Berlin (EAST SEA) Thứ Sáu, Tháng Sáu 21st, 2019 / 04:14

Dự báo 4 bước phát triển của cuộc chiến tranh thương mại Mỹ – Trung

Bước thứ nhất: Chiến tranh thương mại

Từ tháng 3/2018,  Tổng thống Mỹ D.Trump đã công bố kế hoạch áp thuế quan đối với hàng hóa đến từ Trung Quốc (TQ) vào Mỹ, lên đến 60 tỷ USD mỗi năm. Mục đích nhằm chống lại sự mất cân bằng thương mại giữa hai nước. Cho đến nay, Mỹ đã đánh thuế 10%, 25% cho hơn 6000 mặt hàng của TQ xuất khẩu vào Mỹ, với số tiền đánh thuế lên đến 250 tỷ USD. Đáp lại, TQ cũng đã đánh thuế 5.000 mặt hàng của Mỹ xuất khẩu vào TQ, với trị giá 110 tỷ USD. Như vậy, Mỹ đã đánh thuế gần 50% hàng hóa TQ xuất khẩu vào Mỹ. Còn TQ đã đánh thuế đến 85% số lượng hàng hóa Mỹ xuất khẩu vào TQ. Quả bóng đang ở sân phía TQ. Nếu TQ không tìm ra những giải pháp căn cơ, e rằng Mỹ sẽ tiếp tục cuộc chiến tranh thương mại với TQ.

Bước thứ hai: Chiến tranh công nghệ

Để chứng tỏ sẽ giữ lời hứa khi ra tranh cử, đó là kiềm chế sự trỗi dậy của ngành công nghiệp TQ, việc làm đầu tiên của Tổng thống D.Trump là ra những đòn “tấn công phẫu thuật, thông qua việc tăng thuế đối với các mặt hàng được nhắm đến trong kế hoạch “Made in China 2025”. Danh sách thứ nhất gồm 818 mặt hàng, trị giá 34 tỷ USD nhập khẩu, phải chịu thêm một khoản phụ phí 25% kể từ ngày 6/7/2018. Danh sách thứ hai gồm 284 mặt hàng, với mức tăng thuế chưa được quyết định. Trong danh sách này, không có các mặt hàng tiêu dùng.

Đối với các mặt hàng công nghệ, mục tiêu của Mỹ còn đi xa hơn nhiều so với một biện pháp trừng phạt . Đó là hạn chế những bước tiến của TQ bằng cách ngăn chặn hoạt động chuyển giao công nghệ cho nước này. Thị trường TQ luôn là nơi được mơ ước vì mang lại nhiều lợi nhuận và Bắc Kinh cho phép doanh nghiệp nước ngoài tiếp cận với yêu cầu phải nhượng lại công nghệ. Từ khi Tổng thống Trump lên nắm quyền, ông kiên quyết thực hiện chính sách chống lại việc TQ vi phạm, thâu tóm, mua bán bản quyền công nghệ, đặc biệt là công nghệ cao của Mỹ. Vì vậy, hai năm qua, các doanh nghiệp Mỹ đã do dự hơn khi quyết định làm ăn với TQ. Còn phía doanh nghiệp TQ, họ đầu tư ra nước ngoài nhằm mục tiêu tiếp cận nguồn tài nguyên và công nghệ cao của thế giới, trong đó có Mỹ. Từ năm 2014-2016, các doanh nghiệp TQ đã đầu tư vào Mỹ nhiều hơn các doanh nghiệp Mỹ đầu tư vào TQ, kéo theo đó là việc TQ tiến hành các hoạt động gián điệp nhằm ăn cắp công nghệ cao. Vì vậy, Mỹ là nước đầu tiên ở phương Tây thực hiện cuộc tấn công mạnh mẽ vào kế hoạch “Made in China 2025”.

Bước thứ ba: chiến tranh trong lĩnh vực tiền tệ, tài chính

Ngay trong tuyên ngôn tranh cử Tổng thống Mỹ (năm 2016), ông D.Trump đã đặc biệt phê phán chính sách “thao túng tiền tệ” của Trung Quốc, ông nói “Trung Quốc đưa đến ba mối đe dọa lớn đối với Mỹ khi thao túng tiền tệ quá đáng…với mục đích đẩy mạnh xuất khẩu của họ và hủy hoại các ngành công nghiệp của Mỹ. Với việc thao túng đồng Nhân dân tệ và định giá thấp nó, Trung Quốc có thể bán hàng cho các nước khác với giá thấp hơn rất, rất nhiều so với một công ty Mỹ”. Vì vậy, “trọng trách của ông D.Trump là phải “chấm dứt trò thao túng tiền tệ ” của Trung Quốc.

Rất có thể Mỹ sẽ có cuộc chiến tranh về tỷ giá, tiền tệ, tài chính với Trung Quốc. Nếu điều đó xảy ra, kịch bản về một cuộc khủng hoảng kinh tế sâu sắc đối với Trung Quốc là hoàn toàn có thể. Bởi vì hệ lụy của một cuộc chiến tranh về tiền tệ, tài chính sẽ rất lớn.

Bước thứ tư: Chiến tranh kinh tế toàn bộ

Sau khi tiến hành các cuộc chiến tranh thương mại, công nghệ, tỷ giá tiền tệ, Mỹ sẽ phát động cuộc chiến tranh thứ tư, tiến hành “chiến tranh tổng lực” chống lại toàn bộ nền kinh tế của Trung Quốc qua hơn 40 năm tiến hành cải cách mở cửa, tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị của họ đều dựa vào Mỹ, nhưng với sự khôn khéo, Trung Quốc đã làm giàu “trên lưng” nước Mỹ.

Hậu quả của một cuộc chiến tranh thương mại đã khiến nền kinh tế Trung Quốc nam 2018 bị sụt giảm nghiêm trọng. Tăng trưởng kinh tế Trung Quốc năm 2018 thấp nhất gần 30 năm qua, chỉ đạt mức 6,6% GDP. Mức nợ công lên đến 28.000 tỷ USD. Đầu tư không hiệu quả, sản xuất dư thừa, hàng hóa tồn đọng, không tiêu thụ được. Các nhà đầu tư nước ngoài ở Trung Quốc đã chuyển ra các nước láng giềng xung quanh Trung Quốc. Tình trạng thâm hụt ngân sách lớn, tỷ lệ thất nghiệp gia tăng. Kinh tế Trung Quốc đang có dấu hiệu “hạ cánh cứng”. Dự báo năm 2019, tăng trưởng kinh tế Trung Quốc còn tiếp tục bị suy giảm.

Sự suy giảm kinh tế do hệ lụy của cuộc chiến tranh kinh tế với Mỹ đã buộc Trung Quốc phải thay đổi mô hình tăng trưởng, chấp nhận tăng trưởng để “hạ cánh mềm”, tăng trưởng bền vững, chuyển từ đầu tư lớn, xuất khẩu nhiều sang giảm đầu tư, đẩy mạnh tiều dùng trong nước, phải thay đổi về chất… Đó là cách lựa chọn duy nhất của Trung Quốc trong giai đoạn mới hiện nay.

Bằng việc khởi động một cuộc chiến tranh kinh tế mang tên “làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại”, Tổng thống D.Trump đã phá vỡ cấu trúc của trật tự thế giới mà Mỹ đã xây dựng từ cuối Chiến tranh Thế giới thứ hai, và thay thế bằng một trật tự mới, mà ở đó Mỹ, cũng giống như ước Anh thế kỷ XIX, sẽ không có đồng minh hay kẻ thù vĩnh viễn, mà chỉ có những lợi ích là trên hết. Và cuộc chiến tranh kinh tế Mỹ – trung liệu có kéo dài đến 20 năm như dự báo của ông Jack Ma, chủ tịch Tập đoàn Alibaba hay không? Điều đó có lẽ còn phải trông chờ vào sự “xuống thang” của Trung Quốc, và những kế hoạch giáng trả tiếp theo của Mỹ. Mọi diễn biến vẫn ở thế hi vọng./.

Aufrufe: 62

Related Posts