Berlin (EAST SEA) Chủ Nhật, Tháng Mười Một 17th, 2019 / 14:51

Hiệu ứng tiêu cực cho luật pháp quốc tế nếu Trung Quốc tạo được tiền lệ ở biển Đông

Bill Hayton – một ký giả, đồng thời là nhà nghiên cứu chính trị quốc tế tại viện Chatham House (London, Anh) vừa qua đã có một bài viết đăng tải trên trang Friendofeurope.org với tựa đề “Sự hiện diện của Trung Quốc ở Biển Đông có làm gia tăng căng thẳng với các nước láng giềng nhỏ?”. Nội dung của bài viết lên án hành vi vi phạm luật pháp quốc tế của Trung Quốc, cảnh báo về nguy cơ sụp đổ của luật pháp quốc tế nếu để Trung Quốc phá luật ở Biển Đông, đồng thời khuyến nghị EU cần phân biệt rõ việc bảo vệ chủ quyền chính đáng của các quốc gia ở Đông Nam Á với hành vi xâm phạm lãnh thổ của Trung Quốc để từ đó có chính sách phù hợp.

Chuyên gia Bill Hayton, Viện nghiên cứu Chatham, Vương quốc Anh

Trung Quốc muốn biến “không” thành “có”

Mở đầu bài viết, Bill Hayton chỉ dẫn các hành động và tuyên bố đầy tính bất chấp luật pháp quốc tế của Trung Quốc thời gian qua với mục đích đòi quyền khai thác chung, đòi phân chia tài nguyên biển với các láng giềng Đông Nam Á trong chính vùng đặc quyền kinh tế của họ.

Kể từ tháng 5/2019, Trung Quốc liên tục đưa tàu thăm dò và tàu bảo vệ xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của các nước Đông Nam Á, quấy rối và cản trở các hoạt động khai thác dầu khí trên Biển Đông của các quốc gia này. Cùng với đó, Trung Quốc cố gắng tạo ra sức ép buộc Malaysia đồng ý khai thác chung trên biển. Các hành vi của Trung Quốc đã làm ảnh hưởng lớn đến hoạt động của các công ty đang hợp tác khai thác dầu khí như Shell (Anh/Hà Lan) và Repsol (Tây Ban Nha). Điều này còn đe dọa đến an ninh – kinh tế năng lượng của Việt Nam, Indonesia, Malaysia, Brunei và Philippines.

Trong Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN – Trung Quốc diễn ra tại Bangkok ngày 31/7/2019, Ngoại trưởng Vương Nghị tuyên bố rằng các vụ va chạm xảy ra tại vùng biển “tranh chấp” giữa Trung Quốc và các nước – trong khi thực tế đó là những xâm phạm của Trung Quốc vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và Malaysia. Học giả Bill Hayton cho rằng, bằng cách đánh tráo khái niệm như vậy, ông Vương Nghị muốn đưa đến một kết luận: Trung Quốc cũng có những quyền tương tự Việt Nam hay Malaysia đối với các nguồn tài nguyên ở vùng biển vốn thuộc Vùng đặc quyền kinh tế của các nước đó.

Thế nhưng, ông Vương Nghị không thể đưa ra căn cứ cho các tuyên bố của mình. Ngày 18/9, khi được hỏi về những vụ đụng độ gần nhất, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng nói rằng, Trung Quốc có “quyền chủ quyền và quyền tài phán với các vùng biển liên quan”, nhưng lại không chỉ ra “liên quan” nghĩa là gì.

Sự vi phạm luật pháp quốc tế của Trung Quốc là quá rõ ràng

Chuyên gia Bill Hayton lập luận: “Trung Quốc và các nước láng giềng ở phía Nam đang trong một tranh chấp khu vực, nhưng ý nghĩa mang tầm quốc tế. Luật pháp quốc tế – nền tảng cho việc giữ gìn trật tự ổn định của thế giới đang bị đe dọa nghiêm trọng. Đó là việc các quốc gia có thể sẽ không còn tôn trọng các hiệp ước mà chính họ đã đặt bút ký vào.

Trung Quốc phê chuẩn Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS) vào năm 1996 và chịu ràng buộc bởi các quy định trong đó. UNCLOS đã cụ thể hóa vấn đề chủ quyền biển bằng cách trao những đặc quyền quản lý cho các quốc gia ven biển trong phạm vi 200 hải lý (trong khoảng 400km) kể từ đường bờ biển của họ (gọi là Vùng đặc quyền kinh tế – EEZ).

Bờ biển của Trung Quốc nằm cách khu vực tranh chấp tới hơn 1000 km nhưng họ lại tuyên bố đó là vùng biển của mình. Họ đưa ra cách lập luận là khu vực này gần với quần đảo Trường Sa (vốn là của Việt Nam). Với cách lập luận này Trung Quốc cũng hoàn toàn sai bởi trong phán quyết tháng 7/2016, Tòa Trọng tài Quốc tế PCA đã tuyên bố rằng, không có thực thể nào ở quần đảo Trường Sa có thể xem là đảo hoàn chỉnh. Chúng quá nhỏ và không thể duy trì sự sống của con người trong một khoảng thời gian, vì vậy những thực thể này không thể tạo thành EEZ.

Chuyên gia Bill Hayton cho rằng, các luật lệ và thỏa thuận quốc tế là thành tố tối quan trọng đối với việc duy trì hòa bình trên toàn thế giới. Nếu tại một nơi nào đó, những trật tự này bị phá bỏ, đồng nghĩa với việc luật pháp quốc tế sẽ bị suy yếu đi trên toàn cầu. Nếu Trung Quốc tiếp tục xem thường UNCLOS, các nước khác có thể cũng sẽ quyết định phá vỡ tính tự kiềm chế mà luật lệ quốc tế đã tạo nên. Kết quả là luật pháp sẽ dần bị suy yếu và bất lực trước những vũ lực, đe dọa sức mạnh.

EU cần thể hiện vai trò bảo vẹ luật pháp quốc tế ở Biển Đông

Trước nguy cơ luật pháp quốc tế đang có nguy cơ bị xói mòn từ cách hành xử của Trung Quốc ở Biển Đông, Bill Hayton khuyến nghị EU cần có những động thái rõ ràng, quyết liệt.

Trước hết EU cần thể hiện rõ quan điểm ủng hộ chủ quyền của các quốc gia ven biển trong phạm vi EEZ đã được quy định trong UNCLOS, mà cụ thể là họ được làm chủ nguồn tài nguyên trong vùng EEZ của họ. EU cần phân biệt rõ sự khác nhau về bản chất giữa hành động vi phạm chủ quyền và hành động bảo vệ chủ quyền, để từ đó điều chỉnh chính sách cho phù hợp.

Dù vậy, theo Bill Hayton việc điều động các tàu hải quân đến tuần tra tại Biển Đông lúc này chưa phải là một hành động hợp lý. Thay vào đó, EU có nhiều cách để ủng hộ quyền của các quốc gia ven biển đối với EEZ của họ. EU có thể yêu cầu các công ty nhập khẩu hải sản, năng lượng và các nguồn tài nguyên biển khác vào EU phải chứng minh được nguồn gốc khai thác hợp pháp. EU cũng có thể trừng phạt các công ty và quan chức vi phạm EEZ của nước khác, đánh bắt cá, thăm dò và khai thác dầu khí ở đó.

Với hệ thống vệ tinh và viễn thám hiện đại, EU có thể thu thập thông tin cụ thể về những hành vi vi phạm chủ quyền ở Biển Đông. Đồng thời cung cấp các thông tin tình báo hỗ trợ cho lực lượng cảnh sát biển và ngư dân các quốc gia ven biển vì sự an toàn và tăng cường ý thức về lãnh hải trong các  hoạt động của họ.

Ở một mức độ cao hơn, EU cũng có thể nghĩ đến việc triển khai các phương tiện để bảo vệ các quốc gia có EEZ. Khi một quốc gia ven biển thực thi hành động hợp pháp trong vùng EEZ hợp pháp của họ, EU có thể cử tàu hải quân quan sát và công bố các vi phạm và thậm chí có thể có hành động can thiệp hợp lý nếu xảy ra xung đột. Vào thời điểm này, EU chỉ nên sử dụng uy tín của mình như một định chế xây dựng luật pháp để khuyến khích các hành vi tốt và chỉ đích danh, có biện pháp trừng phạt những hành vi xấu trong các diễn biến ở Biển Đông.

Ngày 28/8/2019, Bộ ngoại giao Đức đã phát Tuyên bố chung của Pháp, Đức, Anh về “quan ngại về tình hình ở Biển Đông, vốn có thể dẫn đến mất an ninh và căng thẳng trong khu vực”. Nội dung của tuyên bố nêu rõ các bên ở Biển Đông cần “thực hiện những bước đi và biện pháp làm giảm căng thẳng, đóng góp vào việc duy trì và thúc đẩy hòa bình, an ninh ổn định, an toàn trong khu vực, bao gồm cả quyền của các nước ven biển trong vùng biển của họ cũng như quyền tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông”.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ấn Độ Raveesh Kumar phát biểu trong một buổi họp báo ngày 29/8/2019 nêu rõ: “Biển Đông là một phần của lợi ích chung toàn cầu. Ấn Độ có những lợi ích liên quan tới hòa bình và ổn định tại khu vực”, đồng thời khẳng định Ấn Độ kiên quyết ủng hộ tự do hàng hải và đường biển, các hoạt động giao thương hợp pháp không bị cản trở trong vùng biển quốc tế theo luật quốc tế, đặc biệt là UNCLOS.

Tại phiên điều trần về chính sách của Mỹ tại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương ngày 18/9/2019, Thượng nghị sĩ James Risch, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ, cho rằng Mỹ phải hành động, đặc biệt trong bối cảnh Trung Quốc có các hành động gây hấn trong Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam./.

Vũ Kê

Aufrufe: 224

Related Posts