Berlin (EAST SEA) Thứ Bảy, Tháng Mười Hai 22nd, 2018 / 15:00

Năng lực đối phó Trung Quốc của Nhật khi sở hữu siêu tiêm kích F-35

Khả năng tàng hình của F-35 có thể giúp Nhật mở rộng khu vực tác chiến, đối phó hệ thống phòng không hiện đại của Trung Quốc.

Tiêm kích F-35A đầu tiên trong biên chế Nhật Bản. Ảnh: JASDF. 

Chính phủ Nhật Bản hôm 18/12 thông qua kế hoạch quốc phòng mới, trong đó đề xuất mua thêm 105 tiêm kích tàng hình F-35, trong đó có 65 chiếc F-35A và 40 chiếc F-35B để vận hành trên hai tàu sân bay hoán cải từ khu trục hạm trực thăng lớp Izumo. Động thái này có thể giúp Nhật trở thành nước sở hữu lượng tiêm kích F-35 nhiều thứ hai thế giới với tổng cộng 147 chiếc, nhằm đối phó hiệu quả hơn với tham vọng của Trung Quốc, theo Business Insider.

Nhật Bản từ lâu đã muốn sở hữu tiêm kích thế hệ 5 để bảo vệ chủ quyền, trong bối cảnh tranh chấp liên quan đến nhóm đảo Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông với Trung Quốc trở nên căng thẳng. Tuy nhiên, Washington từ chối bán tiêm kích tàng hình F-22 cho Tokyo vì không muốn chia sẻ công nghệ nhạy cảm.

Việc mua siêu tiêm kích F-35 có thể giúp Nhật Bản xử lý vấn đề này. “Sự xuất hiện của những chiếc F-35 trên tàu sân bay lớp Izumo sẽ giúp Nhật Bản triển khai sức mạnh không quân ở tầm xa, đặc biệt khi Trung Quốc biên chế nhiều vũ khí chuyên hủy diệt các căn cứ tiền phương”, Justin Bronk, chuyên gia tại Viện Quân sự Hoàng gia Anh, nhận định.

Khu trục hạm trực thăng lớp Izumo của Nhật Bản hiện nay có nhiệm vụ chính là tác chiến chống ngầm và yểm trợ các chiến dịch đổ bộ. Việc trang bị tiêm kích F-35B có khả năng cất hạ cánh thẳng đứng sẽ mang đến những lợi thế khác biệt, tăng đáng kể uy lực cho chúng.

Bắc Kinh đang triển khai mạng lưới phòng không dày đặc ở đại lục và những vùng biển xung quanh nước này. Chiến hạm Trung Quốc cũng sở hữu nhiều hệ thống phòng thủ hiện đại, có tầm bắn lớn. “Mỗi nhóm tác chiến hải quân là một mạng lưới phòng không di động. Tàu hải quân Trung Quốc sở hữu radar mạnh, mang nhiều tên lửa đánh chặn và đủ sức đối phó với những cuộc tấn công ồ ạt”, Bronk đánh giá.

Tuy nhiên, Trung Quốc chưa có kinh nghiệm đối phó tiêm kích tàng hình bằng radar hải quân. “Thiết kế tàng hình của F-35B giúp quân đội Nhật giảm rủi ro khi đối đầu với các hệ thống phòng không tối tân. Chúng có khả năng sống sót cao hơn rất nhiều so với phi đội tiêm kích F-15 lạc hậu trong chiến tranh công nghệ cao”, Bronk nhận xét.

Tokyo có thể tận dụng khả năng do thám và trinh sát của F-35B để cung cấp tham số mục tiêu cho khí tài đồng minh. Tàu chiến Mỹ và Nhật Bản sẽ khai hỏa dựa trên dữ liệu này, cho phép những chiếc F-35B không cần mở khoang vũ khí để tấn công nhằm duy trì khả năng tàng hình trước các cảm biến đối phương.

Việc hoán cải khu trục hạm Izumo thành tàu sân bay mang tiêm kích F-35B là thay đổi lớn trong chính sách quốc phòng Nhật Bản. “Đây dường như là sự thừa nhận rằng Tokyo phải sở hữu năng lực tác chiến công nghệ cao để đối phó Bắc Kinh”, chuyên gia Alex Lockie nhận định.

vnexpress

Aufrufe: 5

Related Posts