Berlin (EAST SEA) Thứ Sáu, Tháng Mười Một 8th, 2019 / 21:30

Hội nghị Bộ trưởng Pháp ngữ lần thứ 36: Việt Nam chỉ trích, lên án hoạt động phi pháp của TQ ở Biển Đông

Phát biểu tại Hội nghị Bộ trưởng Pháp ngữ lần thứ 36 (30-31/10), tại Công quốc Monaco, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Pháp Nguyễn Thiệp bày tỏ quan ngại trước những bất ổn gần đây tại Biển Đông do các hành động cải tạo và tôn tạo đảo đá, quân sự hóa, vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền trong các vùng biển của Việt Nam được xác định bởi UNCLOS.

Hội nghị Bộ trưởng Pháp ngữ lần thứ 36 với sự tham dự của hơn 80 đoàn các nước và vùng lãnh thổ là thành viên và quan sát viên của Tổ chức quốc tế Pháp ngữ (OIF). Đoàn Việt Nam do Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Pháp Nguyễn Thiệp dẫn đầu tham dự Hội nghị.

Hội nghị diễn ra trong bối cảnh thế giới và Cộng đồng Pháp ngữ tiếp tục phải đối mặt với nhiều thách thức như bất ổn, khủng bố, di cư, biến đổi khí hậu… Bên cạnh đó, trước thềm kỷ niệm 50 năm ra đời Tổ chức quốc tế Pháp ngữ (1970-2020), các nước cũng kỳ vọng Pháp ngữ có đóng góp hơn nữa trong việc giải quyết những thách thức toàn cầu. Với chủ đề “Hòa giải giữa nhân loại và hành tinh: những triển vọng trong không gian Pháp ngữ”, Hội nghị là dịp để các nước trao đổi về định hướng hợp tác ưu tiên và việc cải tổ quản trị của Pháp ngữ trong thời gian tới, nhằm đưa Pháp ngữ thành một tổ chức hợp tác hiệu quả, đáp ứng tốt hơn yêu cầu của các nước thành viên, dựa trên nền tảng tiếng Pháp và sự chia sẻ các giá trị chung là đoàn kết, hợp tác và chia sẻ. Chính vì vậy, việc tăng cường hợp tác và phối hợp giữa các nước thành viên trong khuôn khổ Pháp ngữ và thông qua cách tiếp cận của Pháp ngữ nhằm giải quyết khủng hoảng, chống khủng bố, ứng phó với biến đổi khí hậu, thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, đảm bảo bình đẳng giới, hợp tác trong các lĩnh vực số, văn hóa và ngôn ngữ… là nội dung được quan tâm xuyên suốt trong thảo luận tại Hội nghị.

Hội nghị đã thông qua bốn Nghị quyết về đại dương, về vai trò của đổi mới, sáng tạo trong thúc đẩy khoa học, giáo dục và kinh tế số, về kỷ niệm 30 năm Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em và về kỷ niệm 50 năm sự ra đời Tổ chức quốc tế Pháp ngữ.

Phát biểu tại Hội nghị, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Cộng hòa Pháp Nguyễn Thiệp bày tỏ hoan nghênh những nỗ lực và đóng góp của OIF trong thời gian qua, khẳng định sự ủng hộ của Việt Nam đối với những nỗ lực chung của Cộng đồng, đặc biệt trong việc thúc đẩy hợp tác kinh tế, tăng cường kết nối giữa các khu vực, đặc biệt là châu Phi và ASEAN, hợp tác trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo, phát triển bền vững cũng như việc cải cách quản trị và phương thức hoạt động …

Liên quan vấn đề Biển Đông, Đại sứ Nguyễn Thiệp bày tỏ quan ngại của Việt Nam trước những bất ổn gần đây tại Biển Đông do các hành động cải tạo và tôn tạo đảo đá, quân sự hóa, vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền trong các vùng biển của Việt Nam được xác định bởi Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982, kêu gọi các bên liên quan ở Biển Đông kiềm chế, giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982, thực hiện đầy đủ Tuyên bố về ứng xử tại Biển Đông của các bên (DOC), thúc đẩy đàm phán sớm đạt được Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC). Đại sứ Nguyễn Thiệp cũng kêu gọi Cộng đồng Pháp ngữ tiếp tục có tiếng nói khách quan và ủng hộ nỗ lực của các bên liên quan nhằm đưa Biển Đông thành khu vực hòa bình, ổn định và hợp tác.

Trước đó, tại Hội nghị Cấp cao Pháp ngữ lần thứ 17 của Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ (OIF, 12/10/2018) với chủ đề “Cùng chung sống trong đoàn kết, cùng chia sẻ các giá trị nhân văn và tôn trọng đa dạng: Cội nguồn hòa bình và thịnh vượng trong không gian Pháp ngữ” đã bế mạc tại thủ đô Yerevan của Armenia. Trong các phiên thảo luận toàn thể, hội nghị tập trung vào các vấn đề an ninh, chính trị quốc tế và tại các nước Pháp ngữ, các chiến lược, chương trình và biện pháp nhằm thúc đẩy các giá trị chung gắn kết các nước Pháp ngữ như hòa bình, đoàn kết, tôn trọng đa dạng, hợp tác, phát triển. Hội nghị cũng dành một phiên để trao đổi về vai trò và đóng góp của Pháp ngữ đối với hệ thống đa phương trong việc giải quyết những thách thức về an ninh và kinh tế, đảm bảo hòa bình, ổn định và phát triển bền vững. Hội nghị đã ra Tuyên bố chung Yerevan, trong đó tái khẳng định sự gắn bó của các nước thành viên đối với tiếng Pháp, nền tảng của Cộng đồng Pháp ngữ, và đối với việc tôn trọng đa dạng văn hóa và ngôn ngữ; khẳng định lại cam kết của cộng đồng trong việc thúc đẩy một trật tự quốc tế bình đẳng, công bằng, dựa trên mục đích và nguyên tắc của Hiến chương Liên hợp quốc, giải quyết hòa bình các cuộc khủng hoảng và xung đột trong không gian Pháp ngữ, khuyến khích đối thoại, trung gian và hòa giải để đạt được một giải pháp cho các cuộc khủng hoảng và xung đột này; ủng hộ sự tham gia hơn nữa của phụ nữ trong việc phòng ngừa và giải quyết xung đột. Trong Nghị quyết về ngăn ngừa khủng hoảng, xung đột và củng cố hòa bình trong không gian Pháp ngữ, lãnh đạo nhà nước và chính phủ các nước Pháp ngữ đã tiếp tục đề cập đến vấn đề Biển Đông, bày tỏ lo ngại về tình hình Biển Đông trong thời gian qua, kêu gọi các bên liên quan kiềm chế, không sử dụng hay đe dọa sử dụng vũ lực, đảm bảo an toàn và tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông. Lãnh đạo nhà nước và chính phủ các nước Pháp ngữ cũng kêu gọi giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982, tôn trọng các tiến trình ngoại giao, pháp lý, Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông, sớm đạt được Bộ Quy tắc thực chất và có hiệu lực về ứng xử của các bên ở Biển Đông.

Được thành lập vào năm 1970, OIF hiện có 88 nhà nước và vùng lãnh thổ thành viên. Việt Nam là thành viên tích cực và đóng vai trò quan trọng của OIF tại châu Á-Thái Bình Dương. Từ đó đến nay, quan hệ giữa Việt Nam và Cộng đồng Pháp ngữ ngày càng được cải thiện và phát triển. Trước đó, phần lớn các nước Pháp ngữ đều ủng hộ tích cực cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc trong thế kỷ 20 và coi ta là biểu tượng của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Trong hơn 30 năm qua, đặc biệt trong thời kỳ bị bao vây, cấm vận, Việt Nam đã tranh thủ được nhiều sự giúp đỡ, hỗ trợ quý báu của Cộng đồng Pháp ngữ về nguồn vốn, chất xám, kỹ thuật… Đồng thời, Cộng đồng Pháp ngữ là diễn đàn để Việt Nam triển khai chính sách đối ngoại, là kênh để tranh thủ tăng cường quan hệ song phương với một số thành viên phát triển như Pháp, Canada… hay với các nước bạn bè châu Phi truyền thống.

Việt Nam nhiều lần được Cộng đồng tín nhiệm bầu vào các cương vị quan trọng như Chủ tịch Hội đồng thường trực (CPF) năm 1996, Chủ tịch Hội nghị Bộ trưởng (CMF) nhiệm kỳ 1996-1997, Chủ tịch Hội nghị Cấp cao nhiệm kỳ 1997-1998, Phó Chủ tịch Ban Tài chính và Hành chính thuộc CPF hai nhiệm kỳ (2009-2011 và 2011-2013), Chủ tịch Ủy ban Hợp tác và Chương trình của CPF (2013-2015), thành viên Hội đồng quản trị của Cơ quan đại học Pháp ngữ (2013-2017 và 2017-2021), Chủ tịch Mạng lưới các Đại diện quốc gia phụ trách Pháp ngữ của khu vực châu Á-Thái Bình Dương (RESIFAP) nhiệm kỳ đầu tiên từ 2013-2016. Không những vậy, Việt Nam tham dự hầu hết các khóa Đại hội đồng của Liên minh Nghị viện Pháp ngữ (APF) và tham gia tích cực các hoạt động trong khuôn khổ Đại hội đồng. Được sự tín nhiệm của các Phân ban thành viên APF, Việt Nam đã được bầu làm Phó Chủ tịch APF ba nhiệm kỳ (2007-2009, 2009-2011, 2013-2015) và đã đảm nhiệm vai trò Chủ tịch Vùng châu Á-Thái Bình Dương nhiệm kỳ 2015-2017.

BDN

Aufrufe: 39

Related Posts