Berlin (EAST SEA) Thứ Bảy, Tháng Hai 2nd, 2019 / 22:22

Mỹ – Nga tuyên bố tạm ngừng thực hiện Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF)

Hiệp ước INF là gì

Hiệp ước INF (Lực lượng Hạt nhân Tầm trung) là hiệp ước được ký kết năm 1987, yêu cầu Mỹ và Liên Xô loại bỏ và cấm vĩnh viễn tất cả các tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình mặt đất với phạm vi từ 500 đến 5.500 km, theo Hiệp hội Kiểm soát Vũ khí của Mỹ.

Nhờ Hiệp ước INF, Mỹ và Liên Xô đã phá hủy tổng cộng 2.692 tên lửa tầm ngắn, tầm trung theo thời hạn chót được quy định trong Hiệp ước là ngày 01.06.1991.

Tổng thống Mỹ Ronald Reagan và lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev đã kí Hiệp ước INF vào năm 1987.

Nhen nhúm bất đồng

Cách đây hơn 10 năm, Nga cũng tỏ ý định rút khỏi hiệp ước này, vì cho rằng nó không công bằng khi Nga bị cấm sở hữu những loại vũ khí mà các nước láng giềng như Trung Quốc đang tích cực phát triển. Moscow cho rằng việc Mỹ có kế hoạch triển khai các hệ thống chống tên lửa đạn đạo ở châu Âu, có thể buộc Nga phải rút khỏi hiệp ước và tính đến khả năng đáp trả

Tháng 04.2017, báo cáo hàng năm của Bộ Ngoại giao Mỹ cho rằng trong 4 năm liền Nga không tuân thủ Hiệp ước INF.

Ngược lại, Nga phủ nhận các cáo buộc và bày tỏ lo ngại về sự tuân thủ hiệp ước INF của Washington. Nga cho rằng Mỹ định đặt một hệ thống tên lửa phòng thủ ở châu Âu, mà cũng có thể được sử dụng để bắn tên lửa hành trình và thử nghiệm tên lửa với các đặc điểm tương tự như tên lửa tầm trung bị cấm của Hiệp ước INF.

20.10.2018, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ rời khỏi Hiệp ước INF với lý do về việc Nga không tuân thủ hiệp ước.

Nga cảnh báo “Nếu Mỹ rút khỏi INF, thì họ sẽ làm gì với những tên lửa tầm trung của họ sẽ xuất hiện?. Nếu họ đưa chúng đến châu Âu, phản ứng của chúng tôi sẽ phải tương xứng. Các nước châu Âu đồng ý để đặt những tên lửa đó phải hiểu rằng, họ đang đặt lãnh thổ của mình vào nguy cơ bị phản công”, Tổng thống Nga Putin nhấn mạnh.

„Già néo đứt dây“ – 2 ông lớn đang nóng đầu?

Ngày 01.02.2019, Tổng thống Trump tuyên bố: “Mỹ sẽ ngưng mọi nghĩa vụ trong khuôn khổ hiệp ước INF với Nga, kể từ ngày 02.02. bắt đầu tiến trình rút khỏi INF và sẽ được hoàn tất trong 6 tháng, trừ khi Nga quay trở lại tuân thủ hiệp ước bằng cách phá hủy hết tất cả tên lửa, bệ phóng và thiết bị vi phạm liên quan”.

Ngày 02.02.2019, Mỹ tuyên bố tạm ngừng thực hiện Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) trong 6 tháng. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Pompeo nói thêm, Washington mong muốn đàm phán kiểm soát vũ khí với Nga và hy vọng Moscow có thể tuân thủ hiệp ước INF.

Cùng ngày 02.02. „ăn miếng trả miếng“ Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng tuyên bố Moscow tạm ngừng tham gia Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF).

Tổng thống Putin nói trong cuộc họp với Ngoại trưởng Sergei Lavrov và Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu tại thủ đô Moscow, (theo đài RT.)

“Washington tuyên bố sẽ nghiên cứu và thử nghiệm vũ khí mới vốn từng bị cấm theo INF và Moscow cũng sẽ làm điều tương tự”.

Tổng thống Putin nhấn mạnh mặc dù Nga đã có thiện chí nâng cấp điều khoản trong INF ký kết năm 1987, nhưng đến thời điểm này thì không còn cần thêm bất kỳ cuộc đàm phán nào nữa, bởi vì Mỹ cố tình và không muốn giữ INF. “Hãy đợi cho đến khi Mỹ đủ trưởng thành để tổ chức hội đàm đúng nghĩa về vấn đề này”, ông chủ Điện Kremlin cho biết thêm.

Nguyên nhân nào dẫn đến tuyên bố của Mỹ?

Mỹ cho rằng Trung Quốc đã triển khai hơn 1.000 tổ hợp tên lửa tầm ngắn và tầm trung nhắm vào vùng Biển Hoa Đông và Biển Đông, đe dọa các đội tàu sân bay Mỹ tiến vào những vùng biển này”, Spunik ngày 01.02.2019 dẫn nhận định của cựu Thư ký Hội đồng An ninh Nga Andrey Kokoshin.

Tên lửa DF-26 của TQ có đủ sức đánh chìm tàu sân bay Mỹ

Kokoshin cho biết Trung Quốc sở hữu một loạt vũ khí có độ chính xác cao, chủ yếu là tên lửa đạn đạo có khả năng đánh trúng các căn cứ quân sự và tàu sân bay của Mỹ trong khu vực. Để đối phó với tên lửa Trung Quốc, Lầu Năm Góc dự kiến chế tạo vũ khí laser nhằm bổ sung năng lực phòng không trong không gian.

“Lầu Năm Góc gần đây công bố báo cáo đặc biệt về phòng thủ tên lửa, đặt ra nhiệm vụ nghiên cứu tính khả thi của việc chế tạo hệ thống phòng thủ tên lửa trên không gian sử dụng tia laser. Tổng thống Mỹ Donald Trump từng đề cập đến chủ đề này”, Kokoshin nói.

Rõ ràng mục tiêu chính của Mỹ trong việc rút khỏi Hiệp ước Các Lực lượng Hạt nhân Tầm trung (INF) là Trung Quốc.

 

Lê Hoàng tổng hợp

Aufrufe: 11

Related Posts