bản chỉ có thể dùng Cảnh Sát Biển (JCG) để bảo vệ tuyến đường hàng hải (SLOC) của mình thôi thay vì dùng Lực lượng Phòng vệ Hàng hải Nhật Bản.
Một lực lượng Cảnh Sát Biển chuyên nghiệp am hiểu pháp luật mới có thể giải quyết hiệu quả những vấn đề phức tạp đã và sẽ xuất hiện. Cảnh Sát Biển chính là một công cụ hiệu quả được sử dụng trong việc bảo vệ SLOC không chỉ cho Nhật Bản mà còn của các quốc gia liên quan trong vùng. Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS), các quốc gia đã công nhận sự cần thiết phải tạo ra một cơ quan hàng hải khác với hải quân, thực thi pháp luật trên biển, quản lý tài nguyên biển và bảo vệ chủ quyền quốc gia.
Tuy nhiên nước Nhật không chỉ nghĩ riêng cho riêng mình mà còn nâng tầm quan trọng của Cảnh Sát Biển trong việc bảo vệ bờ biển, các tuyến hàng hải, mà còn phát triển hợp tác quốc tế và khu vực về các vấn đề hàng hải khác nhau. Cảnh Sát Biển Nhật Bản (JCG) đã trở thành trung tâm quyền lực mới nổi lên trong khuôn khổ an ninh hàng hải Đông Nam Á, và sự lãnh đạo này được các nước láng giềng Đông Á đón nhận và được công chúng Nhật Bản chấp nhận. Cảnh Sát Biển Nhật (JCG) có thể giữ chìa khóa để thiết lập một mạng lưới hợp tác hàng hải khu vực được chấp nhận cho các quốc gia nhạy cảm với vấn đề chủ quyền ở Đông Nam Á.
Thông qua sự hỗ trợ của mình trong việc xây dựng năng lực ở Đông Nam Á bằng cách sử dụng Cảnh Sát Biển (JCG), Nhật Bản không chỉ bảo vệ các tuyến đường biển cho riêng mình mà còn thể hiện sự tích cực như là một đối tác an ninh khu vực với các quốc gia ven biển khác. Trong những thập kỷ qua, sự xuất hiện của các cơ quan bảo vệ bờ biển trong khu vực đã được xúc tác bởi sự hỗ trợ của chính phủ Nhật Bản thông qua việc hỗ trợ phát triển hải ngoại của Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA). Điều này không chỉ giới hạn trong việc đào tạo mà còn bao gồm phần tài trợ như tàu tuần tra hay thiết bị.
Năm 2005, Cơ quan thực thi hàng hải Malaysia (MMEA) mới thành lập đã yêu cầu sự giúp đỡ của JCG trong việc đào tạo nhân sự cho mình. MMEA hợp tác với JICA vào tháng 3 năm 2006, Nhật Bản đã đưa hai tàu tuần tra đến, JCG hợp tác cùng MMEA để giúp họ trong nỗ lực chống cướp biển. JCG cũng liên tục cung cấp đào tạo và hỗ trợ kỹ thuật cho MMEA trong một quan hệ đối tác tiếp tục cho đến ngày hôm nay.
Tương tự như vậy, Nhật Bản đã tham gia cùng Lực lượng Cảnh Sát Biển Philippines (PCG) trong nhiều thập kỷ. Năm 1998, ngay sau khi được xếp loại là một cơ quan hàng hải phục vụ dân sự, PCG đã nhận được sự trợ giúp thiết bị từ Nhật Bản để phát triển khả năng an toàn và ngăn chặn ô nhiễm môi trường biển. Năm 2002, Nhật Bản tài trợ chương trình đào tạo 5 năm với sáng kiến ​​phát triển nguồn nhân lực JICA-PCG, với mục tiêu nâng cao năng lực của nhân viên Philippines thông qua một loạt các khóa học và hoạt động thực thi pháp luật. Vào năm 2007, Nhật Bản đã đào tạo 2.000 quan chức Cảnh Sát Biển cho Philippines trong nhiều khía cạnh khác nhau của các hoạt động an ninh hàng hải, bao gồm các bài tập kết hợp với JCG. Trong năm 2013, một năm sau khi sự cố Scarborough Shoal thuộc Philippines chống lại Trung Quốc, JICA đã được phê duyệt một khoản vay để xây dựng 10 tàu dài 40 mét với nhiều mục đích khác nhau (Multi-Role Response – MRRV).
Cảnh Sát Biển của Việt Nam được thành lập vào năm 1998 và trở thành Việt Nam Coast Guard (VCG), hoạt động độc lập với các lực lượng hải quân từ năm 2008. Kể từ đó, Nhật Bản đã tích cực ủng hộ VCG thông qua đào tạo và nguồn nhân lực phát triển, cũng như các cuộc tập thao dợt, trao đổi kinh nghiệm chung giữa JCG và VCG được tiến hành vào các tháng 9. Hơn nữa, chính phủ Nhật Bản cũng đã bày tỏ cam kết của mình trong việc phát triển VCG bằng cách cung cấp thiết bị và tàu cần thiết thông qua viện trợ phát triển.
Liên quan đến Indonesia, JCG đã phối hợp với JICA hỗ trợ trong việc thành lập Indonesia BAKORKAMLA, phục vụ như là một cơ quan điều phối thực thi pháp luật hàng hải. Chính phủ Nhật Bản cung cấp ba tàu tuần tra để tăng cường khả năng của Cảnh Sát Biển Indonesia trong việc thực hiện các hoạt động chống cướp biển vào năm 2006 và cung cấp một khoản trợ cấp hàng triệu USD để thiết lập một hệ thống kiểm soát giao thông tàu để theo dõi các hoạt động hàng hải hiệu quả hơn ở Eo biển Malacca và Singapore.

Kết luận

Một quốc gia đảo có nguồn tài nguyên khan hiếm và phụ thuộc vào tuyến thương mại hàng hải để sinh tồn, Nhật Bản phải liên tục xác định lại chiến lược hàng hải của mình. Chiến lược ngoại giao của chiến hạm Mahanian trước đây đã mở mắt của Nhật Bản về tầm quan trọng của việc kiểm soát không gian biển. Tuy nhiên, đối với một nước Nhật Bản hòa bình ngày nay, sức mạnh quân sự không còn là một lựa chọn để bảo vệ giao thông thương mại biển của họ nữa.
Thay vào đó, Nhật Bản đã định nghĩa lại sức mạnh bằng con đường ngoại giao của họ. Bằng cách sử dụng Cảnh Sát Biển như một công cụ chính sách đối ngoại có hiệu quả hơn vào giai đoạn này. Chính sách ngoại giao bảo vệ bờ biển mà họ đã sử dụng trong những năm qua là một cách tiếp cận hiệu quả để thuyết phục các quốc gia ven biển rằng hợp tác mang lại lợi ích cho cả hai bên. Kết quả là động lực để phát triển bảo vệ bờ biển trong khu vực Đông Nam Á đã xác định lại rõ rệt.
Trong khi Trung Quốc tập trung vào sức mạnh quân sự và có chính sách “Ngoại giao bẫy nợ” dựa vào đầu tư và tiền mặt để đạt mục đích chiếm đoạt và sở hữu các vị trí chiến lược làm bàn đạp tiến ra thế giới, thì Nhật Bản lại có chính sách “Ngoại Giao Cảnh Sát Biển” nhưng với mục tiêu và vai trò là bảo vệ bờ biển trong an ninh hàng hải, duy trì một trật tự hàng hải hòa bình và tự do.
Chắc chúng ta sau khi nhận định xong cục diện cũng đã nhận ra ở Châu Á, ai đang có ý định bành trướng sức mạnh và ai đóng vai trò tích cực hàng đầu trong việc bảo vệ quyền lợi hàng hải và tự do hàng hải trong thế giới ngày nay.
Thanh Nhàn
Bài viết dựa vào nguồn từ
  • Wikipedia
  • Pacific Forum CSIS, Honolulu

Aufrufe: 165

Related Posts