Berlin (EAST SEA) Chủ Nhật, Tháng Năm 12th, 2019 / 18:47

Vài nét về bầu cử Quốc hội châu Âu

Trong những ngày này, nếu bạn chạy xe trên các tuyến đường trong các thành phố của Liên minh châu Âu, bạn sẽ thấy rất nhiều pa-nô quảng cáo cho cuộc bầu cử Quốc hội châu Âu. Đó là một sinh hoạt chính trị lớn rất bình thường của hơn 400 triệu công dân đang sống trên lục địa này.

Liên minh châu Âu sẽ tổ chức bầu cử bắt đầu từ ngày 23.05. đến 26.5.2019. Người Đức theo thói quen thường đi bầu vào ngày chủ nhật nên chọn ngày 26.5.2019.

Nguyễn Thế Tuyền Berlin

Những nét chính của sự kiện trọng đại này

Hậu quả khủng khiếp của Chiến tranh thế giới lần thứ hai là nguyên nhân chính để một số nước châu Âu thành lập một Liên minh với mục đích gìn giữ hòa bình, khuyến khích hợp tác trong một số lĩnh vực và đặc biệt là củng cố nền dân chủ trên lục địa châu Âu.

Ngay từ năm 1952, Cộng đồng chung châu Âu trong lĩnh vực than và thép đã được thành lập, dẫn đến Hiệp ước “Cộng đồng kinh tế châu Âu” ký ở Roma năm 1957. Sự hợp tác giữa các nước trong những năm sau đó rất thành công nên Cộng đồng này liên tục phát triển trở thành Liên minh châu Âu (EU) sau khi chiến tranh lạnh kết thúc.

Hiện nay EU có 27 nước thành viên sau khi nước Anh quyết định không tham gia khối này nữa. Một số nước có nền kinh tế mạnh ở châu Âu không muốn tham gia EU, ví dụ Thụy Sĩ và Na Uy. Một số nước muốn nhưng chưa đủ tiêu chuẩn, ví dụ Serbien, Albanien. Trong số 27 nước thành viên EU có một số nước chưa được tiêu đồng tiền chung Euro, vì chưa đáp ứng được những tiêu chuẩn, chẳng hạn nợ công, tỷ lệ lạm phát, tiềm năng kinh tế… (Ba Lan, Séc)

Quốc hội châu Âu là đại diện của công dân trong khối EU, được 400 triệu dân bầu ra cứ 5 năm một nhiệm kỳ. Quốc hội châu Âu phê chuẩn những luật quan trọng nhất mà các nước thành viên phải tuân thủ, ví dụ trong lĩnh vực kinh tế, tiền tệ, luật lao động, bảo vệ môi trường, giao thông, an sinh xã hội, an ninh, tư pháp, nhập cư.

Liên minh châu Âu gồm ba bộ phận chính: Quốc hội châu Âu (trụ sở ở Straßburg/ Pháp), Hội đồng châu Âu (trụ sở ở Brüssel/ Bỉ) và Ủy ban châu Âu thực hiện các công việc hành chính (trụ sở ở Luxemburg).
Ủy ban châu Âu đề xuất Luật để Nghị viện và Hội đồng châu Âu phê chuẩn. Hội đồng châu Âu bao gồm bộ trưởng trong mọi lĩnh vực của các nước thành viên. Đứng đầu Ủy ban châu Âu là nguyên thủ quốc gia các nước thành viên.

Quốc hội châu Âu (Nghị viện châu Âu) gồm 705 đại biểu, phân bổ theo số dân của các nước thành viên. Cụ thể là Đức 96, Pháp 79, Ý 76, Tây Ban Nha 59, Ba Lan 52, Rumani 33, Hà Lan 29, Bỉ 21, Hy Lạp 21, Bồ Đào Nha 21, Thụy Điển 21, Séc 21, Hungari 21, Áo 19, Bungari 17, Đan Mạch 14, Phần Lan 14, Slovakei 14, Ailen 13, Kroatien 12, Litauen 11, Lettland 8, Slowenien 8, Estland 7, Luxemburg 6, Malta 6, Zypern 6.

Cuộc bầu cử này được thực hiện theo hình thức dân chủ, cụ thể là:

– Bầu định kỳ, năm năm một nhiệm kỳ
– Bầu phổ thông, tức là người đang có quyền công dân từ 18 tuổi trở lên đều có thể tham gia bầu cử.
– Bầu trực tiếp, tức là họ bầu cho một đảng hay một tổ chức cụ thể (ví dụ bầu cho đảng CDU).
– Bầu tự do, tức là cử tri hoàn toàn tự quyết định bầu cho đảng nào không có sự ép buộc hay hướng dẫn.
– Bầu bí mật, tức là bầu trong phòng kín, không ai được theo dõi quyết định của cử tri

Đảng được dân tín nhiệm bầu sẽ cử ra đại biểu của mình, những đại biểu này không trùng với đại biểu quốc hội Liên bang. Ví dụ đảng CDU được 20 đại biểu. Lãnh đạo đảng chọn ra 20 người phù hợp, không trùng với đại biểu CDU trong quốc hội Đức, vì công việc rất nặng. Họ phải diễn thuyết, nghe, đọc, soạn báo cáo, đi lại rất nhiều. Họ phải tham dự họp khoảng 40 tuần trong một năm. Mỗi đại biểu quốc hội châu Âu hưởng lương 8758 Euro một tháng (chưa trừ thuế). Mỗi ngày đi họp ở Straßburg hay Brüssel họ nhận thêm 320 Euro, tiền đi lại cũng được thanh toán. Nếu vắng mặt, khoản tiền này bị trừ.

Quốc hội châu Âu chấp nhận giao dịch bằng 24 ngôn ngữ của các nước thành viên, nên đại biểu không nhất thiết phải dùng tiếng Anh. Tất cả các tham luận và tài liệu được dịch từ tiếng Anh ra tiếng mẹ đẻ của họ và ngược lại, tuy nhiên người ta rất khuyến khích biết ngoại ngữ.

EU mang lại lợi thế gì cho công dân? Trước hết là họ bảo đảm cuộc sống bình yên cho công dân, trách nhiệm góp phần giải quyết xung đột trên thế giới, tôn trọng nhân quyền không những trong các nước EU mà còn trên phạm vi toàn thế giới.
Những nước nằm trong hiệp ước Schengen (Hiệp định ký ở Schengen, một địa danh của Luxemburg) sẽ thông thương, không bị kiểm tra hộ chiếu, không đòi hỏi visum. Công dân EU có thể chọn nơi sống và làm việc trong phạm vi các nước thành viên. Công dân EU được nhận trợ cấp ở Đức nếu họ đã từng làm việc ở đây hoặc đã sống ít nhất 5 năm trên đất Đức.
Các nước là thành viên EU không có nghĩa là tất cả đều dùng đồng tiền Euro. Cho đến nay, những nước sau đây chính thức dùng đồng Euro là đơn vị tiền tệ của mình: Bỉ, Đức, Estland, Phần Lan, Pháp, Hy Lạp, Ailen, Ý, Lettland, Litauen, Luxemburg, Malta, Hà Lan, Áo, Bồ Đào Nha, Slowakei, Slowenien, Tây Ban Nha và Zypern.

Công dân EU được hưởng hàng hóa phong phú và rẻ (ví dụ cam Tây Ban Nha hay nho Ý vì không bị đánh thuế nhập khẩu). Từ 2017 gọi điện thoại trong các nước EU cũng rẻ như gọi trong nước Đức. Một yếu tố thuận lợi nữa là không cần đổi tiền vì phần lớn họ tiêu tiền Euro.

EU là một mô hình hiện đại, giúp khu vực này có sức mạnh cạnh tranh với Bắc Mỹ, Nhật, Trung Quốc. Thế giới đã thay đổi rất nhiều rồi. Điều đó đòi hỏi tư duy của mỗi chúng ta phải thay đổi theo, nếu không muốn đứng nhìn đoàn tàu lịch sử cứ chạy bỏ lại chúng ta phía sau.

 

 

Aufrufe: 5

Related Posts