Berlin (EAST SEA) Thứ Sáu, Tháng Mười Hai 14th, 2018 / 10:46

Các thời kỳ lịch sử Biển Đông chia theo quan niệm của một Kỹ sư

LTS: Đã từ lâu ai cũng biết lịch sử là những mốc thời gian. Các giai đoạn diễn biến lịch sử từ trước đến giờ hầu như được ghi lại theo cái mốc “cuộc đời” của các ông vua, còn gọi là “triều đại”, nay có 1 Kỹ sư chia giai đoạn lịch sử bằng cái mốc “ước lệ” phỏng theo cách chia của cách mạng công nghiệp.

Cám ơn anh Tho Nguyen đã cho phép đăng bài này.

Biển đông 4.0

Biển Đông 1.0 có thể bắt đầu từ thế kỷ 15, khi vua Lê Thánh Tông cho vẽ hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa vào bản đồ (theo Đại Việt Sử ký toàn thư). Đến thế kỷ 18, khi chúa Nguyễn cho lập Đội Bắc Hải và Đội Hoàng Sa ra đó khai thác và khẳng định chủ quyền có thể là 1.1.

Biển Đông 2.0 bắt đầu vào lúc Pháp chiếm Việt Nam cuối thế kỷ 19, sau khi hiệp ước biên giới Pháp -Thanh ký năm 1887. Update 2.1 phải là lúc toàn quyền Paul Doumer quyết định xây cột hải đăng ở Hoàng Sa, nhưng thiếu tiền nên chỉ cử người ra đó…. Thời kỳ này rất quan trọng vì Việt Nam nhờ Pháp mà lấn át được cả nhà Thanh lẫn Quốc Dân Đảng trong việc bảo vệ chủ quyền tại Hoàng Sa và Trường Sa. 2.2 là lúc Nhật thay Pháp quản lý cả hai quần đảo.

Năm 1951, tại Hội nghị quốc tế về Hiệp ước hòa bình với Nhật ở San Fransisco, cụ Trần Văn Hữu đã đại diện cho Quốc gia Viêt Nam của Bảo Đại tuyên bố chủ quyền Việt Nam trên các quần đảo này. Đây có thể coi là release 2.3, update cuối cùng của version 2.0.

Biển Đông 3.0 bắt đầu bằng việc ký hiệp định Genève ngày 20.7.1954, chia đôi Việt Nam. Theo đó nhà nước Việt Nam Cộng Hòa quản lý các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Nhân lúc tranh tối tranh sáng, ngày 31.5.1956 Đài Loan cho tàu ra chiếm đảo Ba-Bình, đảo lớn nhất thuộc quần đào Trường sa, đánh dấu Update 3.1.

Rồi 3.2 là bước nâng cấp quan hệ Việt-Trung trên biển, khi Bắc Kinh trả lại đảo Bạch Long Vĩ cho ta tháng 1.1957. Từ đó mà có Update 3.3, khi ông Đồng ký công hàm gửi đồng nghiệp Chu Tổng lý, ủng hộ quan điểm về thềm lục địa của Trung Quốc? Còn cuộc hải chiến Hoàng sa tháng giêng 1974 phải chăng là release cuối cùng của version 3.0?

Sự kiện 30.4.1975, có thể coi là version 4.0 của tranh chấp Biển Đông, trong đó sự kiện Gạc Ma 1988 liệu có phải là 4.1? Việt Nam thành lập hai huyện đảo Hoàng Sa và Trường Sa, có văn phòng trong phố Đà Nẵng và Nha Trang là 4.2? Cuộc biểu tình của thanh niên Việt Nam chống Trung Quốc xâm lược tháng 12.2007 có thể coi là 4.3. Sự kiện CHXHCN Việt Nam công nhận thừa kế vai trò của VNCH trên trên hai quần đảo là 4.4. Vụ tòa trọng tài Den Haag theo đơn kiện của Philippin, bác bỏ yêu sách của TQ là 4.5 v.v và v.v.

Kết thúc 4.xx chắc sẽ là ngày mấy ông Đô đốc Mỹ gốc Việt lái tàu về phá tan các đảo bồi đắp trái phép của TQ, đòi hộ lãnh thổ cho đồng bào mình. Trong lúc có nhiều người ở Việt Nam đã coi đó là những cồn cát chim ỉa. Thậm chí đã có lúc, khái niệm “bọn Hoàng-Sa, Trường-Sa” được phổ biến nội bộ để ám chỉ kẻ xấu.

Và 5.0 là giấc mơ trọn vẹn?

Tất nhiên đó chỉ là cách sắp xếp của một tay thợ máy tính, dốt về lịch sử. Có thể các nhà nghiên cứu Biển Đông sẽ có ý kiến khác. Nhưng ít ra cách sắp xếp này hay ở chỗ: đã có 1.0 thì có 1.1, 1.2 cho tới 4.xx. Mấy ông bô bô rao giảng „Cách mạng 4.0“ „thế lọ thế chai“, khi bị hỏi 4.1. 4.2 là gì lại tịt mít.

Nhưng Biển Đông thì có liên quan gì đến „Tư bản số và Độc tài số“?

Chuyện thế này: Hai thế lực trên đã đặt thế giới trước một cuộc chiến tranh mạng (Cyberwar). Vì vậy quân đội Đức (Bundeswehr) đã thành lập một binh chủng mới để chống lại các cuộc tấn công mạng. Cần nói thêm là từ năm 2011, quân đội Đức đã trở thành một quân đội chuyên nghiệp, không có lính nghĩa vụ nữa. Ai đi bộ đội sẽ thành quân nhân chuyên nghiệp, có thể đeo lon suốt đời. Do vậy quân đội Đức đã từ 450.000 người rút xuống chỉ còn 180.000.

„Bộ tư lệnh chiến tranh mạng“ (Command Cyber- and Information CIR) sẽ có khoảng 13.500 quân nhân chuyên nghiệp. Lực lượng này tuy nhỏ hơn Hải quân (16.500), nhưng rất tinh nhuệ, vì chủ yếu là hạ sỹ quan trở lên. Lý do là số này được tuyển dụng từ các chuyên gia tin học đã có kinh nghiệm, sau mấy tháng huấn luyện quân sự sẽ thành hạ sỹ quan hay sỹ quan, tùy theo trình độ.

Peter, bạn tôi cũng đi bộ đội. Vốn cũng là dân làm ăn tự lập, lăn lộn với nghề máy tính để nuôi vợ con, nay nghe theo tiếng gọi của các loại đảng, Peter đầu quân để không cho bọn “Độc tài số” tấn công nước Đức. Gã kể: Đời lính thì vất vả hơn, nhưng lương cao và không phải lo kiếm ăn hàng ngày như hồi làm tự do.

Peter có vợ Việt. Cách đây vài năm, gã đã xem bộ phim „Hoàng Sa – Nỗi đau mất mát“ của anh André Menras Hồ Cương Quyết. Hồi đó, phim này bị coi là „nhậy cảm“, nhiều người ngại dính vào, tôi đã phải tự đứng ra tổ chức ở Köln. Vợ chồng Peter cùng hơn 100 người, có cả báo chí Đức, đến dự và quyên góp cho bà con ngư dân. Xem xong Peter bức xúc lắm.

Trường võ bị Hamburg, nơi Peter đang học, muốn bổ túc kiến thức quốc tế cho các học viên. Peter nghĩ đến quê hương vợ mình và đề nghị đưa „Xung đột Biển Đông“ vào giáo trình ngoại khóa. Trường chấp nhận, thế là Peter nhờ tôi kiếm giáo trình.

May mắn là Phạm Thanh Vân, thành viên của „Dự án Đại ký sự biển Đông” nhận giúp đỡ. Sau nhiều đêm cặm cụi làm việc, cô đã gửi sang một bản thuyết trình power point bằng tiếng Anh. Tôi đã dịch sang tiếng Đức cho Peter. Gã mừng lắm, bảo sẽ khuyên ban giám hiệu sử dụng tài liệu này cho những khóa sau.

Hôm nay Peter báo tin là gã đã hoàn thành buổi báo cáo về đề tài Biển Đông. Nhiều sỹ quan Đức giờ mới biết đến đường chín đoạn, đến các đảo nhân tạo “made by China”.

Và họ cũng biết đến đến những người lính Việt Nam đã hy sinh ở Hoàng Sa tháng 1.1974 và ở Gạc Ma thuộc Trường Sa tháng 3.1988

 

Köln 13.12.2018

Bài lấy từ Facebook Tho Nguyen:

https://www.facebook.com/tho.nguyen.9231/posts/2616330051718385

 

 

Aufrufe: 208

Related Posts