Berlin (EAST SEA) Thứ Tư, Tháng Chín 4th, 2019 / 11:33

Năng lượng và hiệu quả: Hợp tác Nga – Việt trên đà phát triển

Nga có lợi khi thể hiện tiềm năng và kinh nghiệm hòa giải ở Đông Nam Á

Sự gia tăng hiện diện của Nga tại phía Đông, đặc biệt là ở khu vực Đông Nam Á không phải là sự phô diễn đối với phương Tây sau sự kiện năm 2014, mà là nhu cầu cần thiết nhằm đẩy mạnh hội nhập với các nước trong khu vực này, thậm chí đây còn là nhu cầu của thời đại. Mặc dù cách đây không lâu Nga dường như có ý định trông chờ cho quan hệ phức tạp với EU và Mỹ tại châu Á qua đi, để sau đó quay trở lại hướng này.

Việt Nam – đối tác chiến lược của chúng ta là một trong những ví dụ điển hình và rõ nét về việc Nga củng cố sự hiện diện tại châu Á. Nga cùng với Việt Nam đang phối hợp triển khai nhiều hướng hợp tác kinh tế, gồm cả hợp tác hiệu quả trong lĩnh vực khai thác dầu khí.

Đương nhiên, châu Á cũng có những vấn đề lớn của riêng mình, có hệ thống những kiềm chế và đối trọng quốc tế, có cạnh tranh đặc biệt của mình, chưa kể tới tình hình tranh chấp lãnh thổ căng thẳng tại Biển Đông – cụ thể là các bãi đá ngầm.

Do đó, việc thiết lập quan hệ hợp tác Nga – Việt trong giai đoạn lịch sử mới không hề đơn giản. Tuy nhiên, các nhiệm vụ, vấn đề trước mắt sẽ được giải quyết dần dần, và hiện nay có thể nói rằng, cùng với sự hỗ trợ của đối tác tin cậy Việt Nam, Nga sẽ tìm được vị trí xứng đáng trong bản đồ năng lượng khu vực Đông Nam Á, đồng thời hỗ trợ hiệu quả cho các đối tác tin cậy của mình tại đây.

Một trong những minh chứng thuyết phục nhất cho các thành tựu này là lời cảm ơn chính thức của Tổng thống Nga V.Putin dành cho Giám đốc công ty Rosneft Việt Nam B.V. Hoàng Vũ Nam vì những đóng góp trong phát triển tổ hợp nhiên liệu – năng lượng. Công ty con của Rosneft đã thực hiện khoan công nghệ cao trên thềm lục địa Việt Nam, tạo điều kiện đưa việc cung cấp nguyên liệu thiên nhiên lên tầm cao mới, góp phần thúc đẩy ổn định và an ninh khu vực nói chung.

Bởi vậy, lãnh đạo cấp cao của Nga ghi nhận việc hợp tác không chỉ đơn thuần là giải quyết nhiệm vụ kinh tế, mà rộng hơn là nhiệm vụ chính trị chiến lược. Từ năm 2016, giếng khoan thăm dò đầu tiên được thực hiện trên thềm lục địa Việt Nam, và chỉ sau một thời gian ngắn, công trình này đã chuyển sang hoạt động quy mô công nghiệp.

Đồng thời, giới truyền thông Nga cũng nhận định, Nga đang tập trung đẩy mạnh hợp tác kinh tế, hội nhập đa phương và giảm đối đầu. Chính định hướng này góp phần củng cố lòng tin, mang lại hiệu quả kinh tế cho nhau. Điều này đã được thảo luận tại Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN tại Bangkok gần đây, trong đó bao gồm vấn đề Biển Đông.

Lợi thế cho sự hiện diện của Nga tại khu vực đó là Nga không phải là một bên tranh chấp trong các vấn đề nội bộ khu vực như ở Biển Đông. Do đó, Nga không chỉ có vai trò kinh tế mà còn giữ vai trò hòa giải. Theo đó, không nên coi Nga là cường quốc ngoài khu vực, bởi phần lớn diện tích lãnh thổ của chúng ta nằm ở châu Á.

Ngoài ra, nếu xem xét kỹ tình hình khu vực giàn khoan thềm lục địa, thì Nga là nhân tố duy nhất đảm bảo duy trì cân bằng lực lượng khu vực, không để căng thẳng chính trị leo thang và quân sự hóa, gồm cả duy trì giao thông vận tải tại khu vực Biển Đông và tự do hàng hải. Việc các tàu thuyền bị đốt cháy, may chưa phải là tàu quân sự, là dấu hiệu bạo lực gây bất ổn khu vực Biển Đông. Trong khi đó, Việt Nam đang có đóng góp lớn trong việc duy trì ổn định.

Nói đơn giản hơn, Nga không nên né tránh việc đánh giá các xung đột lãnh thổ khu vực, mà thậm chí còn có thể củng cố uy tín địa chính trị khi thể hiện kinh nghiệm và tiềm năng hòa giải của mình tại đây. Rõ ràng, việc tìm kiếm  cân bằng khu vực là quan trọng đối với Trung Quốc. Nếu thiếu đối trọng này, yếu tố hải quân Mỹ sẽ trở thành vấn đề lớn đối với Bắc Kinh.

Cần phải hiểu, nếu không giải quyết các vấn đề lãnh thổ nêu trên giữa các bên liên quan, thì về nguyên tắc sẽ không đạt được bất cứ sự phát triển kinh tế nào. Sớm hay muộn, một nền kinh tế như vậy sẽ rơi vào bế tắc. Do đó, thỏa hiệp với nhau là cách duy nhất thoát khỏi tình hình hiện nay, một tình hình mà có thể dẫn tới chiến tranh thế giới tại châu Á.

Theo quan điểm của mình, Nga luôn tuân thủ nghiêm ngặt nguyên tắc pháp luật quốc tế, Công ước LHQ về Luật biển năm 1982, Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông và toàn bộ điều lệ trong các văn bản liên quan, cũng như hỗ trợ thúc đẩy quá trình soạn thảo Bộ Quy tắc ứng xử có giá trị pháp lý bắt buộc tại Biển Đông.

Nga hiểu rằng các văn bản pháp lý, đáng tiếc, không phải lúc nào cũng giải quyết tình hình thực tế. Chính vì vậy, các văn bản cần được hoàn thiện bởi quốc gia uy tín, có thể kiểm soát việc tuân thủ và thực hiện. Rõ ràng, Nga có phẩm chất này. Có nghĩa là Nga có thể củng cố vai trò và uy tín tại khu vực khi xây dựng hình thức hợp tác cụ thể với Việt Nam, nếu không, các sự cố sẽ xảy ra thường xuyên hơn đối với các công ty khai thác Nga – Việt tren Biển Đông như những gì xảy ra với Rosneft cách đây không lâu.

Các nhà tự do cấp tiến, bao gồm cả ở Nga cố gắng thuyết phục cộng đồng về việc kinh tế phải đi trước chính trị. Tuy nhiên, thực tế thì không vậy. Bởi vì nếu không giải quyết các vấn đề chính trị thì kinh tế không thể phát triển tối đa. Và nếu chúng ta nói về việc thúc đẩy hợp tác giữa Nga – Việt, sự hiện diện của Nga tại châu Á nói chung thì cần phải xóa bỏ những cản trở không thể tránh khỏi trong công cuộc này.

Hy vọng rằng, với các đối tác lâu năm như Việt Nam và các thành viên khác trong khu vực kinh tế đang phát triển châu Á, các vấn đề hiện tại sẽ được giải quyết trên cơ sở cùng có lợi./.

          Grigory Trofimchuk – chuyên gia trong lĩnh vực chính sách đối nội – đối ngoại, quốc phòng và an ninh; hiện là Chủ tịch Hội đồng chuyên gia thuộc Quỹ hỗ trợ nghiên cứu khoa học “Ý tưởng Á – Âu” (Nga).

          Bài viết trên được đăng trên báo điện tử của hãng thông tấn Realist của Nga ngày 12/8/2019.

Aufrufe: 74

Related Posts