Berlin (EAST SEA) Thứ Hai, Tháng Bảy 9th, 2018 / 11:16

Nhìn lại quá trình Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông

         Từ cơ sở hạ tầng

Khoảng 5 năm qua, nhiều tổ chức nghiên cứu quốc tế cũng như chính phủ các nước đã cung cấp không ít hình ảnh về việc Trung Quốc lắp đặt các hệ thống radar, thiết bị do thám, gây nhiễu…; kèm theo đó là hàng loạt cơ sở được hoàn thiện như đường băng, nhà chứa máy bay tại các thực thể mà Trung Quốc chiếm đống trái phép ở hai quân đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam.

Năm 2017, Chương trình sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á (AMTI) thuộc Trung tâm nghiên cứu chiến lược quốc tế Mỹ (CSIS) đã công bố đánh giá toàn cảnh Trường Sa năm 2016, tiết lộ, Bắc Kinh hoàn thiện trên cả 3 đường băng ở bãi đá Xu Bi, Vành Khăn và Chữ Thập. Trước đó, hồi đầu tháng 8/2016, AMTI công bố hình ảnh cho thấy các nhà chứa máy bay được gia cố trên Chữ Thập, đá Xu Bi và đá Vành Khăn ở Trường Sa. Từ quá trình phân tích hình ảnh, giới chuyên gia của CSIS nhận xét, các nhà chứa máy bay ở 3 bãi đá trên đủ sức chứa máy bay ném bóm H-6, máy bay tiếp liệu H-6U, máy bay vận tải Y-8 và máy bay KJ-200 chuyên trinh sát cảnh báo sớm. Bên cạnh đó, hạ tầng được hoàn thiện có thể cho phép đồn trú hàng chục chiến đấu cơ Su-30 hoặc J-11.

           Đến mạng lưới không quân

          Song hành cùng việc phát triển hạ tầng, Bắc Kinh cũng điều động chiến đấu cơ đến các khu vực trên. Tháng 5/2016, Bộ Quốc phòng Mỹ công bố báo cáo “Các diễn tập quân sự và an ninh liên quan Trung Quốc 2016”. Theo báo cáo này, từ tháng 2/2016, các hình ảnh vệ tình chỉ ra rằng chiến đấu cơ J-11 đã được triển khai trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam (nhưng bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép). Dòng máy bay J-11 với bán kính tác chiến khoảng 1.500km, trang bị nhiều loại bom và tên lửa, đặc biệt là tên lửa đối không. Nhờ đó, J-11 có thể hoạt động khắp vùng trời Biển Đông, kéo dài từ vịnh Bắc Bộ đến quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Và thực tế, vào tháng 5/2016, theo các nguồn tin quân sự tiết lộ, J-11 của Trung Quốc đã “vờn” máy bay trinh sát của Mỹ ở khu vực này.

Không chỉ J-11, gần đây, dòng máy bay tiêm kích J-10 cũng đã có mặt tại đảo Phú Lâm và cả các thực thể thuộc quần đảo Trường Sa. J-10 là loại chiến đấu cơ đa nhiệm thế hệ 4 có tốc độ tối đa Mach 2,2 (hơn 2500km/h), bán kính chiến đấu khoảng 550km và có thể xa hơn khi được hỗ trợ bằng máy bay tiếp nhiên liệu trên không. J-10 được trang bị các loại súng tự động, kèm theo tên lửa đối không, bom dẫn đường bằng tia laser, tên lửa tấn công mặt đất và tấn công tàu chiến…

Bên cạnh 2 dòng máy bay tiêm kích trên, các hình ảnh do AMTI công bố từ năm 2016 còn chỉ ra Bắc Kinh điều động cả oanh tạc cơ JH-7 đến Phú Lâm. Đây là loại máy bay có bán kính chiến đấu lên đến hơn 1.700km, tích hợp nhiều loại tên lửa đối không và đối hải.

Đến giữa tháng 5/2018, thông qua tài khoản twitter, tờ Nhân dân nhật báo của Trung Quốc tung ra đoạn phim chứa cảnh oanh tạc cơ H-6K diễn tập cất và hạ cánh xuống một đường băng trên Biển Đông. Sau đó, hoạt động này được xác định là diễn ra tại đảo Phú Lâm. Không chỉ có thể mang theo các loại tên lửa đối đất, H-6K còn được trang bị các loại tên lửa tấn công tàu chiến. Qua đó, với việc kết hợp các loại chiến đấu cơ trên, Bắc Kinh gần như thử nghiệm thành công để có thể triển khai toàn diện lực lượng không quân đủ sức tác chiến không – hải và tấn công các thực thể trên Biển Đông. Truyền thông Trung Quốc cũng từng đăng tải hình ảnh hoạt động của một số loại máy bay quân sự, máy bay vận tải Y7 và Y8 đóng vai trò hỗ trợ. Điều này cho thấy, Bắc Kinh có thể vận hành một mạng lưới không quân toàn diện.

           Và thế trận không – hải

          Bên cạnh việc tăng cường tác chiến không quân, Trung Quốc cũng lắp đặt hệ thống tên lửa trên các thực thể ở cả hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Việc triển khai này khá tương thích với chiến lược Phong tỏa/Chống tiếp cận (A2/AD) mà Bắc Kinh phát triển trong nhiều năm qua.

Ở Hoàng Sa, các hình ảnh do AMTI công bố vào tháng 2/2016 xác định, Bắc Kinh đã triển khai hệ thống tên lửa đối không HQ-9 trên đảo Phú Lâm. Được xem là “S-300 phiên bản Trung Quốc”, HQ-9 có tầm bắn khoảng 250km với tốc độ tối đa gấp 4 lần vận tốc âm thanh, cho phép theo dõi và tấn công cùng lúc nhiều mục tiêu. Cho nên, việc lắp đặt HQ-9 là một biện pháp nhằm thiết lập lưới phòng không cho các đảo mà Bắc Kinh chiếm đóng phi pháp trên Biển Đông. Đến tháng 3/2016,  kênh truyền hình Phượng Hoàng của Hồng Kong đăng tải hình ảnh cho thấy Trung Quốc nhiều khả năng cũng đã triển khai tên lửa hành trình chống hạm YJ-62 trên đảo Phú Lâm. Với ưu thế trần bay khá thấp, YJ62 có phiên bản đạt tầm bắn lên đến 400km. Vì thế, YJ-62 kết hợp cùng HQ-9 tạo điều kiện để Bắc Kinh hình thành hệ thống tên lửa “không-hải” theo chiến lược A2/AD.

Tại quần đảo Trường Sa, vào đầu tháng 5/2018, kênh CNBC (Mỹ) dẫn một số nguồn tin tiết lộ trong 30 ngày trước đó, Trung Quốc đã âm thầm điều tên lửa hành trình chống hạm YJ-12B và hệ thống tên lửa đối không HQ-9B đến 3 bãi đá Chữ Thập, Vành Khăn và Xu Bi. Một số hình ảnh khác hồi năm ngoái còn cho thấy, hạ tầng trên các thực thể mà Bắc Kinh chiếm giữ trái phép ở Trường Sa cũng có dấu hiệu được dùng để thiết lập cả tên lửa HHQ-9. Cả HQ-9B và HHQ-9 đều là các phiên bản của HQ-9. Trong đó, HHQ-9 là phiên bản thường được thiết kế dành cho tàu chiến. Còn YJ-12B đạt tốc độ nhanh gần gấp 3 lần vận tốc âm thanh cùng tầm bắn có thể lên đến 400km. Như vậy, một mô hình mạng lưới tên lửa không – hải cũng được Bắc Kinh triển khai trên Trường Sa tương tự với những gì đã làm ở đảo Phú Lâm thuộc Hoàng Sa.

Ông Gregory Polling, giám đốc AMTI, nhận xét rằng” “Những gì chúng ta nhìn thấy là bằng chứng Trung Quốc vẫn ra sức thiết lập sự thống trị trên toàn bộ Biển Đông bằng biện pháp đe dọa quân sự”./.

Minh Trí

Aufrufe: 101

Related Posts