Berlin (EAST SEA) Thứ Tư, Tháng Tám 21st, 2019 / 22:06

Ấn Độ muốn tiếp tục hợp tác khai thác dầu khí với Việt Nam trên Biển Đông

Trong cuộc gặp bên lề Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 52 tại Bangkok, Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ S.Jaishankar và Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã trao đổi, nhất trí lập trường chung về Biển Đông.

Tại cuộc gặp, hai bên cho rằng quan hệ hai nước đang phát triển rất tốt đẹp và nhất trí các biện pháp thúc đẩy quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam – Ấn Độ, tăng cường các chuyến thăm và tiếp xúc cấp cao, đẩy mạnh hợp tác thương mại, đầu tư, nông nghiệp, y tế, hàng không, quốc phòng, an ninh; thúc đẩy hợp tác trên các diễn đàn đa phương, nhất là trong Năm Chủ tịch ASEAN 2020 của Việt Nam và trong dịp Việt Nam và Ấn Độ cùng giữ cương vị Uỷ viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Ấn Độ bày tỏ mong muốn tiếp tục hợp tác về dầu khí với Việt Nam trên Biển Đông. Hai bên khẳng định lập trường chung về Biển Đông cam kết duy trì hoà bình, ổn định, tự do và an ninh hàng hải, giải quyết các vấn đề trên biển bằng biện pháp hoà bình phù hợp với Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982.

Trong nhiều năm nay, Ấn Độ luôn là một trong những đối tác tin cậy của Việt Nam trong việc thăm dò, khai thác dầu khí ở Biển Đông. Ngay từ những năm 1980, Ấn Độ đã tiến hành các dự án khai thác năng lượng xa bờ ở Biển Đông với Việt Nam, trong đó có Công ty dầu khí ONGC Videsh Ltd (OVL) của Ấn Độ. OVL vào Việt Nam từ năm 1988 và đã có được giấy phép khai thác Lô 6.1. Đến năm 2006, công ty này được quyền thăm dò các Lô 127 và 128. Sau đó, Ấn Độ rút ra khỏi Lô 127 ở ngoài khơi Phú Khánh vì không tìm thấy dầu khí. Vào đầu những năm 2000, Trung Quốc đã phản đối vai trò của Ấn Độ trong liên doanh này. Tuy nhiên, Ấn Độ đã khẳng định quyền của công ty quốc doanh của nước này trong việc thực hiện dự án như một phần lợi ích kinh tế hợp pháp của Ấn Độ. Ấn Độ cũng bán tàu tuần duyên cho Việt Nam nhằm tăng cường năng lực tuần tra ven biển của Việt Nam. Các tàu chiến của Ấn Độ nhiều lần cập cảng Việt Nam và sẽ sử dụng hải quân để bảo vệ các cơ sở dự án liên doanh trên trong trường hợp bị đe dọa. Vào tháng 10/2014, nhân chuyến thăm Ấn Độ của Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng, hai bên đã ký Thỏa thuận Hợp tác giữa OVL và PetroVietnam về các dự án thăm dò dầu khí mới tại Việt Nam. OVL đã quyết định lần thứ 3 gia hạn giấy phép thăm dò tại Lô số 128, khu vực mà Trung Quốc cũng đòi chủ quyền, nhằm duy trì lợi ích chiến lược của Ấn Độ tại Biển Đông. Việt Nam khẳng định Lô 128 nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam theo UNCLOS. Trước đó, vào năm 2011, Bắc Kinh đã cảnh báo phi lý OVL rằng, “các hoạt động thăm dò của công ty này ở bờ biển ngoài khơi Việt Nam là phi pháp và vi phạm chủ quyền Trung Quốc”, song OVL vẫn tiếp tục hoạt động thăm dò dầu khí tại vùng biển này.

ONGC từng tiết lộ dù bị Trung Quốc gây sức ép, song vẫn tiếp tục tiến hành thăm dò dầu khí trong vùng thềm lục địa của Việt Nam là do không có tàu lớn ra vào lô 127 và 128 mà Ấn Độ đang khai thác trong một thời gian dài; Tòa quốc tế ra phán quyết Trung Quốc vi phạm luật quốc tế. Nếu xảy ra đụng độ trong khu vực, cộng đồng quốc tế sẽ xem xét việc này một cách nghiêm túc.

Hiện OVL đang giữ 45% cổ phần trong Lô 6.1, cách bờ biển Việt Nam 375km. Rosneft Vietnam BV nắm 35% và Petro Vietnam nắm giữ 20% còn lại. OVL đã hoàn thành khảo sát giai đoạn 1 tại Lô 128 khơi miền Trung Việt Nam do họ nắm 100% quyền điều hành. Việt Nam tiêu thụ gần ¼ sản lượng dầu khí của OVL, bao gồm 5,5 triệu tấn dầu và 3,3 tỷ mét khối khí trong giai đoạn 2014 – 2015.

Trong khi đó, Trung Quốc những năm gần đây luôn tìm cách ngăn chặn, cản trở các công ty dầu khí của Ấn Độ hợp tác thăm dò, khai thác dầu khí trong vùng biển của Việt Nam.

Đáng chú ý, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng (11/1/2018) cho rằng Bắc Kinh không phản đối việc phát triển quan hệ song phương bình thường giữa các nước láng giềng của Trung Quốc, nhưng “cực lực phản đối các bên liên quan dùng điều đó làm cớ để xâm phạm quyền lợi chính đáng của Trung Quốc tại Biển Đông và tác hại đến hòa bình và ổn định trong khu vực”. Tuyên bố trên của ông Lục Khảng là nhằm “chỉ trích” và ngăn cản các công ty của Ấn Độ thăm dò dầu khí trong vùng biển của Việt Nam.

Được biết, đây không phải lần đầu tiên Trung Quốc lên tiếng phản đối Ấn Độ đầu tư vào lĩnh vực dầu khí tại khu vực Biển Đông. Trong những năm qua, Bắc Kinh luôn phản đối hoạt động thăm dò của Tập đoàn Dầu Khí Ấn Độ (ONGC) tại những lô thuộc Việt Nam tại Biển Đông. Người phát ngôn bộ Ngoại giao Trung Quốc Khương Du (15/9/2011) từng tuyên bố rằng “Trung Quốc được hưởng chủ quyền không thể tranh cãi trên Biển Đông và các hải đảo. Vị trí của Trung Quốc là dựa trên những sự kiện lịch sử và luật pháp quốc tế. Chúng tôi phản đối bất kỳ quốc gia nào tham gia vào các hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí tại vùng biển thuộc thẩm quyền của Trung Quốc”. Tổng Vụ phó Vụ Châu Á, Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoàng Lệ Nhàn (04/06/2015) cũng từng “nhắc” Ấn Độ không thể tiến hành thăm dò dầu khí tại những nơi có tranh chấp ở Biển Đông.

BDN

Aufrufe: 102

Related Posts