Berlin (EAST SEA) Thứ Sáu, Tháng Bảy 20th, 2018 / 10:39

Nhìn lại tình hình thế giới nửa đầu 2018

          So với khoảng thời gian này năm ngoái, tình hình thế giới trong nửa đầu năm nay đã có nhiều biến động bất ngờ. Bức tranh về tình hình thế giới luôn pha trộn nhiều gam màu khác nhau và vị trí các gam màu đó đến nay đã có sự chuyển dịch rõ rệt. Nửa năm là khoảng thời gian ngắn đến mức chưa đủ để nhìn vào động thái nhận ra được xu hướng diễn biến của tình hình. Dù vậy, nhìn lại thế giới trong nửa năm qua vẫn có thể rút ra một số kết luận và đưa ra một số dự báo nhất định cho nửa năm còn lại.

           Trước hết, việc khởi động tiến trình hòa giải giữa Triều Tiên và Hàn Quốc cũng như giữa Triều Tiên và Mỹ là đột biến lớn với ý nghĩa và tác động rất mạnh mẽ và sâu sắc tới cả thế giới trong nửa năm qua. Đỉnh cao cho tới nay của tiến trình này là cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều lần thứ 3 diễn ra ngày 27/4 tại Bàn Môn Điếm và cuộc gặp cấp cao đầu tiên trong lịch sử giữa Mỹ và Triều Tiên tại Singapore ngày 12/6 vừa qua dù cho tới tận cuối năm ngoái, tiến trình này vẫn còn là chuyện không tưởng. Sự khởi đầu rất suôn sẻ và ngoạn mục nhưng tiếp theo đó không đơn giản bởi sẽ phụ thuộc vào việc Mỹ, Hàn Quốc và Triều Tiên có thực hiện đầy đủ và nghiêm chỉnh những cam kết và thỏa thuận với nhau hay không và có tiếp được đà hòa dịu hiện có hay không? Bộ ba này đã đạt được sự hiểu biết chung về giải quyết những vấn đề đang đặt ra như phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, bảo đảm an ninh cho Triều Tiên, chấm dứt tình trạng chiến tranh và nguy cơ xung đột, bình thường hóa quan hệ song phương… Thực tiễn nửa năm còn lại sẽ cho thấy các bên liên quan có thật sự cùng nhau giải quyết những vấn đề đấy hay không. Tiến trình này hiện chưa ổn định và bền vững đến mức không còn có thể bị đảo ngược. Dù vậy, nó đã giúp khu vực Đông Bắc Á trong thời gian vừa qua “hòa bình” hiếm thấy từ trước tới nay và khơi dậy hy vọng cũng như lạc quan về thời kỳ tới tốt đẹp.

Đột biến thứ hai là việc Tổng thống Mỹ Donald Trump đã “kích hoạt” cuộc xung đột thương mại với nhiều đối tác kinh tế và thương mại lớn của Mỹ. Ông Trump sử dụng những biện pháp bảo hộ thương mại để “khiêu chiến” với cả những đối tác thương mại quan trọng nhất của Mỹ là EU, Trung Quốc, Canada, Mexico, Nhật Bản… trong nhận thức rõ ràng ngay từ đầu là những biện pháp ấy trái với cam kết và trách nhiệm của Mỹ trong Tổ chức thương mại thế giới (WTO) và nước Mỹ sẽ bị các đối tác kia đáp trả thích đáng. Đằng sau cuộc chiến thương mại này giữa Mỹ và các đối tác còn có cuộc phân định “ai sẽ thắng ai” giữa mậu dịch tự do và bảo hộ mậu dịch trên thế giới, còn có cuộc tấn công vào trật tự thương mại thế giới tự do, vào vai trò của WTO và vào cục diện các mối quan hệ quốc tế trong thế giới hiện đại. Các nước trên thế giới buộc phải xem xét lại chính sách kinh tế, thương mại của họ nói chung và phải xử lý lại quan hệ của họ với Mỹ nói riêng để bảo toàn tốt nhất lợi ích trước mắt cũng như lâu dài. Chính trị an ninh thế giới vì thế cũng bị ảnh hưởng.

Khu vực Đông Bắc Á chuyển biến tích cực và đáng khích lệ bao nhiêu thì diễn biến tình hình chính trị an ninh ở khu vực Trung Đông, Bắc Phi và vùng Vịnh vẫn căng thẳng và bạo lực đáng lo ngại bấy nhiêu. Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS đã chính thức bị đánh bại, nhưng chiến sự vẫn diễn ra ở Syria, Iraq và Yemen. Ở Syria, chính phủ của Tổng thống Bashar Al-Assad đã thắng thế những cuộc chiến vẫn chưa chấm dứt và tiến trình hòa bình hướng tới giải pháp chính trị vẫn còn xa vời và trắc trở. Cả việc Tổng thống Mỹ D.Trump công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel và chuyển đại sứ quán Mỹ từ Tel Aviv về Jerusalem lẫn việc Mỹ rút khỏi thỏa thuận về giải pháp cho vấn đề hạt nhân của Iran đều làm cho tình hình chính trị an ninh ở khu vực càng thêm tồi tệ, quan hệ giữa các bên đối địch nhau càng thêm căng thẳng. Cuộc chiến tranh của Saudi Arabia và liên quân ở Yemen cùng với cuộc chiến ngoại giao của nước này và một số đồng minh chống Qatar làm cho cả khu vực này thêm trầm trọng và phức tạp về an ninh. Quan hệ giữa Mỹ, Trung Quốc, và Nga biến động theo những chiều hướng khác nhau. Ở cả ba nước lớn này, vị thế quyền lực của người đang nắm thực quyền được củng cố vững chắc, giúp họ có thể tự tin hơn và quyết liệt hơn trong cầm quyền và xử lý quan hệ với nhau ở thời gian tới.

Giữa Nga và Trung Quốc, đà phát triển quan hệ song phương được duy trì. Giữa Mỹ với hai nước này, quan hệ đã trở nên khác trước. Ông Trump đã làm cho quan hệ của Mỹ với Trung Quốc “găng” hơn so với ở thời trước trong khi quan hệ của Mỹ với Nga bắt đầu có cơ hội không còn xấu như trước. Bằng chứng là ông Trump phát động cuộc xung đột thương mại quyết liệt với Trung Quốc trong khi kiên định gây dựng lại sự khởi đầu mới quan hệ Mỹ – Nga, đỉnh cao là cuộc gặp đầu tiên giữa nhà lãnh đạo hai nước này tuần qua. Hai trục quan hệ Mỹ – Nga và Mỹ – Trung đặc biệt nổi trội trong thời gian vừa qua trên phương diện tác động mạnh mẽ tới diễn biến tình hình thế giới.

Ở khu vực nào và châu lục nào cũng đều có nhiều biến động, nhưng đều ở bình diện quốc gia chứ không có được tác động làm rung chuyển cả khu vực hay châu lục. Venezuela ở khu vực Mỹ Latinh, Nam Phi ở châu Phi, Malaysia ở châu Á, EU ở châu Âu… đều có những dốc mốc lịch sử mới và đồng thời đều cho thấy chuyện quyền lực và chính trị xã hội nội bộ ở các quốc gia có thể biến động nhanh chóng và khó lường như thế nào.

Nhìn nhận một cách toàn diện thì có thể đi tới đánh giá rằng thế giới trong nửa năm qua cho dù có đột biển nhưng về cơ bản vẫn tiếp tục chiều hướng biến động từ thời gian trước, chưa phải đã chuyển giai đoạn và chưa bước sang một thời kì mới. Khủng bố vẫn diễn ra ở nhiều nơi. Mất an ninh và ổn định ở nhiều vùng vẫn dai dẳng. Nhưng thế giới không bị xáo động bởi khủng bố, chiến tranh và xung đột vũ trang.

Một gam màu sáng sủa trong bức tranh về tình hình thế giới thời gian vừa qua là kinh tế thế giới và các khu vực về cơ bản tiếp tục đà tăng trưởng với mức độ chưa thật cao nhưng tính ổn định đã khá hơn. Bất chấp giá dầu lửa tăng, bất chấp xung đột thương mại và chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ước quốc gia đối với những đồng tiền quan trọng nhất trên thế giới đã bắt đầu được xiết chặt lại. Cả trên những phương diện này hiện cũng có lý do xác đáng và cơ sở thực tế để lạc quan cho thời gian tới./.

Ngư Phủ

Aufrufe: 56

Related Posts