Berlin (EAST SEA) Thứ Sáu, Tháng Bảy 19th, 2019 / 15:47

TQ lại tuyên bố ngang ngược về chủ quyền đối với đảo Phú Lâm

Tại cuộc họp báo hôm 27/6, Bộ Quốc phòng Trung Quốc đã tiếp tục ngang nhiên tuyên bố đảo Phú Lâm là “lãnh thổ của Trung Quốc và không có tranh chấp”.

Trong buổi họp báo, khi phóng viên đặt câu hỏi là: “Theo những hình ảnh được chụp bởi một vệ tinh của Israel hôm thứ 4, không quân của Hải quân Trung Quốc đã triển khai máy bay chiến đấu J-10 tới đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa trên Biển Đông. CNN cho biết, đây là lần đầu tiên quân đội Trung Quốc triển khai máy bay chiến đấu J-10 tới đảo Phú Lâm. Ông nhận xét gì về thông tin của CNN?”. Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Nhậm Quốc Cường đã hùng hổ tuyên bố rằng “đó là lãnh thổ của Trung Quốc và không có tranh chấp” dù trên thực tế là quốc tế không hề công nhận điều Trung Quốc nói và đảo Phú Lâm và quần đảo Hoàng Sa vốn thuộc chủ quyền của Việt Nam, nhưng đã bị Trung Quốc cưỡng chiếm. Với nhận thức sai lầm, Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc còn lên giọng thách thức: “Đó là quyền hợp pháp của các quốc gia có chủ quyền khi triển khai các căn cứ và tiến hành huấn luyện trên lãnh thổ của mình. Các hành động bên phía Trung Quốc là hợp pháp, hợp lý và công bằng và các bên liên quan không nên ngạc nhiên”.

Trước đó, theo các bức ảnh chụp ngày 19/6 do “ImageSat International” cung cấp cho CNN, Trung Quốc đã triển khai ít nhất 4 chiến đấu cơ J-10 tới đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam mà Bắc Kinh đang chiếm đóng phi pháp. Đây là lần đầu tiên Trung Quốc triển khai chiến đấu cơ J-10 tới các đảo nước này chiếm đóng phi pháp ở Biển Đông. Các nhà phân tích quân sự nhận định rằng việc các máy bay đậu ngoài trời, cùng các thiết bị đi kèm, cho thấy nhóm tiêm kích này đã có mặt tại đảo Phú Lâm ít nhất 10 ngày. J-10 là máy bay phản lực chiến đấu với tầm tác chiến khoảng 740 km, có thể vươn tới hầu khắp các khu vực của Biển Đông và những tuyến hàng hải trọng yếu của khu vực. Theo giới phân tích, cả 4 chiến đấu cơ đều không mang bình nhiên liệu bên ngoài, cho thấy chúng sẽ được tiếp nhiên liệu trên đảo.

Phát biểu trên của Bộ Quốc phòng Trung Quốc là hoàn toàn sai trái. Đảo Phú Lâm và quần đảo Hoàng Sa vốn thuộc chủ quyền của Việt Nam. Trước chiến tranh thế giới thứ hai, Pháp đã đặt một trạm khí tượng trên đảo này mang số hiệu 48859. Trên đảo còn có Hoàng Sa Tự được cho rằng xây từ thời vua Minh Mạng và một số công trình quân sự khác. Trong Chiến tranh thế giới thứ hai, Nhật Bản chiếm đóng đảo này. Cùng với đảo Ba Bình (thuộc quần đảo Trường Sa), đảo Phú Lâm đã bị quân đồng minh tấn công bằng không quân và hải quân. Sau khi Nhật đầu hàng Đồng minh, vào tháng 6/1946, Hải quân Pháp gửi chiến hạm Savorgnan de Brazza đến chiếm các đảo Hoàng Sa. Vì Chiến tranh Đông Dương bùng nổ dữ dội, vào tháng 9/1946 người Pháp rút quân khỏi Hoàng Sa. Vào ngày 26/6/1946, dựa trên Tuyên bố Cairo và Tuyên bố Potsdam, 4 tàu chiến của Trung Hoa dân quốc đổ bộ lên quần đảo với lý do giải giáp quân Nhật. Ngày 7/01/1947, Chính phủ Trung Hoa dân quốc tuyên bố họ đã chiếm giữ quần đảo Tây Sa nhưng thực ra mới chỉ chiếm đảo Phú Lâm mà họ gọi là đảo Vĩnh Hưng. Ngày 17/01/1947, pháo hạm Le Tonkinois của Hải quân Pháp đến quần đảo Hoàng Sa để đòi quân đội Tưởng Giới Thạch rút khỏi đây. Khi yêu cầu này bị từ chối, quân Pháp bèn đổ 10 quân nhân Pháp và 17 quân nhân Việt Nam chiếm giữ đảo Hoàng Sa. Đến tháng 4/1950, sau khi Trung Hoa dân quốc chạy ra Đài Loan, quân đội Tưởng Giới Thạch rút khỏi đảo Phú Lâm và đảo Ba Bình. Vào đêm ngày 20, rạng ngày 21/2/1956, Chính quyền CHND Trung Hoa đã bí mật cho quân chiếm đóng đảo Phú Lâm.

BDN

Aufrufe: 34

Related Posts