Berlin (EAST SEA) Thứ Hai, Tháng Tư 22nd, 2019 / 10:32

Thành – bại trong chính sách “xoay trục” tới Trung Quốc của Tổng thống Philippines R.Duterte

NHỮNG THÀNH CÔNG GẶT HÁI ĐƯỢC
Việc tăng cường quan hệ với Trung Quốc (TQ) giúp nước này hướng đến quỹ đạo của chiến lược ngoại giao cân bằng nước lớn. Philippines dưới thời Tổng thống R. Duterte thực hiện tương đối thành công chính sách ngoại giao cân bằng Trung – Mỹ, trong đó mô hình chung của ASEAN là “kinh tế hướng về Trung Quốc, an ninh dựa vào Mỹ”. Một thực tế không thể phủ nhận là “Philippines đã thành công trong việc thoát khỏi thế “tiến thoái lưỡng nan” trong quan hệ với TQ và Mỹ. Là đồng minh của Mỹ nhưng vẫn thúc đẩy quan hệ gần gũi với TQ và giảm thiểu được sức ép từ cả phía Mỹ và TQ. Theo đó, Philipines và TQ cũng đã Quy hoạch chung tương lai phát triển quan  hệ song phương, và đạt được nhận thức chung quan trọng, hai bên nhất trí quyết định thiết lập “Quan hệ đối tác chiến lược toàn cầu” trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau, chân thành, thẳng thắn, bình đẳng, cùng có lợi và hợp tác cùng thắng lợi.
President R.Duterte and President Xi Jinping
Philippines đang tương đối thành công trong việc tăng cường quan hệ kinh tế với TQ. Từ khi quan hệ giữa hai nước được cải thiện, quan hệ kinh tế gia tăng nhanh chóng, đặc biệt là hoạt động kinh tế của TQ ở Philippines. Lĩnh vực đầu tư, thương mại và du lịch được đẩy mạnh, thậm chí phía TQ còn nhận định, hai bên đãcbước vài thời kì “mùa Xuân” trong quan hệ song phương. Đến nay, TQ đã trở thành một trong những đối tác thương mại lớn nhất của Philippines. Sự gia tăng nhanh chóng hoạt động đầu tư của TQ ở Philippines thời gian gần đây giúp cho Philippines giải được cơn khát vốn trong việc đầu tư vào hệ thống cơ sở hạ tầng còn yếu kém. Việc Philippines tuyên bố tham gia vào sáng kiến “Vành đai và Con đường” đã khiến dòng chảy vốn đầu tư của TQ tăng một cách mạnh mẽ. Tháng 10/2016, TQ cam kết tín dụng 9 tỷ USD cho Philippines và ký các thỏa thuận hợp tác kinh tế và phát triển cơ sở hạ tầng hơn 15 tỷ USD. Tháng 11/2018, hai bên tiếp tục ký kết 29 thỏa thuận hợp tác trong nhiều lĩnh vực.
Phillipines giảm được sức ép từ TQ trong vấn đề Biển Đông. Chính quyền Duterte dường như cân đối mục tiêu giữ chủ quyền và giành lợi thế về pháp lý và dư luận để đổi lấy quan hệ ổn định với TQ, tạo cơ hội phát triển đất nước, ổn định cuộc sống người dân. Vì khó có khả năng đẩy các lực lượng TQ ra khỏi bãi cạn Scarborough, có thể Tổng thống Duterte ngầm chấp nhận việc TQ kiểm soát thực tế ở bãi cạn này, đổi lại ngư dân của Philippines được đánh bắt bình thường ở khu vực đó. Mặt khác, Tổng thống Duterte tránh đề cập đến phán quyết của PCA một cách công khai, coi đó là vấn đề song phương giữa Philippines và TQ để tạo tín hiệu hòa giải với Bắc Kinh. Sự tính toán khéo léo của Philippines thể hiện ở chỗ vẫn giành được thắng lợi trong vấn đề Biển Đông nhưng lại không “chọc giận” TQ. Tuy nhiên, việc Philippines giảm bớt những tranh cãi về vấn đề Biển Đông không có nghĩa là ông Duterte “tạm gác vấn đề chủ quyền” ở khu vực biển này. Philippines và TQ đã đẩy mạnh tìm kiếm giải pháp giải quyết vấn đề Biển Đông theo hướng song phương, đã tiến hành các hội nghị về “Cơ chế tham vấn song phương” về vấn đề Biển Đông tháng 5/2017, tháng 2/2018 và tháng 10/2018.
NHỮNG THÁCH THỨC KHI CHỌN TQ
Đầu tiên là sự phản đối ngày cành mạnh mẽ của người dân với chính sách “xoay trục” sang TQ, nhất là sự thay đổi của ông Duterte trong vấn đề Biển Đông. Thăm dò tháng 7/2018 cho thấy 78% người Philippines phản đối chính sách Biển Đông của Tổng thống Duterte, cho rằng ông và chính phủ phải tái khẳng định “chủ quyền “của Philippines ở Biển Tây Philippines. Nhiều ý kiến phản đối cho rằng, việc Philippines không làm gì trước các hoạt động cải tạo đảo và quân sự hóa Biển Đông của TQ khiến cho Phán quyết của Tòa trọng tài chẳng khác gì “tờ giấy lộn” và thái độ của ông Duterte được coi như “chiến thắng của TQ”.
Tổng thống Duterte bị chỉ trích đã nhượng bộ với Bắc Kinh, phe đối lập ở Philippines cho rằng thái độ của Tổng thống đã khuyến khích TQ gia tăng lấn chiếm tuyến giao thông huyết mạch và liên tục tấn công, cướp phá ngư dân Philippines.
Dư luận cũng cho rằng Tổng thống Duterte đồng lõa trong việc cho phép TQ gia tăng các mối đe dọa chủ quyền của Phillipines và nước này bị Bắc Kinh bỏ rơi. Trong lĩnh vực kinh tế thương mại song phương, cán cân thương mại ngày càng tăng về phía TQ, báo hiệu việc Philippines ngày càng phụ thuộc mạnh mẽ vào TQ trong lĩnh vực kinh tế, và những rủi ro cũng ngày một lớn hơn.
Việc gia tăng quan hệ gần gũi hơn với TQ cũng mở đường cho dòng lao động người TQ nhanh chóng tràn ngập vào nước này. Và vấn đề  ngày càng nghiêm trọng hơn khi chính quyền Duterte đang mất kiểm soát trong việc thống kê có bao nhiêu lao động TQ hợp pháp và bất hợp pháp ở nước này.
Cuối cùng, sự điều chỉnh trong chính sách về vấn đề Biển Đông của Phillippines thời Tổng thống Duterte khiến cho cộng đồng quốc tế, trong đó có ASEAN cảm thấy “bị rối”,các nước đều cảm thấy khó hiểu về ý định thực sự của Philippines. Điều đó khiến cho Philippines mất đi sự ủng hộ đối với vấn đề Philippines. Sự im lặng của ông Duterte trước việc TQ tăng hiện diện ở Biển Đông cũng làm suy giảm sự thống nhất nội khối ASEAN trong việc tìm kiếm tiếng nói chung nhằm ngăn chặn quá trình quân sự hóa Biển Đông của Bắc Kinh. Điều này cũng ảnh hưởng mạnh mẽ tới quan hệ của Philippines với thế giới phương Tây, nhất là với Mỹ.
Tóm lại, sự chuyển biến mau lẹ trong quan hệ giữa TQ và Philippines thời kỳ Tổng thống Duterte không chỉ làm chuyển biến mạnh mẽ đối với bản thân quốc gia này mà còn tác động không nhỏ tới sự chuyển biến tình hình khu vực, nhất là cạnh tranh nước lớn, cũng như vấn đề Biển Đông. Việc ông Duterte “xoay trục” sang TQ có thể nhìn nhận đây là bước đi khéo léo nhằm hóa giải căng thẳng quan hệ giữa Manila và Bắc Kinh, tận dụng cơ hội phát triển từ TQ, và là động thái giúp Philippines dần thoát khỏi “thân phận” là công cụ cho các nước lớn, nhất là Mỹ trong chiến lược khu vực, thực hiện tốt hơn chính sách ngoại giao cân bằng với các nước lớn, nhất là Mỹ trong chiến lược khu vực , thực hiện tốt hơn chính sách ngoại giao cân bằng với các nước lớn, và đi theo quỹ đạo mà một số nước đang theo đuổi đó là “kinh tế dựa vào TQ, an ninh dựa vào Mỹ”. Tuy nhiên, việc Tổng thống Duterte dường như đi “quá nhanh” trong việc tiếp cận TQ đã khiến cho cá nhân ông cũng như Philippines phải đối diện nhiều rủi ro, nhất là phụ thuộc kinh tế TQ và rủi ro trong vấn đề Biển Đông./.
PGS.TS Dương Văn Huy

Aufrufe: 140

Related Posts