Berlin (EAST SEA) Thứ Tư, Tháng Một 8th, 2020 / 04:53

Nhìn lại cuộc chiến Iraq 2003: Học thuyết “can thiệp và phủ đầu” của Mỹ

Các nước lớn như Mỹ thường có các học thuyết làm nền tảng, cơ sở biện hộ cho các hoạt động quân sự, ngoại giao của mình ở nước ngoài. Trước thềm cuộc xâm lược Iraq 2003 với cái cớ là phá hủy vũ khí hóa học của chính quyền Saddam Husein, chính quyền Mỹ đã đưa ra và phát triển một loạt lý luận biện minh cho học thuyết “can thiệp và phủ đầu”.

  1. Học thuyết “can thiệp và phủ đầu”

Ngày 29.1.2002, Tổng thống George Bush (con) trước Quốc hội Mỹ lần đầu tiên dùng cụm từ “trục ma quỷ” để chỉ một số nước như Triều Tiên, Iran, Syria, những nước được cho là có vũ khí hóa học, tiếp tay khủng bố, có quan hệ với Al Qaeda và đe dọa hòa bình thế giới.

Ngày 1.6.2002, tại Học viện quân sự West Point, ông Bush đưa ra luận điểm tiếp theo về khả năng “can thiệp phòng thủ và đánh đòn phủ đầu” ở bất kì nơi nào trên thế giới nhằm bảo vệ quyền lợi Mỹ. Điểm nhấn của học thuyết này là cho phép Mỹ “tiến hành những hành động chiến đấu bằng việc sử dụng không lực bất ngờ, thậm chí ngay cả khi không có tình trạng chiến tranh chính thức giữa Mỹ và các nước là đối tượng tấn công và cũng không cần thông báo trước cho họ”.

Tiếp đó, Mỹ công bố danh sách cái gọi là “rogue states” (những quốc gia cứng đầu) gồm Iran, Iraq, Triều Tiên, Sudan. Sau đó Mỹ thay “rogue states” bằng “states of concern” (những nước đáng lo ngại). Với cách hiểu của giới cầm quyền Mỹ, việc sử dụng vũ lực chống lại các nước này là điều được phép kể cả khi giữa hai bên không có xung đột trực tiếp.

Cũng trong năm 2002, Trợ lý An ninh quốc gia Mỹ Condoleezza Rice đề cập đến chiến lược thay đổi chế độ ở Trung Đông, bản chất là bằng cách gây áp lực, kể cả với biện pháp mạnh  nhằm hạ bệ quyền lực của chính quyền mà Mỹ coi là mối đe dọa với an ninh thế giới.

Những lập luận của Mỹ thực tế là sự tiếp nối và cải biên khái niệm “can thiệp nhân đạo”, được Mỹ dùng làm cái cớ cho cuộc chiến Nam Tư 1996-1999. “Can thiệp nhân đạo” không chỉ được thực hiện thông qua sử dụng vũ lực, mà còn bao gồm cả các hoạt động can thiệp không sử dụng vũ lực, như: chính trị, ngoại giao, kinh tế… Trước và sau cuộc chiến Iraq 2003, cách diễn giải của Mỹ cho thấy Mỹ tự cho mình quyền can thiệp với lý do mở rộng hơn cái gọi là “can thiệp nhân đạo”. Chỉ cần một quốc gia bị kết luận là đe dọa lợi ích an ninh của Mỹ là Mỹ can thiệp.

  1. Những hành động can thiệp của Mỹ ở nước ngoài trước năm 2003

Năm 2002, Mỹ triển khai chiến dịch chống Taliban tại Afghanistan. Thắng lợi tương đối của cuộc chiến này khiến chính quyền Mỹ khẳng định thêm ý kiến rằng có thể dùng biện pháp quân sự để loại bỏ các chính phủ không thân thiện đối với Mỹ tại những điểm quan trọng trên thế giới về kinh tế và chiến lược-quân sự đối với Mỹ.

Trước đó, tháng 12/1998, Mỹ cùng Anh tiến hành chiến dịch “Con cáo sa mạc” bằng 420 quả tên lửa nhằm “trừng trị” Iraq. Lý do của Mỹ là Iraq không thỏa mãn các yêu cầu của thanh sát viên Liên hợp quốc về vũ khí giết người hàng loạt. Bất chấp sự phản đối của Pháp, Nga tại Hội đồng Bảo an, Mỹ và Anh vẫn đơn phương triển khai chiến dịch tấn công Iraq.

Tên lửa Mỹ trong chiến dịch “Cáo sa mạc”

Trong tháng 8/1998, dưới thời chính quyền Bill Clinton, Mỹ phóng hàng loạt tên lửa nhằm vào Sudan và Afghanistan để tiêu diệt các nhà máy dược phẩm của Sudan, nơi Mỹ “cho là” đang sản xuất vũ khí hóa học, và tiêu diệt những phần tử khủng bố tại Afghanistan.

Còn những năm 1980, dưới thời chính quyền Ronald Reagan, Libya đã phải chịu những trận bom “càn quét” của không lực Mỹ.

Có thể thấy, Mỹ luôn tự cho mình quyền can thiệp quy mô lớn vào công việc nội bộ của một nước có chủ quyền, sử dụng sức mạnh quân sự để chống lại các nước yếu mà bỏ qua sự đồng thuận của cộng đồng quốc tế.

Để biện minh cho hoạt động can thiệp, Mỹ và đồng minh cho rằng, trong trường hợp một quốc gia bị rơi vào nội chiến hoặc khi chính quyền sở tại áp bức người dân của chính nước họ thì các quốc gia khác không thể coi các nguyên tắc cơ bản của pháp lý quốc tế về tôn trọng chủ quyền và không can thiệp là bất khả xâm phạm. Với việc pháp điển hóa nhân quyền trong luật quốc tế, Mỹ đã đẩy khái niệm chủ quyền quốc gia xuống hàng thứ yếu. Để đảm bảo nhân quyền, theo họ, cần thiết phải giới hạn, thậm chí xâm phạm chủ quyền. Đây là những luận điểm một chiều của Mỹ, ảnh hưởng sâu sắc tới sự ổn định của các quốc gia có chủ quyền nói riêng, của nhiều khu vực trên thế giới nói chung./.

Phan An

Aufrufe: 282

Related Posts