Berlin (EAST SEA) Thứ Hai, Tháng Mười Một 19th, 2018 / 03:23

Trung Quốc thay đổi chiến thuật trước động thái mới của Mỹ và đồng minh trên Biển Đông

  1. Động thái mới của Mỹ và các đồng minh

Trong bối cảnh Trung Quốc (TQ) tích cực xây dựng và quân sự hóa các tiền đồn ở Biển Đông, đe dọa nghiêm trọng tự do thương mại hàng hải, chủ quyền biển đảo của các quốc gia, làm giảm sự ổn định trong khu vực, Mỹ và các đồng minh tăng cường hiện diện quân sự, tập trận chung nhằm củng cố quan hệ, thúc đẩy hợp tác và duy trì sức mạnh quân sự thách thức tham vọng “độc chiếm Biển Đông” của Trung Quốc. Ngày 1/8/2018, Mỹ thông qua Luật Ủy quyền quốc phòng (NDAA) 2019 với ngân sách 716 tỷ USD, đề ra các bước cơ bản nhưng quan trọng cho một chiến lược đối phó hiệu quả và mạnh mẽ hơn trước hành xử ngang ngược của TQ ở Biển Đông. Trong đó, NDAA sẽ kéo dài đến năm 2025 nhằm giúp các nước láng giềng của TQ ở Đông Nam Á tăng cường năng lực quân sự – quốc phòng; không bị TQ “đẩy ra khỏi vùng biển tranh chấp”; cam kết đầu tư 425 triệu USD cho các thiết bị kĩ thuật và hỗ trợ đào tạo quân sự trong 5 năm; NDAA xác định khai trừ vĩnh viễn TQ khỏi các cuộc tập trận thường niên Vành đai Thái Bình Dương (RIMPAC) do Mỹ dẫn đầu. Qua động thái trên, Tổng thống D.Trump muốn gửi đến TQ thông điệp rằng, Mỹ không hề quên vấn đề Biển Đông hay những đồng minh của mình tại khu vực và cam kết sẽ hành động nhiều hơn, mạnh mẽ hơn. Mỹ cũng tăng cường đầu tư, đẩy mạnh các hoạt động ngoại giao thông qua chuyến thăm tới các nước liên quan tới vấn đề Biển Đông, nhằm quảng bá chiến lược mới “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương”, duy trì lợi ích và kiềm chế sự trỗi dậy của TQ.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo (từ ngày 1-5/8/2018) đã thực hiện chuyến thăm tới 3 nước Malaysia, Singapore và Indonesia, công bố sẽ đầu tư cho khu vực 113 triệu USD vào các lĩnh vực công nghệ, năng lượng và cơ sở hạ tầng; 300 USD cho an ninh hàng hải Đông Nam Á,  tạo một “đối trọng xứng tầm” với chiến lược “Vành đai, con đường” (BRI) của Chủ tịch TQ Tập Cận Bình. Mỹ chỉ trích mạnh mẽ trước các hoạt động lấn chiếm phi pháp của TQ  trên Biển Đông, tích cực triển khai các hoạt động giám sát, tập trận chung với đồng minh: (i) Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis (này 1/10) đã hủy kế hoạch đến Bắc Kinh vào cuối tháng 10; chỉ trích đích danh TQ về hoạt động quân sự hóa các đảo, bãi đá ngầm trên Biển Đông; cáo buộc TQ “hăm dọa và áp bức” các nước trong khu vực, đồng thời khẳng định Mỹ không có kế hoạch rời khỏi khu vực này; (ii) Mỹ đã 2 lần điều động “pháo đài bay” B52 từ sân bay quân sự ở Guam qua vùng trời Biển Đông (ngày 23 và 26/9) hội quân cùng 16 chiến đấu cơ của Nhật Bản, tiến hành tập trận tại biển Hoa Đông. Ngoài ra, các “pháo đài bay” B52 cũng tổ chức các cuộc diễn tập tương tự trên Biển Đông hội tháng 6 và tháng 8/2018; (iii) Năm 2017 và 2018, Mỹ thực hiện 8 cuộc tuần tra hàng hải ở Biển Đông (FNNOP). Đối với Việt Nam, Mỹ chuyển giao tàu tuần tra lớp Hamilton của lực lượng tuần duyên cho cảnh sát biển và cử tàu sân bay Carl Vinson tới thăm cảng Tiên Sa (Đà Nẵng) vào tháng 3/2018; (iv) Hải quân Mỹ liên tục mở các cuộc tập trận với các nước quanh Biển Đông (CARAT, Hổ mang vàng, Balitakan); tháng 7/2018, Mỹ và Philippines đã bắt đầu cuộc tập trận chung, huấn luyện cho hải quân của Manila. Đặc biệt, từ ngày 27/6-2/8/2018, Mỹ tổ chức cuộc tập trận Hải quân Vành đai Thái Bình Dương (RIMPAC 2018) ở vùng biển Honolulu, Hawaii với sự tham gia của 25 nước, trong đó có Brunei, Malaysia, Philippines và Việt Nam – những nước đang có tranh chấp chủ quyền biển với TQ. Trước đó, ngày 23/5, Mỹ đã hủy lời mời TQ tham gia RIMPAC, cho rằng việc nước này tiếp tục các động thái quân sự hóa trên Biển Đông là không phù hợp với các nguyên tắc và mục đích của cuộc tập trận…; (v) Những đồng minh của Mỹ cũng tăng cường sự hiện diện quân sự trên Biển Đông nhằm thách thức “yêu sách chủ quyền” của TQ: Tàu đổ bộ HMS Albion của Anh tổ chức cuộc tuần tra tự do hàng hải (FON) tại khu vực quần đảo Hoàng Sa, ghé thăm TP.HCM từ ngày 3-6/9/2018; Hải quân Anh đã tổ chức cuộc tuần tra chung với Pháp, Australia qua bãi đá Vành Khăn, Subi và Chữ thập trên quần đảo Trường Sa vào cuối tháng 6/2018; Australia cho 3 tàu chiến đi qua Biển Đông, tiến hành thăm hữu nghị Việt Nam vào tháng 4/2018…

  1. Trung Quốc thay đổi chiến thuật

Trước động thái mới của Mỹ và các đồng minh trong khu vực, TQ buộc phải thay đổi chiến thuật, thực hiện các hoạt động đáp trả mạnh mẽ đối với bất kỳ thế lực nào “cản đường” TQ: (i) Đẩy mạnh hoạt động quấy rối các tàu của nước ngoài đang hoặc chuẩn bị khai thác tài nguyên trên biển, trong lòng biển và những con tàu ngăn chặn TQ chiếm giữ các nguồn tài nguyên biển; (ii) Hướng sự quấy nhiễu vào bất cứ sự hiện diện quân sự nào của nước ngoài; (iii) Đòi phong tỏa tuyến đường thương mại trên biển đối với các nước bất đồng quan điểm chính trị với TQ. Mới đây, ngày 30/9/2018, tàu khu trục lớp Lữ Dương của TQ “áp sát nguy hiểm” tàu USS Decatur thuộc Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ trên Biển Đông. Vụ việc xảy ra khi tàu USS Decatur đang thực hiện cuộc tuần tra kéo dài 10h trong khu vực 12 hải lý quanh bãi đá Gaven và Coolin thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, bị TQ chiếm đóng trái phép. Ngày 2/10, Bộ Quốc phòng TQ đã điều động tàu hải quân đến cảnh báo và yêu cầu tàu chiến Mỹ rời khỏi vùng biển; (iv) Từ chối thẳng thừng đề nghị của Hải quân Mỹ cho một tàu chiến ghé cảng Hongkong. Trước đó, TQ cũng đã triệu tập Đại sứ Mỹ ở Bắc Kinh, hủy bỏ cuộc đối thoại quân sự chung để phản đối việc Mỹ trừng phạt Cục Phát triển thiết bị thuộc Bộ quốc phòng TQ vì mua chiến đấu cơ Sukhoi Su-35 và tên lửa phòng không S-400 từ Nga.

Trước những biến chuyển tình hình trên, các nước trong khu vực cần hành động một cách thận trọng và có những sách lược ngoại giao linh hoạt để đối phó hiệu quả với chiến lược “sự đã rồi” của TQ trên Biển Đông. Trong thời gian tới, Mỹ và các đồng minh sẽ tiếp tục đẩy mạnh can dự vào khu vực về các lĩnh vực như thương mại, xây dựng kết cấu hạ tầng, an ninh, quân sự… Trước sự cạnh tranh ảnh hưởng của các nước lớn, Đông Nam Á sẽ trở thành “đấu trường” can dự, lôi kéo, tập hợp lực lượng kiềm chế và ngăn chặn lẫn nhau. Để có một ASEAN đoàn kết, đồng thuận cao trong các vấn đề then chốt, đặc biệt là Biển Đông đang là một thách thức không nhỏ đối với các nước thành viên ASEAN liên quan đến vấn đề tranh chấp Biển Đông nói riêng, đối với khối nói chung./.

          Phong Lâm

Aufrufe: 58

Related Posts