Berlin (EAST SEA) Thứ Tư, Tháng Mười 17th, 2018 / 11:00

Thực chất cuộc xung đột thương mại Mỹ – Trung

           Sau thời gian gần nửa năm, cuộc xung đột thương mại mà Mỹ đã phát động với các đối tác kinh tế và thương mại của Mỹ tiếp tục là một trong những chủ đề chi phối chính trị thế giới. Với cách tiếp cận bao quát từ những diễn biến mới sẽ giúp cho bên ngoài có thể nhìn nhận được rõ hơn bản chất cuộc xung đột này và dự liệu cụ thể hơn triển vọng của nó trong thời gian tới.

Cụ thể là những biện pháp chính sách bảo hộ thương mại mà Tổng thống Mỹ Donald Trump quyết định áp dụng đối với tất cả đối tác kinh tế và thương mại của Mỹ cũng như những quyết sách đáp trả của các đối tác. Ngay từ đầu, nó đã là cuộc xung đột thương mại với tiềm năng có thể đưa đến chiến tranh thương mại. Trên danh nghĩa là như thế, còn trên thực tế thì ông Trump phân chia ra thành 3 nhóm đối tượng tiến hành xung đột thương mại khác nhau gồm Trung Quốc, EU và đối tác còn lại. Cách làm của ông Trump là áp thuế quan bảo hộ thương mại đối với hàng hóa của các đối tác xuất khẩu vào thị trường Mỹ để buộc các đối tác phải chấp nhận đàm phán: chịu mức thuế quan bảo hộ thương mại hoặc đàm phán với Mỹ để lựa chọn giữa hạn chế khối lượng xuất khẩu vào thị trường Mỹ hoặc nhập khẩu nhiều hơn nữa từ Mỹ, đồng thời chấp nhận một số yêu sách khác của Mỹ. Nhiều đối tác đã tìm kiếm thỏa thuận mới với Mỹ để chấm dứt xung đột thương mại với nền kinh tế số 1 thế giới. Những thỏa thuận này cho thấy, họ đều đã phải nhượng bộ Mỹ. Và cũng không ít đối tác thuộc diện này cũng đáp trả Mỹ bằng biện pháp tương tự và khởi kiện Mỹ lên tổ chức Thương mại thế giới (WTO), nhưng với mức độ giá trị hàng hóa không lớn và vì thế không mấy tác động đến Mỹ.

Chỉ có Trung Quốc và EU thì khác. Trung Quốc và EU mới là hai đối tượng chính mà ông Trump nhằm tấn công. Với hai đối tượng này, bản chất thật sự của cuộc xung đột thương mại bộc lộ rõ nét nhất và cho dù điểm xuất phát chẳng khác gì nhau nhưng xung đột thương mại của Mỹ với EU và Trung Quốc đã diễn biến rất khác nhau trong thời gian vừa qua.

Giữa Mỹ và EU đã đạt được thỏa thuận ở cuộc thương thảo giữa ông Trump và Chủ tịch Ủy ban EU Jean Claude Juncker. Theo đó, xung đột thương mại giữa hai bên không trầm trọng thêm – tức là chỉ duy trì ở mức độ như Mỹ đã áp dụng đối với EU từ ngày 1/6/2018 và EU đã đáp trả Mỹ từ ngày 22/6/2018 – cho tới khi giữa hai bên đạt được thỏa thuận mới hoặc không đạt được thỏa thuận mới. Phía Mỹ chưa áp thuế quan bảo hộ thương mại đối với xe ô tô của EU nhưng EU phải chấp nhận nhập khẩu thêm đầu tương và khí đốt hóa lỏng của Mỹ cũng như cam kết cùng Mỹ cải tổ WTO theo định hướng của Mỹ. Đấy mới chỉ là giải pháp tạm thời và tình thế nhưng đủ để xảy ra chiến tranh thương mại. Mỹ cho EU thêm thời gian nhưng đã lôi kéo EU về phe mình để đối phó Trung Quốc và bào mòn vai trò của WTO.

Trong khi đó, diễn biến giữa Mỹ và Trung Quốc thì lại theo chiều hướng ngược lại. Mức độ quyết liệt  không chỉ tiếp tục gia tăng và nguy cơ bùng phát chiến tranh thương mại thêm tiềm tàng mà còn có cả nguy cơ xung đột thương mại lây lan tác động kích hoạt xung đột trên lĩnh vực khác, cộng hưởng thành nguy cơ xảy ra chiến tranh tiền tệ và chiến tranh kinh tế. Cho tới thời điểm hiện tại, Mỹ và Trung Quốc đối nhau và đấu nhau theo đúng cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng của cụm từ “người sao, ta vậy”. Cùng biện pháp, cùng mức độ giá trị hàng hóa bị áp thuế quan bảo hộ thương mại – sau 2 lần áp dụng hiện ở mức độ 50 tỷ USD – và cùng thời điểm. Cùng biểu lộ quyết tâm chơi với nhau cuộc chơi này đến lúc phân định rõ ràng có người thắng và kẻ thua. Cả hai cùng cho thấy sẵn sàng đáp trả mọi giá. Ở thời kỳ đầu, hai bên còn tiến hành đàm phán thương mại. Về sau thì chỉ còn thấy leo thang đối địch lẫn nhau. Trung Quốc là đối tác mà Mỹ bị nhập siêu nhiều nhất trong suốt thời gian dài. EU xuất siêu vào Mỹ không quá lớn nhưng EU được coi là một thực thể kinh tế mạnh. Ông Trump nhằm trước hết vào hai đối tác này để giảm thâm hụt trong cán cân thương mại – điều này không thể phủ nhận – nhưng cũng còn nhằm mục đích tạo ra trường hợp điển hình để cảnh tỉnh và răn đe tất cả các đối tác kinh tế và thương mại của Mỹ, khiến họ nhụt chí đáp trả Mỹ và phải chịu khuất phục Mỹ. Ông Trump đã dọa sẽ còn tăng mức độ giá trị hàng hóa của Trung Quốc xuất khẩu vào thị trường Mỹ lên 250 tỷ USD, thậm chí cả 500 tỷ USD, tức là có thể đối với toàn bộ giá trị xuất khẩu của Trung Quốc vào thị trường Mỹ – năm 2017, Trung Quốc xuất khẩu vào Mỹ 505 tỷ USD và nhập khẩu từ Mỹ 130 tỷ USD. Ông Trump còn cáo buộc Trung Quốc – và cả EU – thao túng và lũng đoạn tiền tệ. Nếu xung đột thương mại leo thang gay cấn đến đỉnh điểm thì Trung quốc chắc chắn sẽ phải đáp trả bằng những biện pháp khác ngoài áp thuế quan bảo hộ thương mại. Khi ấy đương nhiên không chỉ đơn thuần là cuộc chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc nữa.

Tất cả những diễn biến mới nói trên cho thấy, ông Trump mượn danh nghĩa thu hẹp mức độ thâm hụt của Mỹ trong cán cân thương mại với các đối tác để nhằm tới không chỉ có một mục tiêu. Vị tổng thống “tỷ phú” muốn xóa bỏ trật tự và luật lệ cũng như cục diện lâu nay trong trao đổi thương mại giữa các quốc gia và khu vực trên thế giới để chơi cuộc chơi mới theo chủ ý, định hướng, dẫn dắt và chi phối của Mỹ. Đằng sau chuyện tranh chấp thương mại này còn là cuộc ganh đua quyền lực và ảnh hưởng giữa Mỹ với các đối tác, bất kể từ trước đến nay là đồng minh, đối tác hay đối thủ của Mỹ. Ông Trump cần có cuộc chơi mới này làm sự thể hiện cụ thể cho khẩu hiệu và phương châm hành động “Nước Mỹ trên hết” phục vụ trước hết cho việc trang trải những nhu cầu đối nội, đặc biệt phục vụ cho cuộc bầu cử quốc hội giữa nhiệm kỳ sắp tới. Đối với ông Trump, khắc phục được hay không tình trạng thâm hụt nặng nề trong cán cân trao đổi thương mại với các đối tác không quan trọng và cấp thiết bằng việc tạo hình ảnh và cảm nhận là các đối tác chịu khuất phục và nhượng bộ trước áp lực và tác động từ những biện pháp chính sách của Mỹ. Đối với ông Trump, sự nhượng bộ của đối tác không chỉ được hiểu là bằng chứng cho thấy phía Mỹ đã chiến thắng mà còn được hiểu là ông Trump đã đúng với những quyết sách ấy.

Từ đó có thể thấy cuộc xung đột thương mại lần này giữa Mỹ và các đối tác, đặc biệt với Trung Quốc và EU, sẽ còn dai dẳng và còn có những biến tướng bất ngờ, nhưng sẽ không đến mức để xảy ra chiến tranh thương mại, càng không có chuyện hội tủ mọi xung đột khác nữa với nhau thành chiến tranh kinh tế giữa Mỹ và các đối tác./.

(Mục Phu)

Aufrufe: 80

Related Posts